Ghi chú với phương pháp "hộp gỗ" Zettelkasten | Vietcetera
Billboard banner

Ghi chú với phương pháp "hộp gỗ" Zettelkasten

Tại sao một phương pháp nghe có vẻ thô sơ nhưng lại hiệu quả không tưởng?
Ghi chú với phương pháp "hộp gỗ" Zettelkasten

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Liên kết những kiến thức đã biết giúp chúng ta ghi nhớ lâu hơn. Khoa học nói vậy, diễn giả TedTalk nói vậy, nhà vô địch trí nhớ của nước Mỹ cũng nói vậy.

Đây chính xác là phương pháp ghi chú Zettelkasten của Niklas Luhmann. Ông là một nhà xã hội học người Đức lỗi lạc của thế kỷ 20. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã xuất bản hơn 70 cuốn sách và 400 bài nghiên cứu về luật, kinh tế, chính trị, tôn giáo, tình yêu, nghệ thuật, truyền thông…

Zettelkasten là phương pháp ghi chú rất có ích cho việc học, đặc biệt với các bạn làm nghiên cứu. Nhưng nó lại không được dạy một cách bài bản trong các chương trình giáo dục phổ thông.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu kĩ hơn về phương pháp ghi chú tuy thô sơ nhưng rất hiệu quả này, cũng như biết cách áp dụng nó vào trong cuộc sống hiện đại.

Bản chất của Zettelkasten

Trong suốt cuộc đời của mình, Luhmann chỉ sử dụng giấy và bút để ghi chú. Sau đó, ông lưu lại tất cả thông tin vào trong những chiếc hộp gỗ (tiếng Đức: zettelkästen, tiếng Anh: Slip-box).

Về cơ bản, Zettelkasten là cách Luhmann viết và sắp xếp toàn bộ thông tin, suy nghĩ, ý tưởng trong quá trình nghiên cứu,... vào các mẩu giấy (Zettel), sau đó lưu giữ chúng trong các hộp gỗ.

Phương pháp này tuân theo 2 nguyên tắc. Đầu tiên là tính liên kết giúp kết nối những thứ chúng ta chưa biết biết với những thứ đã biết. Và thứ hai là tính nguyên tử: Một ghi chú chỉ được mang trong nó một ý tưởng hoặc khái niệm cơ bản duy nhất.

alt
Điểm mạnh của ghi chú Zettelkasten nằm ở chỗ nó giúp liên kết những kiến thức lại với nhau

Hệ thống ghi chú Zettelkasten

Luhmann chia ghi chú của mình làm ba loại: fleeting notes (ghi chú nhanh), literature notes (ghi chú ngắn hạn) và permanent notes (ghi chú vĩnh viễn).

1. Fleeting notes - Ghi chú nhanh

Như cái tên của mình, fleeting notes dùng để lưu lại nhanh suy nghĩ của bạn (sau khi đọc một cuốn sách hay bạn tự dưng nghĩ ra).

Những ghi chú này không cần quá dài hoặc có thể chỉ cần gói gọn trong 1 từ. Bạn cũng không cần quá bận tâm về việc phải sắp xếp. nó. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn những vị trí ghi chú có thể dễ dàng tìm lại.

Ví dụ của mình

Trong bài viết về cách ghi chú của Kendrick Larmar, mình đã nhắc tới việc rapper này luôn tập thói quen ghi chú.

Anh thường ghi chú lại những suy nghĩ của mình ngay sau khi anh gặp gỡ người khác hay đi dạo quanh một khu nhà.

2. Literature notes - Ghi chú ngắn hạn

Khi đọc một quyển sách, hoặc một bài báo nào đó và gặp phải một mẩu thông tin mới và thú vị, Luhmann sẽ tóm tắt nó lại vào một mẩu giấy nhỏ gọi là literature notes.

Nếu Luhmann muốn ghi chú lại đoạn thông tin, thay vì dùng bút gạch chân thẳng lên sách, ông sẽ chép lại vắn tắt đoạn thông tin đó, và nhắc tới nguồn của nó ở mặt trước của mẩu giấy.

Ở mặt sau, Luhmann sẽ tóm tắt lại nội dung của thông tin đó theo ý hiểu của mình. Do mẩu giấy Luhmann dùng rất bé, ông phải viết một cách cực kì ngắn gọn.

Cách này buộc ông phải suy nghĩ rất kĩ để có thể ghi chú vừa ngắn mà vừa dễ hiểu để bản thân sau này còn đọc lại. Đây chính là tiền đề cho việc nhớ được thông tin này lâu hơn. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi Luhmann ghi lại những suy nghĩ riêng của mình về thông tin đó.

Ví dụ của mình

Bạn đọc bài viết Về sự lựa chọn và thấy ý tưởng về việc cải thiện năng suất giúp bản thân cải thiện chất lượng công việc, bạn sẽ viết lại literature notes gồm 2 mặt.

Mặt trước sẽ chép lại trích dẫn trong bài viết gốc về làm việc năng suất. Còn mặt sau thì diễn giải về nội dung ở mặt trước theo cách bạn hiểu như sau:

Cải thiện năng suất -> làm việc nhanh -> kết quả nhanh -> có nhiều feedback -> cải thiện công việc. Suy nghĩ: có khi nào làm việc nhanh hơn lại không tốt?

3. Permanent notes - Ghi chú vĩnh viễn

Nếu như literature notes là những ghi chú về ý tưởng của người khác, thì permanent notes là ghi chú về ý tưởng của chính Luhmann.

Nói cách khác, permanent notes là những suy nghĩ, lập luận mà Luhmann nghĩ ra. Những suy nghĩ này được hình thành trong quá trình Luhmann thu thập, quan sát và kết nối chính những literature notes lại với nhau.

Sự khác biệt giữa permanent notes và các kiểu ghi chú khác nằm ở chỗ permanent notes liên tục được cập nhật, và được củng cố bởi các fleeting notes và literature notes khác.

Permanent notes chính là cơ sở để Luhmann tiếp tục tìm kiếm những thông tin, dữ liệu để củng cố hoặc phản biện lại chính luồng tư tưởng của bản thân. Nếu bạn đặt điều này trong ngữ cảnh công việc của Luhmann, bạn sẽ thấy nó cực kì có hiệu quả.

Luhmann là một nhà nghiên cứu, vì vậy các bài luận của ông phải cực kì khách quan và đa chiều. Vậy thì khả năng cao những bạn đang viết khóa luận để tốt nghiệp, hay những bạn đang muốn viết các bài nghiên cứu cùng thầy cô, cũng có thể áp dụng được phương pháp này.

Ví dụ của mình

Mình hay nghe mọi người nói rằng “Dù gì thì gì, nói thật vẫn tốt nhất.” Ngữ cảnh ở câu này xoay quanh việc để duy trì mối quan hệ bền vững với một người thì chúng ta nên nói thật với họ thay vì trốn tránh hoặc nói dối.

Sau một vài quan sát thì mình muốn bổ sung rằng “Con người muốn biết sự thật, nhưng không thích sự thật trần trụi.” Lý tưởng này của mình được rút ra qua hai quan sát:

Đầu tiên là thông qua video so sánh camera của iPhone 13 và Sony Xperia Pro-i. Về mặt thông số, chiếc Sony hơn hẳn. Vậy nhưng đa số mọi người vẫn chọn iPhone 13.

Đơn giản vì camera của Sony chân thực quá, nên những bức ảnh gần như rất sát với thực tế, màu tối hơn, ám vàng hơn. Trong khi đó, ảnh của iPhone 13 có màu sắc rực rỡ hơn một chút, nét hơn một chút, sáng hơn một chút (do đã đi qua nhiều thuật toán).

Ví dụ thứ 2 mình muốn nhắc tới bài nói chuyện của Yuval Noah (tác giả của cuốn Sapien). Trong bài nói ông có đề cập tới việc con người thích nghe kể chuyện với một vài yếu tố được thêm thắt, hơn là một sự thật trần trụi.

Các thành phần cơ bản của ghi chú Zettelkasten

Một ghi chú zettelkasten (phiên bản Luhmann) được chia làm 3 phần chính: mã ghi chú (ID), nội dung, và các ghi chú liên quan.

1. Mã ghi chú (ID)

Mỗi một ghi chú sẽ đều được đánh số. Nội dung ghi chú sẽ chỉ được nhắc tới một khái niệm (tính nguyên tử).

Luhmann sử dụng các con số (1,2,3...) để phân biệt chúng với nhau. Ghi chú đầu tiên thì đánh số 0, ghi chú tiếp theo không liên quan tới ghi chú 0 sẽ đánh dấu 1.

Các chữ cái cũng được sử dụng để nhóm các ghi chú có liên hệ với nhau. Ví dụ như ông sẽ thêm chữ “a” (thành “1a”) để ký hiệu thông tin đó có liên quan tới ghi chú 1.

Tương tự, nếu ông viết một ghi chú cũng liên quan tới cái số 1, nhưng không liên quan tới 1a, ông sẽ gọi nó là 1b.

alt
Mỗi ghi chú sẽ được đánh dấu bằng những mã khác nhau

Nếu ông tìm thấy thông tin liên quan tới 1a, thì ông sẽ “bẻ nhánh” ra tiếp thành 1a1, rồi 1a2…

Bằng cách này, kể cả khi Luhmann đã viết hơn 90,000 bản ghi chú trong suốt cuộc đời, ông có thể dễ dàng tìm được những “luồng” ghi chú có chung chủ đề với nhau. Điều này rất có ích cho việc lập luận của ông trong các bài viết khoa học.

2. Nội dung ghi chú

Nội dung của ghi chú có thể là sự tóm tắt của chúng ta về một thông tin, hoặc có thể chính là suy nghĩ, ý tưởng của chúng ta về thông tin đó.

Bên cạnh đó, nếu Luhmann đang viết permanent notes, ông sẽ có thêm những liên kết tới các ghi chú khác. Ví dụ như bổ sung vào ghi chú dòng: “Xem thêm các mục 45.7a ; 45.7b.”

Việc liên kết chính là một trong những nguyên tắc cơ bản của Zettelkasten. Nó giúp cho hệ thống kiến thức chặt chẽ hơn, cũng như giúp chúng ta sáng tạo khi kết nối hai ý tưởng hoàn toàn không liên quan gì với nhau (cho lắm).

3. Các ghi chú liên quan

Khi viết permanent notes, Luhmann sẽ cố gắng suy nghĩ xem ý tưởng này có liên quan gì tới những gì ông từng viết hay không. Sau đó, ông sẽ liệt kê các ghi chú có liên quan ở phần dưới cùng để khi nào đọc lại, ông sẽ suy nghĩ thêm về nó.

Đây chính là việc chúng ta kết nối kiến thức mới với các kiến thức cũ – lời khuyên mà khoa học và các nhà thiên tài trí nhớ đưa ra để giúp chúng ta nhớ lâu hơn.

Lưu ý gì khi lần đầu thử Zettelkasten?

Mục lục dành cho các ghi chú

Để bản thân không bị lạc trôi trong thiên hà ghi chú, Luhmann đã chế ra một thứ giống như mục lục dành cho hệ thống note của mình.

alt
Chúng ta có thể lạc trôi trong thiên hà ghi chú nếu không có mục lục

Ở trong mục lục này, Luhmann sẽ liệt kê những permanent notes quan trọng nhất. Bằng cách này ông sẽ tìm được hàng trăm ghi chú con (literature notes) liên quan.

Mình cũng sử dụng một hệ thống tương tự gọi là MOC (Map of Content), nơi chứa những note quan trọng nhất của mình. Mỗi một note quan trọng sẽ link tới nhiều note quan trọng khác thuộc chủ đề mình quan tâm.

Tận dụng công nghệ để viết mã ID

Bản chất của ID là để chúng ta dễ dàng “nhắc tới” một cái ghi chú khác mà không phải viết tên của ghi chú đó ra (biết đâu có nhiều ghi chú trùng tên thì sao?)

Ngày nay với công nghệ, chúng ta không cần phải cầu kỳ viết mã cho từng ghi chú như vậy mà có thể sử dụng hyperlink (đường dẫn siêu liên kết).

Nhờ vào các ứng dụng ghi chú như Obsidian, nên mình không sử dụng ID. Thay vào đó, mình sẽ thêm những thông tin liên quan tới ghi chú như ngày tạo, nguồn, tag, và ngữ cảnh. Những thông tin này giúp mình tìm lại ghi chú dễ dàng hơn.

Phương pháp cũ với lớp áo hiện đại

Mặc dù đã ra đời cách đây hơn 2 thế kỷ, Zettelkasten vẫn chứng tỏ mình là một phương pháp ghi chú cực kì hiệu quả khi nhấn mạnh vào tính liên kết và tính nguyên tử của nội dung.

Đặc biệt, khi kết hợp với những ứng dụng ghi chú hiện đại được thiết kế dựa trên hai nguyên tắc kể trên (như Obsidian, hay Roam Research), bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và phát huy được hết tính hiệu quả của phương pháp này.