Những thủ thuật cần biết để có một cuộc tranh luận văn minh | Vietcetera
Billboard banner

Những thủ thuật cần biết để có một cuộc tranh luận văn minh

Khi những hành động nhỏ lại mang đến sự tự tin khổng lồ.

Những thủ thuật cần biết để có một cuộc tranh luận văn minh

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Tranh luận là một nghệ thuật đòi hỏi “nghệ nhân” phải có sự khéo léo trong cách giao tiếp. Đặc biệt, trong thời đại số, chúng ta đều cần trang bị kỹ năng tranh luận và tư duy phản biện để đương đầu hiện tượng nhiễu loạn thông tin. 

Để có thể tranh luận một cách bình tĩnh và rành mạch, những thành viên trong cuộc tranh luận luôn phải lưu ý đến những lỗi vô thức khi trình bày quan điểm. Trong số đó, có thể kể đến như kỹ năng kiểm soát cảm xúc và tránh công kích cá nhân. Vậy làm thế nào để có được một tâm thế phù hợp khi bước vào một cuộc tranh luận?

Những người thắng cuộc trong cuộc thi AIA The Debaters, được tổ chức bởi AIA Việt Nam, có câu trả lời cho vấn đề trên! Sau nhiều vòng đấu, AIA Việt Nam đã chọn ra 4 Quán Quân Tranh Luận từ hàng trăm nhân viên AIA trên toàn quốc. AIA Việt Nam cũng là doanh nghiệp tiên phong tổ chức cuộc thi để rèn luyện và tạo cơ hội cho nhân viên được trau dồi kỹ năng tranh luận theo nhóm và cá nhân. 

Và sau đây là lời chia sẻ từ Nguyễn Phạm Hoàng Thúy, Nguyễn Ánh Dương, Trần Mai Ngọc Châu, Nguyễn Ngọc Tú, những Quán Quân Tranh Luận của AIA The Debaters.

Các nhà vô địch AIA The Debaters
Những quán quân cuộc thi AIA The Debaters (từ trái sang phải): Hoàng Thúy, Ánh Dương, Ngọc Châu, Ngọc Tú. | Nguồn: AIA Việt Nam.

1. Năng khiếu bẩm sinh nào cũng cần được mài dũa

Cả bốn nhà vô địch đều đồng ý rằng năng khiếu ngôn ngữ là một lợi thế khi bắt đầu học cách tranh luận. Tuy nhiên, việc lắng nghe chủ động mới là yếu tố để tối ưu hóa kỹ năng tranh luận của một người. 

Ngọc Châu, với kinh nghiệm ở mảng kinh doanh, đã chia sẻ rằng chúng ta không thể truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả nếu không lắng nghe đối phương. Trong công việc lẫn cuộc thi, công đoạn tìm hiểu về đối tượng cùng tranh luận là bước không thể thiếu. Chỉ có “mang đôi giày của họ”, chúng ta mới có thể nói được quan điểm của mình với “ngôn ngữ” của họ. 

Việc tìm hiểu đối phương sẽ cho chúng ta một chân dung sơ bộ về họ: lập trường, khả năng, điểm mạnh - yếu,... Từ đó, chúng ta có thể hình dung ra những khía cạnh họ quan tâm trong chủ đề, cũng như những câu hỏi mà họ sẽ chất vấn. 

Kỹ năng tranh luận
Nguồn: AIA Việt Nam.

Không chỉ giúp chúng ta đối đáp lưu loát trong phần hỏi đáp, thói quen này giúp chúng ta củng cố được lập luận của bản thân và tăng thêm sự tự tin trong lúc tranh luận.

2. Công kích cá nhân - Vô thức nhưng không vô hại

Ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem) là một trong những lỗi tranh luận thường gặp nhất. Thay vì bàn luận vào chủ đề, người tranh luận lại công kích đối tượng tranh luận bằng ngôn từ để làm giảm uy tín của họ. Đây có thể là một hành vi vô thức nhưng không hề vô hại; nó có thể khiến cuộc tranh luận đi chệch khỏi mục tiêu bàn luận về chủ đề. 

Khi đối diện với công kích cá nhân, cảm xúc chúng ta thường dâng trào, khó tránh khỏi việc nghi ngờ quan điểm bản thân. Các thành viên trong đội AIA Việt Nam đã mách một phương pháp để “hóa giải” hành vi này: điều hướng suy nghĩ của bản thân. Hãy tự hỏi vì sao đối phương lại có hành vi công kích cá nhân.

Ngọc Tú chia sẻ nguyên nhân khiến đối phương hành động như vậy. Khi đối phương không chấp nhận được quan điểm của chúng ta, họ có xu hướng sử dụng công kích cá nhân làm "vũ khí". 

Trong một cuộc thi tranh luận, chúng ta không nên nghi ngờ bản thân khi đứng trước tình huống công kích cá nhân. Tú chia sẻ, khi đối thủ có hành vi này, có nghĩa là họ đang mất tự tin vào luận điểm và chuyển sang hướng công kích, chúng ta càng có niềm tin lớn hơn vào quan điểm của mình.

Kỹ năng tranh luận
Nguồn: AIA Việt Nam.

Trên thực tế, mọi thứ không nhất thiết phải diễn ra trong vài phút như ở trong cuộc thi. Ngọc Châu có một cách khác để hai bên cùng tìm ra cách giải quyết. Châu chia sẻ từ công việc mình, cách tốt nhất là hẹn thảo luận ở một hôm khác, sau khi hai bên “hạ nhiệt” để có thể nhìn nhận vấn đề thông suốt hơn. Một khởi đầu mới sẽ mang lại những hiệu quả không ngờ.

3. Tìm thấy sự tự tin từ đồng đội

Khi được hỏi họ thích tranh luận theo nhóm hay theo cá nhân hơn, các thành viên đều chỉ ra rằng tranh luận theo nhóm có nhiều ưu điểm hơn “chơi hệ solo”. 

Ưu điểm rõ ràng nhất là bổ trợ cho luận điểm của nhau. Việc phác thảo luận điểm theo nhóm luôn hiệu quả và chắc chắn hơn so với khi làm theo cá nhân. Những đóng góp và phản biện giữa các thành viên sẽ giúp cho các luận điểm mạch lạc và có thể chống chọi với các câu hỏi từ phía đối phương. 

Ưu điểm thứ hai là về mặt tinh thần và cảm xúc. Hoàng Thúy chia sẻ việc tranh luận theo nhóm sẽ giúp chúng ta tự tin hơn, vì mình biết rằng họ sẽ luôn “đỡ” cho mình. Trong lúc trình bày quan điểm, các thành viên có thể bổ sung luận điểm của nhau khi nhận thấy có sự thiếu sót. Bên cạnh đó, cả đội sẽ cùng nhau đưa ra những câu hỏi mà đối phương có khả năng hỏi và giúp đỡ nhau chuẩn bị câu trả lời.

Kỹ năng tranh luận
Nguồn: AIA Việt Nam.

Theo Thúy, yếu tố làm nên một team “trong mơ” là đặt niềm tin vào nhau, và vào bản thân mình. Không chỉ tìm hiểu về đối phương, những thành viên “cùng thuyền” cũng cần hiểu rõ về nhau. Có thế, mọi người mới có thể bổ trợ lẫn nhau, kể cả trong những tình huống phải thay đổi nội dung vào phút chót. 

Ngọc Tú cũng chia sẻ về một lần Tú phải thay đổi toàn bộ phần nói của mình. Nếu không nhờ sự hỗ trợ và góp ý từ team, sự thay đổi này đã không diễn ra suôn sẻ, và có thể cả đội cũng không đến được chung kết.

4. Thế nào là một bài tranh luận nhóm thành công?

Với vai trò là “người dẫn dắt” ý tưởng chủ đạo của bài tranh luận, Ánh Dương cho rằng có hai yếu tố cần chú ý để làm nên thành công của một bài tranh luận nhóm.

Đầu tiên, mỗi luận điểm trong bài đều phải có luận cứ. Thông thường, đối phương sẽ bắt bẻ luận điểm của đội mình nếu họ thấy luận cứ đi kèm không đa dạng hoặc sơ sài. Vì thế, mỗi luận điểm cần được “chống lưng” bởi nhiều luận cứ có nguồn, trích dẫn chính xác. Khi mỗi luận điểm đều đã vững, việc kết nối chúng lại sẽ trở nên dễ dàng và tự nhiên hơn. Quan trọng là phải vẽ ra được một bức tranh toàn cảnh.

Thứ hai, phần phát biểu của mỗi thành viên cần có sự liên kết chặt chẽ. Một “sợi dây” xâu chuỗi những luận điểm là chưa đủ, bài tranh luận tốt cần làm rõ ngữ cảnh ngay từ đầu. 

Kỹ năng tranh luận
Nguồn: AIA Việt Nam.

Với khả năng xây dựng cấu trúc bài tranh biện chặt chẽ, vai trò người mở màn của Ánh Dương thực hiện xuất sắc khi đã đưa ra được những luận điểm làm nền móng vững chắc. Vai trò này không thể hiện nhiều quan điểm cá nhân, nhưng lại tối quan trọng trong một bài tranh luận.

5. Từ sàn đấu đến thực tế

Dù không thể tổ chức trên một sàn đấu thực, những thí sinh đều có cách ổn định tâm lý và tinh thần kể cả trước khi lên “võ đài” hay trước khi gặp gỡ đối tác. 

Ngọc Tú sẽ chủ động ôn lại bài cùng đồng đội để củng cố sự tự tin. Còn Châu sẽ chọn ăn vài viên chocolate, trong khi Dương sẽ làm chút cà phê để khởi động trí óc mình. Thúy sẽ chọn cho mình bộ quần áo tự tin nhất (dù chỉ ghi hình nửa người trên). Dương và Thúy đều đồng tình việc tắm nước nóng trước khi thi đấu giúp cho não bộ được thông suốt hơn. 

Những hành động này tuy nhỏ, nhưng là bước quan trọng để bản thân có tâm thế tốt khi tranh luận và đối đáp với đối phương. 

Sân khấu chung kết AIA The Debaters.
Sân khấu ảo vòng chung kết cuộc thi AIA The Debaters. | Nguồn: AIA Việt Nam.

AIA Việt Nam luôn tìm kiếm những phương pháp để tối ưu trải nghiệm giao dịch bảo hiểm cho không chỉ khách hàng, mà còn đội ngũ nhân viên. Đặc biệt, với sự chuyển đổi kỹ thuật số, AIA Việt Nam đã tổ chức toàn bộ cuộc thi dựa trên việc kết hợp nhiều nền tảng công nghệ, từ việc lập kế hoạch, dàn dựng, trình chiếu và tương tác với toàn bộ khán giả là nhân viên AIA trên toàn quốc.

Sau cuộc thi, mỗi thí sinh đều rút ra cho mình bài học để áp dụng vào việc giao tiếp. Chính khả năng lắng nghe, sự kiên nhẫn với đối phương đã làm nên phong thái chuyên nghiệp của những nhân viên tại AIA Việt Nam. 

Dù công nghệ có thay đổi cách làm việc và quy trình, những lối ứng xử khéo léo trong cách tranh luận vẫn là yếu tố giúp cho AIA Việt Nam tiếp tục phát huy xứng đáng với vị trí đầu ngành bảo hiểm nhân thọ.