Ba tiếng đồng hồ xem The Wolf of Wall Street là một trong những trải nghiệm điên rồ nhất của tôi đối với điện ảnh, đến mức dù đã xem không dưới 3 lần bộ phim dài 3 tiếng đồng hồ này, tôi vẫn tự hỏi, mình vừa xem cái quái gì vậy?
Nhưng, nếu để chọn ra một trong mười kiệt tác của điện ảnh thế kỷ 21, tôi không ngần ngại chọn bộ phim này nằm trong số đó.
Hơn cả một tác phẩm điện ảnh, với nhịp điệu cuồng loạn và tràn ngập sự phóng túng, không ngần ngại phơi bày sự trác táng và dâm dật của những kẻ sống trên tiền, huyền thoại Martin Scorsese và dàn diễn viên, được dẫn đầu bởi Leonardo DiCaprio đã mang đến cho chúng ta một kiệt tác về lòng tham và lối sống đồi bại, sự tha hóa đạo đức đến tận cùng. Nhưng cũng lạ lùng thay, nó phản ánh rất chính xác nền văn hóa dư thừa vật chất ở phố Wall mà rất nhiều người trong chúng ta vẫn từng khao khát.
Lời tự thú của một con sói già phố Wall
The Wolf of Wall Street (Sói già phố Wall) là một bộ phim tiểu sử, hài châm biếm (dark comedy) dựa theo cuốn hồi ký của Jordan Belfort, do đạo diễn huyền thoại đương đại Martin Scorsese dàn dựng vào năm 2013. Đây là màn hợp tác thứ 5 giữa ông và Leonardo DiCaprio, đồng thời cũng là bộ phim đạt doanh thu cao nhất của cả hai trong những lần hợp tác chung.
Phim cũng giành 5 đề cử Oscar cho Phim hay nhất, Đạo diễn, Kịch bản chuyển thể, Nam chính (Leo) và Nam phụ (Jonah Hill) xuất sắc nhất. Và dù không đoạt bất cứ giải nào, nhưng có hề gì, luôn có những kiệt tác điện ảnh vượt qua những giải thưởng của giới Hàn lâm để tồn tại lâu dài. (trong khi nhiều phim đoạt giải đã bị quên lãng từ lâu)
Bộ phim mở đầu bằng lời tự thuật của Jordan Belfort bằng cách nhìn thẳng vào ống kính, một cách “kể chuyện” phá vỡ bức tường thứ 4 mà Martin Scorsese từng thực hiện trước đây với một kiệt tác khác về thế giới của gangster là Goodfellas (1992).
Belfort nói rằng thế giới của giới đầu tư, của phố Wall như một khu rừng nhiệt đới mà ở đó, bò rừng, gấu, hổ… xuất hiện ở mọi nơi và hiểm nguy ở mọi ngõ ngách. Và anh ta tự nhận mình và các cộng sự ở công ty Strantton Oakmont là những chuyên gia, dẫn bạn vượt qua vùng hoang vu của tài chính và giúp bạn tránh hiểm nguy, đồng thời làm giàu giúp bạn.
26 tuổi, với vai trò là giám đốc công ty môi giới chứng khoán, Jordan Beford đã kiếm được 49 triệu USD/năm, nhưng anh ta vẫn chưa thỏa mãn vì thiếu chút nữa là kiếm được 1 triệu USD/tuần.
4 năm trước đó, Jordan đặt chân đến phố Wall khi còn là một thanh niên 22 tuổi trắng tay và gặp Mark Hanna (Matthew McConaughey). Mark là kẻ “khai sáng” cho anh ta về cách kiếm tiền ở phố Wall và giữ được sự tỉnh táo bằng… ma túy và gái. Bởi nếu không thỏa mãn nhịp điệu dưới thắt lưng, những kẻ như gã sẽ mất thăng bằng và nổ tung bất cứ lúc nào: họ sẽ bị điên loạn với các con số, thập phân, tần số… nhảy múa trên các bảng giao dịch.
Nhờ sự hướng dẫn tận tình và bài học “khai sáng” của “con sói già, Mark Hanna, 6 tháng sau Jordan đã tường tận phố Wall, kiếm được nhiều tiền.
Anh ta lái những chiếc siêu xe cỡ Ferrari mới cáu cạnh, những căn biệt thự triệu đô, sở hữu những con ngựa đua đắt tiền, hai nhà nghỉ mát, du thuyền dài 52m, máy bay riêng lộng lẫy và cô vợ siêu hot Naomi sẵn sàng “thổi kèn” cho anh ta trên xa lộ. Anh ta sống đồi bại và trác táng không thể tưởng tượng: hít ma túy từ “cửa sau” của gái điếm, uống rượu như cá uống nước, bạo dâm và chơi gái tuần 5,6 lần.
Những thứ ma túy mà anh ta dùng trong một tuần đủ để cả thành phố Manhattan, Long Island và Queens an thần trong một tháng, như Jordan tự thừa nhận. Anh ta dùng Quaaludes 10 đến 15 lần mỗi ngày cho chứng “đau lưng”, uống Adderall để tập trung, uống Xanax để an thần, cần sa để giảm căng thẳng, cocaine để tỉnh táo, và morphine đơn giản vì nó quá “phê”.
Trong tất cả các loại “thuốc” trên cõi đời này, có một loại mà Jordan cực kỳ thích, thứ mà anh ta cho rằng để chinh phục thế giới và moi ruột kẻ địch: đấy là TIỀN. Có tiền, anh ta có thể có mọi thứ, từ những ngôi biệt thự hàng chục triệu đô, du thuyền, gái đẹp. Thêm vào đó có thể làm từ thiện, hỗ trợ tài chính cho đảng mà anh ta yêu thích, thậm chí cứu một loài động vật nào đó đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tiền có thể biến anh ta thành người… tốt!
Nhưng ngày 19/10/1987, được gọi là Ngày Thứ Hai Đen Tối, thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ với mức tuột tệ hại nhất từ Ngày Thứ Ba Đen Tối từ năm 1929. “Phố Wall nuốt chửng và ‘ị’ tôi ra một lần nữa”, như lời anh ta tự thú.
Jordan trắng tay và trở về với vạch xuất phát. Nhưng vốn có thừa kinh nghiệm và trải nghiệm trong tay, anh ta lại khởi đầu thêm một lần nữa. Jordan “bán cặn bã cho kẻ cặn bã” và kiếm tiền từ đấy. Anh ta gặp Donnie (Jonah Hill), một kẻ buôn bán đồ trẻ em sống cùng chung cư. Và cả hai bắt đầu khởi nghiệp với nghề môi giới chứng khoán từ một garage cũ. Bọn họ trở thành “chiến hữu”, tuyển thêm một đội quân bán hàng, đa phần là xuất thân từ dân bán cần sa hoặc ma túy và đào tạo bọn họ nghệ thuật “hard sale”.
Phương pháp kiếm tiền cơ bản của bọn họ là lừa đảo “bơm và bãi” (pump and dump). Để che đậy điều này, Jordan đặt cho công ty cái tên sang chảnh: "Stratton Oakmont".
Thế giới của những kẻ ngập trong tiền, hưởng lạc, sa đọa và trống rỗng
Câu chuyện của Jordan Belfort, kẻ đã bị FBI bắt với tội danh thao túng thị trường chứng khoán và gian lận, rửa tiền vào năm 1999 thì hẳn chúng ta đã biết từ trước khi xem bộ phim này, qua cuốn hồi ký cùng tên (đã được dịch ra tiếng Việt).
Để tái hiện lại câu chuyện của Jordan ở phố Wall từ tự truyện của anh ta, cách thuyết phục nhất là tái dựng lại cái thế giới của những kẻ kiếm tiền dễ như trở bàn tay nhờ mánh lới và lừa đảo. Qua cách kể chuyện tràn năng lượng của Martin Scorsese, một đạo diễn kỳ cựu của điện ảnh Mỹ ở tuổi ngoài 70, ta sẽ thấy được tận mắt chứng kiến (qua màn ảnh) thế giới của những kẻ ngập trong tiền và hưởng lạc nhưng cũng trống rỗng đến tận cùng.
Với lời tự thuật của Jordan Belfort, qua màn diễn xuất đỉnh cao và xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Leonardo DiCaprio, Sói già phố Wall là một thiên sử thi của sự… sa đọa, một vở opera ăn chơi trác táng không có điểm dừng.
Kiếm tiền quá dễ dàng, anh ta cũng ném tiền qua cửa sổ dễ dàng không kém. “Văn hóa công ty” của Jordan là những bữa tiệc trác táng với ma túy và gái điếm cao cấp được trả bằng thẻ tín dụng, những cuộc mây mưa tập thể diễn ra ngay tại văn phòng, trên du thuyền và thậm chỉ cả trên máy bay.
Khi đã quá dư dật về tiền bạc, Jordan cũng sẵn sàng từ bỏ người vợ tần tảo đầu gối tay ấp khi nghèo khó để cưới một cô vợ chân dài và quyến rũ (Margot Robbie).
Lời dẫn chuyện của Jordan Belfort xuyên suốt bộ phim, gợi nhớ đến cách mà Ray Liotta (vai một gangster) từng kể về cuộc đời của hắn ta trong Goodfellas. Cách mà Martin Scorsese kể về những kẻ tội phạm, lừa đảo hay thế giới ngầm của bọn chúng: không phải là do ai đó kể, mà do chính bọn họ - những kẻ trong cuộc kể. Không răn dạy, không lên án, không có sự phẫn nộ về mặt đạo đức, đơn giản là Marty để cho bọn họ tự thuật lại cuộc đời mình. Và chúng ta, là những kẻ được chứng kiến, rồi từ đó, rút ra điều gì cho bản thân – tùy!
Hai phân đoạn tả thực cảnh ăn chơi lầy lội của Jordan và đồng bọn là phân đoạn Jordan và Donnie chơi… “thuốc thánh” rất khan hiếm trên thị trường khiến bọn họ “ngáo” từ chân lên tới đầu, phải bò bằng đầu gối và đánh mất khả năng ngôn ngữ, trong khi vẫn cố giữ đầu óc tỉnh táo để tránh bị một tay thám tử của FBI đang nghe lén và điều tra.
Một phân đoạn cao trào khác, có thể xem là đỉnh điểm của nhịp điệu cuồng loạn được kiểm soát cực kỳ chắc tay trong dàn cảnh và cắt dựng, là cảnh du thuyền lộng lẫy của bọn họ gặp bão giữa đại dương khi tìm cách sang châu Monaco để “giải cứu” một khoản tiền đen khổng lồ. Dù sắp chết đến nơi, Jordan vẫn phải cứu lấy… túi thuốc Quaalludes to tướng của gã.
Martin Scorsese đã tái hiện một thế giới cuồng loạn của những kẻ dư dật trên tiền bạc, hưởng lạc đến tận cùng nhưng trống rỗng đến tận cùng. Và tất nhiên, bọn họ phải trả giá.
Leonardo DiCaprio chưa bao giờ xuất sắc như thế
Phim của Martin Scorsese (Marty với cách gọi thân mật) chưa bao giờ dở. Nhưng xuất sắc và tràn trề năng lượng cỡ The Wolf of Wall Street thì cũng chỉ tầm 4, 5 phim trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn 6 thập niên của ông mà thôi.
Sức hấp dẫn của Sói già phố Wall ngoài kịch bản phóng túng được chấp bởi Terence Winter, tài năng dàn dựng và chỉ đạo bậc thầy của Marty, dựng phim của Thelma Schoonmaker; tất nhiên còn phải kể đến dàn diễn viên tài năng, từ Leonardo DiCaprio, Jonah Hill, Margot Robbie… cho đến một diễn viên khách mời chỉ xuất hiện khoảng 5 phút nhưng hoàn toàn hút hồn người xem, là Matthew McConaughey.
Điều thú vị là trong cuộc đua Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm đó, Leonardo DiCaprio bị đánh bại bởi Matthew McConaughey với một bộ phim tiểu sử khác: Dallas Buyers Club.
Cho dù tiếp tục bị Viện Hàn lâm từ chối (để rồi sau đó được công nhận với một vai diễn không hay bằng trong The Revenant, 2015), Leonardo đã cống hiến cho màn bạc một vai diễn “thần sầu” với hơn 100% năng lượng diễn xuất.
Jordan qua tài năng của Leo trở thành một nhà truyền bá đầy cảm hứng về cách kiếm tiền và tiêu tiền, về lối sống thác loạn không thể kiềm chế. Lối diễn xuất của Leo kích thích adrenaline và tăng testosterone trong máu. Vừa điên rồ vừa hài hước, vừa mãnh liệt vừa trống rỗng, Jordan của Leo đã tái hiện chính xác chân dung của một kẻ tôn sùng lối sống kim tiền và hưởng lạc đến giây phút cuối cùng trên cõi đời này.
Đến mức mà đôi lúc, khi xem bộ phim dậm dật năng lượng này, ta tự hỏi Marty và Leo đang cổ xúy hay châm biếm, chế nhạo lối sống này đây?
Để rồi ta tự trả lời rằng, hẳn là phải hiểu nó đến tận cùng, ta mới chế nhạo được nó, còn không, chúng ta chỉ là những kẻ nhìn đời qua cửa kính mà thôi.
Nhịp điệu dồn dập và xoay vòng, dựng phim nhanh đến mức không cho ta dừng lại một giây để thở, chưa nói gì đến chuyện phải suy nghĩ hay tự vấn, đơn giản là Marty kéo xộc chúng ta đi trong một thiên sử thi của sự sa đọa, cho đến khi bọn họ trở thành nạn nhân cho lối sống của chính mình.
Sự châm biếm của Marty phải chăng là ở đó?
Sói già phố Wall hay là "vật tổ" cho nền văn hóa thái quá của chúng ta?
Trong đoạn kết của Sói già phố Wall, ta được chứng kiến sự đổi vai thú vị. Jordan Belfort thật ngoài đời sắm một vai cameo là host của một TV show về làm giàu, đang phỏng vấn Jordan Belfort do Leo đóng. Lúc này, Jordan đã ra tù sớm nhờ hợp tác với FBI và trở thành một… diễn giả truyền cảm hứng, tác giả của hai cuốn sách best-seller về “self-help” và bán hàng.
Và cảnh kết này, một lần nữa có thể giúp ta “sáng mắt” ra về thông điệp và chủ đề của bộ phim mà Martin Scorsese muốn truyền đạt.
Cho dù là một kẻ tội phạm lừa đảo và rửa tiền, một kẻ tham nhũng và ăn chơi bệnh hoạn bị bỏ tù, Jordan Belfort vẫn là một kẻ… truyền cảm hứng về làm giàu và bán hàng. Anh ta là một kẻ bán hàng bẩm sinh, một kẻ có “giác quan thứ 6” về tiền với nguồn năng lượng vô biên. Những đôi mắt của đám khán giả bên dưới nhìn anh ta đầy ngưỡng mộ, và thậm chí coi anh ta như một… vị thần, một kẻ hứa hẹn với bọn họ kiếm 1 triệu đô trong vòng 8 tám bước đơn giản.
Jordan là con sói ở phố Wall, rõ rồi. Nhưng phải chăng, anh ta còn là đại diện, là vị “vật tổ” trong một nền văn hóa thèm khát vật chất, dư dật vật chất và hưởng lạc vật chất mà hầu hết chúng ta đều theo đuổi?