PrinCube - Học được gì từ chiếc máy in "tay cầm" nhỏ nhất thế giới | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 03, 2020

PrinCube - Học được gì từ chiếc máy in "tay cầm" nhỏ nhất thế giới

Princube trên Indiegogo đang nhận được sự ủng hộ đông đảo của cộng đồng fundraising với hơn 3 triệu đô gây quỹ sáu 1 tháng. Đâu là lý do cho thành công này?

PrinCube - Học được gì từ chiếc máy in "tay cầm" nhỏ nhất thế giới

Sản phẩm: PrinCube (máy in cầm tay)

Nhà phát triển: TheGodThings

Nơi gọi vốn: Indiegogo

Vốn kêu gọi hiện tại: ~4.5 triệu USD (hơn 30,000% số vốn kêu gọi ban đầu)

Kỷ lục: đạt hơn 3 triệu USD chỉ sau 1 tháng gọi vốn (11/2019)

Kênh bán hàng hiện tại: Indiegoogo, Shopify

Thời gian giao hàng dự tính: 3/2020


PrinCube – Có gì hay?

PrinCube là một chiếc máy in gọn nhẹ, vừa lòng bàn tay, cho phép bạn tạo ra những bức in ở bất cứ đâu. Với PrinCube, bạn có thể kết nối với smartphone của mình qua Wifi để truyền logo, slogan hay các bức ảnh và in trực tiếp lên bất kỳ bề mặt nào chỉ bằng một nút bấm.

PrinCube – Vì sao hot?

Nắm bắt chắc chắn nhu cầu còn “bỏ ngõ” về in ấn:

  • Giảm thời gian và chi phí thử nghiệm in ấn phục vụ công tác thiết kế, quảng cáo…
  • Tiện lợi, dễ sử dụng, có thể in ấn ở bất kỳ đâu trong thời gian ngắn
  • Mở rộng tiềm năng sáng tạo, tăng tính linh hoạt trong sản xuất và giảm đáng kể thời gian xuất xưởng của những vật dụng, phụ kiện độc đáo, số lượng nhỏ

Dành cho thị trường ngách:

  • Freelancer
  • Nhà thiết kế chuyên và không chuyên
  • Start-up

Tuy đây là thị trường nhỏ nhưng tiềm năng rất lớn. Riêng tại Mỹ số lượng freelancer hiện đã chiếm 35% lực lượng lao động (tương đương 57 triệu người), tập trung ở các ngành liên quan đến Thiết kế, Nghệ thuật, Giải trí.

PrinCube Học được gì từ chiếc máy in tay cầm nhỏ nhất thế giới0
Các ngành nghề về Thiết kế, Nghệ Thuật hay Giải trí có nhiều nhất số lượng freelancer, thậm chí chiếm tới 75% số lượng người lao động. Nguồn hình:
Upwork

Ngoài ra, theo thống kê của StartupsUSA, số lượng các startup những năm gần đây tăng lên đáng kể, kéo theo đó là nhu cầu lớn về in ấn phục vụ cho công tác branding, quảng cáo,…

Cùng với sự nhỏ gọn và tiện lợi, PrinCube đã giúp các đối tượng giải quyết bài toán chi phí cho việc in ấn và đem lại tính linh hoạt trong việc sáng tạo.

PrinCube – Mô hình kinh doanh?

Nhóm đã lựa chọn bước khởi đầu cho dự án của mình với mô hình crowdfunding – mô hình gây quỹ từ cộng đồng. Trong đó, thông qua trang gây quỹ Indiegogo hay Kickstarter, chủ dự án sẽ giới thiệu sản phẩm với một số tiền gây quỹ mục tiêu nhất định và chủ dự án sẽ chỉ nhận được tiền quỹ nếu chiến dịch gây quỹ đó đạt mục tiêu.

Ngược lại, những người đầu tư sẽ nhận được quyền lợi là chính những sản phẩm đã đầu tư với mức giá ưu đãi nếu chiến dịch gây quỹ thành công hoặc nhận lại tiền nếu chiến dịch thất bại.

Hiện tại, sau khi đã kết thúc quá trình gây quỹ và đang vận chuyển sản phẩm đến những nhà đầu tư, nhóm dự án tiếp tục lựa chọn mô hình kinh doanh trực tuyến trên nền tảng của Shopify. Đây là nền tảng thương mại điện tử cho phép người bán tạo website bán hàng online tích hợp với mạng xã hội, đăng sản phẩm, tính năng giỏ hàng và thanh toán, xử lý đơn hàng.

PrinCube Học được gì từ chiếc máy in tay cầm nhỏ nhất thế giới1
Nguồn hình:
Indiegogo

PrinCube – Vướng mắc gì?

Mặc dù đạt được nhiều thành công trong quá trình gây quỹ, TheGodThings lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa tới những backer (người đầu tư).

Do nhà máy sản xuất và vận chuyển từ Trung Quốc nên dự án đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khi mà các biện pháp kiểm soát y tế đang được thắt chặt kèm những trở ngại trong quá trình xuất nhập khẩu.

Nhiều backer quan ngại về việc sau 3 tháng vẫn chưa nhận được sản phẩm và đặt dấu hỏi liệu dự án PrinCube có phải là một sự lừa đảo? Đáp lại những comment trái chiều từ cộng đồng, nhóm dự án đã thường xuyên cập nhật tình trạng hàng hóa. Họ cũng hy vọng nhận được sự thông cảm của các backer kèm lời xin lỗi.

PrinCube – Học được gì?

Một ý tưởng phục vụ những nhu cầu nhỏ, nhưng nếu áp dụng được cho một thị trường lớn, có thể đem lại thành công lớn.

Việc thông tin nhanh chóng khi có vấn đề trong quá trình sản xuất và vận chuyển là bắt buộc. Đặc biệt với những dự án gây quỹ từ lòng tin cộng đồng. Ngoài ra, hãy luôn dự tính trước các phương án phòng ngừa rủi ro khi bất trắc.

Bài viết được thực hiện bởi Tuấn Huy.

Xem thêm:

[Bài viết] Ứng dụng gọi xe TADA: Giải pháp bền vững trên nền tảng công nghệ chuỗi khối

[Bài viết] Câu chuyện thương hiệu từ Uber: Hợp tác để kiến tạo tương lai