Thời gian thực tập luôn là cơ hội cho các bạn sinh viên được áp dụng kiến thức đã học vào thực tế và rèn luyện kỹ năng công việc khi mới bắt đầu sự nghiệp.
Tuy nhiên trong môi trường làm việc, thực tập sinh không phải là nhân viên chính thức, và cũng thường nhỏ tuổi hơn so với mặt bằng chung. Vì thế họ cần biết bảo vệ quyền lợi của mình để không bị thiệt thòi.
Từng là thực tập sinh và cũng có kinh nghiệm hướng dẫn cho 2 bạn thực tập sinh khác, tác giả bài viết muốn chia sẻ cách để thực tập sinh bảo vệ quyền lợi và có một thời gian làm việc suôn sẻ.
1. Nắm rõ quyền lợi của mình khi bắt đầu làm việc
Một vấn đề quan trọng thực tập sinh cần phải quan tâm trước khi nhận việc là trợ cấp. Trong buổi phỏng vấn, bạn nên xác nhận lại mức trợ cấp với nhà tuyển dụng và hãy nhớ, không nên vì ngại mà bỏ qua.
Ngoài ra hãy bảo đảm rằng bạn đã đọc kỹ và ký hợp đồng ít nhất trong 2 tuần đầu tiên sau khi nhận việc. Hợp đồng sẽ nêu rõ quyền lợi của bạn và bảo đảm những điều đó không bị xâm phạm.
Trong thời gian làm việc, nếu bạn không nhận được đầy đủ trợ cấp, hãy liên hệ ngay với bộ phận nhân sự, cụ thể là bộ phận phụ trách mảng Tiền lương và Phúc lợi (C&B) của công ty.
Công ty tôi từng thực tập luôn gửi bảng lương cho tôi xác nhận trước khi chuyển khoản. Chỉ là một việc nhỏ nhưng lại khiến tôi tin tưởng công ty và yên tâm hơn nhiều.
Cuối cùng, đối với các bạn sinh viên cần làm báo cáo thực tập, hãy xác định rõ công ty có thể cấp chữ ký và dấu mộc hoàn thành kỳ thực tập cho mình không và ai sẽ là người đánh giá bạn. Điều này giúp bạn biết mình nên thể hiện năng lực chủ yếu với ai và cũng yên tâm làm việc hơn.
2. Làm việc với quản lý trực tiếp
Bạn cần biết rõ quản lý trực tiếp (Line manager) của mình là ai. Họ là người chịu trách nghiệm hướng dẫn, giám sát bạn trong công việc, và cũng là người duy nhất có quyền giao việc cho bạn.
Việc này rất quan trọng, vì nó giúp bạn tránh được việc bị nhờ vả bởi các nhân viên khác. Công việc của thực tập sinh vốn không được hoạch định sẵn, nếu bạn ôm quá nhiều công việc vào người mà không có sự ưu tiên, kết quả là sẽ chẳng có công việc nào hoàn thành tốt.
Chị sếp cũ của tôi luôn căn dặn các thực tập sinh: “Nếu có anh/chị nào trong công ty nhờ các em làm việc cho họ thì phải hỏi họ đã thông báo việc này cho chị chưa. Nếu đã được chị đồng ý thì các em mới làm nhé”.
Dù bản thân không ngại việc nhưng bạn cũng đừng tự biến mình thành một “Yes Man”, ai bảo gì làm nấy.
3. Xác định cơ hội nghề nghiệp khi kết thúc kỳ thực tập
Qua thời gian thực tập từ 3 đến 6 tháng, bạn có thể nắm được mức độ phù hợp của bản thân với công việc, môi trường làm việc và văn hóa công ty.
Nếu xác định sẽ gắn bó lâu dài với công ty, hãy bày tỏ nguyện vọng của mình cho quản lý trực tiếp biết ít nhất một tháng trước khi kỳ thực tập kết thúc. Khi đó, có thể sếp sẽ có một buổi trao đổi ngắn với bạn về công việc, kỳ vọng, định hướng phát triển của công ty.
Ngược lại, nếu cảm thấy công ty không phù hợp, hãy dành thời gian cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Là yếu tố môi trường, văn hóa công ty hay con người không phù hợp với bạn? Nếu là do yếu tố môi trường, có lẽ bạn muốn xem xét chuyển qua một bộ phận, chi nhánh khác?
Nếu quyết định ra đi, đừng quên giữ liên lạc với các anh chị nhân viên, vì biết đâu họ sẽ mang lại các cơ hội nghề nghiệp cho bạn trong tương lai.
Cuối cùng, nếu bạn không được công ty giữ lại làm việc, hãy hỏi rõ lý do vì sao. Nếu nguyên nhân xuất phát từ phía bạn như làm việc chưa hiệu quả, yếu kỹ năng, thái độ thiếu tích cực,... thì hãy lấy đó làm bài học kinh nghiệm.
Bạn còn trẻ và ngoài kia vẫn có rất nhiều cơ hội khác mở ra nếu bạn biết phấn đấu và rèn luyện bản thân.
Kết
Khi mới bắt đầu thực tập, có thể bạn “bị” giao vài việc vặt nhàm chán, như photo tài liệu, scan, nhập liệu,v.v... Nhưng chỉ khi làm tốt việc nhỏ ấy, sếp mới an tâm giao những việc lớn hơn.
Có lần, tôi được phân công nhập danh sách khách hàng và phải gõ lại thông tin từ trang giấy sang file excel. Tuy nhiên, tôi phát hiện các mục chưa được định dạng hợp lý: lúc số lúc chữ. Ngoài ra, phần kết quả tư vấn khách thì mỗi nhân viên viết một kiểu, rất khó phân loại. Vậy là tôi đề xuất cải tiến và gửi kèm file chỉnh sửa.
Tôi nhận được lời khen của sếp vì đóng góp đó và được tin tưởng giao việc khác.
Trong công việc, thái độ tốt đôi khi quan trọng hơn là trình độ. Nếu bạn thể hiện năng lực hơn mong đợi, nhiều cơ hội cao rằng bạn sẽ được đề xuất làm nhân viên chính thức.
Ngoài ra, bạn nên tạo mối quan hệ tốt với các nhân viên trong bộ phận bạn đang thực tập và các bộ phận bạn có thể tiếp xúc (thường là bộ phận Hành chính - Nhân sự), để tránh việc bị đối xử bất công và nhận được sự giúp đỡ khi cần.
Bài viết được thực hiện bởi Rye K.