Theo khảo sát y tế toàn cầu, ước tính có đến hơn ba triệu người tàn tật ở Việt Nam, chủ yếu là do các nguyên nhân như chiến tranh và tai nạn giao thông. Trong số đó, có rất nhiều người không đủ khả năng chi trả cho các bộ phận tay chân giả đắt đỏ. Thế nhưng tại Mỹ, mỗi năm lại có đến hàng chục ngàn thiết bị bộ phận giả bị thay thế và không được phép bán lại do có liên quan đến các quy định pháp lý.
Chứng kiến nghịch cảnh đó, Trang Dương cùng hai người bạn của cô bắt đầu xây dựng Penta Prosthetics ngay từ khi cả ba còn đang theo học tại Đại học Brown. Được biết, Penta Prosthetics là một doanh nghiệp xã hội chuyên cung cấp các thiết bị bộ phận giả nhập khẩu từ Mỹ với chất lượng cao, giá thành phải chăng dành cho người khuyết tật Việt Nam. Với ý tưởng đầy tính nhân văn của mình, bộ ba người sáng lập Penta Prosthetics – Trang Dương, Victor Wang và Henry Iseman – được Forbes bình chọn vào danh sách 30 Under 30 ngành chăm sóc sức khỏe năm 2019.
Vietcetera đã có dịp trò chuyện với Trang và người đồng sáng lập Victor Wang về mục đích xã hội và tầm nhìn của Penta Prosthetics. Tham gia với chúng tôi còn có Henry Iseman, hiện đang sinh sống và làm việc tại New York – trụ sở của Penta tại Mỹ.
Ý tưởng về Penta Prosthetics đã ra đời như thế nào?
Trang: Lớn lên tại Việt Nam, tôi đã tận mắt chứng kiến sự khó khăn của người khuyết tận trong việc tiếp cận với các bộ phận tay chân giả. Vì thế, mùa hè năm thứ hai đại học, tôi và bạn đồng sáng lập có dịp khảo sát với bác sĩ và người khuyết tật tại các bệnh viện Việt Nam. Và thực trạng là, có hàng triệu người trong nước không có khả năng chi trả cho những bộ phận tay chân giả với giá trung bình từ 2.000-15.000 Đô la Mỹ.
Cùng lúc đó, ở Mỹ lại có một lượng lớn các thiết bị y tế đã qua sử dụng và bị thay thế dù vẫn còn giá trị và có thể trùng tu được. Và thế là Penta Prosthetics ra đời với sứ mệnh làm cầu nối và tạo ra những thay đổi tích cực cho cả hai quốc gia.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, các bạn đã phải đối mặt với những khó khăn gì?
Henry: Nhằm tăng số lượng sản phẩm, chúng tôi đang cố gắng mở rộng hợp tác với các chuỗi phòng khám và bệnh viện. Khó khăn nằm ở việc truyền tải thông điệp này đến mọi người và kêu gọi các tổ chức hành động.
Victor: Điểm trọng yếu của toàn bộ dự án là tìm được đối tác đáng tin cậy. Phía Việt Nam, chúng tôi đã tìm được nhiều tổ chức với hạ tầng và khả năng phù hợp—không chỉ cho việc phân phối, lắp ráp các thiết bị đã qua trùng tu, mà còn cho việc giúp người khuyết tật phục hồi chức năng di chuyển.
Thông qua phản hồi của đối tác, chúng tôi cũng thu thập dữ liệu về độ bền và chất lượng của thiết bị để cải thiện và giữ vững tiêu chuẩn chất lượng cao.
Nói thêm về chương trình tình nguyện Penta Prosthetics, mục đích chính của hoạt động này là gì?
Victor: Qua chương trình tình nguyện Penta, chúng tôi muốn giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp xã hội đến các bạn học sinh ở Việt Nam. Tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội thông qua mô hình khởi nghiệp là một ý tưởng giàu tiềm năng. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn chia sẻ những kinh nghiệm mà mình có.
Qua chương trình năm ngày, các bạn học sinh, sinh viên có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống cũng như những khó khăn của người cụt chân tay. Người tham gia cũng có cơ hội biết thêm về ngành công nghiệp bộ phận giả qua các buổi giao lưu với các bác sĩ trị liệu tại Việt Nam và những nhà sáng tạo từ Mỹ. Qua giáo dục và đàm thoại, chúng tôi hy vọng sẽ giảm thiểu kỳ thị từ xã hội đối với người tàn tật.
Các bạn có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ của Penta Prosthetics được không?
Trang: Chúng tôi có vô vàn kỷ niệm đáng nhớ trong suốt quá trình tiếp xúc với cộng đồng người khuyết tật. Một trong những người đầu tiên tôi gặp là Thanh. Khi đó, Thanh mới 19 tuổi và vừa mất một chân sau tai nạn xe máy. Di chuyển hạn chế lại không có chân giả, Thanh không thể quay lại trường học. Penta Prosthetics cung cấp cho bạn một chân giả để có thể tiếp tục đi học và tốt nghiệp. Chúng tôi trở thành bạn tốt và tôi vẫn theo dõi anh trên Facebook hằng ngày. Hiện Thanh đã mở một quán cà phê riêng ở Bình Dương.
Những kế hoạch sắp tới của Penta Prosthetics.
Trang: Chúng tôi đang kết hợp với Alex Yang tại Đại học Y khoa Harvard và MIT Media Lab để xây dựng mô hình chân tay giả có thể sản xuất ngay tại Việt Nam với giá thành thấp hơn. Mục đích cuối cùng vẫn là cung cấp bộ phận giả chất lượng cao, ở mức giá phải chăng.
Henry: Chúng tôi đang tăng cường hoạt động ở cả Mỹ và Việt Nam, hy vọng có thể lấy mô hình thành công của Penta Việt Nam làm điển hình để nhân rộng ra toàn thế giới.
Chúng tôi nên trò chuyện với ai tiếp theo?
Cô Lynn Foden, CEO của Thrive Networks. Cô ấy đang thực hiện những dự án phát triển giàu ý nghĩa tại Việt Nam và quốc tế.
Xem thêm:
[Bài viết] Zó Project: Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt
[Bài viết] Tipsy Art và trải nghiệm vẽ tranh cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam