Muốn giàu bền vững, cần xây dựng vốn xã hội | Vietcetera
Billboard banner

Muốn giàu bền vững, cần xây dựng vốn xã hội

Để sự giàu có trở nên bền vững hơn, bạn cần xây dựng lớp tài sản vô hình thật chắc chắn.
Muốn giàu bền vững, cần xây dựng vốn xã hội

Vốn xã hội được dùng để hình thành tài sản phi tài chính. | Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Khi nói đến sự giàu có, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tiền, hay những tài sản có thể quy ra tiền. Tuy vậy, sự giàu có còn có thể bao gồm những tài sản phi tài chính (non-financial assets) khác, hay tài sản vô hình.

Trong kim tự tháp tài sản, lớp tài sản vô hình nằm ở chân tháp. Chính vì vậy, để sự giàu có trở nên bền vững hơn, bạn cần xây dựng lớp tài sản vô hình thật chắc chắn, trước khi nhắm đến các tài sản hữu hình như tiền hay bất động sản. Và để hình thành lớp tài sản này, chúng ta cần vốn xã hội (social capital).

Việc xây dựng vốn xã hội là rất cần thiết ở mọi độ tuổi, nhất là khi ta còn trẻ. Vậy vốn xã hội là gì, và làm sao để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này?

Vốn xã hội là gì?

Về bản chất, nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama định nghĩa vốn xã hội là "một dạng chuẩn mực phi chính thống có tính minh họa". Chuẩn mực này thúc đẩy sự hợp tác giữa hai hay nhiều cá nhân với nhau. Còn về hình thức, vốn xã hội là kết quả của các mạng lưới quan hệ, sự trao đổi hợp tác, và sự tin cậy.

Chúng ta hay thấy xung quanh mình có những người tuy không hẳn giàu có về tiền bạc, nhưng lại có nhiều uy tín và mối quan hệ xã hội. Trong nhiều trường hợp, họ là trung gian hiệu quả trong một môi trường luôn tồn tại sự bất cân xứng thông tin.

Khi tìm kiếm nhân sự cao cấp, đối tác hay cơ hội đầu tư quan trọng, ta cũng ít khi nào thông qua các kênh đại chúng. Đó là vì những việc này chủ yếu chỉ hiệu quả thông qua các kênh giới thiệu cá nhân.

Đây cũng là lý do mà những người nổi tiếng (thường là các chính trị gia) khi về hưu thường tiếp tục với các công việc cố vấn, mà thực ra là công việc kết nối thông qua uy tín và danh bạ liên lạc của mình. Tony Blair (nguyên Thủ tướng Anh), Henry Kissinger (nguyên Ngoại trưởng Mỹ), Nicolas Sarkozy (nguyên Tổng thống Pháp), hay nhiều thượng nghị sĩ tham gia hoạt động của doanh nghiệp sau khi về hưu là một ví dụ cho việc tạo lập và sử dụng vốn xã hội.

Vốn xã hội là kết quả của các mạng lưới quan hệ, sự trao đổi hợp tác, và sự tin cậy.

Bản thân Chàng-Ngốc-Già nhờ có vốn xã hội mà nhiều lần được giúp đỡ trong cuộc sống lẫn công việc. Trước đây, có một giai đoạn nước Pháp thực thi chính sách thắt chặt đối với người nước ngoài, trong đó có sinh viên. Họ muốn sinh viên quốc tế đến Pháp học xong rồi phải rời khỏi nước Pháp, nên các thủ tục làm thẻ cư trú bị làm khó dễ và trì hoãn. Mình cũng không ngoại lệ. Thủ tục gia hạn thẻ cư trú cũng làm mình lên bờ xuống ruộng mấy phen.

Hết sức chịu đựng, mình đành nghĩ đến việc sử dụng các mối quan hệ quen biết của mình. Thông qua một người bạn, mình được giới thiệu với một thượng nghị sĩ để nói về hoàn cảnh bản thân. Mình nói rằng mình là sinh viên có học bổng và đang theo bậc tiến sĩ, trong khi đó thẻ cư trú đã hết hạn, còn thẻ mới thì cứ trong tình trạng chờ.

Sau khi nghe hoàn cảnh của mình, trợ lý của ông thượng nghị sĩ đã soạn một lá thư và gửi trực tiếp đến người phụ trách cao nhất. Sau một tuần, mình được gọi đến nhận thẻ cư trú mới.

Việc xây dựng vốn xã hội là rất cần thiết ở mọi độ tuổi, nhất là khi ta còn trẻ.

Xây dựng vốn xã hội như thế nào?

Vốn xã hội có được là từ các mạng lưới, sự trao đổi hợp tác và sự tin cậy. Do đó, điểm xuất phát của vốn xã hội phải là từ các mạng lưới quan hệ.

Mạng lưới có thể xuất phát từ những người bạn cùng chơi thân với nhau từ lúc nhỏ, những bạn hàng xóm đồng trang lứa hay ở cùng khu vực. Mạng lưới cũng có thể là bạn học cũ cùng lớp, cùng trường, đặc biệt ở giai đoạn sinh viên. Chính vì vậy, các bạn trẻ nếu có thể hãy tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa hay các hội nhóm.

Mạng lưới còn được tạo ra thông qua các hoạt động xã hội khác, như cùng chia sẻ một sở thích hay đam mê. Có những người vì muốn làm thiện nguyện mà gặp gỡ nhau, từ đó quen nhau, rồi hỗ trợ nhau trong công việc lẫn cuộc sống. Cũng lại có những người đến với nhau nhờ cùng chia sẻ đam mê thể thao, nghệ thuật, sưu tầm.

Trong môi trường làm việc, những mối quan hệ với đồng nghiệp hay đối tác chính là nơi mà danh bạ mạng lưới được hình thành thành nhiều nhất.

Với Chàng-Ngốc-Già và những người làm nghiên cứu khoa học, mỗi dịp đi hội thảo quốc tế là một dịp rất quý để tạo và mở rộng mạng lưới quan hệ. Tại những hội thảo này, mình có cơ hội làm quen với những người quan trọng, có ảnh hưởng, hay thậm chí tìm được những người có cùng hướng nghiên cứu với mình.

Tuy nhiên, các mạng lưới quan hệ không thể chuyển thành giá trị nếu không có sự trao đổi hợp tác để cùng mang lại giá trị cho nhau, hay nói cách khác là “win-win”. Các mối quan hệ xã hội cũng cần được duy trì và vun đắp theo thời gian để sự tin cậy lẫn nhau tăng lên.

Vốn xã hội có được là từ các mạng lưới, sự trao đổi hợp tác và sự tin cậy.

Sử dụng hiệu quả vốn xã hội như thế nào?

Vốn xã hội được dùng để hình thành tài sản phi tài chính. Việc sử dụng hiệu quả vốn xã hội phụ thuộc nhiều ở người sở hữu.

Chàng-Ngốc-Già biết có những người có vốn xã hội lớn, nhưng họ lựa chọn sử dụng một cách thụ động. Tôn chỉ của họ là: “Tôi có sẵn một mỏ vàng, nhưng tôi chỉ khai thác cho bản thân khi cần. Còn nếu ai cần thì tôi sẽ cân nhắc và hỗ trợ, bởi vì tôi không coi đây là một loại tài sản sinh lợi.”

Tuy vậy, cũng có những người chủ động làm tăng vốn xã hội của cá nhân mình, rồi từ đó tạo ra vốn xã hội cho những thành viên khác. Với những người này, có lẽ họ nhận thức được rằng nguồn lực tự nhiên hay tài chính là hữu hạn, và những tài sản phi tài chính được tạo ra từ vốn xã hội là phần bổ sung rất quan trọng.

Từ những mạng lưới, sự trao đổi hợp tác, và sự tin cậy mà các giá trị mới được tạo ra và sự tin cậy được tăng lên. Chi phí giao dịch từ đó cũng ít đi vì sự bất cân xứng thông tin được giảm thiểu.

Kết

Với các bạn trẻ, hãy tạo lập và xây dựng vốn xã hội càng sớm càng tốt, với tầm nhìn dài hạn. Theo thời gian, bạn nên đầu tư vào những mạng lưới có chất lượng hơn là số lượng, đồng thời tạo đòn bẩy (leverage) từ nguồn vốn này để tạo giá trị cho bản thân và cộng đồng.

Nguồn vốn này dù là phi tài chính, nhưng hoàn toàn có thể quy đổi được sang tài chính trong nhiều trường hợp. Sau này khi có nhiều tiền hơn, bạn vẫn nên tiếp tục tích lũy các tài sản vô hình qua việc chi trả cho các hoạt động du lịch, học hỏi và trải nghiệm nhé!