Tốn Tiền: Mua Nintendo Switch Lite chỉ vì FOMO | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO

Tốn Tiền: Mua Nintendo Switch Lite chỉ vì FOMO

Tôi đã nghĩ rằng máy chơi game sẽ giúp tôi giải quyết những vấn đề còn tồn động trong cuộc sống.
Tốn Tiền: Mua Nintendo Switch Lite chỉ vì FOMO

Nguồn: Nintendo

Những ngày lockdown vì dịch bệnh cũng là lúc trò chơi Animal Crossing nổi lên, trao cho người chơi một lối thoát khỏi thực tại ảm đạm.

Đây là một tựa game mô phỏng đời sống đơn giản có tuổi đời hơn 18 năm. Khi đăng nhập vào trò chơi, bạn chỉ cần vui vẻ rong chơi, câu cá, kết bạn và xây đảo. Bấy giờ, vì dịch bệnh mà nhiều cặp đôi còn tổ chức lễ cưới, bạn bè thì chọn tụ họp cả ở trong game.

Tôi cũng không nằm ngoài cơn sốt Animal Crossing khi dành cả vài tiếng hằng ngày chỉ để xem người khác chơi. Đã “ghiền" thì không được ngại, tôi quyết định mình phải sở hữu tựa game này. Tuy nhiên điều đó đồng nghĩa tôi phải mua một chiếc máy Nintendo Switch khi mà Animal Crossing là tựa game độc quyền của hãng.

Tình hình tài chính có phần eo hẹp, tôi chọn mua phiên bản Lite màu xanh dương (chỉ với 6 triệu) thay vì bản Nintendo Switch (10 triệu) màn hình lớn có thể kết nối được với TV. Lúc đó tôi đã nghĩ đây là phiên bản hoàn hảo, tiết kiệm và đủ để phục vụ cho nhu cầu chơi Animal Crossing của mình.

alt
Đáng lẽ tôi nên mua phiên bản máy này thay vì bản Lite | Nguồn: Unsplash

Vui chưa được bao lâu thì chiếc Nintendo Switch Lite được nằm yên vị và đóng bụi ở một ngăn tủ. Dù đã mua hơn hai năm nhưng thời lượng chơi của tôi chỉ được khoảng 2300 giờ, tương đương với khoảng 3 tháng hơn. Tôi bắt đầu hối hận vì lựa chọn của mình. Lối thoát “tạm thời” của trò chơi là không đủ để tôi níu kéo ở lại với chiếc máy.

Tôi có quá ít thời gian trong ngày để dành ra chơi game. Dù ở nhà 24 tiếng mỗi ngày vì dịch bệnh nhưng tôi vẫn phải làm việc và dành thời gian cho những người thân. Lúc này, chơi game biến thành một nhiệm vụ trong ngày tôi phải hoàn thành trong quỹ thời gian ít ỏi của mình.

Và một khi nó trở thành “việc phải làm", trò chơi đánh mất đi niềm vui của nó. Hòn đảo hoàn hảo như tôi xem trên YouTube mãi không được xây xong.

Yếu tố cân bằng tài chính từng là lý do “then chốt" tôi chọn phiên bản máy Lite, tuy nhiên, tôi quên mất rằng thẻ game của Nintendo cực đắt. Đắt hơn hẳn việc mua game ở ứng dụng Steam và chơi bằng máy tính.

Thời gian đã ít, máy chơi game phí lại cao, tôi hối hận vì đã không mua hẳn chiếc máy Nintendo Switch để ít nhất vẫn có thể cùng chơi với cả nhà, trên một màn hình TV bự. Chiếc máy này đắt hơn 100 USD có lý do của nó. Có rất nhiều trò chơi chúng ta chỉ có thể chơi với 2 người cùng hai tay cầm tách rời.

Tôi suy nghĩ lại về lý do mình mua thực chất chỉ vì thấy ai cũng sở hữu chiếc máy này. Kết hợp với thói quen mua sắm bốc đồng để giải tỏa khi căng thẳng, tôi nhanh tay ‘chốt đơn'. Hành động này chỉ có thể thỏa mãn mình trong một thời gian ngắn. Cảm giác sung sướng được tạo ra từ các chất dẫn truyền thần kinh khi mua sắm không giải quyết được những vấn đề tồn đọng trong cuộc sống.

Việc sử dụng vật chất để đè nén những cảm giác tiêu cực trong cuộc sống lại dẫn tới hậu quả khôn lường hơn: tôi bắt đầu lo lắng về những hóa đơn chưa được trả. Trong khi đó, tôi đã bỏ ra hơn 6 triệu (chưa tính tới việc mua game hết 1 triệu), tương đương 5 tháng tiền điện, cho một thứ không cần thiết.

Nỗi lo này nối tiếp nỗi lo kia. Mua sắm như một cơ chế đối phó chưa bao giờ có thể giải quyết được cốt lõi của sự việc. Điều này tương tự như việc một vết thương hở cần được chăm sóc đúng cách thay vì chỉ che đi bằng một miếng vải thưa.