Nhà văn Nguyễn Trương Quý: "Cảm hứng không phải vốn làm nghề lâu bền" | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: "Cảm hứng không phải vốn làm nghề lâu bền"

Văn chương không chỉ cần sự mộng mơ, suy tư. Một nhà văn luôn phải rèn luyện tính kỷ luật và sự lao động nghiêm túc.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý: "Cảm hứng không phải vốn làm nghề lâu bền"

Nguồn: Nguyễn Trương Quý

Nguyễn Trương Quý từng làm kiến trúc, viết báo, vẽ tranh trong 20 năm qua. Đồng thời, anh cũng là tác giả của những cuốn sách khảo cứu, tản văn về Hà Nội nổi tiếng.

Với sức viết đều đặn và dồi dào, Trương Quý là một cái tên rất quen thuộc trên văn đàn Việt Nam những năm gần đây. Viết về Hà Nội đa dạng nhưng chưa từng bị ngắt quãng, anh sẽ chia sẻ với độc giả điều gì về nghề viết?

Tư duy cấu trúc là nền tảng của một nhà văn

Khi bắt đầu một cuốn sách, bạn phải có sẵn đường hướng, ý tưởng, bố cục và cấu trúc cho nó. Đấy là ý thức mà Trương Quý cho rằng nên có về việc viết.

“Kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi cũng như khi đọc và viết cho thấy có lẽ cái yếu của người Việt Nam nói chung và người viết nói riêng là tư duy cấu trúc. Bản thân tôi khi muốn bổ sung và cải thiện tư duy cấu trúc, tôi phải học. Đầu tiên học qua tác phẩm đi trước hoặc qua phân tích văn bản. Sau đó là phân tích các tuyến tư duy và quan hệ của nhân vật trong đó. Cuối cùng là cách dẫn dắt và xử lý mạch truyện của tác giả.

Ví dụ ở Hollywood, họ có những công thức viết kịch bản phim: về mẫu nhân vật, mẫu cá tính,... Mỗi mẫu đó sẽ tương tác và áp chế mẫu còn lại như thế nào? Mẫu nào sẽ là kẻ thua cuộc, mẫu nào sẽ luôn là kẻ dẫn dắt cuộc chơi,.." - anh chia sẻ.

Một công thức cứng nhắc tất nhiên khó mà cho ra một sản phẩm hấp dẫn. Nhưng những nhà nghiên cứu, phê bình đã làm việc đấy tức là họ có cái lý để ta lắng nghe.

alt
Nguồn: Trương Quý

Không có thời điểm cảm hứng sáng tác dồi dào

Suốt sự nghiệp cầm bút của mình, nếu cứ đợi cảm hứng đến thì mới bắt đầu viết thì số lượng sách đã ra mắt của nhà văn Trương Quý có lẽ sẽ không thể đang đa dạng được như bây giờ. Mỗi giai đoạn sáng tác trong cuộc đời sẽ có một kinh nghiệm khác nhau.

“Ví dụ lúc bắt đầu viết, con chữ và cảm hứng tự nhiên tuôn ra. Một thời gian sau, khi ý tưởng cạn, tác phẩm cũng sẽ bị chững lại. Đó là vấn đề rất quen thuộc của người viết. Vì thời gian đầu, ai cũng sẽ viết bằng sự tích luỹ và năng lượng vốn có của mình. Nhưng sẽ đến thời điểm anh nhận ra, cảm hứng và những thứ sẵn có không phải là cái vốn làm nghề lâu bền.”

Muốn là một nhà văn chuyên nghiệp, Trương Quý tâm niệm quá trình viết luôn phải học hỏi nhiều. Khi có đủ kiến thức nền tảng thì viết lách sẽ thấy tự tin hơn. Trong văn học phương Tây, các biểu tượng và ẩn dụ luôn dày đặc, vì các tác giả ở đó luôn đọc, nghiên cứu và trải nghiệm rất nhiều.

Cảm hứng sáng tác dễ đưa đến thành quả đầu đời là một tác phẩm gây tiếng vang. Nhưng sẽ rất khó thành công tiếp khi thiếu ý niệm về chiến lược dài hạn. Đối với Trương Quý, anh cho rằng muốn triển khai nhiều hơn những ý tưởng và mạch văn tốt, phải biết thay đổi khả năng tiếp nhận, học hỏi và diễn giải vấn đề.

alt
Nguồn: Hồ Viết Thịnh

Viết văn phải bắt đầu từ khao khát của riêng mình

Người ta vẫn nói về câu chuyện người chọn nghề hay nghề chọn người, nhưng Trương Quý đúc kết rằng viết văn phải bắt đầu bằng khao khát của bản thân. Sau đó mới là sự nỗ lực duy trì nó.

“Khi gắn với danh xưng một nhà văn, sẽ có lúc bạn cảm thấy còn rất nhiều lĩnh vực chưa thể chạm đến và nhiều tiêu chí mình chưa đạt được. Khi mới vào nghề, có thể cứ im lặng in sách, nhưng khi in nhiều hơn, thì phải nghĩ đến chuyện ra sách để làm gì. Nó vừa cho thấy mình không được "dũng cảm" nữa, vừa cho thấy mình đã khó tính hơn nhiều trong sản phẩm.” - anh bộc bạch.

Khao khát được viết qua thời gian sẽ tự mài dũa thành sự cẩn thận. “Ví dụ khi viết xong, hãy thử thực hiện một thao tác là “ctrl + F” trong văn bản. Bạn sẽ tìm ra mình đã sử dụng bao nhiêu hư từ, dấu câu, trùng lặp chữ chỗ nào, hơi văn dài ngắn ở đâu”. Đó là điều Trương Quý luôn làm sau khi hoàn thành các bản thảo của mình.

Một nhà văn phải chau chuốt và có tính toán cụ thể với sản phẩm, con chữ của mình thì lúc đó mới tạm hài lòng.

alt
Nguồn: Trương Quý

Muốn viết bền bỉ phải thoát ly được chính mình

Nhiều bạn trẻ ngày nay đang có cơ hội tiếp nhận kiến thức tốt về khung lý thuyết lẫn môi trường thực hành văn chương. Nhưng nếu muốn mọi thứ thành hình thì nên có nhiều sự lăn xả và thực hành hơn. Người viết hay cầu toàn, nhưng sẽ không có thời cơ chín muồi nếu không bắt đầu.

Trong gần 20 năm sự nghiệp của mình, Trương Quý luôn: “Tưởng tượng trong một cái tủ, bạn chọn được một cái ô, thì viết văn giống như cách lấp đầy ô đấy bằng những mong muốn của mình. Cả quãng đời viết văn anh sẽ làm nhiệm vụ cấu trúc lại cái tủ đó. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và phải vượt qua những khúc quanh chán nản. Muốn làm được, phải thoát ly khỏi thói quen và rào cản trong chính con người mình.”

Nghe thì thật máy móc, nhưng nhà văn không phải là loại người mơ mộng làm việc dựa vào cảm xúc. Đây là một nghề luôn đòi hỏi tính kỷ luật và sự nghiêm túc lao động chăm chỉ, khó tính với chính mình.

“Ví dụ một cuốn sách có khoảng 200.000 từ, mỗi ngày anh viết 1.000 từ. Một năm có hơn 300 ngày thì anh sẽ ra đủ dung lượng cho sản phẩm. Chưa tính trừ hao và thời gian chững lại. Đấy là sự năng suất và bền bỉ với bản thân lâu dài”. Đây cũng chính là cách mà Trương Quý đã bền bỉ sáng tác và làm nghề trong những năm qua.

alt
Nguồn: Kiều Linh

Nhìn tác phẩm của mình bằng sự tỉnh táo của người đọc

Mối quan tâm của người đọc trước và nay là khác nhau. Khi mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đang dần trở thành một kênh xuất bản không chính thống, thì sẽ luôn có những tranh chấp trong thị hiếu đọc. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta không có đất cho những nhà văn.

Khác nhau của việc viết trên mạng và in thành sách là có thể khi viết online, độc giả của bạn đọc sẽ thấy rất hay. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh của quyển sách thì lại dễ đứt gãy.

Như cách Trương Quý nhận ra: "Chẳng hạn thể loại tôi thường viết là tản văn, hầu hết có xuất phát điểm là các trang báo, nghĩa là một thể loại lai mang tính thông tấn. Nhưng khi đưa vào sách, muốn tìm được tinh thần chủ đạo cho cuốn sách thì phải tiếp cận những văn bản này dưới dạng văn học thuần tuý, tách hẳn môi trường báo chí ban đầu".

Nhìn nhận một tác phẩm bằng sự tỉnh táo của người đọc cũng là điều một nhà văn cần rèn luyện.

Nếu không biết viết từ đâu, hãy bắt đầu từ thành phố bạn đang sống

Rất nhiều nhà văn lớn như Orhan Pamuk hay James Joyce,.. đều gắn liền tên mình với một thành phố. Ở Việt Nam, nếu Sài Gòn có Phạm Công Luận, Đà Lạt có Nguyễn Vĩnh Nguyên thì Hà Nội có Trương Quý. Với những thành phố khác, Trương Quý cho rằng cũng cần thêm nhiều những nhà văn nữa cất lên tiếng nói đại diện.

alt
Nguồn: Trương Quý

“Không ai có thẩm quyền về một thành phố hơn chính cư dân của nó. Đó vừa là tâm thế trong việc trải nghiệm trực tiếp, vừa được gần gũi nguồn tư liệu sống. Tất cả sự khảo cứu đều là thứ cấp, không thể sống động bằng người đang ở chính thành phố đấy.”

Các sáng tác khi đi qua những giai đoạn của sự nghiệp nên bớt đi phần phô diễn câu chuyện, có một độ lùi hợp lý và phân bổ mọi thứ khoa học.

Những chi tiết nhỏ là chất liệu nguyên bản của việc viết

Ngôn ngữ là bắt đầu của văn hoá phong tục. Muốn đi đến nhiều nền văn hoá hơn thì phải biết làm mới ngôn ngữ. Bằng cách tìm đến sự lạ lùng khác biệt hoặc tương đồng thú vị.

Một điều làm nên sự thú vị trong những cuốn tản văn và khảo cứu của Trương Quý là việc anh luôn liên tưởng và so sánh những chi tiết nhỏ bé với những thứ mới mẻ. Đấy cũng là cách để làm mới những cảm hứng viết.

alt
Tranh tự hoạ của Nguyễn Truơng Quý

Trương Quý cho rằng: “Cá tính của một nhà văn thể hiện ở sự sáng tạo và nét khác biệt của họ khi nhìn xã hội, đời sống. Có một ý người ta nói mà tôi khá tâm đắc: “Viết làm sao để ngọn cỏ sau nhà cũng thành lạ". Câu chuyện chỉ có như thế, một nhà văn tốt có thể đưa ra những nhân sinh quan và câu chuyện của cả thế giới.”

Xem xét và lắng nghe những thứ xung quanh cũng giúp hiểu được những khao khát, va đập của công chúng và mong muốn của mọi người gửi gắm vào đấy. Tất cả đều là chất liệu nguyên bản cho việc viết lách. Những chi tiết trong cuộc đời, nhìn qua tưởng nhỏ nhặt nhưng luôn rất đắt và tâm đắc. Đấy cũng là những điều làm cuộc sống độ lượng hơn.