Độc lập nuôi con, cha mẹ đơn thân nên quản lý tài chính như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Độc lập nuôi con, cha mẹ đơn thân nên quản lý tài chính như thế nào?

Việc đầu tiên bạn cần làm là rà soát lại tài sản mình đang có, các khoản nợ, để rồi từ đó biết được tài sản ròng của mình là bao nhiêu. 
Độc lập nuôi con, cha mẹ đơn thân nên quản lý tài chính như thế nào?

Quyết định trở thành cha mẹ đơn thân là một sự thay đổi rất lớn, đi kèm các cú sốc về tinh thần, và tài chính. | Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Văn hóa ở nhiều nước đã tạo ra một chuẩn mực bất thành văn, đó là trụ cột về tài chính trong gia đình phải là người đàn ông. Và trong nhiều trường hợp, người phụ nữ đành phải lùi bước để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.

Vì vậy, trong trường hợp trở thành cha hoặc mẹ đơn thân, Chàng-Ngốc-Già thấy nhiều anh chị em bị lúng túng và lo lắng về vấn đề tài chính. Và nỗi lo lớn nhất là chuyện cân đối thu chi, quản lý tài chính sao cho an toàn và hiệu quả.

Vậy nếu quyết định trở thành một người cha hoặc mẹ đơn thân, thì bạn nên quản lý tài chính như thế nào? Mình sẽ hướng dẫn chi tiết hơn trong bài viết này.

Bước 1: Cân đối lại chi tiêu

Quyết định trở thành cha hoặc mẹ đơn thân là một sự thay đổi rất lớn, đi kèm các cú sốc về tinh thần, và tài chính. Nỗi buồn có thể chưa vơi được ngay, nhưng lại phải đối mặt tức thì với chuyện cơm áo gạo tiền.

Nghiêm trọng nhất là nguồn thu bị giảm mạnh, trong khi các khoản chi vẫn như cũ hoặc giảm không đáng kể.

Ở những nước có hệ thống pháp lý bảo vệ phụ nữ tốt thì trách nhiệm của người chồng, người cha trong các vụ ly dị là rất lớn. Họ phải có trách nhiệm chu cấp tài chính và thu xếp thời gian cho trẻ con.

Nhưng dù có vậy, thì đối với phụ nữ, phần nhận được của họ cũng không thể như trước. Đó là vì ngân sách gia đình thường chung với nhau, và càng chênh lệch khi người chồng có thu nhập cao.

Vậy nên với cả cha và mẹ đơn thân, việc đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra lại tình hình tài chính của mình. Bạn cần rà soát lại tài sản mình đang có, các khoản nợ, để rồi từ đó biết được tài sản ròng của mình là bao nhiêu.

Ví dụ, bạn nên kiểm kê từ tiền mặt, số tiết kiệm, tài khoản ngân hàng, nữ trang cho đến bất động sản, xe cộ và tài sản khác, rồi trừ đi các khoản nợ phải trả. Nếu kết quả là một con số dương thì chặng đường phía trước sẽ bớt chông gai rất nhiều.

Trong trường hợp kết quả là con số âm, thì bạn cần nỗ lực để cân đối thu chi và trả nợ dần, trả hết các khoản nợ phải trả lãi sớm nhất có thể.

Về việc cân đối thu chi thì bạn cần tuân thủ nguyên tắc chi ít hơn thu. Ví dụ bạn kiếm được 10 đồng, thì nên gói ghém sao để chỉ chi tiêu trong số 8,9 đồng hoặc thấp hơn. Điều này giúp bạn có một khoản tiết kiệm và hình thành quỹ dự phòng khẩn cấp.

Về cách thức tiết kiệm thì bạn có thể dễ dàng tìm được lời khuyên từ internet, hay các nhóm trên mạng xã hội.

Một số cách mà bạn có thể làm là mua đồ dùng cũ, quần áo cũ, mua những lúc khuyến mại lớn, sử dụng phiếu giảm giá, bỏ đi những dịch vụ thuê bao trả tiền thực sự không cần thiết, và tự chuẩn bị bữa ăn khi đi làm.

alt
Về việc cân đối thu chi thì bạn cần tuân thủ nguyên tắc chi ít hơn thu.

Bước 2: Tăng thu nhập

Khi tình hình tài chính khó khăn, điều đầu tiên có thể nghĩ đến là các khoản trợ giúp từ gia đình, bạn bè.

Là người ở thế yếu hơn trong cuộc đổ vỡ, người phụ nữ thường nhận được sự quan tâm giúp đỡ của họ. Vì vậy trong hoàn cảnh này, nếu là phụ nữ, bạn nên mạnh dạn ngỏ lời nhờ giúp đỡ.

Ngoài ra, là cha và mẹ đơn thân, bạn cần tìm cách để tăng thêm thu nhập định kỳ. Đặc biệt là với những chị em trước đây ở nhà dành thời gian cho gia đình, thì bây giờ nên sớm tìm cho mình một công việc.

Lúc này, bạn cần tích cực nhờ sự giúp đỡ trong các mối quan hệ của mình, từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cũ (nếu có), và ngay cả hàng xóm.

Khi tìm kiếm việc làm, bạn cũng không nên ngại ngần nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng, nhất là các nhóm trên các mạng xã hội, qua các sở thích chung.

Với phụ nữ, đó có thể là các sở thích như nấu ăn, chăm sóc nhà cửa, làm vườn, chăm sóc con cái, hay thời trang - làm đẹp. Với đàn ông, đó có thể là nhà, xe hay thể thao.

Với những người đang đi làm, thì có thể kiếm việc làm thêm ngoài giờ, vào buổi tối hay cuối tuần.

Quan trọng hơn cả, bạn cần biết đầu tư để phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình.

Chàng-Ngốc-Già biết nhiều trường hợp chị em có con nhỏ, nhưng không dám tìm người hay dịch vụ để gửi con để mình có nhiều thời gian hơn phát triển nghề nghiệp. Như vậy thì tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, và nhiều cơ hội cũng sẽ tuột mất tầm tay.

Trong trường hợp này, chi phí gửi con phải được xem là một khoản đầu tư, mà lợi nhuận cao hơn nhiều rủi ro.

alt
Là cha và mẹ đơn thân, bạn cần tìm cách để tăng thêm thu nhập định kỳ.

Bước 3: Cân bằng sức khỏe tài chính

Quản lý tài chính cá nhân là điều có thể học, thực hành, và đạt được kết quả chứ không phải là năng khiếu bẩm sinh. Do đó, nếu bạn kiên trì thì chỉ sau một thời gian là có thể đạt sức khỏe tài chính tốt.

Nhưng lúc này, nếu bạn chỉ tập trung đến tài chính thì sẽ tạo ra sự mất cân bằng lớn trong cuộc sống. Vì bên cạnh tài chính còn là sức khỏe, con cái, và cuộc sống riêng của mình.

Sức khỏe tài chính tốt và một cuộc sống tốt có sự tác động qua lại lẫn nhau. Cho nên, nếu một người cha hoặc mẹ đơn thân cảm thấy mình đạt được cuộc sống cân bằng thì có thể tiếp tục như vậy.

Còn nếu bạn cần có một người chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, cùng muốn thực hiện những mục tiêu lớn lao hơn, thì rất nên tìm một người đồng hành mới.

Chọn gì cũng được, nhưng bạn phải luôn nhớ một điều, đó là luôn giữ được vị thế chủ động về tài chính của mình.

alt
Bên cạnh tài chính còn là sức khỏe, con cái, và cuộc sống riêng của mình.

Kết

Chàng-Ngốc-Già có biết nhiều người cha hoặc mẹ đơn thân rất thành công trong công việc và cuộc sống. Điểm chung của những người này là họ tự chủ, năng động, và rất mạnh mẽ trong việc chọn một lối sống phù hợp với riêng bản thân mình.

Và vì vậy, nếu không may bị đổ vỡ trong hôn nhân thì các cha mẹ đơn thân hãy xem đây như là một tai nạn, một thách thức, mà ai rồi cũng có cách sẽ vượt qua được. Chỉ cần có được một động lực tốt, một ý chí, và sự kiên trì.