Nguyễn Trương Quý: "Con chữ cũng như những viên gạch" | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 04, 2022

Nguyễn Trương Quý: "Con chữ cũng như những viên gạch"

Với nhà văn Nguyễn Trương Quý, việc viết như hành trình xây dựng một công trình kiến trúc từ những viên gạch mang tên con chữ.
Nguyễn Trương Quý: "Con chữ cũng như những viên gạch"

Nguồn: Tín Phùng

Có lẽ trên văn đàn hiện nay, ít tác giả nào viết về Hà Nội nhiều và khỏe được như Nguyễn Trương Quý. “Hà Nội Bảo Thế Là Thường”, “Ăn Phở Rất Khó Thấy Ngon”, “Một Thời Hà Nội Hát”... chỉ là vài trong số rất nhiều quyển sách thể hiện tình yêu dạt dào của anh về thành phố này.

Không chỉ viết sách, Trương Quý còn viết báo, viết tản văn. Không chỉ đam mê những đề tài về bát phở, nếp sống, anh còn để tâm đến những vấn đề như kết cấu hạ tầng của nơi mình sống.

Nguyễn Trương Quý đã từng xuất hiện trên Vietcetera, với tư cách là nhà văn đưa ra những lời khuyên về việc viết. Nhưng trong số Have A Sip mới nhất, anh kể một câu chuyện lớn hơn về chặng đường với văn chương, về tư duy đề tài của mình, và về sự học.

Viết như một kiến trúc sư

Trước khi đi theo con đường văn chương, Nguyễn Trương Quý đã có thời gian dài học về kiến trúc. Thậm chí, một trong những nguyên nhân đẩy anh đến con đường chữ nghĩa cũng là vì nhiều suy ngẫm về những điều nhỏ trong cấu trúc đô thị. Vì lẽ đó, khi viết, Trương Quý sử dụng chữ nghĩa như cách một kiến trúc sư cân đo những viên gạch.

Tùy thuộc vào mỗi một nền tảng khác nhau mà Trương Quý có cách cấu trúc bài viết riêng biệt. Chẳng hạn, nếu viết cho báo, anh sẽ tùy vào số chữ được cho phép mà quy hoạch nội dung mình chuẩn bị đào xới. Anh sẽ nói kỹ, nhưng không quá rộng. “Vì nếu nói hết nhẽ thì lại tranh mất phần tưởng tượng của người đọc mất”, anh cười.

Taacutec phẩm mới của Nguyễn Trương Quacutey Nguồn Vietnamplus
Tác phẩm mới của Nguyễn Trương Quý | Nguồn: Vietnamplus

Còn với tản văn, dù chỉ là một tập hợp những sản phẩm cũ từng đăng tải, anh cũng có cho mình một đề tài lớn nhất định từ trước. Sau đó, các sản phẩm đều ít nhiều hướng đến đề tài ấy, để cuốn sách có một chủ đề chung, không bị lan man.

Viết không thôi là chưa đủ. Khi viết xong, Trương Quý đọc lại trên nhiều nền tảng như laptop, điện thoại, thử nghiệm đọc dưới dạng dọc và ngang. Vì số từ trên 1 dòng ở điện thoại ngắn hơn số từ trên 1 dòng ở laptop, nên khi đọc, Trương Quý dễ so sánh và nhận biết mình đã lê thê ở những điểm nào, và đã sai ở những đâu.

“Có những người viết tài lắm, họ tư duy ngôn ngữ vô cùng rành mạch, chưa bao giờ sai lỗi nào. Nhưng mình thì không được như thế. Đôi khi mình không nhận ra những chữ thừa. Thậm chí, mình vẫn hay… sai chính tả.” - Nguyễn Trương Quý nói về nỗi ám ảnh của mình trong việc viết. Anh chia sẻ, người Việt khi nói thì rất đơn giản, nhưng lúc viết thì cấu trúc rất nhiều. Trạng ngữ, mệnh đề phụ, câu đơn, câu phức… Đôi khi sử dụng hết chúng xong, người viết lại quên mất vế sau nói gì.

Vậy nên để xây dựng ngôi nhà - là những tác phẩm của mình - Nguyễn Trương Quý chọn chăm chút thật kỹ từng viên gạch mang tên con chữ.

Viết như một cách gìn giữ giá trị của nơi mình yêu thương

Đã rất nhiều nhà văn trên thế giới say mê với đề tài viết về văn hóa, hay một thành phố. Chẳng hạn, Orhan Pamuk cho ra đời hẳn một cuốn sách mang tên quê hương mình là “Istabul - Hồi ức và thành phố”. Nhưng nếu điểm nhìn của Pamuk thường là về những gì vĩ đại ở nơi ông sống như bảo tàng, thì Nguyễn Trương Quý thường đặt câu hỏi về những thứ vô cùng nhỏ như bát phở, cái bàn.

Điều này có lẽ một phần đến từ thói quen “cho đầu óc chạy lung tung, lúc nào cũng nghĩ thứ này như thế nào, nó đến từ đâu” của anh. Thậm chí uống một cốc trà, trong đầu anh đã hiện sẵn 5-7 vị của nó, về việc cốc trà này gợi lên cảm giác gì.

Trương Quý cho rằng những công trình kiến trúc đồ sộ, dù thế nào đi nữa, cũng là một thứ có thể tái tạo được. Nhưng những thứ phi vật thể như đồ ăn, phong thái, cách giao tiếp… lại là những thứ nếu không gìn giữ thì rất dễ dàng bị lãng quên hoặc mai một.

Nguồn NXB Trẻ
Nguồn: NXB Trẻ

Nhưng những thắc mắc đến từ thứ có vẻ như là nhỏ, đôi khi lại dẫn đến các đề tài rộng lớn. Chẳng hạn, khi viết khảo cứu về truyền thông văn hóa, anh hiểu rằng các bài ca, dù nhìn có vẻ đơn giản, nhưng lại có khả năng nhào nặn xã hội một cách khủng khiếp. Có những ca khúc có thể giúp người ta cầm súng ra trận.

Anh chú tâm vào việc tìm hiểu xem sự tạo dựng giá trị xuất phát từ hệ thống văn hóa nào, và việc này có ích gì cho các giá trị ấy. Để làm được điều đó, anh đặt cho mình những câu hỏi nhỏ trước, về cuộc sống mỗi ngày của mình, và học cách đi tìm nguồn gốc cũng như ý nghĩa của chúng.

Và viết, như một người học trò giữa lòng thế giới

Cách đây rất nhiều năm, sau khi hoàn thành 1-2 cuốn sách, Nguyễn Trương Quý lâm vào tình trạng chẳng biết viết gì nữa. “Hà Nội thì có gì nữa để mà viết nhỉ, mình đã tự hỏi như thế”, anh nói. Thế là anh phải giải thoát chính mình khỏi bế tắc bằng việc đọc thêm sách và nghiên cứu thêm về các lĩnh vực khác. Càng đọc, anh càng thấy choáng ngợp với kiến thức của thế giới.

“Càng đọc, mình càng tự hỏi rằng sao người ta có khả năng tạo ra nhiều thứ mới như thế, mà mình ở đây lại nghĩ là mình đã xong rồi. Chẳng có gì là xong cả.” - Trương Quý khẳng định.

Nguồn Tiacuten Phugraveng cho Vietcetera
Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Mỗi một quyển sách ra đời, với Trương Quý, là một hành trình khác biệt. Anh luôn chú tâm trong việc tạo ra sự mới lạ trong mỗi cuốn sách. Mỗi lần viết, anh lại thấy có nhiều thứ mình không biết. Mọi thứ đều bát ngát, bao la. Nhiều người bạn của anh có nền tảng rất phong phú và kiến thức sâu. Khi đi ra ngoài, anh lại thấy người nước ngoài có khả năng tiếp cận cái mới mà vẫn giải thích nó rất rành mạch.

Lắm lúc anh cảm thấy hoảng hốt vì bản thân đến tuổi này vẫn chật vật để thu nhặt kiến thức, để phải ép mình nhớ những thứ mình chưa có cơ hội nhớ thời còn trẻ. Nhưng những lúc ấy, anh cũng tự an ủi rằng chính những thứ mình chưa biết là cái hay của cuộc sống.

Nguyễn Trương Quý luôn thấy con người có khả năng co dãn, một cách vô hạn, về mặt chứa đựng kiến thức. Vậy nên anh luôn sống với tâm thế đi tìm cho mình thứ mới để học hỏi và lớn lên.