Bí kíp giao tiếp khi bạn là người lạ duy nhất giữa đám người thân quen | Vietcetera
Billboard banner

Bí kíp giao tiếp khi bạn là người lạ duy nhất giữa đám người thân quen

Văn hoá tập thể giống như giao diện của một chiếc điện thoại thông minh - nếu giao diện không trực quan, ta phải bỏ thời gian để học và tối ưu thiết bị của mình.
Bí kíp giao tiếp khi bạn là người lạ duy nhất giữa đám người thân quen

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Bạn đã từng phải chuyển lớp hồi tiểu học, và sống giữa lũ bạn mới toanh nhưng không hề có “bè?” Bạn từng phải học lại từ đầu các nguyên tắc ở nơi làm mới, trong khi những người khác đã nắm rõ chúng trong lòng bàn tay? Hoặc như tôi, 25 tuổi, tạm biệt toàn bộ các mối quan hệ thân quen để đi học tiến sĩ ở nước ngoài?

Điểm chung của các trải nghiệm trên là những người ta chuẩn bị gặp đã biết nhau trước. Lũ trẻ chơi với nhau từ lớp 1 trong khi bạn chuyển đến vào lớp 4. Bạn chỉ biết sếp và phòng nhân sự - người tuyển bạn, trong khi cả phòng ban đã thông thạo đời sống tình cảm của từng người. Hoặc bạn vẫn đánh vật với format tiểu luận đầu khoá còn các đồng môn đã cùng vào sinh ra tử qua vài dự án.

Hiểu cơ cấu tổ chức và cách vận hành của nơi bạn chuẩn bị bước vào là thao tác cơ bản giúp bạn không lạc lối. Ngoài ra, bạn cần phải trở thành một phần của tập thể mới. Bài viết này tập trung vào khía cạnh hẹp hơn của việc làm quen: kỹ năng giao tiếp.

Đã đến giờ học phép xã giao!

Là người mới đến, chúng ta không thể kỳ vọng rằng tất cả mọi người sẽ ngay lập tức thích nghi với sự xáo trộn mà ta gây ra. Vì thế trong thời gian đầu, trước khi bạn phá được những lớp băng đầu tiên, hãy tuân thủ các nguyên tắc xã giao phổ biến.

Câu thần chú “cảm ơn-xin lỗi” hiệu nghiệm trong hầu hết mọi tình huống là một kiểu xã giao như thế. Và dù đúng-sai là nguyên tắc bắt buộc của công việc, hãy thể hiện quan điểm của mình bằng tinh thần khiêm tốn và ngôn từ dễ chấp nhận.

16oct2023intext1jpg
Networking cùng tập thể mới. | Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Lời cảm ơn, xin lỗi, cái cúi đầu, lời chào và tinh thần cầu tiến thể hiện nguyên tắc của bản thân - công việc là công việc, đời sống là đời sống. Nếu không đủ thân thì ta không nhất thiết phải lộn cả ruột gan ra ngoài hoặc để ai khác tự ý bước chân vào cuộc sống riêng tư. Phép xã giao ngầm thể hiện rằng ta đi làm để kiếm sống và muốn công việc đi trôi chảy nhất có thể.

Dĩ nhiên, để đẩy được sự hiệu quả lên cao hơn, ta vẫn cần phá bỏ các rào cản trong giao tiếp. Cách nhanh nhất là tham dự đủ các sự kiện networking của tập thể mới. Đó là nơi quan hệ công sở, trường học,... được bộc lộ rõ nhất: mọi người hay nói những chuyện gì, đâu là kiểu xã giao họ hay sử dụng, v.v.

Người ta cũng sẽ không muốn quan hệ với người liên tục qua lại cửa quyền. Nếu như quan hệ với cán bộ lớp là quan hệ có qua có lại - tôi tốt với bạn thì bạn bảo vệ tôi khỏi những rắc tối với giáo viên; thì quan hệ với người không có chức vụ gì nhưng lại thân sếp là quan hệ dè chừng. Qua networking, hãy tìm những người có cùng sở thích, quan điểm trong công việc, và thấy bạn là người chơi được.

Những người bạn, đồng nghiệp thân thiết đầu tiên ở nơi mới sẽ dạy ta về văn hoá tập thể nhiều hơn đáng kể so với những gì ta có thể dạy chính mình. Đó là bài học lớn nhất của tôi thời gian đầu tiên ở xứ người. “I know a guy who knows a guy” - chẳng mấy chốc, tôi thông thạo cỗ máy xã hội vận hành xung quanh mình.

Tiến xa bằng cách "nắm tay nhau thiệt chặt, giữ tay nhau thiệt lâu"

Nói cách khác, hãy rèn luyện cho mình khả năng làm việc nhóm. Đây có thể là yêu cầu khá khó khăn với nhiều người. Bản thân chúng ta có xuất thân khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau, và đều là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó của cuộc sống.

Trong các môi trường cạnh tranh gay gắt, không tránh khỏi những lúc ta nghĩ mình là nhất. Trong nhóm nghiên cứu tôi tham gia chẳng hạn, ai cũng là chuyên gia trong một lĩnh vực hẹp, và họ sẽ không ngần ngại tỏ thái độ khó chịu nếu mình nhỡ “lấn sân" sang lĩnh vực của họ.

Làm việc nhóm giúp ta nhận ra mọi chuyên môn đó đều có thể đứng cạnh nhau để làm ra chung một sản phẩm. Nhưng để đạt được đích đến đó, ta cần có sơ đồ công việc rất tỉ mỉ: có những đầu việc gì, cần được hoàn thành theo mốc thời gian nào, phân chia công việc ra sao…

Vai trò của trưởng nhóm cực kỳ quan trọng - họ ngăn các thành viên với cái tôi cao không lao vào đánh nhau. Những người còn lại chỉ cần làm chuyên môn tốt nhất có thể và tôn trọng lẫn nhau.

16oct2023intext2jpg
Làm việc nhóm là một cách tu thân. | Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Làm việc nhóm nhiều là một cách để tu thân. Chúng giúp ta nhìn nhận xem ta là kiểu người chuyên môn hay kiểu người lãnh đạo. Ta sẽ biết hạ mình để tôn trọng quyết định của người khác và làm việc hiệu quả bên trong một guồng máy.

Ta sẽ không để niềm tin hay cái tôi cá nhân ảnh hưởng tới công việc chung và cuộc sống riêng của tất cả những ai đang phụ thuộc vào công việc đó. Mọi quyết định đều cần đến sự thảo luận và thống nhất. Điều đó giúp ta có đôi tai biết lắng nghe và đôi mắt ngày càng tinh tường.

Ngoài ra, bạn không nhất thiết phải trở nên thân thiết với những người đồng đội trong nhóm. Việc ta cùng một nhóm và có thể làm việc nhuần nhuyễn với nhau không đồng nghĩa với việc ta cần phải tiếp tục song hành ngoài dự án.

Vì thế, nếu bạn đã giao tiếp hiệu quả trong quá trình làm việc, thì đừng lo nếu bản thân chỉ muốn ăn xong bữa trưa chứ không phải tán dóc cùng họ.

Thay cho lời kết, điều tôi muốn nhấn mạnh không phải sự luồn cúi, hay là sự hi sinh hoàn toàn màu sắc cá nhân khi làm việc trong môi trường mới. Mà tôi muốn đề cao sự tỉ mỉ, ngay cả trong những lời ăn tiếng nói nhỏ nhất.

Vì thế, nếu giỏi chuyên môn và rèn giũa những điều trên ở môi trường công việc cũ, cộng thêm yếu tố may mắn, biết đâu ta lại được chào đón ở môi trường mới, nơi ta là mảnh ghép còn thiếu.