Một người bình thường sẽ mất bao lâu để chuẩn bị cho chuyến du lịch băng ngang nửa vòng trái đất? Hãy tưởng tượng chuyến đi này sẽ còn có cả mẹ chồng, gia đình hai bên và gần 100 người khác từ khắp nơi trên thế giới đến để chung vui. Bạn rất thích một bãi biển đẹp tại Việt Nam nhưng không ai ở đó nói được tiếng Anh. Đám cưới kết hợp du lịch của bạn tưởng như sẽ bất khả thi hoặc sẽ cực kỳ tốn kém nếu không có một destination wedding planner hỗ trợ.
Destination wedding là đám cưới kết hợp du lịch, có nghĩa là đám cưới được tổ chức tại một địa điểm du lịch (thường là một khu nghỉ dưỡng) hay độc đáo hơn là trong rừng hoặc tại một bảo tàng cổ kính. Các địa điểm này thường cách xa nơi cô dâu, chú rể và khách mời, nên đám cưới cũng là dịp cùng nhau tận hưởng một kỳ nghỉ đầy ý nghĩa. Vì thế, “công việc của một destination wedding planner là giúp cho cô dâu, chú rể vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, địa lý, văn hóa và thời gian để họ có thể tận hưởng lễ cưới của mình một cách trọn vẹn nhất.” – Chia sẻ từ Xuân và Tú.
Trong số này của series Nghề Lạ, cùng chúng tôi gặp Xuân và Tú, hai destination wedding planner tại Meraki Wedding Planner, để tìm hiểu về sức hút của công việc này.
Hãy giải thích tính chất công việc của một destination wedding planner.
Wedding planner là người giúp bạn lên kế hoạch chi tiết, hướng dẫn bạn hoàn thành các công tác chuẩn bị cho ngày cưới. Họ sẽ giúp bạn trả lời tất cả những băn khoăn bằng cách lựa chọn và giới thiệu các nhà cung cấp dịch vụ cho các hạng mục phù hợp. Từ đó bạn có cái nhìn tổng quan hơn về những khoản cần chi cho đám cưới và có thể cân đối chi phí để có thể lựa chọn phương án tổ chức tiệc cưới sao cho “vừa-xinh” với khả năng tài chính của mình. Việc chuẩn bị lễ cưới thường diễn ra trước 1 năm đến 6 tháng, từ lúc đặt khách sạn, mua vé máy bay (đến Việt Nam ăn cưới), rồi du lịch và về nước.
Ngoài ra, wedding planner còn giúp bạn lên ý tưởng xuyên suốt về mặt hình ảnh và trang trí cho đám cưới của bạn, chỉ cần chia sẻ ý tưởng về hình ảnh đám cưới trong mơ của bạn. Vào ngày diễn ra lễ cưới, họ chính là người “nhạc trưởng” đứng đằng sau khớp chương trình, kiểm tra các dịch vụ, chỉ đạo mọi thứ để hoạt động trơn tru như kế hoạch hay xử lý những vấn đề phát sinh kịp thời và chu đáo.
Khách hàng của destination wedding planner là ai?
Khách hàng của destination wedding planner có hai nhóm chính: một là các cặp đôi nước ngoài sống ở hai châu lục khác nhau. Vì khoảng cách địa lý nên hai gia đình khó có dịp gặp gỡ, nên họ chọn một điểm đến ở giữa để vừa du lịch, vừa tiện di chuyển cho cả hai nhà.
Hai là những cặp đôi có cá tính mạnh, chỉn chu, mong muốn đám cưới mang đậm màu sắc của mình từ khâu tìm kiếm và chọn lựa các dịch vụ đi kèm trong đám cưới như trang trí tiệc cưới, quay phim chụp ảnh, trang điểm làm tóc, đưa đón, tổ chức các hoạt động thư giãn đều được chọn lọc theo một phong cách nhất định…
Dù hiện nay các khách sạn, resort lớn ở Việt Nam đều đã cung cấp các dịch vụ wedding planner cơ bản nhưng phần lớn các dịch vụ này được thiết kế theo một khuôn mẫu nhất định nên thiếu đi sự linh hoạt cần thiết cho những khách hàng thuộc nhóm này.
Điều gì dẫn các bạn đến với công việc này?
Năm 2015, tụi mình bắt tay thực hiện lễ cưới đầu tiên tặng cho một người bạn, nó là một đám cưới nhỏ, chỉ có 40 khách nên rất ấm cúng và gần gũi. Tụi mình nhớ, lúc đó cô dâu và chú rể đang cảm ơn quan khách và trao cho nhau những lời ngọt ngào. Bỗng bài hát “Yêu” của Min cất lên để rồi tất cả bạn bè đều bước lên sân khấu, ôm lấy cô dâu chú rể một cách hạnh phúc, cả bữa tiệc òa lên trong xúc động. Đó là điều tụi mình chưa từng thấy trong bất kỳ một đám cưới nào khác và nó cũng chính là thứ động lực đã thôi thúc tụi mình tìm hiểu sâu hơn về ngành cưới.
Sáu tháng sau, Xuân khăn gói ra Hà Nội học việc, còn mình tiếp tục tìm hiểu về thị trường. Khi quay lại Sài Gòn vào năm 2016, tụi mình đã có dự án destination wedding đầu tiên tại Bảo Tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Vẫn cảm xúc đó, vẫn sự gần gũi đó, tụi mình đã tìm lại những khoảnh khắc ấn tượng của năm 2015 với nhiều cá tính rất riêng trong từng buổi tiệc sau này.
Một ngày làm việc của các bạn bắt đầu như thế nào?
Tụi mình không gặp nhau thường xuyên, chỉ khoảng 1 hoặc 2 lần mỗi tuần để gặp khách hàng và đối tác. Chủ yếu là trao đổi và làm việc online với nhau, gần như 24/24 do đặc thù công việc cần tiếp xúc với khách hàng nước ngoài.
Một ngày bình thường của tụi mình bắt đầu bằng việc kiểm tra tin nhắn và trả lời nhanh các câu hỏi của cô dâu. Thực hiện các công việc đã được lên danh sách vào hôm trước. Như một trạm trung chuyển thông tin, mỗi buổi sáng là một danh sách dài các thông tin cần liên hệ, đặt lịch, xin báo giá, xin hình ảnh,… để các đối tác có thể phản hồi tụi mình trong ngày và khách hàng có thể nhận thông tin vào ngay tối hôm đó.
Buổi chiều, tụi mình đi thử trang phục, gặp gỡ khách hàng mới hoặc khảo sát địa điểm rồi tối về lại email cập nhật tình hình. Công việc này kết hợp hoàn hảo giữa “công việc văn phòng” (ngồi máy tính nhiều) với “tổ chức sự kiện” (đi ra ngoài nhiều).
Ai là người hướng dẫn cho các bạn?
Xuân: Sau khi ra trường, mình đã làm việc cho một công ty chuyên tổ chức các sự kiện cá nhân như đám cưới, sinh nhật và được trở thành cô gái công sở trong ba tuần…..rồi nghỉ việc. Bởi vì môi trường của một agency tổ chức sự kiện thiên về tính thương mại nhiều hơn việc thật sự kết nối với cảm xúc của khách hàng, mà mình nghĩ rằng điều này mới là sự cốt lõi cho việc thực hiện một lễ cưới.
Mình tình cờ được biết một chị wedding planner tự do tại Hà Nội và tìm thấy cảm hứng qua những công việc mà chị ấy làm do đó mình quyết định xin theo làm trợ lý, khoảng thời gian này tuy ngắn nhưng đã giúp mình học hỏi và nhìn thấy rõ hơn một wedding planner thực sự làm việc như thế nào.
Đâu là những khó khăn trong quá trình bắt đầu công việc này?
Xuân: Bạn không thể tự học để bắt đầu công việc này vì nó cần sự tin tưởng từ phía khách hàng. Như con gà và quả trứng, bạn không có profile (hồ sơ việc làm) thì sẽ không có khách hàng, còn không có khách hàng thì cũng không dễ để có profile.
Bạn có thể luyện tập và đúc kết ra một quy trình làm việc chuẩn hoặc tự mình lên một danh sách các địa điểm hay. Nhưng việc tự học và phát triển bản thân chỉ thực sự bắt đầu từ cá tính của mỗi người, từ quán cà phê bạn đi đến những tấm hình bạn thích trên Instagram hay Pinterest.
Một khi đã khẳng định được phong cách tổ chức của mình thì chặng đường tiếp theo là không ngừng theo dõi và cập nhật các ý tưởng mới, địa điểm mới để tư vấn cho cô dâu. Thế nên tụi mình vẫn hay đùa với nhau, destination wedding planner đi làm mà như đi chơi, tháng nào cũng đi du lịch, lại còn vào nhà hàng, khách sạn cao cấp để trải nghiệm và chụp hình. (cười)
Những kỹ năng cần có để bắt đầu công việc destination wedding planner?
Tú: Mình nghĩ trước hết là một vốn tiếng Anh tốt để giao tiếp với khách. Các kỹ năng tổ chức, lập kế hoạch, triển khai thực ra không có gì xa lạ. Ngoài ra, tư vấn tổ chức cưới cũng là một ngành dịch vụ nên khả năng đồng cảm với con người cũng rất quan trọng. Là người đứng giữa đối tác và các cặp đôi, tụi mình cần phải dung hòa được mong muốn của cả hai bên. Điều này đặc biệt khó với các cô dâu tại Châu u, những người rất đúng giờ và chuẩn xác.
Xuân: Theo mình kỹ năng đầu tiên là phải hiểu khách hàng muốn gì và biết cách lắng nghe họ để có thể đưa ra những lời khuyên và sự tư vấn phù hợp nhất. Vì lễ cưới là một sự kiện mang tính riêng tư và cá nhân, mỗi cô dâu chú rể sẽ có những cá tính và câu chuyện khác nhau, vì thế đây là yếu tố quan trọng để có thể bắt đầu một công việc Destination wedding planner. Nhất là khi bạn phải làm việc với những người rất khác nhau về văn hóa và giao tiếp.
Ví dụ, một cô dâu Nhật Bản sẽ có phong cách hoàn toàn khác với một cô dâu Châu Âu nên việc cởi mở và khéo léo lồng ghép các yếu tố Việt Nam vào văn hóa bản xứ cũng phải được cân nhắc và thảo luận trong một thời gian dài.
Ngoài ra, vì là người quản lý các hạng mục của đám cưới nên việc kết nối các nhà cung cấp với nhau phải thật khéo léo để đám cưới được diễn ra suôn sẻ nhất có thể. Mặt hình ảnh là điều rất được chú trọng một lễ cưới do đó có một gu thẩm mỹ tốt cũng là điều cần thiết.
Các bạn thấy cung-cầu của thị trường lao động cho nghề này đang ở mức nào? Và tương lai cho công việc này trong những năm sắp tới?
Xuân: Tại thị trường Việt Nam khái niệm về wedding planner vẫn còn bị nhầm lẫn với dịch vụ trang trí tiệc cưới và những người thực sự làm wedding planner không nhiều mặc dù Việt Nam đang là một điểm đến tiềm năng của những cô dâu chú rể ở nước ngoài vì chi phí hợp lý và nhiều địa điểm thú vị để mang tới một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ cho việc tổ chức lễ cưới.
Cá nhân mình cảm thấy việc đời sống phát triển hơn cũng như thu nhập tăng lên thì nhu cầu có một lễ cưới độc đáo khác biệt truyền thống nhiều hơn sẽ mang đến cơ hội việc làm cho những bạn trẻ muốn dấn thân vào công việc này. Đây thật sự là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng trong tương lai.
Vài điều các bạn thích về công việc destination wedding planner?
Tú:
- Được gặp gỡ nhiều người hơn và được học hỏi những thứ hay ho như chọn vải may suit, nếm rượu vang và dự đoán thời tiết bằng cách theo dõi hướng gió và các đám mây. Điều này đặc biệt thú vị vì tính chuyên môn cao nhưng lại gần gũi với cuộc sống hàng ngày.
- Đã là destination wedding planner chắc chắn không thể thiếu niềm vui du lịch rồi. Các địa điểm thường xuyên đến nhất là Hồ Tràm, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang và Hạ Long. Mỗi lần như vậy tụi mình lại có cơ hội được “đổi gió”, một phần là tìm kiếm các địa điểm mới, một phần học hỏi những ý tưởng mới để tư vấn sau này.
- Gặp gỡ khách hàng và đối tác từ các nền văn hóa khác nhau cũng mang lại rất nhiều điều thú vị trong nghề destination wedding planner. Ví dụ như ông bà, bố mẹ thường đóng vai trò lớn trong các tiệc cưới Châu Á nhưng hoàn toàn ngược lại trong các tiệc cưới Châu Âu. Mình cho rằng được nhìn thấy và tiếp cận những sự khác biệt này, ngay tại Việt Nam, là một đặc quyền của nghề destination wedding planner
Xuân:
- Gặp gỡ khách hàng và đối tác từ các nền văn hóa khác nhau mang lại nhiều trải nghiệm thú vị .
- Địa điểm tổ chức lễ cưới rất đa dạng và phong phú nên mình có cơ hội đi nhiều, được khám phá và tìm hiểu về con người cũng như văn hóa ở những nơi mình tới.
- Vì yếu tố về cái đẹp rất quan trọng trong sự kiện cưới nên tính thẩm mỹ của mình cũng được nâng cao và trau dồi hơn trong quá trình làm việc.
- Đặc thù công việc sẽ được tiếp xúc với nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng phối hợp cho một sự kiện mang rất nhiều tính cảm xúc nên sau mỗi lễ cưới mình có thêm rất nhiều mối quan hệ, cũng như có cả những căp đôi đã trở thành những người bạn với chúng mình.
- Hôn lễ là một sự kiện mang tính cá nhân, mỗi đám cưới là một màu sắc khác, một câu chuyện khác để kể nên đây là một công việc luôn cần sự sáng tạo và đổi mới, không bị lập lại và nhàm chán.
Bài viết này được đóng góp bởi Xuân và Tú.
Xem thêm:
[Bài viết] Top 5 thương hiệu váy cưới Việt nổi tiếng tại Sài Gòn
[Bài viết] Nghề Lạ: Xây dựng thương hiệu phong cách sống cùng Quang Đại