Làm thế nào để chủ động trong thế giới biến động? | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 05, 2023
Kinh DoanhLàm Việc Hiệu Quả

Làm thế nào để chủ động trong thế giới biến động?

Người chủ động thường có thể tận dụng được cơ hội và nguồn lực, giúp cuộc sống tốt hơn. Nhưng đôi khi chủ động quá cũng khiến cuộc sống của bạn khổ sở.
Làm thế nào để chủ động trong thế giới biến động?

Nguồn: Ketut Subiyanto/Pexels

Con người tự do trong sự không tự do.

Như chuyện chúng ta có thể đưa quyết định tối nay ăn gì, ở đâu, với ai. Nhưng ta lại không thể quyết định món đó sẽ ngon hay dở, bao nhiêu tiền (có thể chọn món theo giá, nhưng giá là do nhà hàng đặt ra), hay bạn mình có rảnh không.

Nói vậy để hiểu, kết quả của những gì xảy ra trong cuộc sống này đều có hai phần mà theo triết lý nhà Phật gọi đó là nhânduyên. Nhờ vậy mà ta học cách xây dựng 2 loại thái độ để cuộc sống này trở nên thuận lợi hơn. Với nhân, ta chủ động nắm bắt và định hướng. Với duyên, ta không cưỡng cầu và kỳ vọng hợp lý.

Bài viết này nói về sự chủ động, một thái độ quan trọng nếu ta muốn trở thành người viết kịch bản cho cuộc đời của mình.

Sự chủ động là gì?

Sự chủ động bao gồm 2 yếu tố tiacutenh traacutech nhiệm vagrave tiacutenh tự giaacutec
Sự chủ động bao gồm 2 yếu tố: tính trách nhiệm và tính tự giác.

“Initiative is doing the right thing without being told.” - Victor Hugo

(Tạm dịch: Sự chủ động là làm đúng việc mà không cần được ai chỉ dẫn.)

Khi nói đến sự chủ động, có lẽ mọi người sẽ thường hiểu nó là ý thức tự giác, biết mình sẽ cần phải làm gì tiếp theo, thay vì chờ đợi ai đó cầm tay chỉ việc.

Nhưng mình nghĩ rằng, ngoài tính tự giác, sự chủ động còn phải hội đủ thêm một tính chất khác. Đó là tính trách nhiệm. Một người chủ động hiểu rằng bản thân phải chịu trách nhiệm với toàn bộ những gì đang xảy ra xung quanh, biết cách đặt mục tiêu và đưa ra kế hoạch hoàn thành nó.

Ví dụ, một người chủ động trong công việc sẽ là người biết sự khác biệt giữa lý do và “lý trấu”, làm mọi thứ với tư duy người làm chủ. Và khi gặp những vấn đề không thể tự mình giải quyết, họ cũng biết phải đi tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu và quyết liệt theo đuổi, thay vì ngồi trách móc vì sao điều này lại xảy ra với mình. Câu hỏi họ thường đặt ra là “Bây giờ mình sẽ làm gì tiếp?”

Mình thấm bài học này từ bước ngoặt năm 20 tuổi. Sau một lần mẹ mình bị người ta xông ra đập vào đầu khiến chiếc nón bảo hiểm vỡ đôi khi đi làm về, mình cũng vỡ luôn sự “tưởng bở” của tuổi trẻ. Một tuần mất hồn vía đã khiến mình đưa ra một trong những quyết định khó khăn nhất, đó là bỏ game online, thứ có thể giúp mình kiếm được nhẹ nhàng là 20 triệu mỗi tháng ở thời điểm đó, để đi học lại.

Khi mình thông báo đã nộp hồ sơ học Thiết kế đồ hoạ, mẹ mình đã nói một câu mà mình vẫn còn nhớ như in: “Mày tự nộp hồ sơ được, thì tự lo được.”

Lúc đó, mình chỉ nghĩ “Ôi mẹ giận thì nói thế thôi, chứ sao bỏ rơi mình được.” Nhưng có ai ngờ, mẹ đã nói là làm.

Giờ nghĩ lại chắc mình được thừa hưởng tính “cứng đầu” của mẹ nên đã có thể vừa đi học vừa đi tìm đủ mọi việc để làm thêm kiếm tiền trang trải. Miễn không phải là game, để tránh bị nghiện lại thì việc gì mình cũng làm, từ nhặt banh golf, tennis, phục vụ cà phê, nhà hàng, quán bar. Có lúc tới 4h sáng mới đi làm về tới nhà. Ngủ được 3 tiếng, rồi xách cặp đi học.

Dù rơi vào hoàn cảnh bắt buộc phải tự lập, nhưng sự kiện đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến góc nhìn của mình về sự chủ động sau này.

Tại sao ta cần sự chủ động?

Dugrave mục tiecircu của bạn khocircng phải lagrave quotthagravenh cocircngquot sự chủ động cũng coacute giaacute trị của noacute
Dù mục tiêu của bạn không phải là "thành công" thì sự chủ động cũng có giá trị của nó.

Nhà văn Steve Backley có viết: Có ba loại người trên thế giới này. Đầu tiên, có những người làm cho mọi thứ xảy ra. Sau đó, có những người xem mọi thứ xảy ra. Cuối cùng, là những người hỏi chuyện gì đã xảy ra.

Bạn muốn trở thành ai?

Chúng ta được nghe quá nhiều người thành công nói về tầm quan trọng của sự chủ động, một yếu tố tạo lên những thành tựu họ đã đạt được. Nhưng nếu mục tiêu của bạn không phải là thành công, thì sự chủ động cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra một cuộc đời đáng sống, theo định nghĩa của riêng bạn.

Trên hành trình cuộc đời, có thể trong khoảng mười tám năm đầu, bạn chỉ là hành khách trên chiếc xe do ba mẹ bạn lái. Nhưng khi trưởng thành, bạn phải cầm lái và tự mình điều khiển tới đích. Đó là dấu hiệu của việc ta đã làm chủ cho cuộc đời của mình.

Đâu là những lý do cản trở ta chủ động?

Điều gigrave cản trở bạn chủ động
Điều gì cản trở bạn chủ động?

Dù là áp dụng sự chủ động vào các khía cạnh nào của cuộc sống, thì với mình sự chủ động cần phải xuất hiện ở 2 thời điểm: trước khi đưa ra quyết định/làm điều gì đó, và sau khi một sự kiện/kết quả xảy ra.

Những thứ sẽ cản trở bạn chủ động trước khi đưa quyết định:

  • Thiếu sự chuẩn bị: thật ra bạn không cần phải chuẩn bị cho mọi thứ; hãy theo quy luật 80:20 – dù bạn chỉ có 20% thời gian và sức lực thì hãy dồn nó cho 80% việc thực sự quan trọng.
  • Sợ sai, ngại thất bại: cách phạt của người lớn khi ta mắc lỗi lúc còn nhỏ có thể làm ta ám ảnh với việc mắc sai lầm.
  • Lo lắng về những điều chưa xảy ra: sợ hãi và lo lắng về tương lai không chắc chắn có thể làm mất sự tự tin và quyết đoán.
  • Ngại thay đổi: sự thoải mái của vùng an toàn làm ta ngại đưa ra những hành động thay đổi cuộc sống hiện tại.

Những thứ sẽ cản trở bạn chủ động sau khi một sự kiện xảy ra:

  • Sự mất tập trung và phân tâm khiến ta không tập trung vào mục tiêu của mình, không tìm ra giải pháp và không thực hiện các hành động cần thiết để đạt được mục tiêu.
  • Tâm lý đổ lỗi cho những điều như gen di truyền (tôi nổi nóng vì sinh ra đã thế), vì tâm lý (tôi đã từng bị bạo hành, nên tôi nổi nóng để tự bảo vệ mình), hay môi trường (người ta làm thế nên tôi cũng làm thế).
  • Sự thiếu kiên nhẫn và động lực (có thể do lý do chủ quan và khách quan) khiến con người dễ bỏ cuộc trước những thử thách và khó khăn trong cuộc sống, không có đủ sự kiên trì để đạt được mục tiêu.

Trên đây là những điều mình nhận ra trong những tình huống tự thấy bản thân đã quá thụ động làm mất đi những cơ hội, hay tạo ra kết quả không mong muốn.

Mình tin là chỉ cần nhận biết được điều gì đang cản trở, mỗi người chúng ta sẽ có cách giải quyết khác nhau để vượt qua nó và đạt được sự chủ động cần thiết.

Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý cả mặt trái của nó…

Mặt trái của sự chủ động

Sự chủ động cũng coacute mặt traacutei của noacute
Sự chủ động cũng có mặt trái của nó.

Có thể chủ động trong mọi tình huống là điều tốt, nhưng với kinh nghiệm của mình, thì phía ngược lại cũng có những sự đánh đổi cần phải lưu tâm.

Mình đã từng quá chủ động trong việc thực hiện mục tiêu cá nhân. Điều này khiến cho mình luôn ở trạng thái quá tải và căng thẳng, vì phải liên tục đưa ra quyết định và hành động mà không có sự hỗ trợ hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Sức ép này thậm chí còn quay ngược lại khiến mình không còn có thể hành động hiệu quả.

Thời trẻ khi còn mê chơi game online, tư duy “chủ động để được chọn lựa kết quả mà mình muốn” đã luôn thúc đẩy mình chọn các nhân vật có khả năng solo tốt để tự mình phát triển.

Cho đến khi bắt đầu vào đại học, trải qua nhiều đồ án với các nhóm khác nhau, lối tư duy “tự nỗ lực – tự hưởng thụ” lại càng rõ rệt hơn. Mình cảm thấy những người khác chưa thực sự cố gắng. Mình bực bội khi cho rằng chỉ có mỗi bản thân là luôn tìm cách làm ra kết quả tốt nhất. Rồi đến khi đi làm, nhất là lúc bắt đầu làm remote designer cho các công ty ở nước ngoài, mình lại càng thích làm việc một mình hơn bao giờ hết.

Cho đến khoảng 5 năm trước, mình nhận ra việc làm một con sói đơn độc không tốt như mình tưởng. Nỗi ám ảnh với sự chủ động khiến mình mất đi khả năng hợp tác và chia sẻ quyết định với người khác. Khi đó, mình cảm thấy độc đoán và cô đơn vì không có ai để tư vấn hoặc hỗ trợ cho mình.

Hay đôi lúc vì chủ động tập trung quá nhiều vào mục tiêu bản thân, mình đã bỏ qua những mối quan tâm và nhu cầu của người khác. Để rồi, mình thiếu cảm thông và gây ra xung đột với những người xung quanh.

Và cuối cùng thì mình đã từng quá chủ động nên bản thân tự tin quá mức, dễ tự ái và không thấy cần thiết học hỏi từ người khác.

Suy nghĩ cuối

Tự do khocircng phải lagrave thoải maacutei lựa chọn
Tự do không phải là thoải mái lựa chọn.

Tự do không phải là thoải mái lựa chọn, mà là có năng lực để tạo ra nhiều nhất số lượng các lựa chọn. Số lượng này tỷ lệ thuận với cái mà chúng ta gọi là tự do.

Bạn có thể không cần phải chủ động quá cao trong cuộc sống của mình, mà vẫn có thể có được những điều tốt đẹp. Tuy vậy nó sẽ làm lãng phí các cơ hội và nguồn lực mà lẽ ra sẽ giúp mọi kết quả trở nên tốt hơn.

Và dù đã phải sống phần lớn cuộc đời bằng cách tự lập, thì bây giờ mình nhận ra: Tự lập là tốt, nhưng xong việc còn tốt hơn. Chẳng hạn như bằng cách chủ động hợp tác với người khác.