Họa sĩ Vũ Đỗ: Muốn cảm thụ một tác phẩm hội họa, sao bạn không thử học vẽ? | Vietcetera
Billboard banner

Họa sĩ Vũ Đỗ: Muốn cảm thụ một tác phẩm hội họa, sao bạn không thử học vẽ?

Không phải ai cũng học vẽ để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, bạn có thể học để hiểu hơn và trân trọng nghệ thuật của họ.

Họa sĩ Vũ Đỗ: Muốn cảm thụ một tác phẩm hội họa, sao bạn không thử học vẽ?

Hoạ sĩ, giáo viên nghệ thuật Vũ Đỗ | Nguồn: VCCA

Có nhiều cách để hiểu hơn về tác phẩm trong một không gian triển lãm. Ví dụ như đọc các bài viết của giám tuyển, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, tìm hiểu các câu chuyện mang tính lịch sử xoay quanh tác phẩm và nghệ sĩ. 

Tuy nhiên không phải lúc nào những thông tin này cũng có thể đem lại cảm nhận chân thực và thuyết phục nhất. Hãy thử học và trải nghiệm thực hành nghệ thuật một cách nghiêm túc.

Để tiếp cận về câu chuyện tìm hiểu cũng như cảm thụ nghệ thuật, chúng tôi đã trò chuyện với họa sĩ Vũ Đỗ - nhà giáo dục về nghệ thuật tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Pennsylvania (PAFA) và sáng lập The Painter’s Studio. Hiện anh đang nghiên cứu hạt màu, kỹ thuật hội họa cổ Bắc Việt từ thế kỉ 17 - 19.

1. Chất liệu là nền tảng để đi sâu vào quá trình sáng tác của nghệ sĩ

Nhắc đến chất liệu ta thường nghĩ tới màu vẽ nhưng ít ai biết rằng hạt màu thực sự rất đa dạng và kì diệu. Bằng những nghiên cứu của mình, Vũ Đỗ chỉ ra rằng, hạt màu là chất làm nên sắc màu. Chúng có thể đến từ nhiều thứ rất gần gũi trong đời sống hằng ngày, như màu đỏ của đất sét, màu đen của than, màu xanh của gỉ đồng. 

Từ ngàn xưa những người nghệ sĩ, nhà giả kim đã luôn tìm tòi, khám phá những loại hạt màu rực rỡ, đa dạng và bền vững nhất. Ví dụ màu xanh chiếc băng ruy đô trong bức tranh "Cô gái với khuyên tai ngọc trai" của Johannes Vermeer, được điều chế từ đá lưu ly - lapis lazuli - khai thác ở mỏ Badakhshan, Afghanistan.

Câu chuyện hạt màu tại The Factory Comtemporary Art Center | Nguồn: The Factory Art

Ultramarine blue - màu xanh được mang về từ bên kia biển Địa Trung Hải đã từng có lúc đắt hơn vàng. Chỉ những chi tiết quan trọng của những bức tranh đắt tiền, mới được dùng loại hạt màu xa xỉ này. Điển hình như chiếc áo choàng màu xanh của Đức Mẹ Đồng Trinh trong các bức tranh thờ Châu Âu. 

“Không chỉ tìm kiếm các hạt màu ngoài tự nhiên, các nhà giả kim từ thời Trung cổ còn có thể điều chế các hạt màu nhân tạo. Điển hình họ nung nóng lưu huỳnh và trộn với thủy ngân. Từ đó điều chế ra màu đỏ chu sa nhân tạo - thứ vốn chỉ tìm thấy được từ các mỏ đá thần sa ngoài tự nhiên.” - Anh cho biết

Các nhà hóa học cuối thế kỉ 19 với những phát kiến mới, đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp điều chế sơn, chất nhuộm. Màu nhân tạo mới tinh khiết hơn, rực rỡ và bền vững hơn. Nó đã dần thay thế các chất màu truyền thống vốn mất nhiều công sức để tinh chế.

Điều đó cho thấy, việc tìm hiểu về chất liệu không chỉ giúp người xem có kiến thức về kỹ thuật, quá trình sáng tác của người nghệ sĩ. Nó còn mang đến những câu chuyện lịch sử của cả một thời kỳ.

2. Tiếp cận hiện đại là hướng đi mới trong cảm thụ nghệ thuật ở Việt Nam

Ngay từ những ngày đầu giảng dạy, Vũ Đỗ nhận ra có một bức tường vô hình giữa những người làm nghệ thuật và công chúng. Có không ít ngộ nhận của những người ngoài ngành về nghệ sĩ và ngành sáng tạo nghệ thuật. 

Người ta thường gán cho nghệ sĩ cái mác lập dị, mơ mộng, làm việc theo cảm hứng và đôi khi thật khó hiểu. Vẫn luôn tồn tại sự nhìn nhận thiếu công bằng đối với các ngành trong công nghiệp sáng tạo. Ví dụ như cho rằng họa sĩ thì không thể có thu nhập tốt.

"Cá nhân anh muốn thể hiện cho mọi người thấy đây là một nghề cũng nghiêm túc như bao nghề khác. Mọi người làm việc ít nhất 8 tiếng một ngày, thậm chí không có ngày nghỉ và mọi thứ đều cần có sự đầu tư và khổ luyện. Nghệ sĩ cũng có thể làm việc rất lý trí và khoa học.” - Anh chia sẻ

The Painter's Studio lớp Intro to Drawing | Nguồn: The Painter's Studio

Giáo dục phổ thông ở Việt Nam ngày nay chưa coi trọng lắm về giáo dục cảm thụ nghệ thuật. Môn vẽ, âm nhạc chỉ được học đến hết chương trình cấp hai và mới chỉ dừng lại ở các bài tập rập khuôn như vẽ theo mẫu, tô màu.

Việc tìm hiểu hay theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp thường là tự phát hoặc phải có yếu tố gia đình (bố mẹ là nghệ sĩ). Ở Việt Nam, chúng ta thường biết tới nghệ thuật thế giới qua sách báo, internet. Hay cụ thể hơn là thưởng thức nghệ thuật qua màn hình điện thoại, dưới nhiều lớp filter thiếu chân thực. 

Sự choáng ngợp khi chiêm ngưỡng tác phẩm "Hồ lily" của Claude Monet trong không gian hoành tráng ở bảo tàng Orangerie (Paris). Hay nỗi khổ chen chân nhiều giờ để ngắm "Mona Lisa" tại Louvre, thì các công nghệ kỹ thuật số khó có thể tái thể hiện được. Tuy vậy, không phải ai cũng có cơ hội may mắn được nhìn những kiệt tác này tận mắt.

Ngay cả các bảo tàng lớn ở Hà Nội như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia chứa đựng một bộ sưu tập đồ sộ tác phẩm quý và đặc sắc. Nhưng nó chưa thực sự thu hút được phần đông công chúng và phát huy giá trị vốn có.

Từ đó, anh quan niệm, một cách tiếp cận hiện đại hơn, thân thiện và mang tính giáo dục sẽ là hướng đi mới.

3. Để có phong cách cá nhân, phải mạo hiểm và thử nghiệm thật nhiều

Về phong cách cá nhân, Vũ Đỗ cho rằng nó rất quan trọng. Anh định nghĩa về giáo dục nghệ thuật, người làm nghệ thuật nên lấy quá trình làm trọng tâm thay vì kết quả. - “It's all about the process, not the product.”

Art tour Vincent Van Gogh hình ảnh và khoảng cách tại VCCA | Nguồn: VCCA

“Chúng ta không tự ai nghĩ được cái gì cả mà chúng ta được học của những người xung quanh. Như Van Gogh ảnh hưởng bởi nghệ sĩ Ấn Tượng Ukiyo-e, Nhật Bản. Chúng ta đều lấy nguồn cảm hứng từ những thứ xung quanh và các nền văn hóa khác. Sau đấy sẽ là sự lựa chọn cá nhân, góp nhặt những thứ đó vào và tổng hợp thành cái mới của mình.” - Anh cho biết.

Tuy nhiên, với người trẻ ngày nay, định hình phong cách cá nhân là còn quá sớm. Để có thể tự tin nói rằng “Phong cách cá nhân của tôi là…” bạn phải trải nghiệm, thử nhiều thứ mới và không bị giới hạn bởi những định kiến có sẵn.

Hơn nữa, thế giới luôn thay đổi và chúng ta cũng thế. Như cách Marcel Duchamp nghỉ không sáng tác nữa mà chuyên tâm chơi cờ. Đến khi ông mất, nhân loại mới khám phá ra một kho tàng mà ông đã làm bí mật. 

“Những người mới đừng nên quan tâm quá đến cái tôi riêng, hãy thử nhìn nhận, tìm ra mình hứng thú với gì để gắn bó với nó. Ngay cả khi không thể đi xa, thì việc bạn chấp nhận mạo hiểm và tò mò đã rất đáng khích lệ. Lúc đó, dù không tìm thấy thứ này, bạn sẽ tìm được cái khác.” - Vũ Đỗ kết luận.

4. Nâng cao cảm thụ nghệ thuật là câu chuyện bắt đầu từ hai phía

Một là từ phía các đơn vị tổ chức như bảo tàng, phòng triển lãm, trung tâm nghệ thuật. Hai là từ những người thưởng thức nghệ thuật. Các không gian triển lãm này, ngoài trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, còn đi kèm tường thông tin, thông điệp của giám tuyển, chú thích tác phẩm. 

Vũ Đỗ cho rằng chú thích của tác phẩm chiếm phần quan trọng trong việc kết nối với khán giả. Chú thích không nhất thiết là giải nghĩa tác phẩm. Nó có thể cung cấp những dữ liệu như vật liệu, quá trình sáng tác, niềm cảm hứng hay những câu chuyện mang tính lịch sử. Từ đó khán giả có thể tự chiêm nghiệm.

Art tour Gustave Klimt: Egon Schiele trong bối cảnh thời đại | Nguồn: VCCA

Việc đầu tư và thiết kế các chương trình tour nghệ thuật, workshop tương tác cho các khán giả nhỏ tuổi, xen kẽ các chương trình dành cho người lớn cũng là một hướng đi được nhiều bảo tàng trên thế giới theo đuổi.

Xã hội thay đổi và các tác động khác nhau khiến việc truyền tải, thưởng thức nghệ thuật cũng buộc phải thích nghi với hoàn cảnh mới. Các triển lãm số, sự kiện nghệ thuật, tọa đàm nghệ thuật trực tuyến đã dần trở nên phổ biến hơn. Nó đã bộc phát những thế mạnh ưu việt của format mới. 

Không chỉ nước ngoài, ở Việt Nam cũng có sự phát triển mạnh của các cộng đồng yêu nghệ thuật. Các nhóm này không chỉ thu hút những người thích tìm hiểu về nghệ thuật, mà còn là nơi những nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể chia sẻ với khán giả của mình. 

“Mọi người hãy có một kiến thức nền tảng về lịch sử nghệ thuật. Từ đó có thể tự đưa ra các cảm nhận và chiêm nghiệm cá nhân. Như gần đây anh bị thu hút bởi ngành di sản và bảo tồn nghệ thuật. Nhìn rộng ra, đó cũng như một “cầu nối" đưa các bạn đến gần hơn và đi xa hơn với thế giới nghệ thuật.” - Vũ Đỗ kết luận.