Khi quản trị nhân sự trở thành điểm tựa vững chắc của doanh nghiệp | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
16 Thg 06, 2021

Khi quản trị nhân sự trở thành điểm tựa vững chắc của doanh nghiệp

Để tồn tại vững chắc, doanh nghiệp cần ổn định nội bộ, nuôi dưỡng một đội ngũ vững tâm, hết mình vì công ty, để chinh phục mục tiêu phát triển bền vững.

Khi quản trị nhân sự trở thành điểm tựa vững chắc của doanh nghiệp

Chuyển sang làm việc từ xa, doanh nghiệp càng cần kết nối với người lao động, lấy con người làm trung tâm. | Nguồn: xFrame

TalentNet

Theo Forbes, một công ty trên sàn chỉ số cổ phiếu 500 của S&P có niên hạn trung bình là 33 năm. Con số này giảm còn 24 năm vào 2016 và co lại thành 12 năm vào 2027. Đây là thông tin có thể khiến một số vị lãnh đạo cảm thấy vị cafe sáng nay đắng hơn mọi khi - nếu họ thuộc nhóm tin tưởng rằng chỉ số cổ phiếu là điểm tựa bất diệt cho niên hạn doanh nghiệp.

Xu hướng hiện nay cho thấy, phương pháp quản trị lấy con người làm trung tâm mới là điểm tựa vững chắc giúp nâng cao “tuổi thọ” của một tổ chức kinh doanh.

Định nghĩa về khái niệm này, Tập đoàn IBM – một trong những công ty công nghệ thông tin lớn nhất thế giới, chia sẻ: “Một tổ chức lấy con người làm trung tâm nghĩa là họ đầu tư mọi thứ vào trải nghiệm của đội ngũ lao động, cổ đông, đối tác, tương đương với cách họ quan tâm đến khách hàng, người dùng và cộng đồng.”

Lấy con người làm trọng tâm để tăng “tuổi thọ” doanh nghiệp

Đã qua rồi thời ví von công ty, tập đoàn là những cỗ máy vì các nghiên cứu đã chứng minh khách hàng mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ dựa trên yếu tố giá trị lẫn cảm xúc. Dựa trên góc nhìn mới này, cần xem mỗi doanh nghiệp là một thực thể có khung xương là cơ cấu công ty, bộ não nằm ở các cấp lãnh đạo và các tế bào vận hành chính là lực lượng lao động.

Thành viên Forbes Coaches Council nhận định nhân sự càng hạnh phúc thì doanh nghiệp càng trụ vững trong tương lai: “Giải quyết và thoả mãn nhu cầu của đội ngũ lao động là chìa khoá cho doanh nghiệp nếu muốn tồn tại trong thập kỷ tới.”

Thành viên Ban điều hành Royal Phillips cũng đã khẳng định tầm quan trọng của nhân sự tại MIT Sloan Management Review: “Chúng ta phải luôn nhớ rằng con người đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc xây dựng nhóm, giao tiếp với khách hàng và tạo nên những tổ chức tuyệt vời.” 

Trong tình thế giãn cách xã hội do COVID-19, doanh nghiệp phải chấp nhận và áp dụng các hình thức làm việc từ xa. Từ đó sinh ra nhiều rắc rối khi không thể gặp mặt, trao đổi trực tiếp và theo dõi tiến độ công việc của nhân viên như trước kia.

Lúc này đây, thử thách đặt niềm tin vào nhân sự và áp dụng chiến lược lấy con người làm trung tâm là những việc thiết thực cần làm. Trong khi nhiều đơn vị còn đang cân nhắc đón nhận quan điểm mới này, có hai doanh nghiệp đã thử và tạo được tiếng vang trong ngành nhân sự, ngay trong mùa dịch vừa rồi.

Đầu tiên phải kể đến câu chuyện công ty may mặc Fashion Garments (FGL) đã duy trì trả lương cho 10.000 công nhân, đồng thời áp dụng chính sách giảm lương cấp quản lý để san sẻ với người lao động. Nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp đã giúp ổn định tinh thần nhân viên giữa cơn khủng hoảng, đồng thời giúp FGL nhận về giải thưởng danh giá của Vietnam HR Awards 2020.

Bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Talentnet, trong đêm Gala Vietnam HR Awards 2020. | Nguồn: TalentNet

Cũng lấy con người làm trung tâm với một cách thức “đắc nhân tâm” khác, tập đoàn PNJ đã trao quyền tự quyết định mức doanh thu cho mỗi cấp quản lý cửa hàng để họ được làm chủ công việc và hiệu suất. Đó không chỉ là trao quyền, mà còn là đặt niềm tin ở nhân sự.

“Khủng hoảng là phép thử cho ngưỡng giới hạn của tổ chức. Niềm tin, sự kiên tâm và khai phóng nội lực sẽ là đòn bẩy giúp tổ chức vượt qua và vươn lên tầm cao mới” - Ông Nguyễn Anh Hùng, Giám đốc cấp cao – Nguồn nhân lực của Tập đoàn PNJ chia sẻ.

Với chiến lược nhân sự sáng suốt, tập đoàn cũng đã tăng trưởng 20% trong khi thị trường đang giảm 30% vào thời điểm đó. Câu chuyện này cũng là “điểm sáng” của Vietnam HR Awards 2020, góp phần chứng minh tính hiệu quả của chiến lược lấy con người làm trung tâm trong cuộc chiến trường kỳ mùa Covid.

Bà Tiêu Yến Trinh – CEO của Talentnet cho biết: “Chiến lược lấy con người làm trung tâm đã được áp dụng ở phần lớn các cường quốc và đang “len lỏi” vào các doanh nghiệp nội địa - những doanh nghiệp luôn truy cầu sự phát triển bền vững.” Bà đúc kết: doanh nghiệp muốn tăng trưởng cần “nhân sự có tầm,” còn muốn phát triển bền vững thì phải cần “đội ngũ có tâm.”

Lên chiến lược nhân sự - Từ bước ngắn để “khởi” chặng đường dài 

Kỳ tích không xuất hiện trong một đêm, tinh thần và cách vận hành mới của doanh nghiệp cần một quá trình từng bước xây đắp, lựa chọn chiến lược và chiến thuật nhân sự tùy theo tình hình hiện tại và nguồn lực sẵn có. Trong quá trình đó, cần “nằm lòng” ba điều sau:

1. Tái định nghĩa khái niệm văn hóa của doanh nghiệp

Xã hội ngày càng phát triển theo thời đại, các doanh nghiệp cũng cần cập nhật văn hóa làm việc, giao tiếp và quản lý. Trong khi COVID-19 vẫn còn đang hoành hành, có những phương pháp đang là xu thế nhưng chưa được chú trọng vì tưởng đã quá quen thuộc, ví như khái niệm work-life balance, nghĩa là cân bằng cuộc sống và công việc.

Đã có những công ty yêu cầu nhân viên chủ động gói ghém thời gian trong giờ làm việc, hạn chế làm OT (làm ngoài giờ) và làm việc đi kèm với nghỉ ngơi. Điển hình nhất là Google, nổi tiếng với môi trường làm việc đầy đủ tiện nghi gồm nhiều quán cafe luôn sẵn sàng phục vụ đồ uống, salon cắt tóc, sân chơi thể thao, hay thậm chí là spa, nhằm giúp nhân viên được thoải mái nhất khi làm việc.

Khi nhân viên cảm thấy cân bằng và an tâm trong công việc, doanh nghiệp là người được lợi. | Nguồn: Unsplash

2. Làm tròn trách nhiệm với xã hội

Theo báo cáo “COVID-19 Trust Barometer”, 78% người trả lời hy vọng rằng bên cạnh sự quan tâm đến nhân viên, công ty cũng cần làm tròn trách nhiệm bảo vệ cộng đồng. Báo cáo này đồng thời chỉ ra: quyết định mua hàng của nhóm Millennial và Gen Z cũng đến từ việc thương hiệu đó có quan tâm đến xã hội hay không.

Cần lưu ý rằng đây không những là nhóm khách hàng chiếm đa số mà còn là hai nhóm chính trong lực lượng lao động trong hiện tại và tương lai. Vậy nên, việc tăng cường các hoạt động xã hội không chỉ giúp doanh nghiệp chiếm được tình cảm của khách hàng mà còn của chính các nhân sự nội tại.

3. Đừng bị chi phối bởi khoa học công nghệ

Đừng để nỗi ám ảnh máy móc thống trị nhân loại khiến doanh nghiệp làm chệch cán cân phân bổ đầu tư. Cần tỉnh táo nhìn nhận rằng có hàng tỉ đầu việc mà máy móc không thể cạnh tranh với con người, chẳng hạn ở các công việc cần sức sáng tạo và sự thấu cảm. Bà Tiêu Yến Trinh cho biết: “Việc các nhà lãnh đạo đầu tư vào những vị trí then chốt, các công việc đòi hỏi tính thấu cảm và khả năng sáng tạo chính là một sự đầu tư thông minh cho tương lai dài hạn của doanh nghiệp.” 

Tóm lại, để tồn tại một cách vững chắc trên thương trường, doanh nghiệp cần ổn định nội bộ, nuôi dưỡng một đội ngũ vững tâm, hết mình vì công ty. Sở hữu nhân sự có cả “tâm” lẫn “tầm”, doanh nghiệp sẽ như “hổ mọc thêm cánh” để chinh phục mục tiêu phát triển bền vững.