1. Career cushioning là gì?
Career cushioning (tạm dịch: dự phòng nghề nghiệp) là thuật ngữ chỉ việc đi tìm các phương án thay thế cho sự nghiệp bên cạnh công việc hiện tại. Mục đích của việc này là đề phòng trường hợp bị sa thải, bạn sẽ có luôn một rổ tài nguyên sẵn sàng để đi tìm việc mới.
Các hình thức career cushion phổ biến bao gồm tìm công việc mới, học các kỹ năng mới, làm thêm “nghề tay trái”, thường xuyên đi networking và cập nhật LinkedIn của mình.
Khác với quiet quitting (nghỉ việc trong tư tưởng - chỉ làm việc ở mức vừa đủ rồi về), career cushioning không có nghĩa bạn lơ là các trách nhiệm của công việc chính. Trái lại, vì luôn canh cánh nỗi sợ bị sa thải, bạn vẫn cống hiến hết mình trên cơ quan hàng ngày trong khi chuẩn bị một “kế hoạch B” khác phòng khi trường hợp xấu nhất xảy ra.
2. Nguồn gốc của career cushioning?
Cushioning vốn là tiếng lóng, chỉ việc tán tỉnh nhiều người khác trong khi vẫn đang hẹn hò, để nếu chẳng may chia tay thì sẽ có luôn người khác. Tương tự, khi đưa vào ngữ cảnh hẹn hò, career cushioning mang hàm nghĩa đi tìm các phương án khác dự phòng khi vẫn đang trong “mối quan hệ” với công việc hiện tại.
3. Vì sao career cushioning phổ biến?
Cụm từ này bắt đầu viral trên TikTok, Instagram lẫn LinkedIn từ cuối tháng 12/2023. Chỉ riêng trên TikTok, hashtag #careercushioning đã đạt tới hơn 95,000 view.
Với quan điểm “stay ready so you don’t have to get ready” (tạm dịch: luôn sẵn sàng để bạn không cần phải chuẩn bị), không ít người dùng chia sẻ đây là điều đáng nhẽ họ nên làm trước khi bị layoff. Bởi khi đột ngột mất đi công việc, tinh thần bị ảnh hưởng rất nhiều có thể khiến chúng ta không còn động lực bắt đầu quá trình tìm việc mới.
Đồng quan điểm trên, tác giả Gretchen Rubin của cuốn The Happiness Project chia sẻ, mỗi người nên có những phương án dự phòng nhất định dù công việc hiện tại thế nào. Bởi trong thời kỳ kinh tế suy thoái hiện nay, chúng ta có thể bị lên “bảng vàng” layoff bất cứ lúc nào.
Kể cả nếu không định chuyển việc, thì career cushioning vẫn mang lại cho bạn thêm kỹ năng, thu nhập hay các mối quan hệ - những yếu tố có lợi trên con đường phát triển sự nghiệp lâu dài.
Tuy nhiên theo bà Charnay Horton, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp đến từ Resume Addict, career cushioning cũng có những mặt trái nhất định. Thứ nhất, nếu học thêm nhiều kỹ năng hay làm thêm nhiều dự án bên ngoài, bạn sẽ phải tập trung vào những chuyên môn khác nhau.
Nếu không có chọn lọc kỹ lưỡng, bạn sẽ phải liên tục “đánh nhiều mặt trận” mà không tập trung được vào 1-2 kỹ năng cụ thể nào. Về lâu dài, việc này có thể khiến sự nghiệp bạn phát triển theo chiều ngang thay vì chiều sâu. Bạn biết mỗi thứ một ít, nhưng không cái nào đủ mạnh để phát triển thành chuyên môn.
Thứ hai, việc “đánh nhiều mặt trận” sẽ ngốn kha khá thời gian của bạn. Đôi khi bạn phải tranh thủ làm điều đó trong giờ nghỉ trưa hoặc trà chiều ở văn phòng để “cày” thêm việc. Trong khi đó, đây lại là khoảng thời gian quý giá để bạn vừa sạc lại năng lượng, vừa củng cố mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp.
Những tương tác này có vai trò không nhỏ giúp bạn tiến xa trong sự nghiệp. Vì vậy nếu “kế hoạch B” khiến bạn không còn thời gian và năng lượng cho công việc chính, nó sẽ phản tác dụng thay vì trở thành phương án an toàn.
Do đó để có kế hoạch dự phòng hợp lý, bạn nên nhờ sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, hoặc một người cố vấn (mentor) mà bạn tin tưởng. Họ sẽ giúp bạn chọn ra định hướng sự nghiệp phù hợp, từ đó phát triển những kỹ năng, thực hiện những dự án phù hợp nhất để phát triển lâu dài.
4. Cách dùng career cushioning?
Tiếng Anh
A: Have you seen Tan recently? He’s so busy, I can’t even invite him for a coffee date.
B: He just took up a side hustle. You know, everyone is career cushioning these days to guard themselves from the layoff wave.
Tiếng Việt
A: Cậu có gặp Tân gần đây không? Anh ấy bận đến nỗi mình chưa mời được ảnh đi uống cốc cafe nữa.
B: Gần đây ảnh mới làm thêm “nghề tay trái” đó mà. Bà biết đó, giờ ai cũng phải có “phương án dự phòng” để bảo toàn trước làn sóng sa thải.