Năm 1957, ở lớp tập huấn công nhân nhà máy Dệt Nam Định, Bác Hồ có đôi lời động viên dành cho cán bộ nữ:
“Chế độ thực dân phong kiến coi khinh phụ nữ. Từ ngày ta tiếp quản, phụ nữ đã được cất nhắc… có cất nhắc cán bộ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên…” (trích Phụ Nữ Việt Nam, số 19 (1200), ra ngày 7/5/1990)
Khi một miền của đất nước mới bước ra khỏi chế độ phong kiến được 12 năm, thì nỗ lực tiến cử người phụ nữ vào các phần việc quan trọng của xã hội như trên là một bước tiến rất xa. Tại các mục thông tin chính luận, xa nhất là cách đây gần 70 năm, gần nhất là những năm cuối thế kỷ 20, đời sống phụ nữ không còn chỉ gắn liền với chuyện “nữ công gia chánh” hay “tam tòng tứ đức.”
Nếu như tinh thần của tháng Nữ Công là tìm hiểu về đời sống công việc của một nửa thế giới ngày hôm nay, thì hãy nhìn kỹ vào một quá khứ tưởng như bảo thủ hơn lại cần thiết. Vì ta thấy được nhiều góc cạnh của công cuộc nam nữ bình đẳng hoá ra đã lâu đời hơn ta tưởng.
Từ “nữ công gia chánh” đến “nữ công nhân”
Trong những tháng ngày đầu tiên của thời hậu phong kiến, tư tưởng xã hội còn phải vượt qua nhiều chướng ngại vật để thoát khỏi tư tưởng trọng nam khinh nữ. Song, 1 năm sau cuộc chiến chống Pháp, người phụ nữ đã hoạt động, đóng góp cho đất nước ở tất cả mọi nơi.
Hoạt động chính trị
Công tác tuyên truyền, cổ vũ phụ nữ tăng gia sản xuất, đóng góp cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà diễn ra sôi nổi từ giữa năm 1955. “Mặt trận Liên hiệp Phụ nữ” ám chỉ mọi lực lượng phụ nữ tham gia đấu tranh, mà Hội nghị Cán bộ Phụ vận miền Bắc đã tập hợp được.
Bên cạnh đó, tại các địa phương diễn ra cải cách ruộng đất, như hai huyện Quảng Oai và Bất Bạt (Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội), nhiều phụ nữ đã được đề đạt để tham gia vào bộ máy chính quyền mới. Trong đó: 135 chị em mới được kết nạp vào Đảng, 36 chị em được bầu chi uỷ viên, 10 chị em là bí thư chi bộ; 103 là chấp hành nông hội, 11 bí thư nông hội; 39 được vào chính quyền, 8 chủ tịch và phó chủ tịch; v.v.
Không chỉ làm chính trị, ở Hà Nội, theo yêu cầu của Thành hội Liên hiệp Phụ nữ, đội nhân viên y tế cùng cán bộ nữ đã về các địa phương để khám chữa bệnh hoa liễu cho phụ nữ. Theo thông tin, họ chủ yếu mắc bệnh do bị giặc hãm hiếp.
Tại các trường nữ sinh như Trưng Vương, các em học sinh nữ đã xác định được nhiệm vụ học tập, đấu tranh của mình. Điểm số của các nữ sinh tăng, số lượng tiết mục văn nghệ cũng nhiều hơn trước. Ngoài ra, các em còn quyên góp thực phẩm và hiện vật cho các gia đình nghèo đi Nam trong thời gian này.
Đó là chưa kể sự hiện diện của các nữ anh hùng, tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống Mỹ:
Tăng gia sản xuất
Trước đây, tư tưởng chung của xã hội quy định sản xuất là công việc của đàn ông. Xã hội mới mà chúng ta đang tìm hiểu đã giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nữ công nhân trở thành lực lượng sản xuất lương thực, hàng hoá quan trọng của xã hội.
Nếu bạn không tin, có thể nhìn vào bức tranh tuyên truyền vui sau đây, được vẽ vào năm 1975. Trong tranh, phụ nữ đã xuất hiện với những biểu đồ năng suất. Thậm chí mức độ hiệu quả do nữ đạt được còn cao hơn các nam công nhân. Bên cạnh làm việc tại xí nghiệp, nữ công vẫn gánh vác cả công việc gia đình, vì hình mẫu phụ nữ của thời kỳ là “giỏi việc nước, đảm việc nhà.”
Bên cạnh nhà máy, phụ nữ cũng làm nông và chăn nuôi để đóng góp cho đất nước. Sau này, họ giữ vị trí quan trọng nhất trong nền kinh tế bao cấp - mậu dịch viên.
Tác phong công nghiệp
Mục “Hòm thư bạn gái” - dành tặng các bạn nữ thanh niên - trên Phụ Nữ Việt Nam, số 21 (841), ra tuần 25-31/05/1983, đã căn dặn phụ nữ có một “tác phong công nghiệp” trong nơi làm việc. Không như trước đây, những loại tính cách như ghen tuông, đố kỵ, v.v. được xem như thiên tính không thể xoá bỏ của phụ nữ, trong thời điểm bài viết ra đời, tính cách được “chữa” bằng các guồng máy kỷ luật.
Sự xử lý thiên về lý tính, chứ không phải tình cảm, của người tâm sự trong hòm thư bạn gái, được ca ngợi thành điển hình cho lối làm việc thời đại mới. Điều này trước đây chỉ được mô tả đối với cán bộ, viên chức là đàn ông.
Thu nhập cao
Năm 1995, lần đầu tiên phụ nữ được mô tả với thu nhập thay vì bổn phận gia đình. Thậm chí, bạn đọc có nhu cầu giải đáp pháp luật về thuế còn là người có thu nhập cao, xuất phát từ công việc kinh doanh, là cán bộ của mảng hợp tác nước ngoài.
Đây là trường hợp đặc biệt, nhưng cũng hợp lý trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập nền kinh tế thị trường quốc tế. Khi ấy, người phụ nữ được mô tả ít dần đi với sự phụ thuộc vào chồng, và nhiều lên với tính cá nhân và tự chủ tài chính.
Kết
Sự thay đổi cách mô tả người phụ nữ trong công việc nói trên, dĩ nhiên không phải những bước ngoặt mang tính “nữ quyền.” Trách nhiệm gia đình có thể giảm theo tháng năm, nhưng áp lực tích luỹ thu nhập và tăng trưởng kinh tế tịnh tiến theo dòng thời gian sẽ là áp lực rất mới mà nữ giới phải đối mặt. Đặc biệt là khi các không gian làm việc mới vẫn chỉ là ẩn dụ của mô hình gia đình kiểu cũ, nhưng với quy mô khác.
Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách công bằng rằng không phải lúc nào quá khứ cũng bảo thủ, đen tối và định kiến như ta tưởng tượng. Những trình hiện như vậy về ngày hôm qua chỉ cho thấy ta muốn hiện tại của mình ít vấn đề hơn. Với tôi, khi ta đã thẳng thắn nhìn vào những câu chuyện bé của lịch sử và hiểu đâu là vấn đề ta đã giải quyết được, và đâu là vấn đề mới, ta can đảm xây dựng tương lai nơi “nữ công” và “nam công” đều sống ổn.