Làm sao để biết mình phù hợp với công việc gì? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Làm sao để biết mình phù hợp với công việc gì?

Bạn càng hiểu rõ mình là ai (chẳng hạn điểm mạnh, sở thích của bạn khi còn bé), con đường tiếp theo của bạn sẽ càng sáng rõ hơn.
Làm sao để biết mình phù hợp với công việc gì?

Nguồn: John Diez/Pexels

Mình phù hợp với công việc gì? – Đây là một câu hỏi đơn giản, nhưng có thể cắt vào tâm can của rất nhiều người. Nhiều bạn trẻ đang trong hành trình tìm hiểu bản thân rất trăn trở về câu hỏi này, nhưng cũng có rất nhiều người thậm chí đã đi làm nhiều năm rồi vẫn cảm thấy rằng con đường mình đang đi “không đúng lắm.”

Nhiều người may mắn ở chỗ, từ nhỏ, họ đã biết lớn lên mình sẽ làm nghề gì và họ làm đúng điều đó. Mình có một người chị làm giáo viên và chị kể rằng chị biết mình muốn làm công việc dạy học từ bé, chỉ là chị chưa biết chính xác mình sẽ dạy môn nào mà thôi.

Vì mình đang được làm công việc “trong mơ” của bản thân, nên có người cho rằng mình hẳn là thuộc nhóm “biết rõ” từ sớm. Nhưng thực tế là đến tuổi 25 mình cũng chỉ mới lờ mờ biết rằng mình thích đi dạy học, chứ chưa bao giờ mình gọi được chính xác cái tên công việc tương lai phù hợp với mình.

Trong bài viết này, mình chia sẻ 2 mô hình mà bản thân đã áp dụng để xác định rõ hơn về con đường tương lai. Hy vọng nó cũng hữu ích với bạn.

1. IKIGAI phiên bản “rút gọn”

IKIGAI có lẽ là một khái niệm về thái độ sống “có mục đích” đã quen thuộc với nhiều bạn trẻ Việt Nam. Mô hình được biết đến rộng rãi của IKIGAI được cấu thành từ 4 mảnh ghép. Bạn sẽ biết được công việc phù hợp bằng cách tìm điểm giao nhau của 4 mảnh ghép này.

Nhưng ở đây mình giới thiệu đến các bạn một mô hình chỉ có 3 mảnh ghép.

Mảnh ghép thứ nhất là “việc bạn muốn làm.” Nó tích hợp hai yếu tố “việc bạn thích làm” và “việc bạn giỏi nhất.” Mình gộp hai yếu tố này lại vì mình giỏi làm gì thì thường sẽ có xu hướng thích làm việc đó. Khi có người ủng hộ mình, khen mình, mình lại càng làm giỏi hơn và càng thích hơn.

Cũng có trường hợp bạn biết mình thích làm gì, nhưng lấn cấn là mình chưa giỏi việc đó. Thế nên có lẽ cũng không thể gọi đó là công việc bạn muốn làm. Với trường hợp này, mình nghĩ không cần suy nghĩ quá sâu xa. Mình tin là ông trời đều phú cho mỗi người một, hay thậm chí là vài điểm đặc biệt.

Thử nhìn về thời bạn còn là một cô bé, cậu bé. Mình tin bạn sẽ tìm được một thứ gì đó mà bạn làm được dễ dàng trong khi những đứa trẻ khác không thích, hoặc chúng làm được nhưng tốn nhiều thời gian. Thứ đó không nhất thiết phải có một tên gọi cụ thể, giúp bạn hình dung được ngay công việc tương lai.

Mình có một người bạn mà từ khi còn nhỏ bạn ấy rất giỏi việc kết nối với người khác. Chẳng hạn như khi đi chơi ở trong khu tập thể, bạn ấy sẽ là “trưởng ban ngoại giao” chuyên đi rủ mọi người. Hay khi cãi nhau, bạn ấy sẽ là người giảng hoà, giúp mọi người gắn kết với nhau hơn. Đó là điều rất tự nhiên với bạn, không qua trường lớp nào cả. Đến giờ, khi đã trở thành một huấn luyện viên, một nhà cố vấn (coach) về các mối quan hệ trong cuộc sống, bạn mới nhìn lại và thấy có lẽ đúng là mình “sinh ra để làm việc này.”

Mảnh ghép thứ hai trong mô hình này là “việc xã hội cần,” tức là công việc bạn muốn làm có được xã hội trân trọng hay không. Nhiều người có thể giỏi việc lừa đảo, thao túng tâm lý người khác và họ tìm thấy niềm vui trong việc đó, nhưng đó không phải là công việc mà xã hội ủng hộ. Một công việc chỉ có ý nghĩa khi nó mang lại ảnh hưởng tích cực lớn hơn cá nhân mình.

Mảnh ghép thứ ba là “việc mang lại thu nhập,” tức là công việc mà bạn muốn gắn bó lâu dài cần phải mang lại một nguồn thu nào đó giúp bạn duy trì cuộc sống, cũng như tiếp tục cống hiến.

Khi mình mở ra blog The Present Writer, mình biết đó là công việc mình thích. Và may mắn là nhiều bạn độc giả chia sẻ rằng họ thấy điều mình chia sẻ có ý nghĩa. Họ bất ngờ khi tìm thấy một blog sâu sắc mà hoàn toàn miễn phí như thế. Nhưng thú thật là mình cũng khá chật vật khi duy trì blog miễn phí, nhất là vào những ngày đầu của The Present Writer, mình vẫn còn là nghiên cứu sinh, con mình còn nhỏ. Cuộc sống tài chính rất eo hẹp.

Đến nay kiến thức mình chia sẻ trên blog vẫn hoàn toàn miễn phí. Nhưng hiện tại mình đã có thêm các kênh thu nhập khác nhau để vận hành The Present Writer, từ đó giúp mình đi được đường dài hơn và đóng góp cho cộng đồng tốt hơn.

Mảnh ghép thứ 2 và thứ 3 có thể là dễ dàng xác định hơn. Chẳng hạn nếu muốn biết một công việc có đang được xã hội cần đến hay không thì có thể khảo sát đến các trang tuyển dụng, hoặc các nghiên cứu về xu hướng nghề nghiệp. Muốn biết công việc có thu nhập hay không và thu nhập đến từ các nguồn nào thì có thể dùng mạng xã hội để kết nối đến người đang làm công việc đó, hay đơn giản là google (trừ khi bạn đang hướng đến một công việc nào đó quá mới).

Với mình, cái khó hơn vẫn là xác định được yếu tố đầu tiên – mình muốn làm gì. Mô hình trong phần tiếp theo sẽ hỗ trợ cho việc tìm thấy điều này.

2. Sweet spot (Điểm ngọt ngào)

Mô hình này được giới thiệu trong cuốn sách True North (Chính Bắc) của tác giả Bill George. Theo ông, “điểm ngọt ngào” của bạn được hợp từ hai yếu tố.

Thứ nhất là động lực. Với yếu tố này, chúng ta có hai loại. Một là động lực bên ngoài, là lời khen, là thu nhập, là chức danh, địa vị xã hội. Nói đến tiền, đến danh, nhiều người cho rằng chúng là hình thức, là dơ bẩn, là vật chất hão. Nhưng mình cho rằng chúng cũng rất quan trọng. Rất khó để ai đó có thể làm một công việc lâu dài mà không nhận được sự ủng hộ từ người khác.

Hai là động lực bên trong. Nó là thứ giúp mình cảm thấy bản thân trưởng thành hơn. Mình thấy thoải mái khi làm việc và thỏa mãn khi hoàn thành nó. Chẳng hạn, với mình, một trong những động lực bên trong đó là giúp cho các bạn trẻ trong team The Present Writer phát triển hơn trong công việc và cuộc sống.

Nhiều người nghĩ rằng việc mình hướng đến giá trị bên ngoài như thế là động lực bên ngoài, nhưng thực chất khi mình giúp đỡ người khác, mình tự cảm thấy hạnh phúc và hơn cả là, ngay cả khi mình không nhận được lời cảm ơn hay tán dương từ ai khác thì mình vẫn sẽ làm việc này.

Yếu tố thứ hai là yếu tố khả năng. Nó cũng được chia làm hai phần nhỏ là điểm mạnh và điểm yếu. Điểm mạnh là những cái điều mà mình có thể làm được tốt hơn những người khác. Điểm yếu là những cái điều mà điều mình đã thử nhiều lần nhưng không cho ra được kết quả tốt.

Mình muốn nhấn mạnh ở đây rằng, điểm yếu là thứ bạn đã thử qua rồi mới có thể kết luận, chứ không phải suy đoán phụ thuộc hoàn toàn vào sự đánh giá của người khác. Tuy nhiên, cũng có những thứ mình đã thử qua rồi và nghĩ rằng đó là điểm yếu của mình, nhưng thực tế lại không hẳn là “yếu.” Chúng là thứ đang ở mức trung bình và mình có thể phát triển thêm.

Chẳng hạn, khi còn đi học, mình học chuyên môn Văn nên đã tin bản thân là một đứa kém toán. Nhưng sau này mình nhận ra là mình không quá kém. Mình không đủ giỏi để đi thi được huy chương vàng, huy chương bạc, hay trở thành kỹ sư. Nhưng mình đủ giỏi để trở thành một người ứng dụng toán. Sau này mình thậm chí còn làm công việc chuyên viên phân tích dữ liệu. Nhưng có một vấn đề là công việc này lại không giúp mình bộc lộ được nhiều điểm mạnh của mình nhất.

Để hiểu rõ hơn việc phân tích các yếu tố này, các bạn có thể tham khảo video mình thực hiện riêng về chủ đề, hoặc đọc cuốn sách True North của tác giả Bill George nhé.

Kết

Việc tìm câu trả lời cho câu hỏi mình là aimình phù hợp với công việc gì là cả một hành trình dài đào sâu vào bên trong bản thân. Mình cũng là người phải thường xuyên quay trở lại với những câu hỏi đó để xem mình có đang đi đúng hướng không.

Hy vọng là 2 mô hình mình được giới thiệu trong bài viết này sẽ giúp cho các bạn tìm hiểu được công việc nào phù hợp cho mình. Và quan trọng hơn cả, mình hy vọng các bạn hiểu được tư duy rằng, mình càng hiểu mình là ai thì con đường tiếp theo của mình sẽ càng sáng rõ hơn.