5 TED talk giúp bừng lại lửa đam mê khi công việc không như ý | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 09, 2020

5 TED talk giúp bừng lại lửa đam mê khi công việc không như ý

Thắp lại lửa đam mê giữa đợt sóng bấp bênh của sự nghiệp qua 5 bài TED talks sau.
5 TED talk giúp bừng lại lửa đam mê khi công việc không như ý

Nguồn: TED Talk.

Tìm việc sau mùa dịch là một vấn đề khá căng não khi nhiều người phải chuyển đổi công việc, thay đổi định hướng và không ít trong số đó, phải nhận những vị trí mà bản thân không thật sự thích giữa tình hình thị trường bấp bênh.

Là một người cũng bất đắc dĩ có một khoảng nghỉ trong sự nghiệp vì ảnh hưởng của COVID-19, mình hiểu điều này có thể khiến ngọn lửa đam mê trong nhiều người bớt rực sáng.

Với 5 bài TED Talk sau đây, mình hi vọng có thể phần nào truyền thêm động lực để các bạn giữ vững đam mê và kiên trì trong định hướng trên hành trình sự nghiệp sắp tới.

Vì sao vài người trong chúng ta không có một “tiếng gọi đam mê” - Emilie Wapnick

"Con muốn làm gì khi lớn lên?", câu hỏi này quen thuộc đến mức nó trở thành nỗi sợ làm biết bao người trằn trọc giữa đêm.

Trong thực tế, rất nhiều người tích cực thử điều mới, nhưng sau đó bỏ ngang vì không chắc mình có muốn theo đuổi duy nhất điều đó hay không. Không phải vì bạn không biết mục đích sống của mình là gì, chỉ là bạn có quá nhiều điều khiến mình tò mò và hứng thú.

Emilie Wapnick gọi những người này, bao gồm cả chính cô, là "multipotentialites" - những người “đa tiềm năng”.

  • Điểm mạnh đầu tiên của họ là khả năng liên kết, tổng hợp ý tưởng, rồi sáng tạo ra một điều gì đó mới.
  • Điểm mạnh thứ hai là khả năng học hỏi nhanh. Vì sự tò mò của mình, họ luôn sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm và từ đó có thêm nhiều góc nhìn, kiến thức mới.
  • Điểm mạnh thứ ba đó là khả năng thích nghi - chìa khóa dẫn đến thành công trong nền kinh tế của thế kỉ 21.

Cô Wapnick khuyên những người “đa tiềm năng” đừng tự gồng ép mình theo tiêu chuẩn "chỉ theo đuổi duy nhất một đam mê" của xã hội. Thay vào đó hãy "theo đuổi sự tò mò của bản thân và chấp nhận chính mình, vì điều này mới đem đến một cuộc sống thực sự hạnh phúc cho họ".

Thiên tài sáng tạo ẩn giấu trong mỗi người - Elizabeth Gilbert

Nỗi sợ khá phổ biến với những người làm công việc liên quan đến sáng tạo và nghệ thuật là không thể vượt qua cái bóng quá lớn của một thành tựu trong quá khứ.

Tuy nhiên trong bài nói của mình, Elizabeth Gilbert đã chỉ ra rằng: không phải nỗi sợ này lúc nào cũng tồn tại. Cụ thể là trước thời Phục Sinh, người ta cho rằng sự sáng tạo không thuộc về cá nhân nào, mà là một thực thể tách biệt hẳn khỏi con người.

Nếu bạn thành công với một sản phẩm sáng tạo, thì sự thiên tài đó không xuất phát từ riêng bạn, mà còn bởi bạn đã bắt kịp được nguồn cảm hứng vừa lướt qua mình. Ngược lại, nếu bạn thất bại, thì đó không hoàn toàn là lỗi của bạn, mà chỉ bởi sự thiên tài không đến chơi đúng lúc mà thôi.

Nhờ áp dụng lối tư duy này, tác giả bài nói, cũng là một nhà văn, cùng nhiều nhà thơ, nhạc sĩ, diễn viên khác có thể bám trụ với nghề họ thích vì chịu ít áp lực hơn. Và họ cũng dám nỗ lực hết sức mình, mà không sợ, không nản và không quan tâm người khác nghĩ gì.

Bí quyết dẫn đến hạnh phúc thông qua những “dòng chảy” - Mihaly Csikszentmihalyi

Lớn lên ngay tại châu Âu trong Thế Chiến thứ II, chứng kiến vô số bi kịch, Mihaly Csikszentmihalyi luôn khao khát tìm được bí mật của hạnh phúc.

Sau nhiều năm nghiên cứu và học hỏi, ông đã đúc kết ra rằng khi bước vào "trạng thái dòng chảy" (Flow State), con người sẽ trở nên thỏa mãn hơn với kết quả công việc, cũng như cuộc sống của mình.

“Dòng chảy" là trạng thái mà ở đó có sự tập trung cao độ. Mọi sự diễn ra một cách hiệu quả nhưng cũng đầy tự nhiên, và bạn cảm thấy hứng thú trước mỗi thách thức. Tất cả mọi thứ - kể cả thời gian, dường như đều biến mất, trừ câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm.

Điểm mấu chốt để bước vào được trạng thái này là bạn phải yêu thích công việc mình đang làm. Ngoài ra, sự thử thách hay đòi hỏi sử dụng càng nhiều trí tuệ và kỹ năng sẽ càng làm trạng thái này đến dễ dàng hơn.

Những năm tháng tôi nói "vâng" với tất cả mọi thứ - Shonda Rhimes

Cô Shonda Rhimes là biên kịch, nhà sản xuất đứng sau thành công của hàng loạt phim đình đám như Grey's Anatomy, Scandal và How to Get Away With A Murder. Cô gọi cái cảm giác hào hứng, ý tưởng tuôn trào và tràn đầy năng lượng là "the hum".

Và cô đã luôn có cảm giác hăng say này trong một thời gian dài. Nhưng bỗng một ngày, "the hum" biến mất dù cô vẫn trong guồng quay công việc dày đặc mà mình đam mê.

Cô quyết định trong vòng 1 năm, sẽ đồng ý làm tất cả mọi thứ từ diễn thuyết trước đám đông, đóng phim đến tăng thêm dự án để tham gia. Nhưng kỳ lạ là "the hum" chỉ nhen nhóm lại khi cô quyết định dành ra 15 phút để chơi cùng các con.

Từ đó, cô biết được "the hum" từ công việc không còn là thứ duy nhất định nghĩa mình. "The hum" từ cuộc sống mới chính là niềm hăng say đích thực: là việc cho bản thân niềm vui, cho bản thân cảm nhận sự yêu thương, cho bản thân thư giãn.

Và điều cô đúc kết được tới giờ là: khi trí óc được nghỉ ngơi và tự do, thì đó là lúc khả năng sáng tạo và niềm đam mê trong bạn tuôn trào.

Chỉ cần 10 phút chánh niệm - Andy Puddicombe

Não bộ là vũ khí mạnh nhất của con người, cũng là chìa khóa mở cửa rất nhiều tiềm năng. Thế nhưng chúng ta lại hiếm khi cho trí óc mình được nghỉ ngơi.

Khi con người tỉnh thức, bộ não dùng đến 47% thời gian đó để suy nghĩ vẫn vơ. Và việc này khiến chúng ta nhanh mất năng lượng, cũng như làm việc kém hiệu quả.

Để khắc phục, Puddicombe khuyên rằng: hãy dành ra 10 phút không-làm-gì-cả: không ăn uống, lướt điện thoại, xem phim và không hồi tưởng về quá khữ lẫn tương lai.

Và rồi bạn sẽ nhận ra sự thay đổi lớn trong lâu dài.

Tuy nhiên, đó không phải là 10 phút chết. Trong vòng 10 phút đó, bạn để cho tâm trí mình đi vào trạng thái thiền định và thật sự cảm nhận nhịp sống chung quanh.

Bạn không cần phải căng thẳng vì cố gắng làm cho não trở nên trống rỗng, chỉ đơn giản là để cho mọi suy nghĩ lướt qua mà không soi xét gì. Và đó là cách để bạn có lại được cảm giác tập trung, sự bình tĩnh và sáng suốt trong cuộc sống.

Tổng kết lại thì...

Sau khi xem 5 buổi trò chuyện trên, mình cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn rất nhiều. Mình cũng ngẫm ra rằng chẳng có gì sai khi cho bản thân sống chậm lại giữa vòng xoáy bộn bề để trấn tĩnh tinh thần, thư giãn nhịp thở, và thật sự nhìn nhận những việc mình đang làm bằng con mắt khách quan.

Chúng ta còn trẻ, chúng ta còn thời gian để làm, để chơi, để thư giãn - theo cách mà đa số những diễn thuyết gia ở trên nhận định. Thế nên đừng quá phí hoài nó vào những âu lo. Hãy cố gắng làm điều mình thích và tận hưởng cuộc sống theo đúng nhịp của nó để “dòng chảy” luôn trào trong bạn mỗi ngày.