Squid Game dạy ta điều gì về nợ nần? | Vietcetera
Billboard banner
19 Thg 10, 2021

Squid Game dạy ta điều gì về nợ nần?

Hơn cả những hình ảnh trần trụi về bản chất con người, Squid Game gợi ra một sự thật đáng lo ngại về vấn đề nợ nần, thứ có thể đang đối mặt với tất cả chúng ta.
Squid Game dạy ta điều gì về nợ nần?

Nguồn: Phim Squid Game (Netflix, 2021)

Xem xong bộ phim đình đám Squid Game gần đây, phải nói là mình thật sự bị ám ảnh. Không phải bởi cảnh máu me trong phim, mà bởi số phận các nhân vật tham gia trò chơi.

Họ là tập hợp những con người có hoàn cảnh khác nhau, trình độ khác nhau, từ tầng lớp trí thức như bác sĩ, giáo viên đến tầng lớp yếu thế hơn như người già, người nhập cư, hay những người bị tha hóa trở thành dân “anh chị”.

Nhưng tất thảy đều có một điểm chung. Đó là họ chìm trong nợ và sẵn sàng đánh đổi mạng sống để có tiền xóa nợ.

Khi “kẻ sát nhân” là nợ nần

Dù những tình tiết trong phim là hư cấu, nhưng có thể nói sự căng thẳng xuất phát từ nợ nần mà bộ phim phản ánh là thực tế tại xứ sở kim chi.

Nợ, hay nói cách khác là áp lực tài chính, là nguyên nhân số 1 khiến tỷ lệ tự tử tại quốc gia này nằm trong top đầu thế giới (theo dữ liệu từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội vào năm 2014).

Báo cáo vào cuối năm 2020 từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng cho thấy quốc gia này có tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP lên đến gần 104%, cao thứ 6 trong khối OECD, và cao nhất trong nhóm các nước phát triển tại châu Á.

Để hiểu đơn giản về con số này, bạn có thể tưởng tượng rằng trung bình với 10 đồng nền kinh tế làm ra thì người dân trong nước đã nợ hết 10.4 đồng. Các khoảng nợ này thường là nợ tiêu dùng và nợ bất động sản.

titleTỷ lệ nợ hộ gia đigravenh tại Hagraven Quốc Theo thống kecirc của OECD trung bigravenh tỷ lệ nợ hộ gia đigravenh đatilde chiếm đến 91 thu nhập tại Hagraven Quốc
Nếu xét trên thu nhập gia đình, tỷ lệ nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc chạm tới mức trung bình cao ngất ngưỡng (191%), theo thống kê của OECD năm 2020.

Năm 2015, công việc của mình là đánh giá tín nhiệm các ngân hàng đối tác. Mình đã rất ngạc nhiên khi xem báo cáo tài chính của các ngân hàng Hàn Quốc. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (Loan to Deposit Ratio, LDR) ở các ngân hàng đều vượt 100%. Tỷ lệ này ở Việt Nam đang áp dụng tối đa là 85%.

Đó là số liệu thống kê được từ các ngân hàng, chưa tính đến các khoản cho vay từ những công ty tài chính tiêu dùng, cho vay đầu tư chứng khoán. Tệ hơn nữa là những khoản tín dụng đen, vay nóng.

Tại Việt Nam, theo phân tích của HSBC vào tháng 5 năm nay, nợ hộ gia đình cũng đã chiếm đến 61% GDP quốc gia, tăng 36% so với năm 2013. Nếu áp dụng theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền Tệ quốc tế, đây là một con số khá cao đối với một nền kinh tế mới nổi.

Vì đâu mà nợ chồng chất?

Dù Hàn Quốc là nước có nền kinh tế phát triển nhất nhì châu Á, nhưng tài sản chỉ tập trung ở nhóm nhà giàu, những cổ đông của tập đoàn kinh tế lớn. Trong khi đó, mức lương bình quân của phần lớn người dân lại tăng chậm so với giá tài sản, nhất là giá nhà đất. Họ làm việc vất vả nhưng không đủ tiền mua nhà và tích lũy.

Lúc này các ngân hàng lại ồ ạt phát hành thẻ tín dụng, nới lỏng quy định để lôi kéo người dùng (một bước đi nảy sinh từ sự khuyến khích của chính phủ Hàn Quốc từ sau khủng hoảng kinh tế năm 1997). Sự dễ dàng tiếp cận công cụ tín dụng cộng với việc không hiểu rõ về cách sử dụng đã khiến nhiều người rơi vào hố sâu của nợ nần.

Ngoài ra các chủ doanh nghiệp, chiếm 1/4 lực lượng lao động tại Hàn Quốc, cũng là nhóm đối tượng đang chìm trong nợ nần. Không có đủ tiền để thực hiện ước mơ kinh doanh, họ tìm đến các dịch vụ cho vay nặng lãi.

“Cái gì cũng có hai mặt”

Như tất cả mọi vấn đề khác, nợ nần cũng có 2 mặt của nó. Do đó mới có khái niệm nợ tốt và nợ xấu. Để hiểu được như thế nào là tốt, xấu, chúng ta cần nhìn vào bản chất của nợ.

Nợ được sinh ra từ hoạt động cấp tín dụng, hay cho vay. Trong đó, bên cho vay cung cấp nguồn tài chính cho bên vay, trong một thời hạn nhất định, kèm lãi suất theo thỏa thuận. Như vậy có thể nói, nợ có ý nghĩa tốt đẹp, mang lại lợi ích cho cả bên vay và cho vay.

Đối với nền kinh tế, hoạt động tín dụng giúp cho tiền được lưu thông, đảm bảo nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, đầu tư và tiêu dùng.

titleNợ sinh viecircn Nợ sinh viecircn coacute thể được xem lagrave một moacuten nợ tốt nếu họ đảm bảo được việc học chăm chỉ vagrave coacute cơ hội tigravem được cocircng việc tốt sau đoacute để trả nợ Nguồn Jeswin ThomasUnsplash
Nợ sinh viên có thể được xem là một món nợ tốt, nếu họ đảm bảo được hiệu quả học tập và tìm được công việc có mức thu nhập tốt sau đó. | Nguồn: Jeswin Thomas/Unsplash

Vậy như thế nào là nợ xấu? Đối với ngân hàng, nợ xấu là từ dùng để mô tả khoản nợ mà người vay nợ mất khả năng trả nợ đúng hạn. Trong quản lý chính cá nhân, nợ xấu được hiểu là những món nợ tiêu dùng, không tạo ra nguồn thu nhập cho người vay.

Cầm nợ cũng giống cầm dao trong tay

Dù định nghĩa thế nào đi nữa, thì nợ chỉ là một công cụ tài chính, và công cụ này có rủi ro, giống như chiếc dao có thể làm đứt tay người cầm vậy.

Nhiều người vì sử dụng dao và bị đứt tay, nên từ đó sinh ra tâm lý tiêu cực. Có người thậm chí chọn không bao giờ đụng đến dao vì sợ bị tổn thương lớn. Nhưng cũng có người tiếp tục sử dụng và học cách để không bị đứt tay. Như vậy, việc sử dụng dao tốt hay xấu là do người dùng, chứ không có con dao được tạo ra với “nhiệm vụ” làm việc tốt hay việc xấu.

Tương tự đối với nợ, hoặc chúng ta cố gắng để không bị mắc nợ. Hoặc là vay nợ và học cách quản lý nợ để cuộc sống dễ dàng hơn. Chúng đều là lựa chọn của mỗi người.

Kết

Những câu chuyện về vỡ nợ, tán gia bại sản thường khiến nhiều người xem việc mắc nợ nói chung như một sự thua kém, thất bại.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khách quan, việc mắc nợ không tốt cũng không xấu. Hiểu được rủi ro của nợ, sẽ giúp chúng ta sử dụng nợ một cách tỉnh táo, không vay quá khả năng trả nợ và có trách nhiệm hơn với sự lựa chọn của mình.

Hy vọng, không ai trong chúng ta phải trở thành người chơi “Squid Game”.