Đừng vội thay đổi thế giới, bạn có cả đời để làm vậy | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 10, 2024
Thăng Tiến

Đừng vội thay đổi thế giới, bạn có cả đời để làm vậy

Chậm mà chắc không phải chỉ là lời động viên, nó thực sự là điều bạn cần để tạo nên chuyển biến mạnh mẽ hơn.
Đừng vội thay đổi thế giới, bạn có cả đời để làm vậy

Nguồn: Pexels

Mình học cấp ba ở một trường nội trú nổi tiếng ở Trung Quốc - United World College Changshu China. Trường từng hai lần được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình và có rất nhiều cựu học sinh là chính trị gia, hoàng gia, nhà hoạt động xã hội, doanh nhân nổi tiếng trên khắp thế giới. Sứ mệnh của trường là tạo tiền đề cho học sinh trở thành những “người tạo ra thay đổi” (change-makers) trong tương lai.

Vì vậy, trong suốt hai năm, từ 17 đến 19 tuổi, ngày nào mình cũng được nhắc nhở về “sứ mệnh” của trường và “định mệnh” của mình. Mình nghe đi nghe lại: “Mày cũng sẽ trở thành ‘change-maker’, Tùng ạ. Mày may mắn lắm mới được học ở đây, nên mày có nghĩa vụ với thế giới hiểu không?

Và mình tin điều đó. Mình thấm nhuần các giá trị cốt lõi của trường: nghĩ cho cộng đồng, cống hiến cho xã hội, và thay đổi thế giới. Đây là một “gánh nặng” không ai ép mình phải mang, nhưng mình tự xem đó là trách nhiệm cho những món quà mình đã nhận được từ quá trình theo học ở UWC.

Mình biết ơn trường vì đã ươm vào suy nghĩ của mình những giá trị tốt đẹp như vậy ngay từ khi mình còn rất trẻ. Vì những giá trị đó nếu để đến lúc một người chạc 30, 40 tuổi, mới cố gắng truyền cho họ sẽ rất khó. Thế giới quan của một người trẻ 18 tuổi dễ thay đổi hơn nhiều. Nhưng mình cũng ước đã có ai đó nói với mình ở những năm tháng ấy là: “Các em sẽ thay đổi thế giới. Nhưng hãy hết sức bình tĩnh, vì đó là một hành trình dài - một hành trình cả một đời người.”

Tầm nhìn xa và những giai đoạn của cuộc đời

alt
Nguồn: Pexels

Hai năm sau khi tốt nghiệp UWC, có một cuộc gặp đã thay đổi tư duy cống hiến của mình. Trong một bữa tối vào tháng 10 năm 2019, mình gặp Shelby Davis – tỷ phú tài trợ cho mình đi học ở Mỹ. Ông chia sẻ về lý do ông bắt đầu các hoạt động từ thiện suốt hơn 20 năm qua, giúp hơn 14.000 học sinh tốt nghiệp UWC có cơ hội học đại học ở Mỹ.

Tất cả đều bắt nguồn từ một truyền thống, một triết lý sống của gia đình Davis:

30 năm đầu là để học. 30 năm sau là để kiếm. 30 năm cuối là để cho đi.

(The first 30 years is to learn. The next 30 years is to earn. The last 30 years is to return)

Điều này không có nghĩa là trước 30 tuổi thì không được kiếm tiền, hay trước 60 tuổi không được cho đi. Triết lý này, được truyền qua nhiều đời của gia đình Davis để con cháu ghi nhớ bài học: mỗi giai đoạn phải có một ưu tiên rõ ràng.

30 năm đầu làm gì cũng được, nhưng học tập là quan trọng nhất. 30 năm sau làm gì cũng được, nhưng xây dựng nền tảng tài chính là ưu tiên hàng đầu. 30 năm cuối làm gì cũng được, nhưng làm từ thiện và cho đi là điều sẽ khiến phần đời còn lại có ý nghĩa.

Mình không chắc mình hoàn toàn đồng tình với triết lý này. Hồi đó, mình nghe Davis nói xong và nghĩ bụng: “Ừ đấy, nói chung là vẫn cần cho đi. Nên là phải cho 30 năm cuối lên sớm hơn để có hẳn 90 năm cho đi luôn!”

Nhưng càng suy ngẫm, mình càng hiểu về mức độ quan trọng của một tầm nhìn xa. Những thay đổi (impact) đến sớm nhất chưa chắc đã là thay đổi bền vững và có giá trị nhất. Bởi để thực sự kiến tạo thay đổi cần phải hoạch định trong một tầm nhìn xa, một hành trình kéo dài cả đời chứ không phải có thể đạt được chỉ trong chốc lát.

Giống như câu chuyện của Davis, nếu ông vội vàng “thay đổi thế giới” ngay khi tốt nghiệp đại học Princeton, bằng cách đi làm tình nguyện viên ở một tổ chức phi chính phủ, thay vì tập trung vào xây dựng gia tài của mình thì khả năng cao 14,000 học sinh tốt nghiệp UWC đã không có cơ hội đi học đại học tiếp, và tạo ra những thay đổi như bây giờ.

Việc Davis chọn “thay đổi thế giới” trễ hơn phần nào đã khiến ông tạo nên thay đổi mạnh mẽ hơn cho thế giới của 14,000 người.

Chậm hơn nhưng cũng chắc chắn hơn

alt
Nguồn: Pexels

Mặc dù cách diễn đạt khác nhau, nhưng Phil Knight - đồng sáng lập Nike cũng chia sẻ quan điểm tương tự với gia đình của Davis. Trong một buổi phỏng vấn tại trường kinh doanh Stanford, khi được hỏi về lời khuyên cho giới trẻ, ông đã nói: “Đừng vội thay đổi thế giới. Bạn có cả đời để làm vậy. Đầu tư vào bản thân và những người quan trọng xung quanh mình. Chỉ khi nền tảng của bạn vững, thì “tầm ảnh hưởng” của bạn mới bền được”.

(Don’t be in a hurry to make impact. You have your whole life to do it. Invest in yourself and the people closest to you. Only when the foundation is strong, can your impact be lasting).

“30 năm đầu là để học. 30 năm sau là để kiếm” cũng chính là đầu tư vào bản thân và những người quan trọng xung quanh mình như lời Phil Knight nói. Ước gì mình gặp Davis sớm hơn, và hiểu triết lý đó theo cách này sớm hơn.

Nên nếu bạn cũng quan tâm tới xã hội, muốn cống hiến gì đó cho đời, muốn có một lẽ sống lớn hơn cả chính mình, vậy thì can đảm có rồi, khát khao cũng có rồi, bây giờ điều bạn cần là đặt ra một tầm nhìn xa và luyện tập thêm sự bình tĩnh.

Bình tĩnh học. Bình tĩnh xây dựng nền tảng. Rồi bình tĩnh cho đi. Các bạn sẽ thay đổi thế giới, nhưng đó sẽ là một hành trình kéo dài cả đời người. Hãy tu dưỡng kiến thức, kỹ năng, và đạo đức thật tốt để khi cộng đồng, quê hương hay thế giới cất tiếng gọi, bạn có thể vững vàng trả lời.

Đọc bài viết gốc của Akwaaba Tùng tại đây.