Người Việt ở Đức: Tôi bị kỳ thị vì corona | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Người Việt ở Đức: Tôi bị kỳ thị vì corona

Dịch corona bùng phát ở Trung Quốc không chỉ lan tỏa nỗi sợ mà cả làm sống dậy vấn đề kỳ thị với người Á Đông từ phương Tây, thậm chí giữa Châu Á với nhau.

Người Việt ở Đức: Tôi bị kỳ thị vì corona

Cập nhật đến ngày 19/03/2020

Hôm nay, hai chị em người Việt Nam sinh sống tại Úc đã bị một người hành khách lăng mạ vì đeo khẩu trang trên tàu công cộng. Cuộc cãi khiến người đàn ông tức giận và tạt nước ngọt vào cả hai chị em, và thậm chí còn có ý định hành hung. Sau sự cố này, người chị gái quyết định chia sẻ câu chuyện của mình trên trang Facebook cá nhân. Cô cũng tâm sự rằng đây là tình trạng chung với người châu Á tại các nơi công cộng, và hầu như không ai sẵn lòng đứng lên giúp đỡ nạn nhân.

Sau khi liên lạc vào đường dây nóng trên tàu tài xế tàu chỉ quan sát từ xa và đến gần kiểm tra nạn nhân sau khi người đàn ông xuống tàu sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Sau khi liên lạc vào đường dây nóng trên tàu, tài xế tàu chỉ quan sát từ xa và đến gần kiểm tra nạn nhân sau khi người đàn ông xuống tàu.

Ở cuối bài viết, cô còn nói rằng mọi người hãy đứng lên hành động thay vì đợi sự giúp đỡ từ người khác, bất kể là nạn nhân hay người ngoài. Vì ít nhất, nó cũng sẽ làm nạn nhân cảm thấy an toàn hơn, đồng thời khiến kẻ kỳ thị chùn bước.

Cập nhật đến ngày 05/03/2020

Nghệ sĩ gốc Việt không được tham dự triển lãm nghệ thuật… Việt

Một nghệ sĩ gốc Việt đã bị tước quyền tham dự triển lãm về nghệ thuật Việt Nam tại Anh vào thứ Năm ngày 05/03 vừa rồi.

Cụ thể, người này nhận được email từ một nhà môi giới chuyên về nghệ thuật Việt Nam, thông báo sự xuất hiện của mình sẽ bị huỷ . Nhà môi giới này e rằng “sự có mặt của bạn sẽ gây ra nhiều lo ngại cho người tham dự.” Trong email còn nêu rõ “người châu Á đang được xem là tác nhân lây lan virus.”

Người Việt ở Đức Tôi bị kỳ thị vì corona1 sizesmaxwidth 750px 100vw 750px
Asians are being seen as carriers of the virus.

Trong cơn tức giận, người này lập tức chụp nội dung email và chia sẻ trên Instagram cá nhân và được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội khác.

Ban tổ chức của triển lãm này nhấn mạnh rằng họ chưa bao giờ thông qua nội dung của email này, và nhà môi giới nghệ thuật nói trên cũng đã bị huỷ quyền tham dự.

Một người châu Á bị kỳ thị trên tàu điện tại New York

Cũng vào ngày 05/03, một video quay trên một chuyến tàu công cộng tại New York, Mỹ đang được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi.

Trong video là một người châu Á cố gắng bình tĩnh trước sự giận dữ và kỳ thị của một người đàn ông da đen yêu cầu anh này phải né ra chỗ khác. Thậm chí sau đó, người này còn cầm bình xịt khử mùi và xịt thẳng về phía người đàn ông châu Á, như muốn ám chỉ rằng “cần diệt trừ loài virus đến từ châu Á”.

Khi một bộ phận đáng kể người Việt Nam đang bận kỳ thị Trung Quốc vì đại dịch corona, thì những kiều bào ở nước ngoài nói riêng và Châu Á nói chung, đang phải hứng chịu cùng một sự phân biệt đối xử. Liệu việc cố gắng phân biệt rạch ròi Việt – Trung tới những cộng đồng ngoài Châu Á hay tìm một đối tượng để đổ lỗi có thật sự giải quyết những phức tạp đang tồn tại?

Dưới đây là chia sẻ của Hằng Nguyễn, một người Việt đang sống tại Đức và hàng ngày phải đối mặt với sự kỳ thị từ khi dịch viêm phổi cấp do virus corona bùng phát.

Virus corona được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Tính đến 4/2/2020, virus corona đã cướp đi mạng sống 425 người và khiến hơn 20,000 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Trong đó, số người bị nhiễm đến từ Trung Quốc vẫn là cao nhất.

30/01/2020 WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với sự bùng phát của dịch virus corona mới.

Kèm theo nỗi lo về mức lây lan của virus cũng là nỗi lo việc người Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc bị đối xử phân biệt ở các nước phương Tây. Với ngoại hình giống người Trung Quốc, người Việt như tôi cũng gặp những tình huống không mong muốn.

Tôi bị xa lánh vì bị nghĩ là người Trung Quốc

Ngay khi Đức công bố ca nhiễm corona đầu tiên do tiếp xúc với một người phụ nữ từ Trung Quốc, tôi cảm nhận được một sự bối rối và lo sợ qua các trang mạng và truyền hình. Liên tục hôm đó và những ngày hôm sau trong các nhóm chat tôi tham gia, mọi người chia sẻ về các ca nhiễm ở Bavaria và những ca nhiễm tình nghi ở các thành phố khác.

Sáng hôm sau ngày công bố ca nhiễm đầu tiên, tôi bất ngờ thấy hình ảnh một số ít đứa trẻ Đức đeo khẩu trang. Đó là một hình ảnh hiếm thấy ở Đức. Tôi hiểu vậy là corona đã thực sự tới Đức rồi. Nhưng điều tôi bất ngờ hơn cả đó là khi lên tàu tới trường học, tôi cảm nhận một vài ánh mắt nhìn mình. Tàu rất đông, mà không hiểu sao quanh tôi lại thưa người. Một đứa trẻ đã dùng khăn quàng che miệng và mũi khi đi qua tôi để tới cửa ra khỏi tàu.

Tôi tự cười bản thân và nghĩ có lẽ mình đã làm to mọi chuyện. Có lẽ do ngành học và công việc khiến tôi tiếp xúc nhiều với các câu chuyện về phân biệt chủng tộc và bài ngoại ở Đức, mà tôi đã hiểu nhầm hành động của vài người trên tàu.

Công việc của tôi là hướng dẫn viên ở bảo tàng và chủ yếu là làm việc với các nhóm học sinh, giáo viên và phụ huynh. Với chất giọng Đức khác biệt và một ngoại hình Châu Á tóc đen, mắt nâu, da vàng, các vị khách có thể nhận ra dễ dàng tôi là người nước ngoài. Trong một buổi hướng dẫn, tôi đã vô tình nghe một vị khách hỏi người bên cạnh điều khiến mình thực sự chạnh lòng:

Cô ấy là người Trung Quốc à? Không biết có ấy có bị virus Trung Quốc (chinese virus) không?

Tôi hiểu nỗi lo của mọi người, nhưng sự việc đã lên đỉnh điểm khi một buổi tối trên đường, một người đàn ông nhổ nước bọt về hướng tôi và lẩm nhẩm “Chinese!”.

#IAmNotAVirus

Và tôi không phải là ngoại lệ. Các trường hợp người Châu Á bị phân biệt đối xử được chia sẻ trên mạng xã hội với hashtag #IAmNotAVirus.

Who says that Berliners don’t give a f*ck about what you wear? How come a mask got so many strange attention? There were…

Posted by Popo Fan on Wednesday, 29 January 2020
Chia sẻ về việc bị kỳ thị là virus khi là một người Châu Á có đeo khẩu trang.

Sarah Kim, một cộng tác viên của Forbes chia sẻ khi trên đường về nhà, một nhóm đàn ông đã nhìn cô và hét “Nhìn thấy con Nhật kia không? Hãy tránh xa nó ra nếu mày không muốn bị dính virus corona”. Điều này khiến Sarah vô cùng tức giận. Cô chẳng phải người Nhật, mà sinh ra ở Mỹ với bố mẹ là người Hàn, sinh sống ở Brooklyn và đã lâu chưa đi nước ngoài. Một phóng viên gốc Á của Guardian tại Anh cũng chia sẻ một người đàn ông đã nhanh chóng rời khỏi chỗ, khi anh ngồi xuống bên cạnh.

Trên Twitter bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những câu chuyện bị kỳ thị của người gốc Á ở phương Tây như thế này:

https://twitter.com/xxxibgdrgnyong/status/1223195518031007746
Tôi nghe nhạc Bigbang và lập tức bị cho là đã nhiễm corona.
Một đám thiếu niên hét vào mặt tôi “coronavirus” trên xe buýt.
Nghĩ dân Châu Á nào cũng bị nhiễm corona chả khác gì nghĩ ai người Ý cũng là mafia.

Ở một số nước Châu Âu, vài nhóm người Châu Á vì lo sợ bị phân biệt đối xử, đã cảm thấy họ phải làm rõ việc mình không phải người Trung Quốc. Budapest, nơi chính phủ kiên quyết chống người nhập cư, xuất hiện các cửa hiệu của người Việt có dán giấy bên ngoài ghi “Vietnamiak vagyunk”, nghĩa là “Chúng tôi là người Việt”.

Truyền thông và mạng xã hội có vẻ như đang làm mọi thứ tệ hơn

Nỗi sợ và lo lắng chính là nguồn nuôi dưỡng phân biệt chủng tộc.

– Chia sẻ của Tim Soutphommasane, giáo sư tại Đại học Sydney trên The New York Times.

Người dân của nhiều quốc gia đang thể hiện nỗi lo của họ bằng cách phản đối người Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, hơn nửa triệu người đã kiến nghị tổng thống ngăn chặn người dân Trung Quốc vào nước này. Một số cửa hàng đồ ăn và nhà hàng ở Hakone và Sapporo, Nhật Bản treo biển “No Chinese” với lý do nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm virus.

Các trang mạng xã hội đầy ắp những hình ảnh thành phố Vũ Hán như một thành phố ma không bóng người, chỉ có người chết nằm trên đường và bệnh viện quá tải. Các clip kêu cứu từ Vũ Hán và những thông tin đáng sợ về căn bệnh được chia sẻ với một tốc độ chóng mặt trên mạng. Không biết thông tin thật hay giả, nhưng những tin đồn về corona cứ thế lây lan chóng mặt, thâm nhập vào những câu chuyện thường ngày và gieo rắc nỗi sợ.

Ngay chính trên mạng xã hội, chẳng khó để tôi thấy những meme với hình ảnh một người Châu Á hắt hơi và phía dưới là những kẻ chạy tán loạn. Những meme đó có thể hài hước nhưng nực cười nó cũng đang miêu tả một sự thật, rằng chỉ cần một người Châu Á hắt xì, bất kể người đó là người Trung Quốc hay nước khác, hắt xì thiếu vệ sinh hay có che chắn đầy đủ, người xung quanh cũng sẽ vội xa lánh.

Tuần qua, trang báo Courrier Picard của Pháp đăng hình ảnh một người phụ nữ Trung Quốc đeo mặt nạ với tiêu đề in đậm “Yellow Alert” (Cảnh báo vàng), và cũng tờ báo đó đăng một bài viết về dịch corona dưới tiêu đề “New Yellow Peril?” (Mối nguy hiểm vàng mới).

Hình ảnh những người Á Đông không văn minh, man rợ, bẩn thỉu được tuyên truyền rộng rãi nhằm gây nên nỗi lo sợ về người Châu Á nhập cư và coi họ là mối đe dọa xã hội. Dĩ nhiên việc sử dụng thuật ngữ này trong khoảng thời gian dịch corona đã gây nên làn sóng phản đối dữ dội trong cộng đồng người Châu Á ở Pháp.

“Yellow Peril“ là một tư tưởng phân biệt chủng tộc xuất phát từ Mỹ thế kỉ 19.

– Theo CNN.

Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo hệ lụy của những thông tin sai lệch về virus corona và ảnh hưởng của nó tới nạn bài ngoại. Theo CNN, Eileen de Villa, người đứng đầu Sở Y tế công cộng Toronto, Canada cảnh báo thông tin sai lệch về virus đã tạo ra sự kỳ thị không cần thiết trong cộng đồng. Truyền bá thông tin sai lệch không bảo vệ được ai và cũng chẳng đem lại được bất kì lợi ích nào.

Ngoài ra, sự truyền thông khác nhau giữa các quốc gia về vấn đề phòng dịch như đeo khẩu trang với người đang bị bệnh hay với tất cả mọi người cũng gây ra những hiểu lầm hay khuếch đại sự phân biệt đối xử. Tại Pháp, người dân được khuyến cáo chỉ đeo khẩu trang khi có dấu hiệu bệnh. Tuy nhiên ở một số nước như Việt Nam, Trung Quốc thì chỉ dẫn đeo khẩu trang lại dành cho tất cả mọi người.

https://twitter.com/Blueberry_CFC/status/1223762448496369666
“Đeo khẩu trang không phải vì bị bệnh mà sợ bị lây bệnh đấy!”.

———————

Có thể thấy với những điều đang diễn ra, khả năng rất lớn động thái phân biệt người Trung Quốc với những dân tộc Châu Á còn lại sẽ không thay đổi nhiều tình hình kỳ thị hiện tại, bởi nguyên nhân đã bắt nguồn từ những gốc rễ sâu xa. Hơn nữa, việc chính những người Châu Á tự kỳ thị nhau thậm chí còn khiến chúng ta mong manh và dễ ngã quỵ hơn trước những thảm họa bất ngờ.

Suy cho cùng, chúng ta, dù thuộc chủng tộc nào cũng không thể phủ nhận sự đơn độc và yếu thế của con người trước những đợt tấn công từ tự nhiên.

Thay vì thủ thế và cầu nguyện những thảm họa đó không chạm đến mình, không phải đã đến lúc ta chủ động và đồng lòng chống lại nguy hiểm thật sự? Những thảm họa có thể xảy đến với bất kỳ ai và hãy chắc rằng đến lúc đó, chúng ta đã sẵn sàng.

Bài viết được thực hiện bởi Hằng Nguyễn. Cập nhật được thực hiện bởi Tài Thy.

Xem thêm:
[Bài viết] Tóm lại là: Virus corona là gì? Đi đến đâu rồi?
[Bài viết] 3 Phương pháp phân biệt tin giả trên mạng