Làm show nhạc sao cho ai cũng FOMO? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Làm show nhạc sao cho ai cũng FOMO?

Câu trả lời đến từ Võ Hoàng Việt, founder của Mây Lang Thang.
Làm show nhạc sao cho ai cũng FOMO?

Nguồn: Võ Hoàng Việt

Võ Hoàng Việt là người yêu nhạc và là một dân “nghiện” Đà Lạt thứ thiệt. Trong nhiều năm liền, gần như tuần nào anh cũng lên xứ mù sương, lân la ngang dọc cho kỳ hết những hội điểm âm nhạc.

Đi nhiều đến độ một ngày kia, anh thấy chán.

Đó cũng là thời điểm Mây Lang Thang thành hình với những dòng suy nghĩ phác thảo đầu tiên.

Sau hơn 3 năm, ý tưởng về một không gian âm nhạc mới mẻ của Hoàng Việt thành hình. Giờ đây, người ta gọi Mây Lang Thang không để chỉ một sân khấu, một địa điểm mà là tên riêng của một trải nghiệm âm nhạc rất Đà Lạt, của Đà Lạt và chính là Đà Lạt.

“Chắn chắc không chỉ là chữ duyên, cái may” Hoàng Việt chia sẻ. Điều gì đã làm nên cái chất riêng đó? Trong một chiều tháng 5 trò chuyện cùng anh, Vietcetera đã thấy những phần còn lại tạo nên một Mây Lang Thang.

alt
Nguồn: Facebook Võ Hoàng Việt

1. Cái mới có thể không độc bản nhưng phải tiên phong

Trước vai trò tại Mây Lang Thang, Võ Hoàng Việt được biết đến là một “chiến tướng” ngành marketing với danh sách dài các dự án quảng bá thành công cho Unilever (như sự kiện Umbrella Party của nhãn hàng xịt khử mùi Axe) và Suntory Pepsico (như chuỗi hoạt động đồng hành cùng Rap Việt).

Dù là dự án nào, chúng đều chia sẻ chung một tư duy sáng tạo: “Không giống ai, đủ gây được thèm khát để khách hàng tự tìm đến, nhớ đến”. Vì Hoàng Việt là người thích tìm tòi cái lạ và cũng vì bản thân anh tin rằng thành công đến từ những ý tưởng có từ trước thì không chắc chắn.

Và kịch bản xây dựng Mây Lang Thang không nằm ngoài những suy nghĩ đó.

alt
Trước khi đến với Mây Lang Thang, Võ Hoàng Việt đã có nhiều năm gắn bó với ngành marketing | Nguồn: Facebook Võ Hoàng Việt

Thời điểm trước Mây Lang Thang ra đời, âm nhạc phòng trà (tại Đà Lạt) đang chiếm ưu thế. Đây cũng là mô hình phù hợp với phần tính cách Đà Lạt bởi sự thân mật, thi vị và trầm lắng.

Tuy nhiên, giới hạn của mô hình này nằm ở đặc thù không gian kín và gu nhạc mang thiên hướng hoài cổ. Điều này có nghĩa chúng khó lòng tiếp cận thị hiếu mới - thiên về trải nghiệm đa giác quan và gu nhạc đa dạng của khán giả trẻ hiện nay.

Vì thế, thay vì tạo ra một phòng trà 2.0, Hoàng Việt thử liều phác thảo mô hình mới với trải nghiệm âm nhạc “lên mây theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Một mô hình phải tạo sự thân mật trong không gian biểu diễn như cách phòng trà đã ghi dấu lên Đà lạt, giải phóng được cảm hứng biểu diễn nhạc sống của ca sĩ và quan trọng nhất, là khai thác được hồn khí thiên nhiên Đà Lạt.

Đó là tất cả những ý tưởng tiên phong tạo nên trải nghiệm đa giác quan tại Mây Lang Thang đến tận hôm nay.

alt
Trải nghiệm âm nhạc mang tính "mở" của Mây Lang Thang có sức hút với đa dạng đối tượng khán giả | Nguồn: Mây Lang Thang

2. Đồng điệu đi trước, lợi nhuận nối bước theo sau

Kinh doanh về nghệ thuật có nhiều khác biệt với những loại hình kinh doanh khác vì tồn tại các khoản lợi nhuận không thể tính bằng tiền bạc. Đó có thể là cảm xúc thăng hoa của người nghệ sĩ, là những mối quan hệ, là sự tự do khi cái thỏa đam mê làm nghề…

Song trên tất cả, lợi nhuận lớn nhất với Mây Lang Thang và cả Hoàng Việt nằm ở sự đồng điệu - thể hiện qua mối quan hệ với cộng đồng khởi nghiệp, khán giả và nghệ sĩ.

Sự đồng điệu với những người trẻ lập nghiệp tại Đà Lạt.

Cái chất Đà Lạt mà nay người ta hay nói đến, không còn là thứ Đà Lạt có sẵn mà nằm ở các giá trị trải nghiệm mới được tạo bởi những người đến vùng đất này lập nghiệp.

Đáng nói là 'cái mới' - như cách Việt tâm niệm, phải là cái tiên phong. Thế nhưng trong 10 người lên Đà Lạt khởi nghiệp thì chỉ có 2 người thực sự đem đến sự mới mẻ.

Hoàng Việt may mắn vừa là một đại diện, vừa có những người bạn thuộc về thiểu số này.

Đó là những nhà sáng lập trẻ với các mô hình hợp lai cái thi vị từ thiên nhiên Đà Lạt với các trải nghiệm giải trí đa giác quan như Mây Lang Thang; là những nông trường đương đại có dáng hình của du lịch sinh thái/glamping như Twin Beans Farm.

Những “người bạn” này là nguồn cảm hứng, sẻ chia và sự đồng cảm để Việt có thể kiên định với con đường tạo ra giá trị mới giữa lúc khó khăn. Một sự động viên rất lớn để Mây Lang Thang vượt qua những thời gian đầu khó khăn và phát triển đến hôm nay.

alt
Nguồn: Mây Lang Thang

Thấy khán giả trong mình nhờ cá tính, sở thích bản thân.

Là một người luôn theo đuổi những trải nghiệm mới - nhất là trong âm nhạc, Hoàng Việt cũng từng khao khát một điểm biểu diễn thực sự thoả mãn, không nhàm chán tại Đà Lạt như chính khán giả của mình.

Cùng với đó, một tâm hồn yêu nhạc có gu và cởi mở với nhiều dòng nhạc, giọng ca cũng giúp Hoàng Việt hiểu rõ hơn về thị hiếu của đa dạng khán giả đến với Mây Lang Thang.

Đây là tiền đề giúp anh có những ý tưởng concept, kết hợp âm nhạc, chọn giọng ca và thiết kế kịch bản luôn “chuẩn” với đại chúng mà vẫn giữ được chất riêng.

alt
Nguồn: Mây Lang Thang

Sự đồng điệu với người làm nghệ thuật.

Nhiều người vẫn nghĩ Mây Lang Thang “lắm tiền" khi sân khấu vài mét vuông này là nơi biểu diễn của nhiều ca sĩ nổi tiếng. Song, cát-sê “kếch xù” mà Mây Lang Thang đem lại đơn giản chỉ là sự thấu hiểu, trân trọng cá tính nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ.

Đơn cử, tất cả những buổi diễn tại đây đều “mở”, không hề có một quy chuẩn nào về lối biểu diễn cho đến phục trang - ngoài đôi dòng về kịch bản và một số lưu ý nhỏ để phối hợp tạo ra trải nghiệm âm nhạc hay nhất có thể.

Vì thế, nghệ sĩ đến đây là mang tâm thế đi chơi, đi ngắm hoàng hôn Đà Lạt và hát cho những người yêu mến họ nghe. Chính cái trong trẻo, vô tư này đã tạo nên một chất nhạc rất bay, rất tự do chỉ có tại Mây Lang Thang.

Từ sự đồng điệu, người ta theo bản năng sẽ có những hành động thể hiện sự trân quý.

Dù không thuê quảng cáo, nhiều ca sĩ đến đây vẫn livestream, check-in vì họ yêu thích không gian này. Hay như việc các nghệ sĩ nhận lời biểu diễn đều ý thức đến từ sớm. Rồi thậm chí có hôm diễn không may trời đổ mưa, nhiều bạn bè nghệ sị đã không quản ngại thời tiết mà bỏ diễn.

Một số anh chị nghệ sĩ lớn như cố nghệ sĩ Chí Tài cũng góp phần không nhỏ trong việc hết lòng hỗ trợ Mây Lang Thang trong những ngày còn non trẻ. Đây có lẽ là điều mà ít địa điểm nào cùng mô hình sinh sau có thể làm được.

alt
Nguồn: Mây Lang Thang

3. Mở lòng với đại chúng nhưng không phải chạy theo số đông

Dự án âm nhạc tại Mây Lang Thang từng suýt tạm dừng vì 4 show diễn đầu không hiệu quả. Mãi đến buổi diễn thứ 5 với “Nhạc của Trang”, Mây Lang Thang đã nhận ra quỹ đạo phát triển phù hợp cho mình.

Đó là nó phải sống hai cuộc đời - của một người Đà Lạt và của một người khám phá.

Trong cuộc đời người Đà Lạt, Mây Lang Thang trung thành với chất mộc, với những đặc trưng về phong cảnh chỉ có ở xứ sương mù như hoàng hôn theo màu, khí trời se lạnh và những làn sương mây.

Còn với cuộc đời người khám phá, đó là việc liên tục thể nghiệm các mô hình, sự kết hợp âm nhạc chưa có tiền lệ.

alt
Sân khấu chuyên nghiệp với nhiều xúc cảm nghệ thuật của The Portait of Mây | Nguồn: Võ Hoàng Việt

Điều này lý giải vì sao Mây Lang Thang có Bùi Lan Hương hát Jazz, có nhạc Rock, có nhạc Pháp mà không dừng lại ở nhạc nhẹ hay các ca khúc hit.

Mặt tính cách này ngoài ra còn giúp thương hiệu Mây Lang Thang vươn xa hơn khi có thể “chu du” đến những đại danh mới. Nhờ đó, chúng ta có đêm nhạc The Portrait of Mây tại Sài Gòn, Mây Lang Thang tại Huế hay Mây Lang Thang tại Đà Nẵng.

Có thể nói, hai cuộc đời mà Mây Lang Thang đang sống, chính là vừa để gần hơn với đại chúng nhưng đồng thời, quyến rũ ngược lại số đông bằng sức hút riêng, nhiều sáng tạo đặc trưng của mình.