Lập ngân sách chi tiêu bắt đầu từ mốc số 0 | Vietcetera
Billboard banner

Lập ngân sách chi tiêu bắt đầu từ mốc số 0

Cứ cuối tháng tài khoản lại về 0, liệu có phương pháp quản lý chi tiêu nào phù hợp cho tình trạng này không? Câu trả lời cho bạn là zero-based budgeting.

Lập ngân sách chi tiêu bắt đầu từ mốc số 0

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Dù thu nhập ổn định thậm chí mức lương tăng đều, nhưng chưa bao giờ bạn thoát được tình trạng “cuối tháng về 0”? Tạm thời chưa dám nhắc đến việc dành riêng một khoản dự phòng, riêng việc quản lý tài chính cá nhân sao cho tiền sinh hoạt cả tháng không “thiếu trước, hụt sau" thôi đã là một thành công lớn.

Liệu có phương pháp chi tiêu nào thích hợp cho một mục tiêu cơ bản như thế hay không? Zero-based budgeting, hay “Lập ngân sách dựa trên số 0” chính là câu trả lời dành cho bạn.

Zero-based budgeting là gì?

Zerobased budgeting 1
Zero-based budgeting là phương pháp lập ngân sách bắt đầu từ mốc số 0.

Zero-based budgeting (ZBB) là phương pháp lập ngân sách cho chi tiêu cá nhân, sao cho:

Thu Nhập – Chi Phí = 0

Nhiều doanh nghiệp áp dụng phương pháp này để lập ngân sách bắt đầu từ mốc số 0 khi bước vào mỗi chu kỳ mới. Mọi chi phí đều được phân tích lại từ đầu và xây dựng dựa trên những gì thật sự cần thiết cho giai đoạn sắp tới.

Nó giúp doanh nghiệp xác định chính xác hơn mưu cầu tài chính của từng bộ phận, tập trung vào những số liệu hiện tại thay vì phụ thuộc vào ngân sách trong quá khứ. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đầu tư vào những dự án mới cho việc phát triển bền vững hơn.

Cách lập ngân sách chi tiêu hiệu quả theo phương pháp Zero-based budgeting

Bước 1: Liệt kê tất cả các nguồn thu nhập của bạn

Zerobased budgeting 1a
Liệt kê các nguồn thu nhập, kể cả những nguồn nhỏ hoặc không cố định.

Thông thường, cuối tháng cũ – đầu tháng mới là thời điểm dễ xác định các khoản chi tiêu hơn. Sau khi chọn được thời điểm bắt đầu, bạn hãy viết ra tất cả thu nhập của mình, không trừ lại đồng nào, vào một cuốn sổ theo dõi hoặc lập bảng Excel để dễ hình dung.

Thu nhập bao gồm tiền lương chính, thu nhập từ công việc phụ, trợ cấp, lãi gửi tiết kiệm và tất cả những nguồn thu khác bạn nhận được hàng tháng. Nếu tháng này bạn được bà ngoại tặng cho mấy đồng tiêu Tết thì cũng cần ghi vào luôn.

Bước 2: Theo dõi tất cả các chi tiêu trong tháng

Zerobased budgeting 2
Ghi lại mọi khoản chi tiêu của những tháng trước, kể cả không cố định hoặc không thường xuyên.

Khi áp dụng zero-based budgeting, bạn cần chặt chẽ với những lần rút ví của mình, kể cả với những khoản chi không cố định hoặc không thường xuyên.

Hãy bắt đầu ghi chép lại chi tiêu của mình, xem bạn thường chi bao nhiêu và vào những việc gì. Sau 2-3 tháng, bạn sẽ có một khung chi tiêu đủ rõ ràng. Cách này cũng giúp bạn dễ nhận diện những khoản nào có thể giảm bớt và khoản nào cần được đắp thêm.

Nếu bạn thường giao dịch bằng thẻ hoặc ví điện tử thì càng nên cẩn thận trong việc ghi chép. Sự tiện lợi của hai cách thanh toán này thường khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua hoặc quên mất mục đích của các khoản chi tiêu.

Bước 3: Liệt kê mọi khoản chi dự tính

Zerobased budgeting 3
Dự tính chi tiêu cho tháng tiếp theo dựa trên thông tin từ những tháng trước.

Ở bước này, bạn cần liệt kê ra mọi khoản chi dự tính của mình. Bắt đầu từ những khoản chi tiêu lớn và cố định, ví dụ như tiền thuê nhà, tiền điện nước, học phí,...

Tiếp đến mới là những khoản chi nhỏ hơn như tiền xăng xe, tài khoản Spotify Premium, hoặc không cố định như quà sinh nhật, tiền mua sách mới hoặc giày mới,...

Bước 4: So sánh tiền vào và tiền ra

Zerobased budgeting 4
So sánh thu nhập và chi tiêu để điều chỉnh nếu "hụt trước thiếu sau".

Sau khi dự tính xong chi tiêu của cả tháng, hãy cộng lại và so sánh với thu nhập của bạn. Từ đó bạn sẽ thấy mình chi tiêu nhiều vào mảng nào, cần chi thêm mảng nào.

Zero-based budgeting giúp bạn nắm rõ nguồn tiền vào - ra của mình, để bạn không tiêu phạm vào phần tiền đáng lý ra không được tiêu, như tiền được dùng để trả điện nước thì không thể dùng để mua vé xem phim.

Bước 5: Tiền tiết kiệm và tiền khẩn cấp cũng là một khoản chi

Zerobased budgeting 5
Lập ra khoản tiền tiết kiệm và tiền khẩn cấp, hai khoản này cần phải tách biệt.

Sau khi trừ tổng thu nhập cho tổng chi tiêu, nếu vẫn còn dư thì bạn phải tạo một mục đích cho nhóm tiền dư của mình. Đơn giản thôi, tiền dư sẽ được bỏ vào tiết kiệm. Tiết kiệm cũng cần được ghi chép như một loại chi tiêu.

Trong trường hợp số tiền bạn tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được trong tháng, bạn cần phải tăng thu nhập hoặc giảm chi tiêu.

Nếu có thể, hãy dành hẳn một phần tiền cho những chi tiêu khẩn cấp như tiền sửa xe, tiền thuốc men,... Tiền khẩn cấp khác với tiền tiết kiệm. Hãy để khoảng 5-10% thu nhập hàng tháng vào khoản chi khẩn cấp này.

Mách nhỏ mẹo lập ngân sách chi tiêu tối ưu

Zerobased budgeting bonus tips
Một số bí quyết để điều chỉnh linh hoạt phương pháp zero-based budgeting.
  • Nhóm lại thành từng mục lớn khi ghi chép chi tiêu, ví dụ: giáo dục, giải trí, thức ăn, sinh hoạt. Tuy nhiên cách phân chia cần phải hợp lý và giới hạn để dễ quản lý. Bạn có thể xếp Netflix, Spotify vào cùng mục giải trí. Nhưng nếu xếp cả những buổi ăn uống cùng bạn bè, hay đi du lịch với người yêu vào cùng mục giải trí này thì việc xác định chi tiêu sẽ phức tạp hơn.
  • Kết hợp cùng với các cách lập ngân sách khác. Ví dụ: 50/30/20, với 50% thu nhập cho những gì bạn cần, 30% cho những gì bạn muốn có, và 20% cho tiết kiệm.
  • Tìm đến sự trợ giúp của những ứng dụng quản lý chi tiêu cũng là một cách giúp bạn giảm bớt thời gian vào việc ghi chép và kiểm tra số tiền vào - ra.