1. New money là gì?
New money chỉ nhóm nhà giàu mới nổi, tự thân vận động, không cần tới tài sản của gia đình. Từ này thường mang sắc thái chế giễu và khinh thường.
Có nhiều từ đồng nghĩa với new money như:
- Thành ngữ “rags-to-riches” miêu tả tình huống người từ nghèo khó trở nên giàu có;
- New rich;
- Trung Quốc có từ “phú nhị đại", chỉ con cái của những “phú nhất đại" - thế hệ giàu thứ nhất.
2. Nguồn gốc của new money?
Khái niệm về “new money" đã tồn tại trước khi từ này ra đời. Thời La Mã cổ đại, từ “novus homo” (new man) dùng để chỉ những người sinh ra với thân phận thấp kém nhưng sau đó được làm việc trong ban lãnh sự. Người Anh cũng sử dụng từ "new man" để nói về tầng lớp quý tộc mới.
Tương tự, trong tiếng Pháp có từ nouveau riche chỉ những người ở tầng lớp thấp, nhưng nhờ có của cải mà được thăng bậc trong xã hội. Trái ngược với tầng lớp này là “old money” - nhóm người giàu nhiều đời.
3. Vì sao new money trở nên phổ biến?
Khuôn mẫu của new money
Năm 2004, 50 Cent nhắc tới việc bản thân bị gọi là “new money” trong bài rap “This is how we do" vì anh thành công quá nhanh.
Trong văn hóa đại chúng, sự đối nghịch của new money và old money thường xuyên được khai thác. Hai giới này cũng thường bị gắn nhãn với những khuôn mẫu.
New money được cho có nhiều của cải nhưng không nhận được nhiều sự tín nhiệm, nhất là khi họ thường khoe khoang của cải của mình. Giới này cũng thường bị đánh đồng với việc thiếu sâu sắc do không được hưởng một nền giáo dục tốt.
Trong khi đó những gia đình old money được cho là gia giáo, có nề nếp. Một ví dụ về old money phải kể tới bộ phim Crazy Rich Asians (2018), nói về những gia đình giàu nhiều đời ở Singapore.
New money trong văn hóa
Trong văn học, Gatsby là một nhân vật tiêu biểu cho giới new money. Đối nghịch với Gatsby là Daisy và Tom, những nhân vật được sinh ra trong nhung lụa. Ngoài ra bộ phim Sói già phố Wall cũng đề cập tới chủ đề này qua nhân vật Jordan Belfort.
Leonardo Dicaprio có vẻ như rất có duyên với tầng lớp new money khi anh đều đóng vai Gatsby và Jordan. Hai nhân vật đều được miêu tả là những người vươn lên từ bàn tay trắng và rồi đắm chìm trong cuộc sống vật chất với những bữa tiệc xa xỉ.
Trong văn học Việt Nam, Vũ Trọng Phụng chỉ trích thói “trưởng giả học làm sang" qua nhân vật Xuân tóc đỏ. Một bước lên mây tiến vào giới thượng lưu, tất cả những gì ta thấy được từ Xuân là sự xảo trá, lươn lẹo.
Có thể thấy, thói hư tật xấu, sự khoa trương và phóng túc là những khuôn mẫu khiến người ta chán ghét new money. Ngoài ra, những trend TikTok chuyên về “flex" của cải cũng làm gia tăng định kiến.
Sự trẻ hóa của giới đại gia
Theo báo cáo của Bloomberg, lứa tuổi của những tỷ phủ ngày càng trẻ hơn khi mà những chủ doanh nghiệp đã sớm được tiếp xúc với các cơ hội tiềm năng nhờ công nghệ. Các nghề nghiệp mới như KOLs, influencers và sự phát triển của cryptocurrency cũng giúp “trẻ hóa" độ tuổi của các “đại gia".
Tuy nhiên vẫn phải nhấn mạnh, những người trẻ giàu sớm, có thể là người như Mark Zuckerberg - tỷ phú tự thân, hoặc Paris Hilton với gia đình giàu có mấy đời.
4. Dùng new money như thế nào?
Tiếng Anh
A: Why do we hate new money but we can’t stop watching them?
B: Curiosity, I guess. Look at the Kardashians, they get all the hate but are still getting rich and famous.
Tiếng Việt
A: Tại sao mình cứ thích quan sát giới nhà giàu mới nổi dù mình ghét họ vậy?
B: Chắc do tò mò. Giống nhà Kardashians á, nhiều người ghét vậy mà họ vẫn ngày càng giàu và nổi tiếng kìa.