Là một công ty truyền thông lớn tại khu vực ASEAN, Vero đã và đang nhận được rất nhiều thắc mắc và quan ngại từ các khách hàng — đến từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới — về cách thích nghi và trụ vững trước diễn biến căng thẳng leo thang của đại dịch COVID-19 hiện nay.
Tương tự như cách mà đại dịch SARS thúc đẩy tốc độ số hoá của Trung Quốc và biến quốc gia này thành một nền kinh tế điện tử hùng mạnh như hiện nay, chúng ta cũng có thể nhìn COVID-19 như một cột mốc tiềm năng để thay đổi cục diện nền kinh tế Việt Nam.
Anh Ngô Hồng Phúc, Trưởng phòng Phát triển chiến lược của Vero tại Việt Nam, chia sẻ đến độc giả Vietcetera những lời khuyên mà anh và đội ngũ đã tư vấn cho các khách hàng của mình trong thời gian qua.
Hiện giờ chúng ta nên làm gì?
Hãy hành động nhanh nhất có thể! Dù chưa có dấu hiệu rõ rệt, nhưng khả năng cao là doanh nghiệp của bạn đang gặp khủng hoảng về mặt truyền thông. Trong một bài viết gần đây, chúng tôi định nghĩa khủng hoảng là khi dây chuyền vận hành thường ngày của doanh nghiệp bị đình trệ.
COVID-19 đã đưa xã hội loài người vào một khủng hoảng lớn, các doanh nghiệp lại là một phần không thể tách rời của xã hội, vậy, tình trạng hiện tại có phải là một cuộc khủng hoảng kinh tế? Nếu không linh động ứng phó, bạn có thể sẽ bị bỏ lại phía sau. Vì thế, bạn cần phải xem xét lại nguồn lực của mình để đưa ra phương án phòng bị.
Một trong những khách hàng của chúng tôi hoạt động trong vùng bị ảnh hưởng bởi dịch, đã nhanh chóng thông báo tính khẩn cấp của tình hình đến khách hàng và đưa ra các giải pháp thay thế – chuyển đổi hình thức từ tập theo nhóm tại phòng tập sang hỗ trợ tập tại nhà, gửi đến thành viên những dụng cụ tập và video hướng dẫn trực tuyến.
Với những công ty lớn, sẽ rất khó để có thể linh động như vậy, nhưng vẫn nên xem xét lại toàn bộ khía cạnh của bộ máy vận hành để tìm ra những phương án thay đổi kịp thời.
Làm sao để xử lý khủng hoảng một cách có trách nhiệm?
Không doanh nghiệp nào có thể trụ vững một mình, tất cả đều phụ thuộc vào nhau để sống sót. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là hỗ trợ hết mình cho cộng đồng– những người đã luôn đóng góp vào sự tồn tại của doanh nghiệp. Chúng ta có thể:
Cục diện thay đổi, thế nên bạn không thể kỳ vọng doanh nghiệp vẫn vận hành một cách bình thường. Hãy mở rộng những phòng ban cần thiết và thu hẹp những bộ phận không quan trọng khác. Tập trung nguồn lực vào những khu vực chủ chốt.
Cho phép nhân viên làm việc tại nhà, và sẵn sàng hỗ trợ họ trước những rủi ro về sức khỏe. Đối với những nhân viên cần có mặt trực tiếp, hãy làm công tác kiểm tra để đảm bảo an toàn cho họ.
Trao đổi với nhân viên về những thứ mà doanh nghiệp đang làm, không nhằm mục đích tự tung hô mà thay vào đó là nâng cao mức độ cam kết. Cả truyền thông trong nội bộ và bên ngoài đều cần mang tính khích lệ và tận tâm.
Môi trường làm việc tại Vero vốn yêu cầu nhân viên phải đến văn phòng mỗi ngày, vì thường xuyên phải gặp gỡ và trao đổi với khách hàng. Đây là một điều kiện “thuận lợi” để virus lây lan nhanh chóng. Hiện tại, toàn bộ nhân viên đều được khuyến khích làm việc tại nhà. Số lượng các cuộc họp trực tiếp cũng được cắt giảm, chỉ giữ lại những cuộc họp thật sự quan trọng. Địa điểm của các buổi họp cũng được thay đổi, tránh những nơi đông người.
Time Out, trang tin tức nổi tiếng về du lịch với phương thức hoạt động xoay quanh việc đi khắp nơi và khám phá thế giới, đã kịp thời nhận ra những thay đổi trong ưu tiên của người dùng, và đổi tên thành TimeIn, đồng thời khuyến cáo độc giả ở nhà trong tình hình dịch bùng phát.
Thế nào là một giải pháp tích cực?
Đây không phải là thời điểm để tập trung vào lợi nhuận hay cạnh tranh với các đối thủ khác. Thay vào đó, hãy tập trung xây dựng các mối quan hệ bằng việc cung cấp cho khách hàng những gì mà họ cần, cũng như chu cấp đầy đủ cho nhân viên, mặc dù làm vậy đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến doanh thu.
Hãy phát huy thế mạnh của công ty bằng cách lồng ghép nó vào những giải pháp thiết thực và hữu ích cho cộng đồng. Nếu bạn nỗ lực và tích cực giải quyết các vấn đề, mọi người sẽ công nhận những gì bạn đang làm. Nhưng nếu lợi dụng tình cảnh để chuộc lợi về mình, doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với những chỉ trích và tai tiếng trong tương lai.
Các thước đo về trách nhiệm cộng đồng sẽ vô cùng hiệu quả nếu doanh nghiệp của bạn tận dụng thế mạnh để làm những điều tốt. Ví dụ là các trạm rửa tay công cộng tại ba thành phố lớn của Lifebuoy là một ví dụ tiêu biểu. Hay, vào ngày 15/02, Honda Việt Nam đã kêu gọi câu lạc bộ các thành viên khắp đất nước của Honda Winner Club đến và phân phát 345.000 chiếc khẩu trang cho các trường học và khu công nghiệp tại các tỉnh thành.
Trên “mặt trận” mạng xã hội, Milo cũng gợi ý cho phụ huynh các phương pháp giúp con em vẫn có thể vui chơi tuy phải ở trong nhà. Đó là những cách tiếp cận tuy đơn giản nhưng đi theo chiều hướng tích cực. Hoặc, Coca-Cola Việt Nam tạm ngừng hoạt động quảng cáo để quyên góp phần ngân sách này cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam–một nước cờ vô cùng thông minh.
Đừng “vỗ ngực xưng tên” cho những hành động mà bạn không làm, hoặc chỉ cần tuân thủ đúng công văn chỉ định cũng đã đáng để tuyên dương. Khách hàng của bạn xứng đáng để bạn hành động nhiều hơn vì họ. Nếu họ có thể trông cậy vào bạn trong lúc họ đang tìm kiếm sự giúp đỡ ở mọi nơi, thì bạn cũng sẽ có thể trông cậy vào họ trong tương lai.
Chúng ta có thể thay đổi những gì để chuẩn bị cho một môi trường kinh doanh mới?
Dự đoán trước những nhu cầu mà khách hàng của bạn có thể sẽ cần trong thời gian tới. Khi họ bắt đầu làm quen với một nếp sống mới, hãy sẵn sàng cung cấp cho họ trước cả khi họ yêu cầu.
Tại nhiều nơi trên thế giới, virus đã ảnh hưởng nặng nề đến phong cách sống, khiến hành vi tiêu dùng thay đổi chóng mặt, kèm theo sự biến mất của những dịch vụ không cần thiết. Những doanh nghiệp nào vẫn còn kết nối được với khách hàng–cả cũ và mới–đều sẽ là những chiến binh sống sót.
Chúng ta không biết được đại dịch sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc chắn khi nó kết thúc, thế giới sẽ không còn như trước. Hãy tận dụng thời gian này để tái thiết lập mô hình kinh doanh và sản phẩm của bạn để có thể phát triển lâu dài.
Vài năm trở lại đây, đã có rất nhiều doanh nghiệp dành thời gian để chuyển đổi các hoạt động chủ yếu lên nền tảng kỹ thuật số. Với những ai chưa thử hoặc còn chần chừ, đây sẽ là cơ hội để thay đổi định hướng và tập thích nghi với các ứng dụng công nghệ cao, đồng thời vẫn đáp ứng cho khách hàng những gì họ cần.
Ứng dụng xem phim trực tuyến đã phổ biến được một thời gian, nhưng bỗng chốc, thói quen xem phim rạp cũng không còn là lựa chọn của mọi người nữa. Nắm được tình hình, các đội ngũ làm phim đang phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất để công chiếu kịp thời, và các nhà dịch vụ chiếu phim cũng ra mắt nhiều loạt phim miễn phí cho khán giả. Đây là cách rất hay để thu hút người tiêu dùng trong lúc họ vẫn đang tìm kiếm những lựa chọn thay thế.
Giờ đây, khi nhiều cửa hàng đóng cửa, công ty bia TsingTao của Trung Quốc đã giới thiệu chương trình “Be A Distributor” (Trở Thành Nhà Phân Phối) trên kênh WeChat của mình, mời người dân mua sỉ bia và nhận hoa hồng từ tiền bán lẻ, thu hút 40,000 người tham dự trong ba ngày đầu.
Đây là một ví dụ về các cải tiến sử dụng công nghệ, và các tiềm năng trong việc thay từ mô hình B2C truyền thống đến hệ thống cộng đồng. Với sự phát triển của dịch vụ giao hàng và vận chuyển, đây có thể sẽ là mô hình đáng thử cho Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.
Quan điểm của anh Ngô Hồng Phúc, Trưởng phòng Phát triển chiến lược tại Vero — Digital Marketing & PR Agency tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar, chuyên cung cấp các giải pháp marketing tích hợp, PR và digital, hoạch định chiến lược, sáng tạo, và quan hệ truyền thông & Influencer.