Không được đào tạo bài bản về truyền thông, báo chí, marketing như nhiều đồng nghiệp khác, tôi là một tay ngang bước vào ngành.
Vì là tay ngang, tôi đã phải dành một thời gian để tự học và tìm kiếm các công việc khác nhau để phát triển đủ kỹ năng liên quan đến vị trí mong muốn. May mắn thay, vũ trụ đã hồi đáp mong ước của tôi.
Nhưng thứ tôi không ngờ tới là mới đi làm chưa được 3 ngày, ba chữ “muốn nghỉ việc” đã bắt đầu lơ lửng trên đầu. Cảm giác hoài nghi về năng lực của bản thân và bản chất của công việc kéo dài đến tận 2 tháng sau đó. Tôi không thể đếm nổi bao nhiêu lần đã muốn bỏ cuộc vì bắt đầu thấy những mâu thuẫn trong nghề mà trước kia đứng xa đã không thể nhìn ra.
Giờ đây, khi vẫn “sống sót” và thậm chí nuôi trong mình một hy vọng về nghề, tôi cảm thấy biết ơn những lần đấu tranh tư tưởng đó. Vì qua mỗi lần tôi lại bắt đầu đặt một viên gạch vào hệ giá trị riêng và nhờ nó mà tìm hướng đi cho bản thân giữa tranh sáng - tranh tối của nghề.
Bài viết dành cho những ai đang muốn tìm hiểu về nghề “làm content” ở một công ty truyền thông từ góc nhìn của một kẻ mới vào nghề được 3 năm, cũng như muốn có một vài tips sử dụng mạng xã hội “tỉnh táo” hơn.
Thế giới phức tạp, nhưng nội dung (được kỳ vọng) phải “ngắn gọn, có chính kiến”
Tôi bắt đầu công việc viết ở vị trí Biên tập viên Tin tức – trung bình mỗi 2 ngày tôi phải viết một bài tóm tắt, bình luận về một vấn đề xã hội nào đó vừa mới xảy ra.
Khi đào sâu vào một chủ đề để làm nội dung, tôi thường xuyên chạm tới các vấn đề mà trong giới nghiên cứu vẫn còn nhiều tranh cãi. Đó là lúc người làm nội dung đứng ở thế tiến thoái lưỡng nan: Thế giới vốn phức tạp, nhưng bản chất của con người lại luôn muốn đơn giản hoá mọi thứ, như cách chúng ta muốn hiểu về một người qua vài từ như “hướng nội, hướng ngoại” hay thuộc nhóm MBTI nào.
Cái khó cộng dồn thêm khi “người sản xuất nội dung phải có chính kiến riêng, cứ mãi trung lập thì rất nhàm chán”. Đúng là trung lập không “vui”, hay nói cách khác là không kích thích cảm xúc bằng việc có chính kiến riêng được truyền đạt một cách hùng hồn theo kiểu: tôi tin vào điều A, hay sự việc này nên diễn ra theo hướng X.
Thế nhưng, khi càng ở lâu giữa một nơi bạn được nhìn thấy vô số các ý kiến va vào nhau trên mạng xã hội, tôi nghĩ không dễ để bạn có thể cứ chọn “có chính kiến” bởi vì nó “vui hơn”.
Đôi khi trung lập thôi cũng là một chính kiến. Trung lập khác với ba phải. Với tôi, trung lập là bạn nhìn nhận cả hai mặt của một vấn đề, hoặc có thể là bạn vẫn chưa có đủ thông tin để đưa ra nhận định nào, nhưng bạn vẫn kiên định với thái độ “ở giữa” của mình. Còn ba phải là gió chiều nào bạn xoay chiều đó.
Vậy nên, bây giờ mỗi lần đọc ý kiến của ai đó, dù họ không đưa ra một kết luận nào cụ thể cho vấn đề lớn, mà chỉ đơn giản cung cấp thêm thông tin, hay một góc nhìn nào đó, tôi đã cảm thấy đủ. Các ý kiến, nhất là được thể hiện qua những dạng nội dung ngắn, có lẽ chỉ nên được xem là những mảnh ghép cho một bối cảnh lớn hơn.
Điều này có mặt trái là gần như bạn luôn ở trong trạng “không có kết luận chính thức”. Nhưng nó sẽ cứu được bạn khỏi những cơn bão của ý kiến trên mạng xã hội.
Nói gì đôi khi không quan trọng bằng ai nói
Dù không phải là người trong ngành thì có lẽ bạn cũng từng nghe qua câu nói “Content is king” hay những câu khác đại ý như “Quan trọng là nội dung”.
Nhưng thực tế là, đôi khi nội dung “hay” không hẳn là nhờ nội dung, mà nhờ người nói ra nội dung đó.
Chẳng hạn cùng là cụm từ “cơn mưa ngang qua”, nếu không xuất hiện trong một bài hát của một ca sĩ nổi tiếng thì về cơ bản nó là một ý tứ mà ai đó có thể ngẫu nhiên nói ra vào một buổi chiều tháng 10 – thứ mà chắc chắn sẽ không được hàng triệu người biết đến. Hoặc cùng là câu “tôi tin vào tình yêu”, sự khác biệt là rõ ràng khi nó được nói bởi một người mới vào đời và một người đã đi qua mọi cung bậc của tình yêu.
Ở vị trí biên tập viên, đôi lúc tôi cũng thực hiện nhiệm vụ ghost writing, nghĩa là tôi sẽ phụ trách việc phát triển ý tưởng và triển khai nội dung dưới danh nghĩa của một influencer khác. Hay nói cách khác, tôi chấp bút cho nội dung được xuất bản dưới tên của người khác.
Điều này không có nghĩa là tôi thiệt thòi vì không được độc giả biết đến. Khi đã chọn làm editor, tôi biết mình có vai trò ở sau cánh gà. Điều quan trọng hơn là cần biết đối tượng mình muốn truyền tải thông điệp đến là ai - khi đó đôi khi bạn cần chọn người nói cho phù hợp.
Thế điều này có ý nghĩa gì với người tiêu thụ nội dung?
Khi ở vị trí của người tiêu thụ thay vì sản xuất nội dung, tôi nhận ra mình dần có thói quen tách bạch, hay ít nhất là không vội đánh giá tính cách của một nhân vật công chúng nào đó qua lời nói của họ, vì những gì được nói trên truyền thông chỉ là một lát cắt nhỏ trong cuộc sống của họ.
Tôi trân trọng hơn những câu nói đơn giản, không “filter” từ những người sống một cuộc đời “mở” với công chúng, cũng như những câu nói sâu sắc từ những “người bình thường”.
Ai cũng muốn là người tốt
Thời gian đầu vào nghề, tôi thường dễ bị chao đảo bởi những bình luận có tính tấn công trên mạng xã hội. Chỉ một dòng ngắn ngủi vài từ của ai đó cũng có thể khiến tôi ám ảnh đến cả tuần, hay thậm chí cả tháng. Bạn có thể gọi tôi là một kẻ yếu bóng vía, hay “còn non và xanh” cũng không sai.
Khi đã dần quen hơn với sự thật rằng mọi người thường dễ nói lời ác ý hay tranh luận căng thẳng hơn trên mạng xã hội, tôi bớt ám ảnh hơn mỗi khi thấy bình luận tiêu cực trên các bài viết. Nhưng có một điều chắc chắn, tôi chưa thành “chánh quả”, thế nên sẽ không thể nào trở nên vô cảm với những lời tiêu cực.
Dẫu vậy tôi dần tin vào một điều, thứ sau này cũng trở thành một câu thần chú cho tôi mỗi lúc cảm xúc dao động:
Ai cũng muốn là người tốt, ngay cả người đang tổn thương mình. Ai cũng muốn làm người tốt, nhưng không phải ai cũng biết cách thể hiện sao cho đúng.
Các “anh hùng bàn phím” ở một góc nhìn nào đó cũng đang “bảo vệ công lý” của họ. Khi mình đã dám nói ra ý kiến của bản thân thì cũng phải chấp nhận rằng sẽ nhận được những bình luận trái chiều, thậm chí là thâm độc.
Mạng xã hội khiến con người ta dễ nói lời tiêu cực hơn với nhau. Vì thế khi làm công việc phải tiếp xúc nhiều với mạng xã hội cũng có thể dễ khiến bạn trở nên bi quan hơn. Nhưng có lẽ như lời của tác giả Kent M. Keith: Dù thế nào đi nữa, hãy yêu thương nhau.
Ý kiến trái chiều không phải là thứ đáng sợ. Thứ đáng sợ là mình không phân biệt được đâu là góp ý có tính xây dựng, đâu là tấn công cá nhân, và để bản thân bị cuốn vào những tranh luận, lo lắng vô nghĩa.
Kết
Những chia sẻ ở bài viết này không đại diện cho trải nghiệm của tất cả những ai đang mới vào nghề “làm content” ở ngoài kia. Tôi cũng chưa thể nói hết những cảm kích của mình với những điều mà công việc này mang lại.
Thế nên bạn hãy xem chúng như thông tin tham khảo để có thêm một góc nhìn và đặt kỳ vọng phù hợp nếu đang quan tâm đến công việc này nhé. Và hy vọng bạn cũng có thêm cho mình những lớp màng lọc thông tin khi sử dụng mạng xã hội, để chủ động vui hơn, thay vì để những mộng tưởng len lỏi tạo tiêu cực lên bạn!