Cách tận dụng sự “chột dạ” để tăng năng suất | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Cách tận dụng sự “chột dạ” để tăng năng suất

Có một loại "công tắc", chỉ cần bật lên được là năng suất của bạn sẽ tăng lên.
Cách tận dụng sự “chột dạ” để tăng năng suất

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Bạn được làm việc tại nhà, nhưng vẫn thích ra ngồi trong quán cà phê làm việc và chỉ thấy mình năng suất lạ thường khi ở đó.

Hay bạn đang có chút lơ là uể oải, thấy bóng dáng của sếp nhẹ nhàng bước ngang qua, dù sếp chẳng nói gì, thậm chí là còn cười thân thiện, nhưng bạn đột nhiên quay lại làm việc với cảm giác tập trung hơn hẳn.

Bạn có biết điểm chung trong hai trường hợp kể trên là gì không? Đó là bạn đều chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Hawthorne - một hiệu ứng tâm lý như chiếc công tắc có thể giúp bạn từ trạng thái im lìm, uể oải chuyển qua “bật sáng”.

Vậy cụ thể hiệu ứng Hawthorne là gì? Và làm sao tận dụng hiện tượng này để dẫn dắt tâm lý giúp chúng ta làm việc năng suất hơn?

Hiệu ứng Hawthorne: Tác động của việc được quan sát

Hiệu ứng Hawthorne là hiện tượng khi một người biết mình đang được người khác để ý đến thì có khuynh hướng thay đổi hành vi, thường là theo hướng tích cực trở nên chăm chỉ và năng suất hơn.

Hiệu ứng là kết quả được phát hiện từ một nghiên cứu tại công trường Hawthorne (một tổ hợp nhà máy của công ty Điện lực Miền Tây ở Bắc Illinois), thực hiện từ năm 1924 đến năm 1932.

Theo nghiên cứu này thì ngoài nhờ cải thiện các điều kiện lao động, chính nhờ cảm giác “được chọn” tham gia vào nghiên cứu đã thúc đẩy các công nhân gia tăng năng suất làm việc. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng về hiện tượng này lại chỉ ra những yếu tố khác có tác động đến việc cải thiện năng suất hơn bao gồm:

  • Hiệu ứng mới lạ (Novelty effects): Việc xuất hiện các hoạt động thí nghiệm, cũng như những người quan sát, đã tạo ra yếu tố mới lạ trong công việc của các công nhân. Việc này có thể đóng vai trò thúc đẩy năng suất ở thời điểm đầu và sẽ giảm dần hiệu quả khi các công nhân trở nên quen thuộc với các yếu tố mới.
  • Đặc điểm nhu cầu (Demand characteristics): Trong các thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đôi khi biểu đạt một cách tinh tế cho người tham gia biết về kết quả kỳ vọng đạt được. Kết quả là, các đối tượng tham gia sẽ thay đổi hành vi của mình để biến giả thuyết đặt ra ban đầu trở thành sự thật.
  • Đánh giá hiệu suất (Performance feedback): Việc thông báo kết quả dữ liệu thu thập được mỗi ngày mới chính là động lực thôi thúc công nhân làm việc chăm chỉ hơn, vì họ muốn cải thiện kết quả dữ liệu của mình ngày hôm sau phải cao hơn ngày hôm trước.

Tuy nhiên, dù động lực của người lao động tăng lên vì lý do gì thì như đã nói ở trên, trong các trường hợp, động lực và hiệu suất làm việc đều tăng lên khi người lao động được người khác quan sát, chú ý đến. Chỉ là tùy mỗi người sẽ có động cơ riêng khiến bản thân chăm chỉ hơn và việc của chúng ta là tìm ra cách tận dụng hiệu ứng Hawthorne theo hướng phù hợp với bản thân mình.

Tận dụng hiệu ứng Hawthorne để tạo nút bật tăng năng suất

Đặt mình vào môi trường được quan sát

Hiệu ứng Hawthorne đặc biệt thể hiện rõ khi làm việc nhóm. Bởi phần việc của cá nhân sẽ có ảnh hưởng đến cả tập thể, nên các thành viên khác sẽ quan sát cả công việc của bạn để có thể phối hợp nhịp nhàng với nhau. Khi đó, bạn sẽ muốn cố gắng thể hiện năng lực của mình hơn để được mọi người ghi nhận và không làm ảnh hưởng tới kết quả chung.

Vì vậy bên cạnh những nhiệm vụ cá nhân, bạn có thể tích cực tham gia vào các hoạt động làm việc nhóm nhiều hơn, thậm chí là chỉ ngồi làm việc cùng một chỗ với đồng nghiệp cũng có hiệu quả tương tự. Dù có khi đồng nghiệp không hề nhìn bạn đâu, nhưng bạn sẽ có cảm giác nghiêm túc hơn hẳn, không dám chểnh mảng làm việc riêng.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Đây cũng là lý do nhiều người dù muốn ngồi học, làm việc một mình cho tập trung, nhưng lại tìm tới các không gian làm việc chung trên mạng hay đến quán cà phê chạy deadline. Bởi vì họ cần có sự hiện diện của ai đó xung quanh, một môi trường nhiều nhân tố lạ và yếu tố mới không biết trước xuất hiện sẽ tạo cảm giác giống như đang có người quan sát vậy. Đó sẽ là lúc hiệu ứng Hawthorne hình thành giúp tăng năng suất làm việc của bạn.

Tăng cường kết nối với người quan sát

Hiệu ứng Hawthorne cho thấy nhân sự làm việc tốt hơn khi họ biết rằng có người đang quan sát. Nhưng điều này không có nghĩa là cấp trên nên theo dõi mọi hành động (micro management), săm soi nhân viên liên tục, bởi nó sẽ gây ra tác dụng ngược.

Thay vào đó hiệu ứng Hawthorne củng cố khái niệm thường được nhắc đến là lắng nghe chú tâm (mindful listening). Mức độ quan sát phù hợp là sếp nên dành sự tin tưởng để nhân viên thực hiện công việc của mình, nhưng vẫn quan tâm và lắng nghe khi họ cần giúp đỡ.

Việc lắng nghe giúp nhân viên cảm thấy được tôn trọng, đóng góp của mình đáng giá cho công ty, từ đó thúc đẩy tinh thần làm việc và sự sáng tạo. Đồng thời, lãnh đạo cũng cần tạo môi trường cởi mở để nhân viên thoải mái chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng cũng như khích lệ tinh thần và ghi nhận những nỗ lực của nhân viên.

Còn nếu bạn đang ở vai trò một nhân viên và tự nhận thấy tinh thần làm việc của mình dạo này đi xuống, nhiều khi nguyên nhân không đến từ công việc nhàm chán mà rất có thể là do bạn không được sếp dẫn dắt và lắng nghe đủ nhiều. Khi đó bạn có thể tận dụng hiệu ứng Hawthorne bằng cách chủ động chia sẻ ý kiến công việc với cấp trên, cũng như tìm kiếm cơ hội học tập và phát triển bản thân xem có dự án nào đang cần thêm nhân lực không.

Tìm người quan sát bạn

Hiệp hội Phát triển Tài năng đã tiến hành một nghiên cứu và đưa ra kết quả thống kê hết sức đáng chú ý. Khi bạn nói với người khác về mục tiêu của mình, khả năng bạn sẽ thực hiện được là 65%. Nhưng nếu bạn còn có được một người bạn đồng hành theo sát mình và nghiêm túc lên lịch cho các cuộc gặp mặt để trao đổi về tiến độ đang diễn ra, thì khả năng bạn hoàn thành mục tiêu sẽ nâng lên tới 95%.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Quả thật, nếu chỉ có cam kết với bản thân, một khi rơi vào trạng thái lười biếng và thiếu động lực bạn rất dễ phá bỏ kế hoạch đặt ra bạn đầu. Nhưng khi thực hiện cam kết có ràng buộc thêm với một người nữa, hiệu ứng Hawthorne sẽ phát huy tác dụng, bởi bạn cảm thấy có trách nhiệm hơn với họ (người ta đang giúp mình cơ mà) và chính bản thân (mình không thể để người ta phí công vô ích), từ đó nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu.

Ngoài ra, việc chia sẻ mục tiêu với người bạn đồng hành thấu hiểu còn mang lại một số lợi ích khác như:

  • Nhận được sự hỗ trợ và động viên: Khi gặp khó khăn, bạn có thể dựa vào sự khích lệ và động viên từ người bạn đồng hành để tiếp tục tiến bước.
  • Học hỏi từ kinh nghiệm của nhau: Hai bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong quá trình theo đuổi mục tiêu, từ đó giúp nhau phát triển và hoàn thiện bản thân.
  • Tăng tính kỷ luật: Việc lên lịch gặp gỡ và trao đổi với người bạn đồng hành sẽ giống như deadline thúc đẩy bạn làm việc, tới ngày hôm ấy ít nhiều gì mình cũng cần hoàn thành được một công việc gì đó để có cái cập nhật tiến độ chứ. Như vậy, bạn sẽ dần dần tạo được thói quen tốt và rèn luyện tính kỷ luật cho mình.

Tự quan sát chính mình

Tự thu thập và theo dõi dữ liệu làm việc của mình là một cách áp dụng hiệu ứng Hawthorne mà không cần đến người quan sát bên ngoài. Khi bạn biết rằng những gì mình làm sẽ được ghi lại và có con số mục tiêu cụ thể, bạn sẽ muốn tối ưu hóa nỗ lực của mình để đạt được những kết quả thật ‘hoành tráng’.

Bạn có thể tự mình ghi chép hoặc sử dụng một số ứng dụng hỗ trợ để có cảm giác như mình đang nhận sự quan sát, đánh giá nhiều hơn từ một bên thứ ba. Nắm bắt được tâm lý này nên các nhà phát triển ứng dụng cũng tạo nên các sản phẩm rất thú vị.

Có một danh sách các ứng dụng có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu của bạn. Từ một người sếp ảo khó tính đặt deadline, thúc giục bạn làm việc, cho đến nơi khiến bạn phải trả giá cho sự lười biếng của mình một cách đúng nghĩa, nếu bạn không hoàn thành mục tiêu đặt ra bạn sẽ bị mất khoản “tiền” mình đặt cược.

Tuy nhiên như đã đề cập tới ở trên, cách này có thể mất dần tác dụng theo thời gian khi nó trở nên quen thuộc. Vì vậy, thay vì lặp đi lặp lại bạn có thể thêm thắt, sửa đổi một số yếu tố để tạo sự mới mẻ thường xuyên.

Có thể chỉ đơn giản là mua một cây bút khác màu, một bộ sticker mới để trang trí thêm cho quyển số ghi chép, đổi màu chủ đề trên ứng dụng hay mua một bó hoa đặt trên bàn làm việc. Những biến số này sẽ giống như một cuộc thí nghiệm nho nhỏ mới được thực hiện, một lần nữa kích hoạt lại hiệu ứng Hawthorne ở bạn.

Kết

Hiệu ứng Hawthorne cho chúng ta một góc nhìn thú vị để hiểu hơn về tâm lý của mình. Chuyện giữ kỷ luật và duy trì năng suất cao vốn không phải điều dễ dàng. Tinh thần, năng lượng hay sự chăm chỉ sẽ có ngày lên ngày xuống và có lúc bản thân chúng ta chẳng có đủ sức đẩy mình vào trạng thái lý tưởng như kỳ vọng. Khi đó hãy nhớ đến hiệu ứng Hawthorne như một mẹo nhỏ đánh lừa sự uể oải của mình và hoàn thành nốt công việc còn dở dang.