Khủng hoảng lắng nghe và chuyện sợ bị “vô hình” trong công ty | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
26 Thg 09, 2023
Văn Hoá Đi Làm

Khủng hoảng lắng nghe và chuyện sợ bị “vô hình” trong công ty

Khi quá nhiều người tranh nhau nói nhưng thiếu sự lắng nghe, điều gì sẽ xảy đến với nhân diện của chúng ta trong công sở và xã hội? 
Khủng hoảng lắng nghe và chuyện sợ bị “vô hình” trong công ty

Nguồn: The Devil Wears Prada

Nhiều người nói, ít người (chịu) nghe

Theo định nghĩa từ trang tin về kỹ năng sự nghiệp The Balance, nghe (listening) bao gồm việc tiếp nhận âm thanh, hiểu thông điệp được truyền tải bằng âm thanh bạn nghe, đánh giá thông điệp và phản hồi nó. Có hai thành phần để mô tả về lắng nghe tích cực (active listening) tại nơi làm việc: sự chú ý (attention) và suy ngẫm (reflection). Tuy nhiên, cả hai kiểu lắng nghe này dường như đang bắt đầu biến mất ở công sở vì một số lý do. Thay vì có một cuộc hội thoại tử tế, chốn văn phòng trở thành nơi mà những cuộc “khủng hoảng lắng nghe” xảy ra.

Bài viết này tạm định nghĩa “khủng hoảng lắng nghe” là việc hai hay nhiều người khi giao tiếp mà cường độ của việc nói ngày càng tăng nhưng không ai nghe hay ghi nhớ những gì mà người khác đang trình bày. Thay vì hỏi thêm với người đối diện, người không thích lắng nghe sẽ bắt đầu nói về bản thân. Họ chỉ chực chờ người kia kết thúc (đôi khi thậm chí cắt lời) để bắt đầu phần trình bày của mình.

alt
Nhiều người nói nhưng không ai lắng nghe | Nguồn: Klook

Bạn còn có thể dễ dàng nhận ra khủng hoảng lắng nghe từ các buổi brainstorm hỗn loạn. Theo tổ chức giáo dục GCF Global, người nghe kém sử dụng thường dùng một số cách ngắt lời người khác, thay vì cho người đó giải thích đầy đủ ý kiến của mình. Một số cách ngắt quen thuộc như như "Sự thật là...", "Bạn nên...", "Nó không thực sự quan trọng...".

Oscar Trimboli, tác giả, người dẫn chương trình podcast Deep Listen kể lại một cuộc họp về phân bổ ngân sách toàn cầu cho Microsoft (nơi ông từng làm việc). Sau hàng giờ thất bại trong việc đưa ra ý kiến chung, Oscar Trimboli đưa ra một quyết định thay đổi cục diện: ông yêu cầu tất cả đồng nghiệp tạm dừng nói và dừng đưa ra các phán xét của họ. Khi mọi người ngừng nói, ngân sách đã được thông qua. Trimboli nhận định “cái giá phải trả của việc không lắng nghe lớn hơn nhiều so với chúng ta nghĩ. Cho dù đó là mất khách hàng hay mất nhân viên – thì nguyên nhân thường là do thiếu lắng nghe”.

Điều gì khiến chúng ta muốn ngắt lời người khác?

Michael P Nichols, Tiến sĩ, giáo sư khoa học tâm lý nói rằng khi người khác đang nói, thay vì lắng nghe thì chúng ta đã “nhanh nhảu” chuẩn bị bài nói chuyện của mình. Chúng ta muốn nói nó ngay và nếu có cơ hội để tham gia vào diễn đàn thì sẽ lập tức bước vào. Bên cạnh đó, nhiều người cảm thấy sẽ có giá trị hơn, được trân trọng hơn nếu họ nhanh chóng đưa ra những lời khuyên và nhận định dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình. Đó là lý do mà các cuộc nói chuyện cứ liên tiếp mà không hề có khoảng nghỉ.

Điều thú vị là, một số người có kiểu nói chuyện “thống trị” có thể đã lớn lên trong một môi trường khiến họ cảm thấy không được lắng nghe hoặc không nhận được sự chú ý mà họ mong muốn. Sự sợ hãi trở nên “vô hình” trong công ty này có thể biểu hiện ở kiểu giao tiếp nói to, nói liên tục hoặc nói át người khác.

alt
Ngắt lời người khác có thể đến từ nguyên nhân như lớn lên trong môi trường không được lắng nghe hoặc do bạn nghĩ mình quá hiểu một người | Nguồn: SeoulSpace

Có một lý do thú vị khác đó là chúng ta đánh giá quá cao cách ta hiểu về người mà mình đang giao tiếp (ví dụ đồng nghiệp thân thiết). Tiến sĩ Nichols nói: “Nếu bạn thân với ai đó, bạn nghĩ rằng bạn biết họ sắp nói gì, vì vậy bạn có xu hướng ngắt lời và nói, 'Ừ, tôi biết ý bạn là gì', hoặc bạn không nghe thấy họ nói gì."

Tất nhiên, đôi khi chúng ta muốn nhảy vào cuộc trò chuyện ngay vì một vài lý do khách quan. Trong đó sẽ có những cuộc nói chuyện quá chán, dài dòng và thiếu nội dung. Một bên thiếu kiên nhẫn lắng nghe và phía đối phương cũng không biết cách nói. Trong trường hợp này, đôi khi ta cần phải cắt lời người khác để tìm kiếm điểm kết thúc hoặc đưa ra giải pháp cụ thể.

Chăm chú lắng nghe nhưng không nhớ gì, vì sao?

Khủng hoảng lắng nghe thật ra đôi khi không phải do chúng ta, mà rất có thể bạn đang rơi vào một tình trạng được gọi là digital debt. Đây là cụm từ vừa xuất hiện hồi tháng 5/2023 trong bảng báo cáo Xu hướng công việc từ Microsoft. Cụm từ này có nghĩa là nhu cầu liên tục phối hợp và giao tiếp tại nơi làm việc đang khiến chúng ta mất thời gian suy nghĩ sâu sắc, sáng tạo và thực sự làm việc. Bạn phải liên tục trả lời Slack, email, group chat và ti tỉ thứ khác. Và trong lúc ai đó đang nói chuyện, họp, phỏng vấn cùng bạn thì cùng lúc đó digital debt vẫn diễn ra. Điều này khiến chúng ta khó mà nhớ hết những gì người khác nói dù thật ra lúc đó ta vẫn cố gắng chăm chú lắng nghe.

alt
Không phải lúc nào chăm chú lắng nghe cũng giúp chúng ta ghi nhớ nội dung | Nguồn: Soompi

Vì vậy, bên cạnh những người muốn cắt lời người khác thì khủng hoảng lắng nghe còn đến từ chính phong cách làm việc hiện đại. Chúng ta đang quá bận để giao tiếp, hồi âm hơn là lắng nghe và suy ngẫm. Tuy nhiên, có bao giờ bạn thắc mắc rằng có nhiều cuộc trò chuyện, bạn đã thật sự để tâm nhưng rốt cuộc cũng không đọng lại bao nhiêu ký ức. Đơn cử như trong bài viết vì sao chúng ta rời khỏi phòng họp và quên ngay những gì vừa diễn ra.

Đơn giản vì trong chính não bộ của chúng ta đã tồn tại sẵn quy luật của sự lãng quên. Nhiều lúc bạn quên thông tin không phải vì không để tâm, mà do khoảng cách thời gian và cách não bộ xử lý chúng khi đi vào đầu bạn. Nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus đã phát hiện ra quy luật này, và đặt tên là “đường cong quên lãng” (Ebbinghaus forgetting curve). Não bộ có xu hướng quên thông tin rất nhanh trong 1-2 giờ đầu tiên sau khi tiếp nhận nó. Sau 9 tiếng, bạn sẽ quên 60% thông tin và sau một ngày, bạn chỉ còn nhớ ⅓ những gì đã học được.

Chúng ta không chỉ cần học cách lắng nghe

Khái niệm khủng hoảng lắng nghe cho chúng ta thấy nhiều hơn việc giao tiếp bị ảnh hưởng. Mà đó là cách con người nghĩ đến giá trị và tiếng nói của bản thân trong một tập thể và xã hội. Về khía cạnh này, học cách lắng nghe thôi chưa đủ mà còn cần sự phối hợp của nhiều kĩ năng mang tính con người hơn nữa nếu chúng ta không muốn là người “vô hình”. Khi những người đi làm ngày càng sợ AI thay thế, thì bản thân sẽ cần nâng cấp những kỹ năng mà chỉ có con người sinh học mới tinh tế đảm nhận được.

Trong một cuộc khảo sát vào tháng 4 của Resume Builder, 74% các nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp tại Mỹ cho biết họ thấy Gen-Z khó làm việc cùng hơn các thế hệ khác. Trong nước, tình hình cũng không khả quan hơn khi càng ngày có nhiều chia sẻ về khoảng cách thế hệ trong công sở. Nhưng suy cho cùng, chúng ta đang đối diện với vấn đề những kỹ năng thuộc về con người nhưng ít được trau dồi nay lại bị các phương tiện giao tiếp trung gian (như điện thoại) đảm nhận giúp.

alt
Ngoài kỹ năng giao tiếp, những kỹ năng gắn bó với con người như nói, diễn đạt cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể cũng cần được quan tâm | Nguồn: Previewph

Vì vậy, không chỉ lắng nghe mà cả kĩ năng trình bày bằng ngôn ngữ nói, giao tiếp phi ngôn ngữ, biểu đạt cảm xúc cũng rất cần thiết. Vậy nên, những kỹ năng này không nên chỉ là phần “soft-skill” trong CV. Thay vào đó, chúng ta nên thật sự cân nhắc nó trở thành một “hard-skill” rất con người trong thời đại kỹ thuật số này.