“Làm nhanh nghỉ sớm” - Mặt trái của việc không trì hoãn | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 04, 2020
Kinh DoanhLàm Việc Hiệu Quả

“Làm nhanh nghỉ sớm” - Mặt trái của việc không trì hoãn

‘Precrastination’ là gì? Tại sao nó lại được xem là mặt trái cả việc không trì hoãn? Làm thế nào để cân bằng giữa ‘procrastination’ và ‘precrastination’?

“Làm nhanh nghỉ sớm” - Mặt trái của việc không trì hoãn

Ai cũng từng nghe đến khái niệm ‘trì hoãn’ (procrastination). Hiện nay, có hàng ngàn bài viết về sự trì hoãn, chẳng hạn như cách để vượt qua sự trì hoãn hay cách để tận dụng trì hoãn như một chiến lược khi làm việc.

Tuy nhiên, lại có một khái niệm hoàn toàn trái ngược mang tên: precrastination (làm việc chóng vánh), nhưng cũng đem đến sự giảm năng suất tương tự. Nó được đưa ra vào năm 2014, bởi Tiến sĩ David Rosenbaum, giảng viên khoa Tâm lý học Đại học Pennsylvania.

Vậy ‘precrastination’ là gì? Tại sao nó lại được xem là mặt trái của việc không trì hoãn?

Precrastination là gì?

Trong một bài nghiên cứu của mình vào năm 2014, Rosenbaum định nghĩa ‘precrastination’ là “làm việc trong thời gian ngắn mà không trì hoãn, thậm chí làm ít hơn hay không hiệu quả phần việc cần làm chỉ để cho xong’.

Như vậy, nếu xem ‘procrastination’ là không làm việc trong thời gian dài thì ‘precrastination’ có nghĩa là không dành đủ thời gian để làm việc.

Trong đại dịch, khi bắt buộc phải làm việc tại gia thì ‘precrastination’ là một vấn đề khó mà bạn cần giải quyết để đạt được hiệu suất cao.

Thật ra tâm lý ‘làm nhanh nghỉ sớm’ vẫn luôn tồn tại trong đời sống hằng ngày. Nhưng vì chưa ai đặt ra cho nó một cái tên thật ‘khoa học’ nên ít ai chú ý đến khái niệm này.

“Làm nhanh nghỉ sớm” Mặt trái của việc không trì hoãn0
Nhanh không phải lúc nào cũng tốt.

Chẳng hạn như khi đi siêu thị, bạn cần mua 3 hộp sữa 1 lít và nhiều thực phẩm quan trọng. Quầy bán sữa ở cạnh chỗ thu ngân nên khi bước vào, bạn lập tức lấy luôn 3 hộp sữa. Thay vì chờ lúc tính tiền bạn có thể lấy sữa thì bây giờ bạn phải “ôm” 3 hộp sữa ấy và đi mua tiếp nhiều món khác. Điều này khiến nhiều lúc bạn phải bỏ lại vài món hay tốn thời gian cân lựa để đỡ mỏi tay khi xách.

Hay trong một cuộc họp, khi sếp đang nói, bạn bỗng nghĩ ra một ý tưởng rất hay nhưng chẳng liên quan. Bạn quyết định đứng lên phát biểu ngay và luôn mà không đợi sếp nói xong. Những biểu hiện như vậy được xem là ‘precrastination’.

Làm nhanh thì nghỉ sớm, có gì mà không tốt?

Khoa học đã chứng minh chúng ta muốn ‘làm nhanh’ là để thỏa mãn ham muốn hoàn thành công việc nhất thời chứ không phải vì thành quả lâu dài. Khi phải chọn giữa những công việc nhỏ, không gấp và một công việc quan trọng cần làm, thì người ta hay làm những công việc nhỏ lẻ trước. Đó là bởi nó đem lại cảm giác “thành tựu” nhanh hơn.

“Làm nhanh nghỉ sớm” Mặt trái của việc không trì hoãn1
Phân chia công việc để ít tốt sức lực nhất sẽ đem đến hiệu quả cao hơn.

Đặc biệt, những người càng chăm chỉ và cẩn thận về mặt thời gian thì càng có xu hướng ‘precrastination’ hơn. Khi mới đi làm, phần lớn ai cũng nghĩ rằng quản lý thời gian hiệu quả thì hiệu suất công việc sẽ cao. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chứng minh: biết quản lý năng lượng bằng cách phân chia công việc sao cho tốn ít sức lực nhất sẽ đem đến hiệu quả cao hơn.

Vậy làm thế nào để tránh cả ‘precrastination’ và ‘procrastination’?

Tiến sĩ Rosenbaum nói rằng bước đầu tiên để tránh ‘precrastination’ là nhận ra mình đang có tâm lý ‘precrastinate’. Dấu hiệu là bạn thường mất tập trung vào những việc quan trọng bởi những việc nhỏ hơn.

“Làm nhanh nghỉ sớm” Mặt trái của việc không trì hoãn2
Bạn có thường bị mất tập trung bởi những việc nhỏ nhặt?

Sau đó, bạn có thể áp dụng những cách sau để “trì hoãn công việc” hợp lý:

  • Đặt ra mục tiêu rõ ràng khi làm việc: đưa những việc không cần thiết ra sau, những việc cần thiết thì đưa lên đầu và phân bố một khoảng thời gian hợp lý để hoàn thành mỗi việc. Chẳng hạn như bạn đang làm báo cáo cho sếp mà có tin nhắn Instagram, đừng đọc và trả lời tức khắc mà hãy để dành nó sau khi bạn hoàn thành báo cáo.
  • Khi có việc, đừng bắt tay thực hiện ngay mà hãy xác định mình cần làm gì trước đó. Xác định những bước cần làm giúp bạn tiết kiệm thời gian rất nhiều khi làm việc. Nếu có một bài viết cần gửi, bạn nên lên thật nhiều ý tưởng, sau đó hoạch định nội dung chứ đừng nên cho mèo ăn, dọn dẹp nhà cửa, trả lời e-mail rồi ngồi xuống viết luôn.
  • Phân chia công việc theo hộp Eisenhower. Từ đó, bạn có thể quyết định việc nào nên làm ngay, việc nào nên dời lại, việc nào nên nhờ người khác làm giúp và việc nào không cần làm.

Kết

‘Precrastination’ và ‘procrastination’ là những hạn chế mà mỗi người chúng ta cần cải thiện nếu muốn nâng cao chất lượng công việc. Bắt đầu từ những bước nhỏ trong việc thay đổi thói quen làm việc, dần dần bạn sẽ “đánh bại” được hai kẻ cản trở hiệu suất công việc trên.

Bài viết được thực hiện bởi Minh Thư.