Chào mừng độc giả đến với Minority Report, nơi chúng tôi mang đến những cuộc trò chuyện thú vị với những người Việt và người châu Á ở các quốc gia khác nhau. Hãy cùng lắng nghe những suy nghĩ của họ về chủng tộc, văn hoá, và cách họ đi tìm bản thân trong môi trường sống và làm việc toàn cầu.
Sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở Hà Tĩnh gần hồ Kẻ Gỗ, cuộc sống của Toàn Võ dường như đã được định sẵn. Các người bạn đồng trang lứa của anh thường vào Nam để làm việc trong các nhà máy, hoặc trở thành các công nhân xây dựng. Nhưng Toàn có những giấc mơ khác. Vượt qua xuất phát điểm không mấy lợi thế, chàng trai thôn quê đã lên đường chinh phục Giấc mơ Mỹ.
Một giấc mơ không tưởng
Năm đầu tiên học tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng là lúc Toàn được tiếp xúc với khái niệm 'du học'. Qua mạng xã hội, anh thấy những người bạn chia sẻ những khuôn viên trường đại học phủ đầy tuyết, những buổi cắm trại giữa những tán lá mùa thu và những bức ảnh chụp bình dị về cuộc sống mới thú vị của họ ở phương Tây. Toàn nhận ra rằng, giáo dục không chỉ là cách để thoát nghèo, nó còn là con đường để anh thay đổi số phận của chính mình.
Ngày đó, tôi chưa bao giờ đặt chân lên máy bay và hầu như không nói được tiếng Anh.
Là người đầu tiên trong làng được học đại học, Toàn là một câu chuyện thành công ở quê nhà. Năm anh 12 tuổi, nhờ có những thành tích xuất sắc, Toàn được gia đình động viên rời làng lên thành phố nơi anh có thể phát huy hết khả năng của mình.
Nhiều năm sau, anh theo học ngành Tài chính Ngân hàng ở Hà Nội. Khi chứng kiến những người bạn đồng môn lần lượt chuyến đến Mỹ để học, trong Toàn bắt đầu nhen nhóm những hoài bão lớn hơn. Dường như việc lấy một tấm bằng danh giá và làm việc ở một tập đoàn lớn ở Việt Nam không còn mấy ý nghĩa đối với anh nữa.
“Tôi tâm sự với mẹ về ước mơ được du học ở Hoa Kỳ, và sau một tháng, mẹ đưa tôi xem một chiếc hộp nhỏ có vài ngàn USD ở trong. Mẹ bảo mẹ vẫn đang cố tiết kiệm thêm và động viên tôi không phải lo lắng chuyện tiền nong.”
Với gia đình là hậu phương vững chắc, Toàn có động lực để cải thiện tiếng Anh của mình. Anh bắt đầu chuẩn bị kỹ lưỡng cho hồ sơ du học, và những nỗ lực của anh đã được đền đáp — Toàn dành được học bổng để theo học Thạc sĩ ngành Kinh tế và Tài chính tại Brandeis University .
Chọn lý trí thay vì theo con tim
Hiện tại, Toàn đang hoàn thành chương trình MBA của chuyên ngành Phân tích Tài chính tại Chicago Booth School of Business. Song song với việc học, anh cũng đang làm việc Duolingo — một ứng dụng học ngôn ngữ rất phổ biến. Trước đó vào năm 2015, Toàn lấy bằng Thạc sĩ từ Brandeis University và trở thành chuyên viên tư vấn tại PwC ở New York, cũng là nơi anh gặp và kết hôn với vợ của mình.
Đôi khi, thành công trong cuộc sống là làm điều mình có thể làm tốt, hơn là làm điều mình thích.
“Tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn khi thấy bạn bè bỏ công việc cơ quan để theo đuổi đam mê thực sự của họ. Nhưng tôi nhận ra rằng một công việc mình không quá yêu thích vẫn là một công việc tốt nếu làm vì một mục đích cao cả hơn.” Dù có tư duy của một công dân toàn cầu, trong thâm tâm Toàn vẫn là con người của những giá trị truyền thống — anh xem thước đo thành công là khả năng hỗ trợ kinh tế cho đại gia đình của mình.
Tuy phải gánh nhiều trọng trách kinh tế nhưng Toàn vẫn cảm thấy may mắn vì có được tấm vé đến Mỹ. Anh biết ơn gia đình và những người cố vấn đã tin tưởng vào khả năng của anh, và biết ơn cộng đồng người Việt vì đã giúp anh lưu giữ văn hóa quê hương trong suốt những năm qua.
Từ các thợ làm móng và cựu thành viên 'băng đảng' cho đến các nhà khoa học nghiên cứu Google Brain và các nhà quản lý quỹ đầu tư, những mảnh đời muôn màu mà Toàn đã gặp của cộng đồng người Mỹ gốc Việt phản ánh một xã hội Hòa Kỳ đa dạng, nhưng cũng vô cùng tách biệt.
Lần đầu đặt chân đến nước Mỹ tại Waltham, Massachusetts, anh có trải qua cú sốc văn hóa nào không?
Tôi không thực sự bị sốc văn hóa khi mới đến Mỹ. Một phần vì tôi đến đây khi đã 22 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và trải nghiệm cuộc sống một mình phải tự lo mọi thứ. Tôi cũng tin rằng người Việt Nam nhìn chung rất giỏi thích ứng với những môi trường mới. Các thông tin từ internet cũng làm mọi thứ dễ dàng hơn nhiều.
Waltham là một thị trấn nhỏ, và khuôn viên trường tôi được bao bọc bởi cây xanh nên tôi như được sống ở nông thôn một lần nữa vậy.
Thay đổi môi trường từ vùng quê Việt Nam sang một ngôi trường của Mỹ, anh có gặp khó khăn gì trong việc thích nghi không? Ở Brandeis University có nhiều sinh viên Việt Nam hoặc châu Á không?
Ban đầu mọi thứ không hề dễ dàng. Tôi có một chất giọng khá đặc trưng, có thể vì tôi đến từ Hà Tĩnh. Như những người Hà Tĩnh khác, ngay từ khi ở Hà Nội tôi đã phải cố sửa giọng để bạn bè có thể hiểu được. Bạn không thể hòa nhập nếu mọi người không hiểu bạn đang nói gì.
Brandeis có cộng đồng sinh viên quốc tế rất lớn đến từ hơn 40 nước khác nhau, phần lớn là sinh viên Trung Quốc cùng một số sinh viên Việt Nam. Tôi đã trở thành bạn thân với một nhân viên kiểm toán người Bhutan, một kỹ sư người Ấn Độ, và một người sống sót qua cuộc thảm sát Rwanda. Tôi đã học được nhiều giọng nói và câu chuyện đời thú vị ở Brandeis.
Anh đã sống tại Boston, New York và Chicago. Anh cảm thấy được chào đón nhất ở đâu và vì sao?
Hầu hết thời gian của tôi tại Mỹ là ở New York nên ý kiến của tôi có thể hơi thiên vị, nhưng tôi nghĩ New York là thành phố tuyệt vời nhất. Nếu như ở Boston, đa số mọi người đến từ các bang của New England, và ở Chicago đa số người đến từ khu vực Midwest, thì dân số New York lại cực kỳ đa dạng. Bạn có thể gặp mọi loại người từ mọi quốc gia trên thế giới. Đây cũng là thành phố đề cao tính năng động và sự chăm chỉ nên sẽ là một nơi phù hợp với dân nhập cư.
Sếp cũ của tôi trong ngành tư vấn ở New York là một người Mexico. Ông từng làm bảo vệ nhà máy buổi tối để trả tiền học phí ở Yale và thăng tiến trở thành tổng giám đốc châu Mỹ của tập đoàn. Khi tôi xin sếp tài trợ thẻ xanh, ông đồng ý ngay lập tức và bảo tôi rằng công ty này đã tài trợ hơn 200 thẻ xanh cho nhân viên, và ông chính là người nhận chiếc thẻ xanh đầu tiên để định cư ở Mỹ.
Anh có phải là người duy nhất trong gia đình sinh sống ở nước ngoài? Họ nghĩ thế nào về quyết định của anh?
Tôi là người duy nhất ở đây. Bố mẹ tôi không hề vui khi biết tôi dự định ở lại Mỹ làm việc, và muốn tôi ở gần gia đình. Họ lo rằng tôi chỉ có công việc và không có ai quan tâm chăm sóc ở Mỹ. Mẹ tôi chỉ yên tâm sau khi tôi đưa bà đi thăm Boston, và bà thấy tôi có nhiều bạn bè tốt và được nhiều người đi trước tốt bụng ở đây giúp đỡ.
Một số định kiến về chủng tộc và văn hóa mà người Việt Nam sống tại Hoa Kỳ phải đối mặt hàng ngày là?
Tôi không thể trả lời cho tất cả mọi người Việt Nam sống ở Mỹ. Tôi tự hỏi rằng vì sao nhiều người ở đây lại nghĩ tôi đến từ Philippines hoặc Trung Quốc. Tôi chưa bao giờ trở thành nạn nhân của phân biệt chủng tộc, nhưng tôi có đọc nhiều câu chuyện về người nhập cư gốc Á bị tấn công hay bị bảo “hãy trở lại Trung Quốc” do dịch COVID-19. Đây là những câu chuyện buồn và tồi tệ. Tôi nghĩ rằng vì tôi sống ở Việt Nam đến năm 22 tuổi, có lẽ tôi sẽ không bao giờ hiểu hết được những thành kiến văn hóa và phân biệt chủng tộc mà người Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ phải trải qua hằng ngày.
Là một người châu Á, bạn đã bao giờ cảm thấy bị phân biệt đối xử khi đi xin việc hoặc bị cản trở trong công việc?
Tôi nghĩ đối với các sinh viên quốc tế, hay bất kỳ ai thuộc nhóm người thiểu số, việc tìm việc và phát triển sự nghiệp ở Mỹ là một thử thách lớn. Đây là một trong những môi trường làm việc cạnh tranh nhất thế giới. Thú thực là có một vài lần tôi đã nghĩ “với khả năng của mình, mình xứng đáng nhiều hơn thế.” Đó là khi tôi không được gọi phỏng vấn cho một công việc, khi không được chọn thuyết trình cho một dự án, hay khi không được đề bạt thăng chức.
Lần đầu tiên tôi phỏng vấn xin việc ở Mỹ với một tập đoàn tư vấn lớn, người phỏng vấn khuyên tôi hãy trở về Việt Nam vì ở đó tôi sẽ được trọng dụng hơn, ám chỉ tôi sẽ không được nhận.Nhưng, với tư tưởng tích cực, tôi không để tâm mà chỉ chú ý hoàn thiện bản thân và trân trọng từng cơ hội mà tôi có được. Mặt khác, nhiều lúc tôi cũng nghĩ, điều gì làm tôi xứng đáng hơn nhiều người dân bản địa sinh ra tại Mỹ, những người cũng sống ở nông thôn, không có tiền chi trả cho học phí đại học đắt đỏ, và còn chưa từng đi du lịch đến New York?
Nhiều người Mỹ gốc Việt cảm thấy khó khăn khi bàn về các vấn đề chính trị và xã hội với cha mẹ mình vì khoảng cách thế hệ. Bạn có gặp phải vấn đề này?
Tất nhiên rồi. Thảo luận các vấn đề chính trị và xã hội với những người có hoàn cảnh và cuộc sống rất khác với mình là điều không hề dễ dàng. Theo quan sát của tôi, nhiều bạn trẻ người Mỹ gốc Việt cũng thấy rất khó khăn khi trò chuyện với cha mẹ về một số chủ đề nhất định, cũng giống hệt như các bạn trẻ ở Việt Nam. Tôi khá may mắn vì bố mẹ có đầu óc khá cởi mở, nhưng tất nhiên cũng phải thường xuyên cung cấp thêm thông tin cho bố mẹ về các vấn đề chính trị và xã hội ở nước Mỹ.
Dù đã xây dựng cuộc sống và sự nghiệp tại Hoa Kỳ, bạn vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam. Liệu bạn có cân nhắc việc quay trở lại nếu có cơ hội để tạo ra sự khác biệt ở quê nhà?
Tất nhiên rồi, và tôi có suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Tôi đã tự hỏi mình sẽ về lúc nào và như thế nào. Nhưng có lẽ, quan trọng hơn là câu hỏi mình có thể tạo ra được giá trị gì cho quê hương. Nó cảm giác giống như giải một phương trình, khi bạn có hết tất cả các biến số, và tôi hy vọng sẽ sớm tìm ra nghiệm của mình.