Revenge shopping - Mua sắm để "phục thù" | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Revenge shopping - Mua sắm để "phục thù"

Hết giãn cách bạn có đi mua sắm cho "bõ thèm"?
Revenge shopping - Mua sắm để "phục thù"

Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels

1. Revenge shopping là gì?

Revenge shopping (danh từ) chỉ hành vi mua sắm thoải mái như một cách giải tỏa tinh thần, “phục thù” cho khoảng thời gian dài không chi tiêu trước đó.

Sau đợt giãn cách kéo dài nhiều tháng liền vì đại dịch COVID, người tiêu dùng tại Việt Nam cũng đang có dấu hiệu mua sắm mạnh tay trở lại nhờ nhiều đợt khuyến mãi lớn như 10.10, 15.10 hay sắp tới là 11.11, Giáng Sinh,...

2. Revenge shopping - Trào lưu giúp hồi phục nền kinh tế?

Cụm từ tiếng Anh “revenge shopping” được nhiều trang báo quốc tế sử dụng đồng loạt vào năm 2020, khi họ chứng kiến cảnh tượng người dân Trung Quốc đổ xô đi mua sắm sau lệnh tháo bỏ giãn cách.

Nhằm bù lỗ trong những ngày đóng cửa, nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ tại quốc gia này đã nỗ lực kích cầu bằng cách tặng phiếu mua hàng. Các chính quyền địa phương thậm chí cũng phát hành phiếu mua hàng trả trước cho người dân để khuyến khích mua sắm, thúc đẩy kinh tế.

Tập san chuyên đề WWD thống kê được rằng thương hiệu thời trang xa xỉ Hermès tại Quảng Châu đã đạt doanh thu ít nhất 19 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 2.7 triệu đô la Mỹ) khi mở cửa trở lại vào đầu tháng 4 năm 2020.

Tuy nhiên, khái niệm “chi tiêu để phục thù” không mới. Nó đã ra đời tại Trung Quốc từ đầu thập niên 1980. Tại thời điểm đó, thuật ngữ baofuxing xiaofei (报复性消费) được dùng để chỉ việc người dân nước này mạnh tay chi tiêu cho các mặt hàng nước ngoài, vốn từng bị hạn chế khi kinh tế quốc gia còn ở chế độ tập trung bao cấp.

titleHagraveng người xếp hagraveng để vagraveo mua sắm tại cửa hagraveng của Gucci tại thagravenh phố Vũ Haacuten Trung Quốc vagraveo thaacuteng 3 2020 Hagraveng người xếp hagraveng để vagraveo mua sắm tại cửa hagraveng của Gucci tại thagravenh phố Vũ Haacuten Trung Quốc vagraveo thaacuteng 3 2020  Nguồn Reuters
Hàng người xếp hàng để vào mua sắm tại cửa hàng của Gucci tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 3, 2020. | Nguồn: Reuters

Hiện nay, làn sóng revenge shopping đã lan rộng sang một số quốc gia khác tại châu Âu và châu Mỹ. Theo Bloomberg, riêng tại Hoa Kỳ, nhờ vào những cú hích kinh tế vào tháng 1 năm 2021, doanh số bán hàng tại các cửa hàng bách hóa đã tăng 21%.

Tuy nhiên, vẫn khó để khẳng định rằng nhờ vào revenge shopping mà nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại.

Hiện tượng revenge shopping nhìn chung đang tập trung chủ yếu ở nhóm người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu trở lên. Trong khi thực tế phải nhìn nhận rằng đại dịch đã khiến nhiều người mất việc, phải tạm nghỉ làm, hoặc bị giảm lương. Họ có thể chỉ mua sắm nhất thời để giải toả tâm lý tiêu cực kéo dài, chứ không đảm bảo rằng sẽ chi tiêu mạnh như trước đây.

3. Dùng revenge shopping như thế nào?

Tiếng Anh

A: Lia, wanna go shopping with me tomorrow?

B: Well... I was done with my revenge shopping last week, so just go without me.

Tiếng Việt

A: Lia, mai đi với mua sắm với tui không?

B: À… Tui sắm cho bõ thèm từ tuần trước rồi, nên thôi cứ đi đi nha.

4. Các từ liên quan đến revenge shopping?

Impulsive buying (danh từ): hành động mua sắm một món hàng mà ban đầu bạn không có ý định mua. Nguyên nhân thường đến từ các tác nhân bên ngoài. Chẳng hạn bạn muốn mua một chiếc đồng hồ vì hay tin có giảm giá.

Compulsive buying (danh từ): hành động mua sắm không kiểm soát, tương tự như impulsive buying, nhưng nguyên nhân chủ yếu đến từ chính người tiêu dùng. Chẳng hạn, vì tâm trạng đang buồn chán nên bạn muốn đi ăn hoặc mua quần áo mới.

Conspicuos consumption (danh từ): hành động cố tình tiêu nhiều tiền để người khác chú ý và ngưỡng mộ vì sự giàu có của mình.

Keep up with the Jonese (thành ngữ): “Cố cho bằng nhà Jones” là hành động “bắt xu hướng”, thấy bạn bè hoặc hàng xóm mua đồ gì mới thì mua theo vì sợ không bằng bạn bằng bè.