Những ngày tháng nặng nề với tình trạng đóng băng, sa thải và nghỉ việc tạm thời, hay tuyển dụng gấp rút do doanh nghiệp phất lên đúng thời điểm — thị trường tuyển dụng cũng đang rối loạn không kém gì những lĩnh vực khác do tác động của đại dịch.
Thậm chí là trước khi đại dịch xảy đến, cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc kinh tế cũng đã đẩy khối sản xuất vào thế phải cân nhắc lại chuỗi cung ứng của mình, với sự chú ý đổ dồn về Việt Nam như một trong những công xưởng sáng giá mới của thế giới tại Đông Nam Á. Sau COVID-19, Việt Nam lại càng được chú ý nhiều hơn.
Với việc Việt Nam bắt đầu tái khởi động kinh tế, trên LinkedIn, Apple đã nhanh chóng đăng tuyển hàng loạt các vị trí tại Việt Nam, từ các vị trí quản lý cấp cao cho đến kỹ sư để “hỗ trợ việc phát triển sản phẩm mới” và đảm bảo “nhà máy sản xuất sẵn sàng cho số lượng sản xuất lớn”. Tuy nhiên, có rất nhiều lĩnh vực vẫn đang đối mặt với việc phải sa thải nhân sự.
Giữa trình trạng bất ổn đó, chúng tôi tìm đến các đơn vị tuyển dụng hàng đầu tại Việt Nam để nghe họ phân tích cũng như đưa ra dự đoán về xu hướng tuyển dụng trong thời gian tới đây.
Toản Nguyễn, Co-founder, Recruitery
Anh có thể chia sẻ nhận định của mình về tình trạng hiện nay của thị trường tuyển dụng? Lĩnh vực nào vẫn đang tuyển dụng thêm, lĩnh vực nào đã ngừng tuyển dụng và phải cắt giảm nhân sự?
Thông thường, sau Tết là mùa tuyển dụng sôi động nhất. Tuy nhiên, năm nay mọi thứ khác hoàn toàn vì đại dịch COVID-19. Nó ảnh hưởng đến kế hoạch của hầu hết mọi doanh nghiệp.
Khi doanh thu bị giảm mạnh, một số startup bị ngừng giải ngân nguồn vốn, nhiều dự án mới cuối năm 2019 bị các công ty cắt đi. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp tạm ngừng việc tuyển dụng, thậm chí là cắt giảm nhân sự. Vì chi phí nhân sự là một trong những chi phí tốn kém nhất.
Số lượng hồ sơ nhân sự tìm việc mới được giới thiệu trên nền tảng Recruitery thời gian vừa qua tăng chóng mặt, ngoài ra bên mình có tạo một nhóm trên Facebook để hỗ trợ các lao động mất việc vì COVID-19, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp sa thải nhân sự tìm kiếm việc mới cho nhân sự. Chỉ trong vòng chưa tới một tuần mà thành viên tham gia hơn 4.000 người.
Ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp làm về ngành Bất động sản, Du lịch, Dịch vụ lưu trú, F&B và Giải trí ngoài trời. Kể cả doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines hay các startup công nghệ cũng bị ảnh hưởng lớn, tiêu biểu như Traveloka, OYO… Một số ít chuyển đổi sang hình thức trực tuyến nhưng thực sự vẫn ở mức cầm chừng.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển mạnh như e-commerce, e-learning, vận chuyển hàng hoá, đặc biệt nhất là ngành giải trí trực tuyến như phim ảnh và trò chơi. Các công ty cung cấp SaaS (Software as a Service) — chuyên cung cấp giải pháp chuyển đổi số, với các sản phẩm mang tính toàn cầu vẫn tăng trưởng tuyển dụng, nhưng ở Việt Nam thực sự cũng chỉ ở mức cầm chừng và không có nhu cầu mạnh về tuyển thêm.
Ngành IT, gia công phần mềm (outsourcing) ở Việt Nam không thấy trường hợp cắt giảm lớn về nhân sự và đa số vẫn còn tuyển nhưng không còn khát người như trước đây. Hầu hết ứng viên sẽ chính thức gia nhập sau khi hết dịch.
Các dự án về nhà máy sản xuất mặc dù đã có kế hoạch tuyển dụng từ cuối năm 2019 nhưng do dịch COVID nên cũng chỉ ở chế độ tìm kiếm nhân sự. Còn các ngành khác thì hầu như đóng băng.
Đối với các lĩnh vực đang tuyển, liệu nhu cầu tuyển dụng của các lĩnh vực này có giữ nguyên sau khi đại dịch kết thúc không?
Những ngành như thương mại điện tử, vận chuyển hàng hoá chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng và cần nhiều nhân sự. Kèm theo đó là các công ty làm về ví điện tử không những vẫn tuyển mà sẽ tuyển nhiều hơn. Tuy nhiên, các ngành khác như e-learning, online game,… sẽ không còn nhiều nhu cầu như trong mùa dịch đó là điều chắc chắn.
Ngoài ra, ngành sản xuất sắp tới cũng sẽ đẩy mạnh tuyển dụng vì đang có nhiều nhu cầu chuyển dịch từ Trung Quốc về Việt Nam. Từ cuối 2019, Recruitery đã nhận được nhiều đơn như vậy, và ngay sau khi nhà nước Việt Nam có các hành động kiểm soát được dịch tốt thì bây giờ bắt đầu đẩy nhanh tuyển dụng.
Một khi nhu cầu tuyển dụng quay trở lại, anh có cách thức tuyển dụng tại các doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào?
Chắc chắn các công ty sẽ cẩn trọng hơn trong việc tuyển dụng và không “đốt tiền” như trước nữa. Họ sẽ tập trung vào việc tối ưu hoá quy trình, áp dụng công nghệ để bớt phụ thuộc vào nhân lực, và đặc biệt tập trung tuyển dụng các nhân sự có tay nghề cao. Với các nhân sự cấp thấp thì xu hướng sẽ là tuyển ngắn hạn, theo hợp đồng tuyển dụng (contractor), làm việc tự do (freelancer) nhiều hơn trước đây.
Một số doanh nghiệp cũng sẽ cố gắng chuyển qua tuyển dụng nhân sự làm việc từ xa (remote worker). Tuy nhiên, theo mình, số lượng doanh nghiệp thực sự có thể làm được như vậy tại Việt Nam vẫn rất thấp.
Sự lên ngôi của xu hướng phỏng vấn việc làm từ xa có nghĩa như thế nào đối với những người đang tìm kiếm việc làm? Liệu xu hướng này sẽ tiếp diễn trong thời gian sắp tới?
Đợt dịch qua, gần như 100% cuộc phỏng vấn việc làm trên Recruitery đều là phỏng vấn từ xa. Ngoại trừ các doanh nghiệp làm về ngành tài chính (do yếu tố bảo mật) thì hầu hết các doanh nghiệp cũng như ứng viên đều thấy phỏng vấn từ xa tiện lợi hơn, giúp cắt giảm thời gian không cần thiết, chủ yếu là thời gian đi lại.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ là họ sẽ tiếp tục để vòng phỏng vấn đầu tiên là phỏng vấn online kể cả khi hết dịch.
Tuy nhiên nó không thể thay thế hoàn toàn được phỏng vấn trực tiếp vì trải nghiệm về môi trường làm việc thực tế, văn phòng thực tế là một trong những thứ giúp ứng viên đưa ra quyết định tốt hơn.
Hải Nguyễn, Founder & CEO, Canavi JSC
Anh có thể chia sẻ nhận định của mình về tình trạng hiện nay của thị trường tuyển dụng? Lĩnh vực nào vẫn đang tuyển dụng thêm, lĩnh vực nào đã ngừng tuyển dụng và phải cắt giảm nhân sự?
Tình hình hiện tại của thị trường tuyển dụng ở Việt Nam hầu hết cũng đang suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn, du lịch, tour lữ hành, hàng không, và đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent — OTA) bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các hoạt động đóng băng, cầm chừng, kéo theo việc cắt giảm hầu hết nhân sự.
Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực F&B, rạp chiếu phim, thời trang, bất động sản, và ngân hàng cũng chịu nhiều ảnh hưởng, do yêu cầu giãn cách xã hội hạn chế mọi người tụ tập. Tuỳ trường hợp mà doanh nghiệp phải cắt giảm từ 10-50% nhân sự, hoặc, cho nhân sự làm việc theo ca.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng như thương mại điện tử, vận chuyển hàng hoá, y tế và ngành hàng thiết yếu. Tuy nhiên, mức tuyển không nhiều.
Đối với các lĩnh vực đang tuyển, liệu nhu cầu tuyển dụng của các lĩnh vực này có giữ nguyên sau khi đại dịch kết thúc không?
Sau dịch bệnh đương nhiên nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng trở lại, nhưng thực tế mà nói không ai biết được bao giờ dịch sẽ kết thúc. Và nếu dịch càng kéo dài lâu, các doanh nghiệp sẽ càng bị thiệt hại nặng nề về tài chính do doanh thu sụt giảm, thậm chí là không còn đủ lực để gượng dậy sau dịch nữa. Ngoài ra, các công ty hiện tại có xu hướng ưu tiên giữ và duy trì nhân sự cũ hơn là tuyển mới.
Với các gói kích thích kinh tế được tung ra để hỗ trợ doanh nghiệp. Một khi nhu cầu tuyển dụng quay trở lại, anh có nghĩ cơ cấu nhân sự tại các công ty sẽ được củng cố và thống nhất hơn không?
Trong tình hình hiện tại, tất cả các công ty đều đang cắt giảm, tối ưu hoá để bộ máy hoạt động tinh gọn hơn. Đối với các nhân sự mới gia nhập đội ngũ, công ty cần họ phải là những người đa năng, có khả năng đảm đương nhiều trọng trách khác nhau. Nhiều công ty hiện cũng đang sát nhập để có thêm nguồn lực về tài chính và củng cố đội ngũ để có thể vượt qua đại dịch thành công.
Sự lên ngôi của xu hướng phỏng vấn việc làm từ xa có nghĩa như thế nào đối với những người đang tìm kiếm việc làm? Liệu xu hướng này sẽ tiếp diễn trong thời gian sắp tới?
Hiện tại, đúng là nhu cầu thực hiện phỏng vấn trực tuyến từ xa đang gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch. Các cuộc phỏng vấn như thế này vẫn sẽ có xu hướng tăng, nhưng khi dịch bệnh qua đi giống như đại dịch SARS năm 2003, mọi thứ vẫn quay lại như cũ. Vì phỏng vấn trực tiếp vẫn dễ dàng đem lại sự tin tưởng cho nhà tuyển dụng cũng như ứng viên hơn là từ xa.
Bryan Lee, Country Manager, Glints Vietnam
Anh có thể chia sẻ nhận định của mình về tình trạng hiện nay của thị trường tuyển dụng? Lĩnh vực nào vẫn đang tuyển dụng thêm, lĩnh vực nào đã ngừng tuyển dụng và phải cắt giảm nhân sự?
Nếu nhìn vào dữ liệu tuyển dụng tại Việt Nam, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra thị trường tuyển dụng trong nước có dấu hiệu chững lại trong thời gian vừa qua. Theo quan sát của chúng tôi, các công ty đang hoạt động trong các lĩnh vực: thương mại điện tử, công nghệ giáo dục, học trực tuyến, game, mạng xã hội, hội thảo trực tuyến, podcast, công nghệ y tế, công nghệ tài chính và hậu cần. Các lĩnh vực đang phải sa thải nhân sự là du lịch, lữ hành, bán lẻ, thời trang và F&B. Các lĩnh vực còn lại phần nào cũng bị ảnh hưởng và đang cố gắng để duy trì số lượng nhân sự hiện tại.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này, Glints đã ra mắt chiến dịch để giúp đỡ doanh nghiệp và những cá nhân đang tìm kiếm công việc. Chúng tôi hy vọng với nguồn lực mà mình mang lại phần nào giúp đỡ được cả hai đối tượng này.
Đối với các lĩnh vực đang tuyển, liệu nhu cầu tuyển dụng của các lĩnh vực này có giữ nguyên sau khi đại dịch kết thúc không?
Chắc chắn rồi! Các công ty đang phát triển đều có chung một đặc điểm — doanh nghiệp của họ có mô hình và định hướng phát triển tập trung vào mảng trực tuyến. Xu hướng toàn cầu trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây đều cho thấy các doanh nghiệp như thế này có mức tăng trưởng bình quân mỗi năm ổn định. COVID-19 không mang đến cho những công ty này một đòn bẩy để họ tăng trưởng tức thì, nó chỉ giúp họ duy trì (và đôi khi là thúc đẩy) sự phát triển mà họ xây dựng bấy lâu nay.
Một khi nhu cầu tuyển dụng quay trở lại, anh có nghĩ cơ cấu nhân sự tại các công ty sẽ được củng cố và thống nhất hơn không?
Trường hợp này sẽ là điển hình chung của phần lớn các công ty. Để tồn tại qua đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp phải xem xét lại về quy trình và hiệu suất của mình. Việc củng cố, thống nhất đội ngũ là cần thiết và sẽ là phương pháp được áp dụng phổ biến trong thời gian tới.
Sự lên ngôi của xu hướng phỏng vấn việc làm từ xa có nghĩa như thế nào đối với những người đang tìm kiếm việc làm? Liệu xu hướng này sẽ tiếp diễn trong thời gian sắp tới?
Không như các cuộc phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn trực tuyến mang đến cho người ứng tuyển cơ hội được tham chiếu thông tin trong quá trình phỏng vấn. Ứng viên cần tận dụng tối đa cơ hội bằng cách chuẩn bị thông tin dễ dàng tham khảo. Ví dụ như dán giấy note trên màn hình máy tính hay đặt tất cả các thông tin trong một trang tài liệu, sử dụng “Ctrl + F” để tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng.
Sự phổ biến của phỏng vấn việc làm từ xa trong thời gian gần đây là vì tính thiết yếu của nó, chứ không phải vì tiện. Và theo tôi, xu hướng này sẽ không tiếp diễn do quy trình này không hiệu quả nếu mục đích là đánh giá chính xác năng lực của ứng cử viên.