Lynh Miêu: Xuất bản không phải cuộc chơi của những kẻ mộng mơ | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 04, 2021

Lynh Miêu: Xuất bản không phải cuộc chơi của những kẻ mộng mơ

Gần 10 năm kinh nghiệm trong ngành xuất bản, là Founder và hiện là Brand Manager của thương hiệu Bloom Books, Lynh Miêu sẽ bật mí với bạn những gì về ngành này?
Lynh Miêu: Xuất bản không phải cuộc chơi của những kẻ mộng mơ

Nguồn: Lynh Miêu cho Vietcetera

Khởi tạo thương hiệu sách Bloom Books từ những năm 2015, Lynh Miêu đã làm việc với rất nhiều các tác giả trẻ và sở hữu những đầu sách ấn tượng, nổi bật trên thị trường.

Thành công trong sự nghiệp được đúc kết bằng những trải nghiệm cá nhân và xây dựng mọi thứ dựa trên giá trị cốt lõi. Dưới đây là 7 đúc kết về ngành xuất bản mà Lynh Miêu muốn muốn chia sẻ với với bạn.

Xuất bản không có nghĩa là được viết

Một trong những lầm tưởng thường gặp nhất với ngành này là “Tôi thích viết nên tôi vào ngành xuất bản”. Người viết thật ra có lợi thế rất lớn khi làm ngành này, bởi họ có sự nhạy cảm với việc sử dụng câu chữ.

Lấy một ví dụ thế này: Trong quá trình biên soạn một cuốn sách, người chịu trách nhiệm nội dung cần rất “thấu hiểu” các… bí mật của cuốn sách. Cuốn sách này đang có “flow” thế nào, sắc thái ra sao, từ đó chọn một “voice” phù hợp để xử lý bản thảo. Trong trường hợp làm sách của tác giả Việt, điều bạn cần thậm chí là… “nhập vai” của chính tác giả để thay họ xử lý những phần chưa hay.

alt
"Làm xuất bản, tức là bạn phải biết cách “hạ cái tôi” của mình xuống đúng lúc, để từ đó nâng cá tính của tác giả (hay tác phẩm) lên." | Nguồn: Lynh Miêu

Nhưng làm xuất bản không có nghĩa là bạn được thỏa sức với việc viết hay được can thiệp vào tác phẩm - dù đôi lúc việc “chỉnh sửa” của bạn (theo bạn nghĩ là) làm bản thảo hay hơn. Làm xuất bản, tức là bạn phải biết cách “hạ cái tôi” của mình xuống đúng lúc, để từ đó nâng cá tính của tác giả (hay tác phẩm) lên.

Ví dụ ở Bloom, đây là một thương hiệu yêu cầu rất nhiều về hình ảnh, thì câu chuyện với con chữ chỉ là một phần. Các bạn có năng khiếu viết thì sẽ bắt nhịp nhanh hơn, khởi đầu tốt hơn, nhưng đó không phải là tất cả. Người chịu trách nhiệm nội dung là người phải làm việc trực tiếp với thiết kế, khi đó bạn phải có cả cái nhìn thẩm mỹ và kỹ năng giao tiếp.

Thời điểm hiện tại, làm sách/làm xuất bản không dừng lại ở việc làm việc với con chữ. Khi xuất bản trở thành một ngành công nghiệp, nó đòi hỏi giá trị cốt lõi, định hướng xuyên suốt, chiến lược truyền thông và sự nỗ lực phát triển bản thân mỗi ngày để nâng cấp thương hiệu và sản phẩm...

Một cuốn sách tốt không chỉ là một cuốn sách có nội dung hay

Một cuốn sách tốt, chất lượng, tất nhiên cần có nội dung hay. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đấy, ở thì hiện tại, tư duy “tốt gỗ hơn tốt nước sơn" đã dần trở nên lỗi thời.

Ngành xuất bản cũng vậy. Với tốc độ ra sách của các công ty xuất bản ngày nay, sách hay hiện tại rất nhiều, nhưng độc giả đang ngày càng có nhu cầu với các cuốn sách đẹp, thậm chí sách để ngắm, để “tô điểm” không gian trong nhà.

Ngay từ khi bắt đầu, Lynh Miêu đã không định hình Bloom Books chỉ là thương hiệu sách thông thường. Tôi muốn Bloom được nhắc đến như một thương hiệu sách ĐẸP, và cái ĐẸP, hay cái gọi là cảm quan về sách ấy phải được xây dựng một cách xuyên suốt, có định hướng ngay từ những ngày đầu tiên. Bloom đã luôn “lý tính hóa” tất cả những cảm quan đó bằng những ngôn ngữ thiết kế cụ thể - để tạo nên sự khác biệt cho chính sản phẩm: từ khổ sách, font chữ, đến style thiết kế hay màu sắc nhận diện...

Một cuốn sách có thể chưa tạo nên sự định hình nhưng khi bạn đặt 10 hay 100 cuốn sách của Bloom cạnh nhau, bạn sẽ hiểu định hướng xuyên suốt mà chúng tôi luôn theo đuổi.

alt
"Độc giả đang ngày càng có nhu cầu với các cuốn sách đẹp, thậm chí sách để ngắm, để “tô điểm” không gian trong nhà." | Nguồn: Lynh Miêu

Giá trị của ngành tri thức được đo đếm sự tích luỹ

Những bạn trẻ khi mới bắt đầu với ngành xuất bản, sẽ luôn đặt câu hỏi về mức lương của ngành này. Nhưng những người làm lâu năm sẽ nhìn thấy ở ngành này một khía cạnh rất khác: Nó mang lại những giá trị rất nhân văn và làm thay đổi con người chúng ta từ bên trong.

Làm trong ngành này lâu, rất hiếm việc gì có thể làm tôi mất bình tĩnh hay cáu giận. Có thể vì môi trường làm việc và hệ sinh thái xung quanh mình quá dễ chịu và đáng yêu.

Mỗi ngày đều được tiếp xúc với những con người hay ho và học hỏi thêm những giá trị mới. Ở ngành này, bạn cũng rất dễ kết nối và có được những mối quan hệ sâu sắc, bởi sự giao thoa về giá trị cốt lõi sâu bên trong.

Mà bạn biết đấy, tích lũy về nền tảng tri thức và các mối quan hệ chính là tài sản quan trọng nhất của con người thời đại này.

alt
"Tích lũy về nền tảng tri thức và các mối quan hệ chính là tài sản quan trọng nhất của con người thời đại này." | Nguồn: Lynh Miêu

Cân bằng giữa người làm xuất bản và độc giả

Khi bạn trở thành “chuyên gia” của một lĩnh vực (sáng tạo, nghệ thuật,..), sẽ luôn có một khoảng chênh khá lớn so với độc giả đại chúng. Quan điểm của tôi khi đứng trước các lựa chọn, đó là: Không bao giờ hạ các tiêu chuẩn về chất lượng của thương hiệu xuống, chỉ để đáp ứng nhu cầu hay thị hiếu nhất thời của số đông độc giả. Chúng tôi sẽ lựa chọn các phương án cân bằng nhất, làm sao để cái nhìn, thẩm mỹ, tư duy đọc của độc giả ngày càng tốt hơn.

Đó là quá trình gìn giữ và phát triển thương hiệu, đồng thời là sự đồng hành và “nâng cấp” gu và chất lượng đọc cho chính độc giả của mình. Bởi khi độc giả đã dần quen với các sản phẩm chất lượng rồi, họ sẽ không chọn các sản phẩm xấu/kém chất lượng hơn được nữa.

Và đây cũng là cách chúng tôi nỗ lực để đẩy ngành này đi lên.

Vậy, muốn làm xuất bản thì bắt đầu từ đâu?

Với bất kì ngành nào, phải bắt đầu bằng việc hiểu chính mình: Giá trị cốt lõi của mình là gì và đâu là điều mình giỏi nhất. (Bản chất của các ngành nghề là giống nhau, chỉ là chúng ta phát triển những kỹ năng khác nhau). Đối với ngành xuất bản, nếu bạn có thể viết, giao tiếp hay làm truyền thông tốt thì có thể thử sức với nó.

Sau đó, hãy tìm một công ty/nhà xuất bản phù hợp với giá trị cốt lõi của bạn. Là giá trị cốt lõi nhé, không phải là một nơi có các cuốn sách mà bạn yêu thích, hai điều này khác nhau.

alt
"Với bất kì ngành nào, phải bắt đầu bằng việc hiểu chính mình" | Nguồn: Lynh Miêu

Xuất bản không phải là cuộc chơi của những kẻ mộng mơ

Ai cũng nghĩ chỉ cần thích đọc sách là sẽ làm được sách. Hoặc ngành sách là một ngành rất mộng mơ. Nhưng như tôi từng nói: “Chúng tôi là những kẻ nhìn đời rất thơ mộng nhưng lại thực tế với những giấc mơ của cuộc đời mình.” Nhìn đời thơ mộng, để biết yêu và trân trọng những giá trị tốt đẹp. Nhưng thực tế, để biết mình cần phải làm gì và sẽ đi tới đâu trong hành trình này.

Rất nhiều người khi nhìn vào sách Bloom đều có một nhận định chung, đó là những cuốn sách “chỉn chu”, “thanh lịch”, “đẹp mắt”, nhưng không phải độc giả nào cũng hiểu sự “thanh lịch” đó được đến từ đâu. Tiếng Pháp có một từ rất hay, là “je ne sais quoi” - một điều gì đó rất thanh lịch, bạn cảm nhận được nhưng không thể diễn tả được nó bằng lời.

Xác định giá trị cốt lõi của thương hiệu, xây dựng các nền tảng và hệ sinh thái xung quanh… 6 năm qua Bloom luôn cần mẫn làm những điều này.

Phía sau một thương hiệu sách Cảm hứng thật ra là những con người rất chăm chỉ, rất tỉnh táo làm những việc cần làm, và có rất nhiều lúc, khá là… không cảm hứng.

Chỉ là sau tất cả, chúng tôi hiểu rằng: Làm sách cũng giống như cách mà chúng tôi yêu. Không có một công việc hoàn hảo, điều chúng ta cần là học cách yêu hoàn hảo công việc của mình.

alt
"Không có một công việc hoàn hảo, điều chúng ta cần là học cách yêu hoàn hảo công việc của mình." | Nguồn: Lynh Miêu

Tương lai của ngành xuất bản trong thời đại 4.0

Sách đại diện cho một lối sống chậm, đi vào chiều sâu, nhưng xu hướng hiện tại lại là nhanh và nhanh hơn nữa. Theo một báo cáo tôi từng đọc, dự kiến sẽ có thêm 80% ngành nghề mới xuất hiện vào năm 2030. Tương lai có rất nhiều thứ sẽ xảy ra và cạnh tranh trong chính nội tại của ngành.

Tôi đã từng rất e ngại khi podcast, ebook, audiobook tràn lan trên mạng, liệu có giết chết sách giấy không... Nhưng đến một lúc tôi nhận ra rằng, không phải cứ những xu hướng mới xuất hiện là cái cũ sẽ bị đào thải.

Tôi tin dù xã hội được đẩy nhanh đến đâu, vẫn có chỗ cho những điều cổ điển. Và vì càng sống nhanh, thì người ta lại cần sự “chậm” như một cách để cân lại chính mình.

Chỉ là, hãy luôn học hỏi không ngừng và cập nhật các kỹ năng, để không bị bỏ lại trong những xu thế phát triển song song của thời đại này.