Đối xử với đồng tiền: Thái độ sai, tai hại lắm! | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 05, 2021

Đối xử với đồng tiền: Thái độ sai, tai hại lắm!

Sai lầm #1: Tiền là để tiêu.

Đối xử với đồng tiền: Thái độ sai, tai hại lắm!

Nguồn: Unsplash

“Ghét cái thái độ”, ít nhất vài lần bạn đã từng nghe hoặc từng nói câu này rồi phải không?

Thái độ không phù hợp có thể mang lại hay gây phiền toái trong cuộc sống, công việc. Những trao đổi sau đây nhằm chia sẻ với các bạn những thái độ cần tránh khi ứng xử với tiền, để rồi qua đó chúng ta có thể có được sự an nhiên (well-being) về tài chính.

Sai lầm #1: Tiền là để tiêu

Tiền là để tiêu thì đúng rồi, vì một trong những chức năng cơ bản của tiền là thanh toán mà. Nhưng tiêu hết 100% hoặc tiêu quá lố mức mình kiếm được (thâm nợ) thì lại không ổn chút nào.

Trong một nền kinh tế vĩ mô ở quy mô quốc gia hay vi mô ở quy mô hộ gia đình thì luôn phải có chi tiêu và đầu tư (từ tiết kiệm). Bởi vì không có đầu tư thì không có phát triển.

Thử hình dung một doanh nghiệp, nếu không có tích lũy vốn, đầu tư thì làm sao có thể phát triển được. Máy móc, phương tiện sản xuất đâu có thể sử dụng mãi mãi được, sau một thời gian sẽ bị bào mòn, hỏng hóc, và cần phải thay thế mới. Khi đó phải cần sử dụng nguồn vốn đã chuẩn bị từ trước.

Ở hộ gia đình cũng như vậy, đồ đạc sau một thời gian sử dụng cũng cần phải thay thế mới. Trong một số trường hợp, giả sử thu nhập có tăng lên, nhưng nếu như chi tiêu tăng theo thu nhập, tiết kiệm là 0 thì khi mua sắm mới thì lấy tiền từ đâu?

Có người sẽ nói vay/mượn, nhưng khả năng trả không có vì vắt mũi bỏ miệng thì ai dám cho vay? Nếu chi tiêu hết toàn bộ thu nhập được tạo ra trong kỳ, có thể là theo tháng, quý, hay năm, thì nguy hiểm hơn là ở những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Ai mà có thể biết chắc tháng tới thời tiết như thế nào?

Trong cuộc sống ngày nay có quá nhiều bất định, và tất cả các biến cố xảy ra đều gắn với tiền: đau bệnh thì cần tiền thuốc men chữa trị, xe cộ hư hỏng thì cần tiền sửa chữa, làm bể bánh tráng của người khác thì phải mắc đền. Khái niệm việc làm trọn đời cũng dần đi vào dĩ vãng, lỡ không may bị thất nghiệp, nếu có bảo hiểm xã hội thì đỡ chút, còn không thì sẽ phải làm sao?

Chính vì vậy phải chú ý đến thái độ sai lầm thứ nhất về tiền: tiền để tiêu, và còn để tiết kiệm, đầu tư. Mà tỷ lệ tiết kiệm, tức phần % còn lại sau khi chi tiêu so với tổng thu nhập, là một yếu tố hết sức quan trọng đến việc tạo lập tài sản, vì có thể chúng ta không kiểm soát được thu nhập, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được chi tiêu.

Sai lầm #2: Tiêu bây giờ sướng hơn

Khái niệm “sướng” trong kinh tế học được đo bằng độ hữu dụng (utility), và kinh tế học duy lý là luôn tối đa mức độ hữu dụng. Vậy quan niệm cho rằng tiêu bây giờ sướng hơn trong tương lai có tối đa hóa được độ “sướng” không?

Nếu nói có, rất tiếc là câu trả lời của bạn đã không chính xác! Vì cá nhân hay hộ gia đình chi tiêu không phải chỉ trong một thời điểm t, mà lý thuyết hay gọi là Ct. Vì có nhiều thời điểm khác nhau trong vòng đời của một người, hay một chu kỳ của hộ gia đình, nên các mức chi tiêu không thể giống nhau theo thời gian. Sự chênh lệnh càng lớn, thì mức độ rủi ro càng cao vì tính theo độ lệnh chuẩn.

Vì lý do đó, cần phải giảm thiểu rủi ro, tức giảm độ lệch chuẩn, bằng cách “làm đều”, hay gọi là smoothing các khoản chi tiêu.

Lấy một ví dụ đơn giản: nếu có tháng cần chi 3 triệu đồng, tháng cần chi 5 triệu đồng, và tháng cần chi 1 triệu đồng, thì nếu kiểm soát được ở mức trung bình 3 triệu/tháng thì sẽ không có tháng quá thiếu, tháng quá thừa.

Một yếu tố quan trọng không kém là tiết kiệm để rồi đầu tư, qua sự kỳ diệu của lãi kép để tạo ra giá trị của tiền lớn hơn sức tưởng tượng của nhiều người. Để dành và đầu tư 1 triệu đồng 1 tháng, giả sử lãi suất 10%/năm, thì sau 10 năm không phải là có 120 triệu mà là khoảng 200 triệu lận, nếu được 5 triệu đều đặn mỗi tháng, thì sau 10 năm lên đến cả tỷ đồng chứ không phải là 600 triệu đồng.

Thêm vào đó, cái “sướng” của hiện tại rất dễ dẫn đến cảm giác tiếc nuối, vì lỡ tay xuống tiền rồi, giờ nếu có cái mới hay hơn, thích hơn lại không còn có đủ điều kiện tài chính. Hay có những thứ mà mình rất thích, nhưng vượt quá khả năng chi trả hiện thời, nên cần phải có tiết kiệm, tích lũy để đủ khả năng thanh toán. Nhiều bạn trẻ ở thành phố, đi làm và muốn có một căn hộ nhỏ của riêng mình, nhưng nếu tháng nào xào tháng đó thì bao giờ mới thực hiện được ước mơ của mình?

Sai lầm #3: Để mai tính

Suy nghĩ, và thái độ cho rằng tiền có lúc nào tiêu lúc đó, đến đâu hay đến đấy thực chất là không cần có kế hoạch về chuyện tiền nong. Nhưng thực tế đã đúc kết rằng không có chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại.

Ngày mai là một cách nói ví von cho chuyện tương lai, nhưng tương lai luôn có những ràng buộc và giới hạn về thời gian và nguồn lực với nhiều tình huống có thể xảy ra. Chuyện một doanh nghiệp hay một người có nhiều tài sản nhưng bị phá sản vì tính thanh khoản của tài sản không có vẫn có thể xảy ra. Làm buôn bán mà không tính dòng tiền phải thu, phải chi, lượng hàng tồn kho để tính vòng quay của tiền thì làm sao tồn tại được trong thương trường.

Nếu không có kế hoạch tài chính trước, những việc bất ngờ xảy ra thì sẽ không trở tay kịp, vì không đủ thời gian, hay không đủ nguồn lực lúc đó. Chính vì vậy mà trong tài chính, hay chi tiêu, phương án B, B’ là rất cần thiết. Những sự chuẩn bị trước về tài chính sẽ giống như lúc nào cũng giắt chiếc áo mưa theo xe máy trong Sài Gòn, kịp lúc với những cơn mưa bất chợt, rào một cái rồi lại tạnh.

Một kế hoạch tài chính có chuẩn bị chu đáo còn giúp cho việc theo dõi dễ dàng hơn, biết mình đã thực hiện đến đâu, còn cách mục tiêu bao xa. Chứ nếu không có kế hoạch, xả láng sáng dậy sớm như anh Hai Sài gòn, cậu Ba miền Tây thì nhiều tiền như công tử Bạc Liêu cũng tiêu điều lúc cuối đời. 

Thái độ đúng sẽ an nhiên

Có thái độ đúng về tiền, thì không cần phải có thật nhiều tiền thì mới có được trạng thái an nhiên về tài chính.

Theo khung đánh giá của tổ chức OECD và Mạng lưới Quốc tế về Giáo dục Tài chính (International Network Financial Education - INFE) về “financial literacy”, mà người viết mạn phép dịch là “xóa mù tài chính” thì an nhiên tài chính là trạng thái mà một người có thể chi trả được hết các tránh nhiệm tài chính hiện tại và tương lai, có sự yên tâm về tài chính trong tương lai, và có thể tận hưởng cuộc sống theo cách của mình.

Các trách nhiệm ở đây có thể là các hóa đơn định kỳ, tiền thuế, các khoản chi đột xuất. Còn sự yên tâm nghĩa là có một quỹ dự phòng tài chính phù hợp, trong đó có các hợp đồng bảo hiểm, và khoản dự phòng tiền mặt tương đương khoảng 6 tháng chi phí.

Trong khi đó khái niệm tận hưởng cuộc sống không phải là cái gì đó phải xa xỉ và thường xuyên. Đó có thể là một lần ăn ở một nhà hàng mà bình thường mình không thể đến thường xuyên, một chuyến du lịch mà có lẽ mấy năm mới đi một lần, hay một món đồ mà có lẽ chỉ có thể mua một lần trong đời.

An nhiên về tài chính, bên cạnh do thái độ tài chính, thì còn do kiến thức và kỹ năng tài chính. Nhưng thái độ là quan trọng nhất vì đó là điểm bắt đầu, khi có thái độ đúng thì sẽ biết mình cần những kỹ năng gì, kiến thức nào, và làm sao để có được. Hành động bắt đầu từ suy nghĩ.

Mình mong rằng đọc đến đây, các bạn trẻ biết rằng thái độ nào với tiền là chưa tối ưu, và cần gì để có thể có được trạng thái an nhiên tài chính, mà không nhất thiết phải cần có rất nhiều tiền.