Liệu chiếc điện thoại của bạn có đang tích trữ quá nhiều? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 12, 2019

Liệu chiếc điện thoại của bạn có đang tích trữ quá nhiều?

Tối giản hóa điện thoại, bạn đã biết? Cùng tham khảo những cách gọn gàng lại không gian ảo theo cảm hứng tối giản của Marie Kondo để làm việc hiệu quả hơn!

Liệu chiếc điện thoại của bạn có đang tích trữ quá nhiều?

Đầu năm 2019, khi từ khóa “tối giản” vẫn còn giữ nhiệt trong giới trẻ, phương pháp dọn dẹp KonMari nổi lên như một hiện tượng. Nguyên nhân bởi sự ăn khách của series “Tidying up with Marie Kondo” trên Netflix, nơi chuyên gia dọn dẹp cùng tên hướng dẫn các gia chủ cách loại bỏ sự bừa bộn trong căn nhà một lần cho mãi mãi. Thông qua sự từ bỏ vật chất, KonMari giúp bật mở sự gọn gàng trong tâm thức, từ đó chủ nhà sẽ không còn sống chung với sự bừa bộn và dĩ nhiên xóa sổ cả nhu cầu dọn dẹp.

Tuy nhiên bạn có biết, không chỉ với thế giới thực, KonMari còn áp dụng được cả trong không gian ảo? Phải, chính là trên chiếc điện thoại di động, nơi bạn tiếp xúc nhiều hơn tất thảy mọi thứ. Và quy trình này cũng tương tự như KonMari cho một căn nhà thực sự:

  • Xem lại toàn bộ các ứng dụng mình có cùng độ lớn dung lượng chúng đang nắm giữ.
  • Chỉ giữ lại những thứ thật sự hữu ích hoặc “thổi bùng hứng khởi” trong bạn (spark joy).
  • Sắp xếp lại các ứng dụng, dữ liệu sao cho có thể nhìn thấy toàn bộ và dễ dàng mở ra khi cần thiết.

Nào, giờ thì bạn đã biết tổng quát các bước tối giản sắp được hướng dẫn. Hãy cầm điện thoại lên và khởi động các ngón tay! Khoảnh khắc đọc hết bài viết này, bạn cũng vừa hoàn thành xong việc tối giản chiếc điện thoại một lần cho mãi mãi!

Sẵn sàng chưa? 1, 2, 3 bắt đầu!

Điện thoại của bạn có đang tích trữ quá nhiều?

Ứng dụng tầng tầng lớp lớp nhưng dùng chẳng là bao

Hãy thành thật nào, bạn có bao nhiêu ứng dụng chỉ tải xuống và dùng đúng một lần? Hay lần dùng cuối cùng là hơn 6 tháng trước? Tích trữ quá nhiều khiến điện thoại bạn tiêu tốn một lượng lớn bộ nhớ và bản thân bạn cũng mất kha khá thời gian khi muốn tìm kiếm một ứng dụng nào đó.

Vậy thì, bao nhiêu ứng dụng là quá nhiều? Câu trả lời là số lượng ứng dụng không quan trọng bằng độ phức tạp và dung lượng của từng cái. Có rất nhiều ứng dụng trông có vẻ “vô hại” nhưng thực chất đang chạy ngầm và ngốn rất nhiều pin, đồng thời khiến cho điện thoại chậm lại. Hoặc nghiêm trọng hơn, bạn có nguy cơ bị mất dữ liệu khi dùng quá nhiều ứng dụng. Hãy kiểm tra mức độ sử dụng trước khi quyết định giữ hay bỏ ứng dụng nào đó.

Hãy thường xuyên kiểm tra dung lượng “chiếm dụng” của mỗi ứng dụng để kịp thời giải phóng bộ nhớ khi “quá tải” sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Hãy thường xuyên kiểm tra dung lượng “chiếm dụng” của mỗi ứng dụng để kịp thời giải phóng bộ nhớ khi “quá tải”.

Để biết mức độ “ngốn” bộ nhớ của các ứng dụng, bạn có thể thực hiện các thao tác:

  • Với Android: Cài đặt -> Bảo trì thiết bị -> Lưu trữ -> Ứng dụng.
  • Với iOS: Cài đặt -> Cài đặt chung -> Dung lượng iPhone.

Album chồng chất bởi loạt ảnh giống hệt nhau

“Mỗi lần đi cà phê ăn uống với bạn bè là mình chụp ảnh rất nhiều. Đôi khi chỉ với cùng một kiểu dáng, cùng một khung hình!” – Thảo Vy, 22 tuổi.

Ta thường không ý thức được đã có bao nhiêu tấm ảnh hay video được sinh ra lúc bấm máy. Và sự vô thức này không chỉ làm bạn rối mắt mà còn ảnh hưởng đến độ nhạy của điện thoại.

Ngừng ngay việc “tàn sát” bộ nhớ với hàng loạt bức ảnh chụp y hệt nhau sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Ngừng ngay việc “tàn sát” bộ nhớ với hàng loạt bức ảnh chụp y hệt nhau.

Hãy khắc phục điều này bằng cách xem lại album ảnh thường xuyên để xóa bớt, tốt nhất là ngay khi vừa kết thúc một đợt chụp. Một số điện thoại còn có chế độ báo để bạn biết có bao nhiêu ảnh trùng lặp. Bạn hãy dùng chế độ này để lọc bớt các ảnh giống nhau trong album, chỉ giữ lại tấm đẹp nhất. Đồng thời, các ứng dụng mạng xã hội như Facebook hay Zalo luôn có chế độ tự lưu ảnh. Hãy bỏ chế độ này ở tất cả các ứng dụng nếu không thật sự cần thiết.

Danh bạ lấp đầy bởi toàn những gương mặt không quen

Nhiều chiếc điện thoại lưu số của những người mà chủ nhân không nhớ nổi đó là ai. Hãy thanh lọc và chỉ giữ số những người thân quen. Nó nhắc bạn nhớ vòng tròn quan hệ của mình và những ai nên dành thời gian để quan tâm.

Đặt tên để phân loại các số liên lạc giúp bạn dễ dàng tìm kiếm và kiểm soát vòng tròn quan hệ của mình sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Đặt tên để phân loại các số liên lạc giúp bạn dễ dàng tìm kiếm và kiểm soát vòng tròn quan hệ của mình.

Nếu công việc yêu cầu phải lưu nhiều số điện thoại, hãy phân loại các số này theo từng category. “Để dễ tìm số điện thoại, mình luôn lưu số với ghi chú phân loại đằng trước. Ví dụ, với đồng nghiệp thì mình lưu là “CONGTY Chị Hoa”, “CONGTY Anh Nam”. Còn với bố mẹ mình lưu số là “GIADINH Bố”, GIADINH Mẹ”. Công việc yêu cầu phải lưu số để làm việc, nếu không thể tối giản được thì phải phân loại để danh bạ có trật tự” – Huỳnh Nguyễn, 25 tuổi.

Những thông báo tới tấp phá vỡ sự tập trung trong công việc

“Không chỉ mạng xã hội như Facebook hay Instagram, mình tắt cả thông báo email trên điện thoại. Mình hiểu rõ điện thoại là vật dụng ta dễ bị cuốn vào, nên chỉ cài đặt thông báo email trên máy tính. Mỗi một sự chen ngang nào khi đang tập trung cũng sẽ cuốn ta ra khỏi luồng suy nghĩ, và ta không bao giờ có thể tập trung như ban đầu” – Trung Kiên, 25 tuổi.

Việc để thông báo sẽ vô tình làm bạn có hành vi sử dụng mạng xã hội, bị phân tâm trong khi ban đầu bạn không hề có ý muốn sẽ làm thế. Nếu không có kênh làm việc trên mạng xã hội, hãy tắt thông báo hoặc hạn chế chúng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tắt thông báo từ các ứng dụng khác với vài thao tác đơn giản:

  • Với iOS, bạn có thể vào mục “Thời gian sử dụng” (Screen Time) để giới hạn thời gian sử dụng cho từng app hay thậm chí chọn “Giờ nghỉ” (Down time) để cắt đứt mọi nguồn cơn làm phiền trong khoảng thời gian nhất định.
  • Với Android, ngoài việc tắt thông báo, bạn có thể bật chế độ “Không làm phiền” (Do not disturb).
Cài đặt chế độ “không làm phiền” trên điện thoại để hạn chế sự mất tập trung trong công việc sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Cài đặt chế độ “không làm phiền” trên điện thoại để hạn chế sự mất tập trung trong công việc.

Ngoài ra, hãy thường xuyên kiểm tra, xóa cũng như chặn tin nhắn rác. Không có gì bực mình hơn khi đang tập trung làm việc mà cứ liên tục bị làm phiền bởi hàng chục tin nhắn, với chỉ toàn là tin rác hay quảng cáo.

Bước chọn lọc đã hoàn tất, giờ là lúc sắp xếp lại màn hình của bạn

Màn hình điện thoại cũng giống như bộ mặt phòng khách, bạn đã biết bày trí hợp lý?

Biết cách sắp đặt màn hình home của điện thoại sẽ giúp bạn bao quát hết số lượng ứng dụng và nhanh chóng tìm ra thứ mình cần. Hãy cân nhắc “trưng” tất cả các app trên cùng một màn hình. Đặt những ứng dụng thiết yếu vào ngay thanh menu dưới cùng và thả các ứng dụng còn lại vào phần trên màn hình. Ngoài ra để gọn gàng và dễ quản lý, bạn có thể gom các app vào một thư mục theo màu, theo công năng, theo độ tương đồng. Chẳng hạn: Thư mục mạng xã hội: Facebook, Twitter, Linkedin, Instagram…, Thư mục Work: Note, Evernote, Calendar, Office…, Thư mục màu đỏ: GoViet, Youtube, Inshot, Gmail…

Một vài cách sắp xếp ứng dụng cho “mặt tiền” điện thoại của bạn sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Một vài cách sắp xếp ứng dụng cho “mặt tiền” điện thoại của bạn.

Điện thoại cũng như căn nhà của bạn. Nó chứa đựng những gì quan trọng và hữu ích cho cuộc sống của bạn. Việc nó sẽ trở thành công cụ hỗ trợ hữu hiệu hay “kẻ phá rối” luôn khiến bạn mệt mỏi và đình trệ, đương nhiên do bạn quyết định. Tối giản hóa điện thoại cũng giống như sắp xếp lại những suy nghĩ và ưu tiên của bạn, là bước khởi đầu hữu hiệu cho những ai theo đuổi lối sống tối giản.

Bài viết được thực hiện bởi Uyên Nguyễn.

Xem thêm:
[Bài viết] 4 Thao tác đơn giản để tránh “bội thực” dữ liệu trên máy tính
[Bài viết] Tại sao người Việt nên sống tối giản?