Khi lần đầu đặt chân tới Việt Nam vào năm 1992, Chris Freund đã dành một tháng để ngao du khắp đất nước. Những trải nghiệm thú vị cùng sự ấm áp và nhiệt thành của con người nơi đây đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng Chris, và thôi thúc ông trở lại Việt Nam.
Năm 1994, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam sau 19 năm. Với Chris, không có thời điểm nào tuyệt vời hơn, “Khi đó tôi vừa mới tốt nghiệp. Có lẽ tôi khá có duyên với Việt Nam.” Sau đó một năm, Chris quyết định bay tới Việt Nam định cư.
Vào năm 2001, Chris thành lập công ty tư vấn quản lý quỹ Mekong Capital, chuyên đầu tư vào các công ty tư nhân Việt Nam. Mekong Capital đã có nhiều khoản đầu tư thành công với các tên tuổi lớn như Thế Giới Di Động, thương hiệu trang sức PNJ. Hiện nay, danh mục đầu tư của Mekong Capital đang có 14 công ty, bao gồm những cái tên quen thuộc như Marou, Pizza 4P’s, Pharmacity, F88, và YOLA.
Vào tháng 1/2022 vừa qua, Chris đã xuất bản quyển truyện tranh ngụ ngôn có tên “Chuyện lẩu cua” (Tiếng Anh: Crab Hotpot) dài 68 trang. Dù nghe có vẻ đây là một câu chuyện hư cấu, nhưng các tình tiết và nhân vật trong sách đều dựa vào những sự kiện và con người có thật, xảy ra ở Mekong Capital.
Năm năm trước, Chris cùng đội ngũ Mekong Capital đã phát hiện sức mạnh truyền tải của những câu chuyện. Kể từ đó, họ đã hợp tác với hai nhà kể chuyện bậc thầy là Gabrielle Dolan và Kendall Haven để giúp phát triển khả năng sáng tác, rồi chia sẻ những câu chuyện này trong nội bộ Mekong Capital. Tình cờ thay, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong danh mục của quỹ cũng rất hứng thú với ý tưởng kể chuyện này.
Như Chris viết trong phần lời tựa của quyển sách, “Tôi muốn hướng sự chú ý của đội ngũ vào những gì mang lại hiệu quả. Hình ảnh của những chú cua đều được xây dựng từ những tính cách thật ở Mekong Capital từ trước tới nay. Rất nhiều người, trong đó có tôi, có thể nhận ra bóng dáng của chính mình trong những chú cua đó.”
Bốn năm trước, Vietcetera đã có dịp gặp và trò chuyện với Chris Freund về hành trình thành lập Mekong Capital ở Việt Nam và định hướng đầu tư của quỹ trong tương lai. Hôm nay, chúng tôi rất vui khi được một lần nữa mời Chris chia sẻ về một chủ đề đầy ‘màu sắc’ hơn – tác phẩm “Chuyện lẩu cua”.
Động lực nào đã giữ ông phấn đấu và làm việc suốt những năm qua?
Tôi có tầm nhìn và mục tiêu cá nhân của riêng mình, nếu viết ra thì có thể dài đến cả 15 trang mất. Nhưng tóm gọn lại thì tôi luôn hướng đến một tương lai mà mọi người khắp thế giới đều có lựa chọn cho bất kì vấn đề nào của cuộc đời họ. Một thế giới mà ai cũng có thể tiếp cận các cơ hội học hỏi để chuyển hoá bản thân, dĩ nhiên là chỉ khi họ muốn. Một thế giới mà ai cũng khoẻ mạnh. Nơi mà chúng ta sống trong hoà bình và cư xử tử tế với nhau. Nơi mọi người sống hoà hợp với thiên nhiên. Nghe có vẻ vĩ mô, nhưng thật ra những điều này đều có mặt trong khía cạnh của cuộc sống.
Ví dụ, tôi cho rằng thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu mọi người chuyển sang chế độ ăn plant-based (tập trung chủ yếu vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật). Dù hiện tại trái cây rau củ là một phần không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, nhưng chúng ta vẫn có thể khuyến khích mọi người tiêu thụ nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn nếu giá cả hợp lý và dễ tìm mua hơn. Tôi cũng rất tâm huyết với vấn đề đổi mới trong giáo dục, thay đổi phương pháp giảng dạy để giúp học sinh, đặc biệt là cho những em nhỏ, có thể phát triển những kỹ năng sống cần thiết.
Tôi còn rất nhiều cam kết muốn thực hiện cho tương lai. Và vì hiểu rất rõ bản thân muốn gì, nên lý tưởng sống của tôi cũng chính là phần lớn công việc hàng ngày của mình ở Mekong Capital. Ví dụ như tôi muốn mọi người đều có cơ hội phát triển bản thân. Cho nên ở Mekong Capital, khi đầu tư vào một doanh nghiệp, chúng tôi sẽ mời nhà điều hành của doanh nghiệp đó tham gia vào các chương trình huấn luyện chuyển hoá bản thân và phát triển năng lực lãnh đạo giúp họ vững vàng hiện thực hóa tầm nhìn.
Một ngày làm việc của ông trôi qua như thế nào?
Công việc mà tôi mang lại nhiều giá trị nhất chính là trò chuyện với mọi người. Là trò chuyện trực tiếp chứ không không phải qua email hay tin nhắn. Những buổi trao đổi như thế này có hai đối tượng chính.
Một là các cuộc thảo luận nội bộ với trên dưới 20 người, hay còn gọi là khai vấn (coaching). Trong buổi trò chuyện này, chúng tôi sẽ cùng bàn về mục tiêu, kết quả và thành tích họ cần đạt được. Chủ yếu là tôi sẽ đưa ra câu hỏi đến khi họ nhận ra một điều gì mới, phát hiện này lại giúp họ mở ra nhiều cuộc đối thoại khác.
Thứ hai là những cuộc gặp gỡ với lãnh đạo của các công ty trong danh mục đầu tư. Trong buổi gặp mặt này, tôi cũng thường đặt câu hỏi để giúp họ khám phá ra thêm nhiều cách nhìn mới. Những quan điểm mới này có thể tạo ra nhiều đột phá cần thiết để thực hiện hoá được tầm nhìn mà doanh nghiệp đặt ra.
Ngoài việc đặt câu hỏi, tôi cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm của mình, và đó cũng là khởi nguồn của ‘Chuyện lẩu cua’. Chúng tôi có mời một chuyên gia kể chuyện tên là Kendall Haven để giúp biên soạn khoảng 500 câu chuyện về quá trình làm việc giữa Mekong Capital với các công ty trong danh mục, và sử dụng chúng cho mục đích nội bộ.
Khi một doanh nghiệp vấp phải một vấn đề nào đó, chúng tôi sẽ chia sẻ với họ bài học kinh nghiệm tương tự mà một công ty khác đã gặp phải, như câu chuyện của Marou Chocolate chẳng hạn. Tất cả những câu chuyện này đều là người thật việc thật. Đây cũng chính là điểm khác biệt duy nhất với tác phẩm ‘Chuyện lẩu cua’.
Ông có thể giới thiệu thêm về quyển ‘Chuyện lẩu cua’ không?
Chín tháng trước, trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi đã thực sự gặp phải một tình huống khó giải quyết. Nhiều lời phàn nàn ập đến từ mọi phía, như không ai chịu phối hợp với nhau, nhân viên không được truyền động lực, người thì cố gắng tìm ra giải pháp. Ý kiến đưa ra thì chồng chất nhưng không cái nào giải quyết được vấn đề. Dù biết là ai cũng có ý muốn giúp đỡ, nhưng mỗi người lại chỉ nhìn vấn đề theo quan điểm của riêng họ, nên càng khó trung hoà và xử lý hơn.
Một ngày nọ, tôi đang tập thể dục thì tự nhiên, ý tưởng viết một quyển sách về câu chuyện này bỗng nảy đến. Tôi muốn mọi người, qua tác phẩm này, có thể nhìn nhận lại vai trò của họ trong tình huống trên, vì chính họ không thể tự nhận thức được tại thời điểm đó.
Vì vậy, câu chuyện về những chú cua loay hoay thoát ra nồi lẩu cứ thế được hình thành. Mỗi con cua là đại diện cho một ý kiến, quan điểm khác nhau. Các nhân viên của Mekong Capital sau khi đọc xong quyển sách đều sôi nổi thảo luận họ là con cua nào. Đa phần mọi người đều tìm thấy hình ảnh bản thân phản chiếu qua những chú cua trong truyện.
Tại sao ông lại chọn hình tượng những chú cua làm ẩn dụ, mà không phải con vật nào khác?
Thứ nhất là cua thường bị đem đi luộc (tương tự như người thường rơi vào nghịch cảnh). Thứ hai là chúng không thể tự trèo ra khỏi nồi lẩu. Và cuối cùng là chúng mang trên mình lớp vỏ có thể bỏ đi.
Những yếu tố này rất phù hợp với hình tượng nhân vật mà tôi muốn xây dựng. Tương tự như quá trình lột vỏ, mỗi con cua đều giữ một quan điểm riêng và một phần trong bước chuyển mình của chúng là phải rũ bỏ được quan điểm đó.
Phần nào là phần ông tâm đắc nhất trong quyển sách?
Khó chọn quá, tôi không đặc biệt tâm đắc một phần nào cả. Nhưng điều tôi thích nhất về tác phẩm này là sự khác biệt về quan điểm sống của mỗi chú cua, khá hài hước đấy chứ. Như Cua Sai Lầm thì luôn dẫn những chú cua khác đi sai hướng, còn Cua Giải Pháp thì luôn tìm cách giải quyết vấn đề cho những chú cua khác.
Ngoài vai trò tác giả chính, ông có tham gia vào các quá trình khác như kiểm duyệt nội dung, minh hoạ, đặt tiêu đề không?
Tiêu đề là tôi chọn, còn phần minh hoạ thì tôi không có can thiệp gì. Chúng tôi gần như không đưa ra bất kì yêu cầu hay hướng dẫn về phần minh hoạ, nhưng người hoạ sĩ vẫn nắm được rất tốt tinh thần mà mỗi trang sách muốn truyền tải.
Về mặt chuyển ngữ, dịch giả của quyển sách này là người chúng tôi đã từng cộng tác trong nhiều chương trình và workshop, nên cô ấy hiểu rất rõ ý nghĩa câu từ của tôi.
Giá trị lớn nhất mà ông nhận được từ quá trình viết sách là gì?
Dù chỉ ra đời trong một phút ngẫu hứng, nhưng quá trình biến một ý tưởng thành hình dạng khiến tôi rất hào hứng và vui vẻ. Thật may ‘Chuyện lẩu cua’ là một tác phẩm nhẹ nhàng thú vị, chứ không phải một quyển sách khô khan về kinh doanh.
Chúng tôi cũng có kế hoạch viết thêm một quyển sách về lĩnh vực kinh doanh vào năm 2025. Thực ra đây mới chính là lý do ban đầu chúng tôi thu thập tư liệu và viết truyện. Khác với ‘Chuyện lẩu cua’, quyển sách này sẽ là tập hợp nhiều câu chuyện về người thật việc thật khác nhau.
Ông có dự định thú vị nào tiếp theo cho Mekong Capital hay có ý định xuất bản thêm sách không?
Bên nhà xuất bản có đề xuất chúng tôi nên cân nhắc thêm, nhưng hiện tại thì tôi không có ý định viết thêm quyển sách nào khác. Tuy nhiên, gần đây có nhiều tình huống thú vị phát sinh, tôi nghĩ kể lại chúng trong tương lai sẽ thú vị và hài hước lắm. Có thể lần sau, tôi sẽ sử dụng những con ếch làm hình ảnh ẩn dụ cho tình hình rối ren của doanh nghiệp. Đó mới chỉ là một ý tưởng thôi, chứ tôi vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào hết.
Về phần Mekong Capital, trong năm nay chúng tôi nhận ra nhiều nhân viên có mối quan tâm sâu sắc về vấn đề tái tạo rừng và đất hữu cơ. Cho nên chúng tôi đang phát động một quỹ tái tạo rừng và đất ở khu vực này.
Chuyển ngữ bởi Bích Trâm