"Startup năm lớp 3 của mình không đạt product-market fit nên thất bại" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
17 Thg 12, 2021

"Startup năm lớp 3 của mình không đạt product-market fit nên thất bại"

Với chị Phương Anh, bài học tài chính hữu ích nhất đơn giản là tiết kiệm hoặc/và đầu tư trước, rồi mới chi tiêu.
"Startup năm lớp 3 của mình không đạt product-market fit nên thất bại"

Nguồn: Hà Phương Anh.

#TheMoneyDate là nơi những nhân vật chia sẻ góc nhìn của họ về tài chính cá nhân, sự nghiệp và cuộc sống.

Hà Phương Anh là co-founder và CRO của OpenCommerce Group, với gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực marketing và công nghệ. Chị là người thích làm việc, du lịch, khám phá những điều mới và tìm kiếm thử thách.

Trong quá trình phát triển bản thân, có những thứ chị ước gì đã thử sớm hơn, hoặc có người nói với mình sớm hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Ngồi cùng Vietcetera dịp này, chị chia sẻ những trải nghiệm của bản thân về tiền bạc. Với chị Phương Anh, đầu tư vào bản thân luôn là những khoản đầu tư đáng tiền.

1. Mức lương đầu tiên mà chị nhận là bao nhiêu?

Số tiền đầu tiên mình kiếm được là 500 đồng, nếu mình nhớ không nhầm là vào năm mình học lớp 3.

Hồi đó một nhóm ba đứa đã rủ nhau tự làm một tờ báo quy mô trường. Bọn mình tự đi phỏng vấn các bạn học, tự làm thơ, tự lôi những thâm cung bí sử của giới học sinh truyền tai nhau lên báo, rồi đi photo để bán. Hình như đợt đó chúng mình cũng chỉ bán được vài quyển vì các bạn mua rồi chia nhau đọc hết. Sản phẩm không đạt “product-market fit” nên thất bại.

Lên cấp 2 thì mình phát hiện ra một quán bán rùa cảnh ngay cạnh trường mà không ai biết, nên mình đã tạo “trend” (xu hướng) bằng cách mua một con rùa, và ngày ngày cho nó đi học cùng, đi dạo sân trường cùng mình. Sau đó các bạn bắt đầu hỏi thì mỗi ngày mình chỉ việc đi học sớm, nhập rùa theo yêu cầu đặt hàng và mang tới trường bán. Tổng đợt mình bán chắc được vài trăm ngàn.

Cấp 3 đánh dấu mốc mình kiếm được 500 ngàn trong khoảng 1-2 tuần. Hồi đó trường mình chuyển ra khu mới, không có hàng quán gì xung quanh. Nắm bắt ngay cơ hội, mình và bạn đã kinh doanh bánh mì, bim bim mỗi giờ ra chơi. Kết quả là thu được số tiền tiêu vặt khá lớn đối với học sinh lúc bấy giờ, nhưng hệ quả là mình đã bị giáo viên bắt và nhận hạnh kiểm khá lần đầu tiên trong đời học sinh. Toàn những phi vụ kinh doanh nhớ đời cả.

2. Khoản đầu tư nào chị thấy đáng tiền nhất?

Tất cả những khoản đầu tư vào bản thân mình đều thấy đáng tiền. Ví dụ như sách, khóa học, tham gia các chương trình khởi nghiệp,...

Mình là người học nhiều, đọc nhiều. Tùy từng thời gian mà mình sẽ đọc những nội dung khác nhau. Hồi mới bắt đầu khởi nghiệp mình đọc rất nhiều những nội dung có thể áp dụng ngay (ví dụ như blog hay case study của những startup đã thành công). Còn bây giờ thì mình đọc nhiều sách để tư duy và xử lý vấn đề một cách có hệ thống.

Ở nội dung nào mình cũng học được một điều gì đó, nên mọi khoản đầu tư để đọc thêm học thêm đối với mình đều rất đáng giá, và mình không bao giờ suy nghĩ hay tiếc tiền khi đầu tư vào bản thân.

3. Mua nhà hay thuê nhà?

Nếu đây là câu hỏi tài chính thì cá nhân mình nghĩ là nên thuê nhà và để tiền đầu tư.

Tuy nhiên thực tế thì mình đã… mua nhà vì mình đề cao trải nghiệm sống. Và cũng chỉ khi mua nhà thì mình mới có thể thiết kế, cũng như đầu tư vào căn nhà để có được trải nghiệm sống mà mình mong muốn.

4. Trong một thế giới hoàn hảo, chị sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?

Mình chưa có mục tiêu nghỉ hưu ở thời điểm hiện tại, vì bản thân mình là người thích làm việc. Tuy nhiên, mình có mong muốn đạt được tự do tài chính năm 35 tuổi, đó là mốc mà mình có thể nghỉ hưu mà không cần phải lo lắng về tiền nữa.

Tuy nhiên nghỉ hưu không có nghĩa là mình không làm gì, mà nó có nghĩa là mình có thể tự do làm nhiều việc mình thích hơn mà không còn gánh nặng về tài chính. Ví dụ mình có thể trở thành một travel vlogger… cho vui, hay có thể dành thời gian chia sẻ những kiến thức mình đã học được cho các bạn mới khởi nghiệp.

Nguồn: Hà Phương Anh.

5. Chị sẽ làm gì nếu trúng số 100 tỷ?

Mình luôn cảm thấy hối tiếc vì những kiến thức mình học được ở 4 năm đại học không phục vụ quá nhiều cho công việc hiện tại, trong khi đó là một trong những quãng thời gian mình nên học hiệu quả nhất. Do đó, nếu trúng số 100 tỷ mình sẽ đầu tư vào những dự án giáo dục phục vụ cộng đồng, ví dụ như:

  • Hướng nghiệp cho các em học sinh cấp 3, sắp phải lựa chọn ngành học. Các em sẽ được hướng dẫn và truyền cảm hứng từ các anh chị đã thành công trong ngành.
  • Các khóa đào tạo kỹ năng mềm mà trường đại học không dạy, nhưng trên thực tế thì cực kỳ quan trọng.
  • Những khóa học tâm lý để giúp các bạn trẻ có thể hiểu chính bản thân mình nhiều hơn, bớt hoang mang khi đứng trước những lựa chọn cuộc sống (như mình đã từng) và định hướng được mong muốn của mình rõ ràng hơn.
  • Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho đủ độ tuổi, từ 10 tuổi trở lên.

Và còn có rất nhiều ý tưởng nữa mình nghĩ ra, tuy nhiên mình cũng không chắc về việc những dự án này có thể “ra tiền” hay không. Đây là những điều mình ước đã được học khi còn trẻ, nên nếu được trúng số 100 tỷ và không phải lo về lợi nhuận, mình sẽ làm những dự án này. Chỉ cần nó giúp được một người, mình cũng vui.

Đồng thời, trong quá trình làm những dự án như vậy, mình cũng hy vọng sẽ tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm, tạo ra giá trị cho xã hội.

6. Theo chị, những người giàu thường có điểm chung gì?

Biết mình muốn gì và có kế hoạch để đạt được nó.

Trừ khi nền tảng gia đình bạn đã có tài chính tốt, còn nếu đi từ hai bàn tay trắng thì mình nghĩ một người bình thường khó có thể giàu nếu họ không có một mục tiêu để theo đuổi, cũng như quyết tâm đạt được nó.

Mình rất hâm mộ Elon Musk, không chỉ vì Musk rất giỏi mà còn vì tính cách quyết liệt, có thể hiện thực hóa mọi mục tiêu dù là điên rồ nhất. Mình nghĩ là những người biết mình muốn gì và quyết tâm cao độ như vậy thì… không giàu cũng khó, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

7. Lời khuyên về tiền hay sự nghiệp tệ nhất mà chị từng nghe?

Lời khuyên dở nhất mà mình từng nhận được là từ một người bạn khi mình vẫn còn là sinh viên, chân ướt chân ráo mới bắt đầu đi làm. Bạn ấy đã khuyên mình “Hãy chú ý đến lợi ích cá nhân, đừng để mình bị thiệt khi đi làm. Chỉ làm đúng phận sự của mình hoặc phù hợp với đồng lương mình được trả thôi”.

Lúc đó thì mình chưa có kinh nghiệm nên cũng không phản bác lời khuyên của bạn ấy ngay. Nhưng mình cũng không thấy nó đúng nên không làm theo, và bản chất đó cũng không phải tính cách của mình.

Nên khi đi làm, mình luôn cố gắng hết sức có thể, chưa biết thì mình học, học được rồi thì cố gắng làm tốt, làm tốt rồi thì cố gắng truyền được cho những người kế tiếp. Cùng với đó là đặt lợi ích của khách hàng, kết quả công việc lên trên hết.

Thực tế 10 năm đi làm cũng đã chứng minh là nếu mình chỉ chăm chăm không để mình bị thiệt khi đi làm, thì chính mình lại là người thiệt nhất khi mình không phát triển được.

Và cũng may mắn là sau đó thì mình cũng không gặp lời khuyên dở nào nữa cả, mỗi lời khuyên mình đều học được một điều gì đó.

8. Một bài học hay lời khuyên về tài chính mà chị tuân theo?

“Tiết kiệm hoặc/và đầu tư rồi mới chi tiêu”.

Mình cũng đã đọc khá nhiều lời khuyên về tài chính nhưng mình thấy đây là lời khuyên đơn giản, hữu ích và dễ áp dụng nhất đối với cá nhân mình. Mỗi tháng, mình đều chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư trước, rồi số còn lại sẽ là số tiền mình chi tiêu.

Mặc dù niềm đam mê shopping cũng thường làm mình tiêu lố một chút, nhưng về cơ bản thì nếu không theo nguyên tắc này, mình chắc chắn sẽ tiêu lố… nhiều chút.

9. Tài sản vô hình giá trị nhất mà chị sở hữu là gì?

Tính ham học hỏi, thích thử thách và sự chăm chỉ.

Mình đã từng tự hỏi rằng, nếu như bây giờ mình mất tất cả, bao gồm cả sự nghiệp mình đã mất nhiều năm cố gắng thì sao? Thật ra ngay từ khi bắt đầu, mình đã hoàn toàn không có gì, ngoài tinh thần ham học hỏi và sự chăm chỉ.

Do đó, nếu như mình mất hết tất cả thì mình vẫn còn những đức tính đó đồng hành, và vì nó là của mình 100%, nên không ai có thể lấy đi cả. Mình hoàn toàn có thể bắt đầu lại, chỉ với hai thứ đó.

Nguồn: Hà Phương Anh.

10. Bài học đầu tiên về tiền mà chị sẽ dạy con cái là gì?

Cách kiếm tiền và cách để mình làm chủ đồng tiền, chứ không phải để tiền làm chủ mình.

Thật ra đối với mình, tiền chỉ là công cụ để trao đổi. Khi có sự tương tác giữa con người với con người, là có nhu cầu cho sự trao đổi. Do đó, ngay từ khi đi học dù là cấp 1 hay cấp 2 thì các bé đều đã có sự tương tác với người khác, dần dần cũng đã hình thành những nhu cầu của riêng mình rồi. Nếu mình cấm hoàn toàn hoặc không hướng dẫn bé một chút nào về tiền, có thể sẽ dẫn đến những sai lệch trong hành vi.

Do vậy, mình sẽ hướng dẫn con cái về cách hoạt động của đồng tiền, cách kiếm tiền để các bé có thể chủ động với nhu cầu của bản thân. Mình cũng sẽ hướng dẫn những kiến thức tài chính cơ bản nhất để làm bàn đạp cho sự phát triển sau này (những thứ mà mình đã chưa được học lúc nhỏ).

11. Theo chị, có gì mà tiền không mua được?

Thời gian của mỗi người.

Dù có bao nhiêu tiền đi chăng nữa thì chúng ta mỗi ngày cũng chỉ có 24 tiếng. Bạn có thể dùng tiền để công việc của mình tiến triển nhanh hơn, nhưng không thể mua thêm thời gian cho bản thân.

Do đó, thỉnh thoảng mình vẫn tự nhắc là “Live every day as if it were your last because someday you’re going to be right” (Hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối của bạn, vì đến một ngày nào đó bạn sẽ đúng).

12. Nếu mai là tận thế, hôm nay bạn sẽ mua gì?

Nếu mai là tận thế, và mình vừa có tiền vừa có nguồn lực để thực hiện mọi thứ mình muốn (đã mất công mơ thì mình mơ cho đáng nhỉ), mình sẽ mua một chiếc máy bay để đưa gia đình và bạn bè cùng đi đến bất kì đâu chúng mình muốn mà chưa có cơ hội đi.

Cuối cùng kết thúc bằng một bữa tối ấm cùng ngắm cực quang, trò chuyện về những hành trình đã qua, chia sẻ với mỗi người rằng chúng mình đã trân trọng nhau ra sao và đã cùng tận hưởng cuộc sống này như thế nào.