Xu hướng "Bình Thường Mới" - Thời cơ vàng cho startup TravelTech Việt vươn mình | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
10 Thg 06, 2020
Xu Hướng Kinh Doanh

Xu hướng "Bình Thường Mới" - Thời cơ vàng cho startup TravelTech Việt vươn mình

Đại diện của Genesia Ventures tại Việt Nam chia sẻ về xu hướng các doanh nghiệp du lịch nên nắm bắt ở hiện tại.
Xu hướng "Bình Thường Mới" - Thời cơ vàng cho startup TravelTech Việt vươn mình

Xu hướng "Bình Thường Mới" - Thời cơ vàng cho startup TravelTech Việt vươn mình

Cuối tuần vừa qua, trên khắp mạng xã hội rộn ràng ảnh du lịch nghỉ dưỡng của mọi người ở Việt Nam. Cuối tuần trước nữa, tôi cũng đã tranh thủ cho mình một chuyến nghỉ dưỡng ở bãi biển vô cùng xinh đẹp tại Quy Nhơn.

Cảm nhận của tôi là vui. Vui vì sau khi bị "đóng băng" gần 2 tháng do COVID-19, du lịch nội địa đang lấy lại đà, các doanh nghiệp du lịch đã có nguồn thu. Và cũng vui vì mọi người đang được tận hưởng thời điểm vàng của du lịch, với "giá phải chăng" hơn.

Bản thân tôi làm quỹ đầu tư và đã từng đầu tư vào một công ty startup TravelTech (Công nghệ Du lịch) tên là Luxstay. Sau khi quan sát những xu hướng "bình thường mới" đang được hình thành trong và hậu đại dịch, tôi cho rằng:

Hiện tại không chỉ là thời điểm vàng cho các cá nhân du lịch nội địa, mà cũng là thời cơ cho các startup Việt về TravelTech nắm bắt xu hướng mới để vươn mình.

Dưới đây là nội dung chi tiết chia sẻ thông tin và quan điểm của tôi.

1. Những xu hướng "Bình thường mới" của du lịch Việt

Tuần trước tôi có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với nhà sáng lập Steven Nguyễn của Luxstay. Cả hai đã cùng thảo luận về những xu hướng đang thay đổi trong thói quen và hành vi của khách du lịch trên thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng. Nội dung được tổng hợp đầy đủ bên dưới:

Xu hướng bigravenh thường mới thời cơ vagraveng cho startup traveltech việt vươn migravenh0

2. Những con số và hành động của ngành du lịch Việt hiện tại

Về du lịch nội địa

Tính tới thời điểm này, Việt Nam đã đón ngày thứ 52 không có bệnh nhân lây nhiễm mới trong cộng đồng. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường, nhưng có nhiều điều mới.

Một trong những điều đó là: chúng ta đi du lịch thấy rẻ hơn. Khẩu hiệu: "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” được Chính phủ - Doanh nghiệp - Người dân đồng lòng dâng cao.

Cụ thể, nhằm khai thác nhu cầu du lịch nội địa của gần 100 triệu dân Việt Nam, những biện pháp kích cầu giảm giá sâu trên 50% chưa từng có tiền lệ đang được áp dụng.

Điển hình trong đó là “Đà Nẵng tri ân - Danang Thank You 2020”, diễn ra từ tháng 5 đến tháng 12, với 150 doanh nghiệp du lịch của thành phố này tham gia và đang ra mắt nhiều hình thức khuyến mãi “Giảm giá sốc – Dịch vụ chuẩn – Chất lượng cao”.

Theo VietTravel, tới tháng 8 du lịch nội địa có thể sẽ phục hồi khoảng 30%. Nếu học sinh được nghỉ hè 1 tháng thì con số này có thể lên tới 40-50%.

Xu hướng bigravenh thường mới thời cơ vagraveng cho startup traveltech việt vươn migravenh1

Về du lịch quốc tế

Những tín hiệu lạc quan như trên sẽ khó diễn ra ở phân khúc du lịch quốc tế.

Trước COVID-19, tỉ trọng du lịch từ khách quốc tế chiếm 60% toàn thị trường du lịch Việt Nam. Nhưng với ảnh hưởng của đại dịch, du lịch Việt đã thiệt hại nặng nề.

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng lượt khách của cả quý I đạt 3,7 triệu, giảm hơn 18% so với cùng kỳ.

Kết quả quý II dự kiến còn tồi tệ hơn khi toàn ngành du lịch gần như tê liệt do tình trạng cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng: để thị trường du lịch toàn cầu phục hồi hoàn toàn cần tối thiểu 1 hoặc thậm chí 2 năm. Đây cũng tương đương khoảng thời gian thế giới được điều trị triệt để bởi vắc-xin chống COVID-19.

Mặc dù có đề xuất là mở lại dần cho thị trường quốc tế từ quý 4 năm nay, bắt đầu từ những nước đã chống dịch thành công. Tuy nhiên, sẽ cần rất nhiều nỗ lực để "chữa lành" tâm lý e ngại dịch bệnh, mới có thể kéo khách du lịch quốc tế về lại Việt Nam.

Xu hướng bigravenh thường mới thời cơ vagraveng cho startup traveltech việt vươn migravenh2

Vì vậy bài toán đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam lúc này, đó là:

  • Làm sao mở rộng thêm thị phần và doanh thu từ nguồn du lịch nội địa.
  • Triển khai quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam là điểm đến du lịch an toàn, xanh-sạch-đẹp tới khách du lịch quốc tế để họ book vé du lịch Việt Nam trước cả khi dịch qua.

3. Còn thế giới thì sao? Các startup TravelTech trên thế giới đang làm gì?

Tính tới thời điểm này, thế giới đã có hơn 7 triệu ca nhiễm COVID-19, với hơn 400,000 người chết. Mặc dù thực tế đã có nhiều nước kiểm soát tốt dịch và dỡ bỏ lệnh cách ly toàn xã hội, nhưng đường cong ca nhiễm mới vẫn chưa được san phẳng trên phạm vi toàn cầu.

Thống kecirc thực hiện bởi Worldometers
Thống kê thực hiện bởi Worldometers.

Trong số các nước sớm kiểm soát dịch tốt có tên Trung Quốc, khi đầu tháng 4 đã bỏ lệnh cách ly tại nhiều địa phương. Mặc dù sau đó có xuất hiện làn sóng thứ 2 bùng phát dịch, nhưng Bộ Du Lịch Trung Quốc cũng nhanh chóng đưa ra 3 chính sách “Guidance Policies” để phục hồi du lịch nội địa như:

  • Gói kích cầu du lịch giảm giá có thời gian giới hạn (Stimulating "Early Recovery" with limited-time discount campaign).
  • Khung 4 yêu cầu: "An toàn là trên hết", " Giảm giá 50%", "Kiểm tra tình trạng sức khoẻ trước" và "Phải book vé sử dụng tên thật trước".
  • Chương trình thúc đẩy du lịch địa phương (Provincial Travel Promotion).

Cũng giống như Việt Nam, Trung Quốc cũng sớm tập trung vào kích thích phát triển du lịch nội địa.

Bên cạnh đó, có 2 xu hướng bùng nổ chính trong ngành du lịch hiện nay là:

  • Virtual travel hay cloud travel (du lịch trực tuyến).
  • Livestream quảng bá bán hàng du lịch.

Tổng giám đốc Mr. Liang của Trip.com Group - một trong những tập đoàn du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc - đã bán được khoảng 60 triệu NDT (~ 9 triệu USD) những sản phẩm liên quan tới du lịch trong 5 lần livestream bán hàng.

Bản thân Ctrip - trực thuộc tập đoàn Trip.com - tháng 3 vừa rồi đã thông báo đầu tư 1 tỷ NDT (~ 140 triệu USD) vào du lịch trực tuyến. Công ty hiện nay đang hợp tác với hơn 10,000 công ty làm du lịch từ các hãng hàng không, khách sạn, công ty điều hành tour trên cả nước để cùng thu hút khách hàng với các video thực tế của các điểm du lịch và khuyến khích họ đặt chuyến đi cho mùa hè tới.

Ngoài ra, dịch vụ livestreaming cũng đã được triển khai bởi công ty Fliggy của Alibaba. Tháng 2 vừa qua nền tảng du lịch này có khoảng 25,000 sự kiện livestream và hơn 70 triệu lượt xem. Họ cũng trực tuyến hoá tour thăm quan bảo tàng, vườn bách thú, thủy cung với nền tảng Taobao Live để thu hút khách du lịch tiềm năng, mang tới trải nghiệm "Try-before-you-buy" (thử trước khi mua/book vé).

Xu hướng bigravenh thường mới thời cơ vagraveng cho startup traveltech việt vươn migravenh4

Tương tự, nền tảng đặt vé du lịch trực tuyến Klook cũng triển khai Klook Home mang tới cảm giác gần-như-du-lịch cho khách hàng tại nhà.

Airbnb cũng đã bắt kịp xu hướng khi cho ra mắt các trải nghiệm trực tuyến. Trong đó tập trung vào các hoạt động sinh hoạt mang tính địa phương nhiều hơn là tham quan phong cảnh thiên nhiên, du lịch. Điển hình là cùng host khám phá và chế biến các món ăn bản địa.

Xu hướng bigravenh thường mới thời cơ vagraveng cho startup traveltech việt vươn migravenh5

Bên cạnh đó, công ty Travel World VR có trụ sở tại New Jersey, đã sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và video 360° để tạo ra công cụ tiếp thị hiệu quả cho các đại lý du lịch. Các điểm đến chính, tàu du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và nhà điều hành tour đã được tái hiện sinh động và hấp dẫn với các video VR hay 360°.

Ngoài ra, công ty Sitata ở Canada đã cung cấp nền tảng di động tích hợp cả tính năng theo dõi tình trang sức khoẻ và đưa ra lời khuyên an toàn cho khách du lịch.

4. Startup TravelTech Việt Nam cần làm gì?

Các doanh nghiệp hiện đang tập trung kích cầu du lịch nội địa bằng cách giảm giá và xây dựng lại chương trình tour phù hợp hơn. Đa phần vẫn chưa có nhiều bứt phá và sáng tạo trong việc tích hợp công nghệ vào dịch vụ du lịch.

Điều này dĩ nhiên không thể tránh khỏi vì các công ty trong ngành vừa gánh chịu thiệt hại nặng nề về doanh thu, vừa chịu tổn thất lớn từ cắt giảm nhân sự và chi phí vận hành. Thế nên việc sống sót phải đặt lên hàng đầu.

Nhưng thiết nghĩ, chúng ta là một trong những nước kiểm soát được dịch tốt, là một trong những nước có thể tiên phong trải nghiệm và chứng thực sự thay đổi, những xu hướng mới hình thành như đã đề cập ở trên.

Vì thế đây là thời cơ để các doanh nghiệp RESET lại, thay đổi để phù hợp với những xu hướng đó, cũng như tìm ra cơ hội kinh doanh mới để bứt phá trong thị trường du lịch Việt Nam.

Nhân đây, tôi nhớ Steven Nguyễn của Luxstay cũng đã từng chia sẻ trên Deal Street Asia về cách RESET để vượt qua dịch COVID-19, đó là triển khai thêm mảng Media chuyên về du lịch mang tên Travelmag.

Đây là hành động để đóng góp chung vào nỗ lực quảng bá và khôi phục du lịch Việt Nam. Đồng thời là phương pháp để tăng thêm khách hàng tiềm năng và doanh thu nhằm mục đích phát triển bền vững, chứ không dừng lại ở mô hình kinh doanh nền tảng đơn thuần.

Hi vọng thông qua bài viết này, các startup TravelTech Việt Nam có thể quan sát các xu hướng thay đổi của ngành du lịch trong nước và tham khảo các case study trên thế giới, để có những nước đi bứt phá, vươn lên mạnh mẽ hậu COVID-19.