"Học MBA thời điểm chín muồi nhất là khi cảm được những vấn đề quản trị." - CEO PNJ Lê Trí Thông | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
24 Thg 06, 2021
Thăng Tiến

"Học MBA thời điểm chín muồi nhất là khi cảm được những vấn đề quản trị." - CEO PNJ Lê Trí Thông

"Giữa 2 dòng chữ đen trong sách có còn dòng trắng – đó mới là nơi kết tinh kiến thức của riêng mình."

"Học MBA thời điểm chín muồi nhất là khi cảm được những vấn đề quản trị." - CEO PNJ Lê Trí Thông

Nguồn: UEH-ISB.

Ông Lê Trí Thông được giới trẻ Việt lứa 8x, 9x xem là hình mẫu của sự thành công đến từ nền tảng học thuật vững vàng. Ông Thông nổi tiếng thời sinh viên khi từng tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, rồi lại chuyển hướng sang kinh doanh sau các bước chuẩn bị bài bản bằng con đường MBA.

Ông Thông hiện là Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ.

Học MBA - Một quyết định bước ngoặt 

Tại một buổi trò chuyện cùng các bạn trẻ trong chuỗi sự kiện trực tuyến MBA for Success do Viện ISB, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Lê Trí Thông chia sẻ rằng, "máu kinh doanh" đã ngấm vào ông từ nhỏ, nên, dù đã có học bổng Tiến sĩ Công nghệ Hóa học ở Mỹ, ông vẫn bỏ để quyết tìm kiếm cơ hội lấy bằng MBA - Thạc sĩ Kinh doanh.

25 tuổi, với chỉ vỏn vẹn hai năm đi làm sau khi ra trường, ông Thông lúc ấy đúng là quá nhỏ bé so với những bạn học tại lớp MBA của ĐH Oxford, một "thánh đường" lẫy lừng về học thuật. Thực tế, ĐH Oxford thường đòi hỏi học viên phải có khoảng 3-4 năm kinh nghiệm, do đó, những bạn bè cùng lớp với "baby MBA" (biệt danh của ông Thông lúc ấy) có người đã hai bằng tiến sĩ, có người đang là phó giáo sư…

MBA
Nguồn: UEH-ISB.

"Dù là một sinh viên xuất sắc ở Việt Nam, nhưng suốt 1-2 tháng đầu tiên, lòng tự tin của tôi bị tổn thương khi không có bài tập nào được điểm A." - Ông Thông kể. "Khi đặt câu hỏi với giáo sư, tôi mới vỡ lẽ: Tôi đã làm bài tập như khi học ở Việt Nam là "trả bài", trong khi đó MBA ở Oxford mong đợi tôi phải làm bài với những gì thuộc về tôi, bằng cách đưa ra quan điểm học thuật có phê phán và tiêu hóa thành của riêng mình thì mới có khả năng đạt điểm cao".

Một bầu trời khác đã mở ra, ít nhất là cách học, cách tiếp cận, làm cho "baby MBA" phải thay đổi. Ông Thông nhìn nhận: "Có những lý thuyết học được ở trường, tới ngày hôm nay chỉ đúng khoảng 30% tình huống. Còn lại 70% tình huống thì cần có một lý thuyết khác hay phiên bản khác của lý thuyết!"

Điều khó chịu nhất với một người theo khoa học tự nhiên là tư duy hoặc đúng, hoặc sai dường như không có chỗ trong MBA. Chính một bạn đồng học đã khuyến cáo với ông: "Thế giới không có 0 và 1, thế giới không phải lúc nào cũng rõ ràng, nghề quản trị là nghề giải quyết các vấn đề không chắc chắn, không rõ ràng đó!".

Ngộ ra những điều này, không phải là dễ dàng, ít nhất là với một người vốn xem trọng chân lý trong học thuật như ông Thông.

Uni
Nguồn: Unsplash.

MBA không chỉ là nền tảng, mà còn là… "Đạo"

Rất nhiều lần trong câu chuyện, ThS. Lê Trí Thông gọi MBA là "Đạo". Ông khẳng định, MBA là chương trình cho học viên những kiến thức nền tảng và bộ khung tư duy chắc chắn để từ đó có thể gắn thêm, tùy biến với sự tiến hóa của tri thức.

"Cái "Đạo MBA" sẽ theo ta mãi trong cuộc đời. Nó giúp tôi luôn nhìn nhận, quan sát, nạp vào và tiêu hóa, phản biện lại chính những lý thuyết mà mình đã được học để hình thành nên một thế giới quan mới. Chính cái "Đạo" này giúp tôi có những bước thành công trong sự nghiệp sau này, giúp tôi tự khai phóng để có thể thấy những miền xác định mới, những không gian biến hóa của thực tế kinh doanh," ông Thông nhấn mạnh.

UNi 1
Nguồn: UEH-ISB.

Chính từ việc "ngộ đạo MBA" mà ông Thông nhận xét rằng, học MBA không chỉ học những cái có trong giáo trình.

"Có những người học MBA tập trung vào những cái có trong sách – điều đó cũng tốt nhưng đó chỉ là kiến thức chung của nhân loại – kiến thức đó được in thành những dòng chữ đen tĩnh tại trong sách vở. Giữa 2 dòng chữ đen trong sách có còn dòng trắng – đó mới là nơi kết tinh kiến thức của riêng mình.

Bằng cách suy luận, bằng cách tư duy của riêng mình, ta sẽ tự mình điền vào những dòng trắng – dòng chữ trắng này thay đổi và biến hóa theo thời gian như chính thực tế kinh doanh. Đó mới chính là cái Đạo của MBA," ông Thông nói.

Và dĩ nhiên, giá trị tấm bằng MBA thật sự phát huy được tác dụng khi học viên lựa chọn được thời điểm học phù hợp. Bàn về vấn đề này, ThS. Lê Trí Thông gửi lời khuyên chân thành đến các bạn trẻ: "Bạn sẽ học MBA thời điểm chín muồi nhất là khi bạn cảm được những vấn đề về quản trị. Chỉ có như thế, bạn mới có thể tìm được lời giải hoặc có được cấu trúc giải quyết các bài toán của doanh nghiệp."


Tiếp nối CEO PNJ Lê Trí Thông, nhiều quan điểm thú vị và đáng suy ngẫm đến từ các doanh nhân, lãnh đạo cấp cao của các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước sẽ được chia sẻ thông qua chuỗi sự kiện MBA For Success.

Số phát sóng kỳ này sẽ là buổi gặp gỡ cùng ThS. Tammy Thi Phan - Head of Marketing tại Google Việt Nam xoay quanh chủ đề “Digital Marketing - Yếu tố giúp doanh nghiệp Việt phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu.” 

Sự kiện là cơ hội để mọi nhà quản lý/ lãnh đạo tương lai lắng nghe và chuyển hóa nhiều bài học quý giá từ hành trình sự nghiệp của khách mời. Lồng ghép vào đó là những chủ đề bàn luận thức thời trong kỷ nguyên công nghệ và chuyển đổi số cùng góc nhìn tổng quan và giá trị thiết thực của tấm bằng MBA.

MBA
Nguồn: UEH-ISB.

MBA For Success là chuỗi sự kiện trực tuyến được host bởi PGS. TS. Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng UEH-ISB nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan, chia sẻ thực tế về trải nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc của các doanh nhân, lãnh đạo cấp cao ở các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Đăng ký tham gia chuỗi hội thảo MBA For Success: https://mbafs.isb.edu.vn/.