Anh làm về kiến trúc hệ thống (system architecture) ở Việt Nam được 10 năm, kinh qua môi trường từ doanh nghiệp, ngân hàng, đến công ty khởi nghiệp đều đủ cả. Đến giữa năm 2019, anh quyết định sang Đức tiếp tục xây dựng sự nghiệp.
Lúc mới qua, anh sốc văn hoá làm việc dữ lắm. Bên mình có việc gì cần là cứ “ê mày, ê mày”, sang bên đây anh cũng quen vậy. Tới lúc đánh giá công việc, họ mới bảo:
- Lộc, tao thấy kì lắm luôn, lúc nào mày cũng 'ping' tao như vậy làm tao cảm thấy không được tôn trọng.
Nghe xong anh tá hoả, “Ấy, mày nói vậy tao mới biết. Cảm ơn mày đã nói để tao sửa”. Anh nhận ra việc nhắn tin bất kể thời gian không hẳn là văn hoá, nhưng có thể được xem là một thói quen phổ biến với lối sống trọng sự gần gũi của người Việt.
Ở đây, mọi người rất tôn trọng thời gian của nhau. Mỗi người đều có kế hoạch riêng trong ngày, nên mình muốn hỏi, muốn nhờ cái gì cũng phải hẹn trước. Làm như thế cũng giúp tránh làm gián đoạn mạch suy nghĩ của người ta.
Sau 4 giờ chiều, mọi người không làm phiền nhau luôn. Giờ đó họ xem lại công việc trong ngày, sắp xếp lại mọi thứ cho ngày mai rồi đi phơi nắng. (Bên này họ thèm nắng dữ lắm.)
Rồi môi trường công việc cũng đề cao ý kiến cá nhân. Trong các buổi họp đánh giá (retrospective meeting), họ dùng rất nhiều kỹ thuật để “khui” được hết vấn đề của mọi người. Việc em không có ý kiến đóng góp gì cũng là một mối lo.
Ý kiến thì không theo số đông, mà phải được đồng thuận. Nghĩa là đa số phải thuyết phục được thiểu số, hoặc ngược lại, thì mới được thông qua.
Nghe đậm màu chủ nghĩa cá nhân phải không? Thế nhưng lãnh đạo vẫn thường để ý đến đời sống tinh thần của nhân viên. Anh hay nhận được những câu hỏi như: Mày sống có hạnh phúc không? Cần hỗ trợ gì không? Con nhỏ nghỉ ở nhà mày làm việc có ổn không đó? Không thì để tao sắp xếp lại công việc cho.
Có lẽ đó là những điểm đã phần nào giúp người Đức có năng suất làm việc thuộc nhóm cao nhất thế giới. Chính những cú sốc đã giúp anh nhận ra những điểm mình cần phải dung hòa và học hỏi nhiều.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng không có gì là hoàn hảo. Bên đây giá nhân công rất cao nên anh vừa làm công việc chính là kỹ sư, vừa kiêm thêm nghề phụ là thợ điện, thợ sửa ống nước, rửa xe, đầu bếp và thợ cắt tóc.
Cái đầu “úp tô” này nè, anh tự cắt từ năm 2019 riết tới giờ nên lên trình dữ luôn.
(Bài viết được đăng lần đầu tiên tại Techie Stories.)