"Hóng" cổ phiếu sao cho đúng? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
02 Thg 07, 2021
Tài Chính Cá Nhân

"Hóng" cổ phiếu sao cho đúng?

"Hóng" cổ phiếu không xấu, nhưng "hóng" sai cách thì xấu đấy.
"Hóng" cổ phiếu sao cho đúng?

Cần tỉnh táo trong hoàn cảnh nhà nhà "hóng" cổ phiếu như hiện nay. | Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Với nhiều người đầu tư cổ phiếu, đơn giản nhất là mua một ETF (Exchange-Traded Fund). ETF này có độ bao phủ một chỉ số chứng khoán, một ngành nghề, hay một nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn nhất định (big-mid-small) nào đó với mức phí thấp.

Cũng có những người chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội mua bán để kiếm lời. Để làm được như vậy, họ phải dành ra nhiều thời gian và công sức cho việc sàng lọc và tính toán các tiêu chí.

Và đương nhiên, cũng có những người mua bán theo “phím hàng” từ người khác. Có điều, cách vận dụng khác nhau cũng dẫn đến kết quả khác rất xa nhau.

"Cho mình xin 03 chữ cái"

Nếu hỏi những người có nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán rằng chuyện gì khiến họ ngại ngùng nhất, có lẽ phần lớn câu trả lời sẽ là “khi có ai hỏi mình nên mua cổ phiếu nào lúc này”. Người Việt thường nói là “phím cho mình 03 chữ cái đi".

Thật vậy, không ngại sao được khi mình chưa biết người hỏi sẽ làm gì với cổ phiếu đó. Việc nhận định cổ phiếu có những dấu hiệu nền tảng tốt vẫn có thể bị sai lầm về thời điểm mua bán (timing).

Không ai có thể đoán trước được thị trường. Nếu không may vì một lý do gì đó thị trường điều chỉnh, người giữ cổ phiếu lại nao núng bán đi trước khi nhịp tăng trở lại thì người cho lời khuyên lại bị mang tiếng xấu.

Việc trao đổi thông tin trên thị trường là hết sức bình thường, nếu không nói là rất phổ biến giữa những người mua bán chứng khoán chuyên nghiệp.

Xuất phát từ các mối quan hệ cá nhân, hay mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức, việc trao đổi thông tin sẽ diễn ra ở các cấp độ và tần suất khác nhau. Tần suất có thể từ hàng tuần, hàng ngày cho đến liên tục trong giờ giao dịch.

Việc trao đổi thông tin trên thị trường là hết sức bình thường, nếu không nói là rất phổ biến giữa những người mua bán chứng khoán chuyên nghiệp.

Tại sao cần cẩn trọng với thông tin?

Nếu chỉ nghe rằng có cổ phiếu nào tốt đã vội vàng mua ngay mà không kiểm chứng thì rất dễ gặp thất vọng.

Nguyên nhân thứ nhất là khi thông tin cổ phiếu tốt đến tai của mình - những nhà đầu tư nhỏ lẻ thì độ trễ của nó đã là rất lớn. Đó là do những người có thông tin sẽ đi theo thứ tự, từ ban lãnh đạo, đến nhà đầu tư tổ chức, đến các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác.

Do đó, đến lúc mình biết thì giá đã không còn “ngon” vì các thông tin tốt đã được phản ánh dần trong giá thời gian qua.

Nguyên nhân thứ hai là tâm lý FOMO. Khi nhiều người hào hứng, cùng lao theo mua một cổ phiếu được truyền tai nhau, rất nhiều khả năng cổ phiếu đó đã ở mức giá cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó.

Đừng nhắm mắt mà mua!

Các nhà đầu tư cá nhân cũng tìm kiếm thông tin. Vậy nhưng, cách chọn nguồn và xử lý thông tin sau đó tạo ra sự khác biệt lớn giữa một nhóm nhỏ và số đông còn lại.

Có những nhà đầu tư cá nhân lấy thông tin từ các tổ chức cung cấp dữ liệu thị trường chuyên nghiệp như Bloomberg, Reuters, Morningstar,... Một số khác theo dõi trang cá nhân của những nhà phân tích thị trường độc lập có uy tín. Một số lại lấy thông tin từ các mối quan hệ bạn bè, người quen làm trong ngành.

Khác biệt ở đây là các khuyến nghị nếu có, đều phải có các phân tích định lượng cụ thể đi kèm.

Vậy nên, các nhà đầu tư khi có thông tin về những cổ phiếu tiềm năng, thì không phải cứ nhắm mắt mà mua. Ta nên làm thêm những việc sau:

  • Nghiên cứu kỹ thêm về xu hướng thị trường.
  • So sánh lại với các tiêu chí riêng của mình. Các tiêu chí có thể là mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, hay tỷ lệ nắm giữ của các quỹ đầu tư lớn.
  • Đặt câu hỏi “liệu đây có phải là thời điểm phù hợp để mua?”
Hóng không cẩn thận là dễ "tèo" lắm.

Làm sao để hóng cổ phiếu hiệu quả?

Chú ý nguồn thông tin

Việc đầu tư chứng khoán không bao giờ là dễ dàng. Nó không đơn giản theo kiểu “việc nhẹ lương cao”. Nếu mua bán mà chỉ qua tin đồn, hay qua truyền tai trên các diễn đàn, nhóm trao đổi thì khả năng thất bại là rất lớn.

Chính vì vậy, những ai có thể đầu tư thời gian và công sức cho mua bán chứng khoán cần hết sức chú ý đến nguồn thông tin. Khi chọn nguồn để hóng thì cũng nên ưu tiên các nguồn chuyên nghiệp, uy tín, dù đôi khi phải trả chi phí không hề rẻ.

Ví dụ, có những nguồn thông tin có thể tiếp cận được xếp hạng của các chuyên gia phân tích. Những chuyên gia này đến từ các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, kể cả bên bán (sell side) và bên mua (buy side).

Cần chú ý rằng vì vấn đề mâu thuẫn lợi ích, thông tin từ các nhà phân tích độc lập trên thị trường cũng thường khách quan hơn phân tích của các bên trung gian.

Có sự khác nhau rất lớn giữa các nhà đầu tư. Đó là những sự khác nhau về khả năng tài chính, mức độ chấp nhận rủi ro, mục tiêu, kế hoạch, tâm lý và kiến thức.

Việc có thêm thông tin vì thế là tốt, nhưng không phải là yếu tố quyết định để mua bán nếu chỉ nghe từ một nguồn.

Chăm "làm homework"

Quan trọng hơn, nhà đầu tư phải nên tự mình nghiên cứu tìm hiểu thêm, như cách mọi người trên thị trường hay nói là “làm homework”.

Để cho việc hóng hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là đúc rút từ kiến thức và kinh nghiệm của mình để tạo ra được một bộ lọc riêng phù hợp với bản thân. Nhà đầu tư cũng cần xây dựng và hoàn thiện theo thời gian các tín hiệu mua bán, cũng như học từ các sai lầm trước đó để sửa đổi và không bị lặp lại.

"Làm homework" tốt sẽ giúp dễ thở hơn.

Kết

Tóm lại, hóng cổ phiếu là không xấu, vấn đề ở chỗ tiếp nhận và xử lý thông tin hóng được như thế nào. Tuy điều này thật không dễ có được một sớm một chiều, nhà đầu tư nào chăm "làm homework" thì hoàn toàn có thể xử lý được.

Từ đó, nhà đầu tư sẽ tự tin hơn trong công cuộc hóng cổ phiếu của mình.