Có được công việc chính thức đầu tiên luôn là bước đầu gian nan đối với sinh viên mới ra trường. Theo khảo sát của StandoutCV, hơn 50% công việc entry-level (những công việc ở ngưỡng mới bắt đầu) đòi hỏi ứng viên phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm. Thậm chí một số còn yêu cầu từ 2.5 năm trở lên.
Những bạn trẻ mới chân ướt chân ráo gia nhập vào thị trường lao động sẽ khó mà đáp ứng được yêu cầu này. Nhưng nếu nhà tuyển dụng không tuyển thì các bạn trẻ lại không có kinh nghiệm. Để tìm cách phá vỡ vòng lặp tưởng chừng không lối thoát này, ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn đi làm sớm hơn, thậm chí trước cả thời điểm trường yêu cầu đi thực tập.
Theo một nghiên cứu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, số lượng sinh viên của trường đi làm thêm chiếm tới 60.1%. Ngoài lý do kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, các bạn trẻ còn muốn tích lũy những kỹ năng cần thiết và tích đủ yêu cầu số năm kinh nghiệm tối thiểu để có thể kiếm việc dễ dàng hơn.
Kinh nghiệm thực chiến ở môi trường công sở dường như là yếu tố quyết định liệu bạn có được việc làm ngay sau khi ra trường hay không. Thế nhưng có thực sự như thế? Làm gì để rút ngắn hành trình đến với công việc tốt khi bạn chưa có kinh nghiệm?
Nhà tuyển dụng thực sự cần gì khi yêu cầu ứng viên trẻ “có kinh nghiệm”?
Việc nhà tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm đối với ứng viên trẻ không hẳn để làm khó các bạn. Vì các kiến thức được dạy ở trường và công việc thực tế có nhiều sự khác biệt, nên nếu một bạn trẻ chưa từng có bất kỳ trải nghiệm nào khác bên ngoài trường học thì khó để mà làm việc cùng ở vị trí chính thức (full-time). Nhất là trong tình hình bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các công ty đang phải thắt chặt ngân sách, cắt giảm số lượng nhân viên.
Ngoài ra, yêu cầu về số năm kinh nghiệm cũng không phải một tiêu chí cứng nhắc, ngay lập tức loại đi những ứng viên không đủ điều kiện. Hồng Ánh (23 tuổi), một sinh viên mới ra trường đã thành công xin được vào vị trí chính thức yêu cầu 2 năm kinh nghiệm chỉ với 6 tháng thực tập tại công ty cũ.
Cô bạn chia sẻ: "Việc yêu cầu kinh nghiệm đôi khi là một bài kiểm tra để phân loại những ứng viên hời hợt với những người thực sự muốn làm việc cho công ty và đủ tự tin vào năng lực của mình. Nếu bạn đủ quyết tâm, bạn sẽ chỉnh sửa CV sao cho khớp, thể hiện thái độ sẵn sàng học hỏi, hay tìm mọi cách để thu hút nhà tuyển dụng thôi".
Đáp ứng đủ số năm kinh nghiệm trên mô tả công việc không đảm bảo 100% bạn sẽ có được công việc đó. Ngược lại, đôi khi thiếu kinh nghiệm cũng không đồng nghĩa với việc cánh cửa cơ hội đã đóng lại.
Sau cùng, điều nhà tuyển dụng thực sự cần chính là việc mình có một ứng viên đáp ứng được yêu cầu công việc, và số năm kinh nghiệm chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để chứng minh điều đó. Vậy, các bạn trẻ có thể trang bị gì thêm cho bản thân để thuyết phục nhà tuyển dụng và đạt được vị trí mình mong muốn?
3 Tư duy để thoát khỏi nghịch lý kinh nghiệm trong tuyển dụng
1. Học “đúng nghĩa” - mọi trải nghiệm đều có thể trở thành kinh nghiệm
Ngay cả khi, bạn cảm thấy ngành học của mình không phù hợp, và càng đến lớp thì bạn càng thấy lạc lối. Hãy nhớ rằng trường học sẽ cho bạn nền tảng, còn lựa chọn học như thế nào vẫn nằm ở phía bạn.
Quá trình học đại học là khoảng thời gian vô cùng thuận lợi để bạn tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng không chỉ qua những tiết học ở trường, mà còn là học từ những khóa học ngắn hạn, học từ người đi trước, học từ những dự án, hoạt động ngoại khoá mà bạn có cơ hội được tham gia.
Những hoạt động này có thể không hoàn toàn trùng khớp với mô tả công việc bạn ứng tuyển sau này. Nhưng nó sẽ cho bạn làm quen với môi trường đi làm và dạy bạn những kỹ năng cần thiết mà bạn không ngờ tới.
Thuỵ Khuê (24 tuổi) là một bạn trẻ đã gác lại đam mê làm phim để theo đuổi ngành môi giới căn hộ. Hai công việc bạn từng làm hoàn toàn khác nhau về tính chất. Nhưng khả năng làm việc nhóm và quản lí thời gian từ trải nghiệm cũ đã giúp bạn nâng cao khả năng giao tiếp và phân bố thời gian phù hợp. Nhờ vậy, khi bước vào công việc mới, Khuê tư vấn hiệu quả và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, dẫu chỉ là một tay ngang vào nghề.
2. Chưa là người nổi bật nhất, hãy trở thành người phù hợp nhất
Nếu kinh nghiệm không phải là lợi thế, bạn có thể chứng minh mình là mảnh ghép phù hợp nhất với công ty. Tyler Bray, thành viên hội đồng cố vấn của Forbes cho biết rằng để làm được điều đó, bạn cần so sánh những văn hoá công ty hướng đến có chung giá trị với thứ bạn đang tìm kiếm hay không.
Gần đây, trên TikTok, Facebook đã có những video từ chính nhân viên đi làm tại công ty hoặc bộ phận truyền thông, tuyển dụng của công ty ấy tạo nên nhằm thu hút ứng viên. Hãy để ý xem cách họ giao tiếp, những câu đùa, những tín hiệu tích cực trong môi trường làm việc. Sau đó, chia sẻ với nhà tuyển dụng bạn đã tìm hiểu về văn hoá công ty như thế nào và vì sao bạn lại phù hợp với điều đó.
Bên canh đó, nếu bạn thấy mình chưa thực sự đáp ứng được vị trí chính thức, thì hãy bắt đầu công việc với một vai trò vừa vặn hơn là thực tập sinh. Thay vì từ bỏ luôn một công ty tốt, đừng ngại thử ở vị trí thấp hơn hay sợ bị chê cười.
Việc cứ đắn đo giữa những lựa chọn có thể khiến bạn mất động lực và càng chìm sâu vào thất vọng. Tin vào lựa chọn của mình, miễn là bạn học hỏi được nhiều điều và thể hiện được năng lực của bản thân, xuất phát có vẻ nhỏ bé đó sẽ mở ra những cơ hội phát triển ở tương lai.
3. Kiên nhẫn và hiểu mình không thể kiểm soát tất cả
Đi qua cảnh thất nghiệp là một trải nghiệm không hề dễ chịu, với áp lực từ đủ phía dồn về. Nghe tin bạn bè đi làm lương 8 chữ số, còn mình công việc vẫn chưa ổn định. Bố mẹ lo lắng, hỏi thăm chẳng biết nên đối diện thế nào. Cộng thêm áp lực tài chính, ra trường rồi phải tự trang trải cuộc sống.
Đối diện với tất cả những chuyện đó thật khó để không cảm thấy nóng ruột, bất an, hoài nghi về chính mình. Nhưng có những yếu tố bên ngoài không thể thúc ép và kiểm soát mà cần chờ tới đúng thời điểm.
Giảng viên Hồ Quốc Tuấn cũng đã chia sẻ về câu chuyện của một người học trò mà thầy luôn đánh giá cao. Tuy anh học sinh có năng lực tốt, hồ sơ nghiên cứu chuẩn bị kỹ càng được thầy cố vấn và viết thư giới thiệu nhưng gửi đi hơn 50 trường đều bị từ chối.
Số lần rớt phỏng vấn nhiều đến nỗi thầy và đồng hướng dẫn phải xem lại hồ sơ có gặp vấn đề gì không. Có rất nhiều lý do như thời điểm, phạm vi nghiên cứu, hay trường đang tìm kiếm những ứng viên mạnh về mảng phát triển hơn là nghiên cứu.
Và vào thời điểm nghi ngờ năng lực bản thân nhất, thay vì giữ sự tuyệt vọng, anh học sinh nghĩ rằng bản thân không còn gì để mất, nên tiếp tục thử và mở rộng phạm vi gửi hồ sơ của mình. Cuối cùng, anh được nhận vào một trường thuộc hệ thống Russell Group, được đánh giá là tốt nhất toàn nước Anh và tốt hơn cả những ngôi trường đã từ chối anh.
Vì thế, nếu vẫn chưa đáp xuống công việc mình mong muốn, bạn cũng không nên quá áp lực. Thay vào đó, hãy tiếp tục học tập, trau dồi bản thân, tìm đến sự giúp đỡ và chớp lấy thời cơ khi nó đến.
Kết
Để có được công việc như mong muốn, quan trọng là chứng minh được năng lực, kinh nghiệm làm việc của bản thân. Nhưng không thể phủ nhận rằng may mắn và yếu tố thời điểm cũng đóng góp một phần trong sự thành công.
Không có một mẫu số chung cho tất cả mọi người trong quá trình bước chân vào một công việc mới. Điều bạn có thể làm là chuẩn bị thật tốt về phía mình, mạnh dạn nộp đơn ứng tuyển và bình tĩnh tìm ra phương án cho chặng đường sự nghiệp phía trước dẫu kết quả có ra sao.
Bamboo Careers mong muốn đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm kiếm công việc ý nghĩa. Ứng dụng tra cứu lương sẽ cung cấp những thông tin về thị trường đồng thời đưa ra những lời khuyên về sự nghiệp, góp ý CV, phỏng vấn thử để bạn tự tin hơn trước những cơ hội trong tương lai.