Mình đã mở khoá não bộ để học tập hiệu quả hơn như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 08, 2020

Mình đã mở khoá não bộ để học tập hiệu quả hơn như thế nào?

Phương pháp mở khóa não bộ để học tập không giới hạn.

Mình đã mở khoá não bộ để học tập hiệu quả hơn như thế nào?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Dù bị chấn thương não từ nhỏ, Jim Kwik vẫn phấn đấu trở thành một ‘huấn luyện viên não bộ’ và một thiên tài về trí nhớ. Trong quyển sách "Limitless" (Vô hạn) của mình, ông khẳng định chúng ta hoàn toàn có khả năng mở khóa tiềm năng học tập vô hạn nếu biết áp dụng đúng phương pháp.

Và theo đó, ông chia sẻ mô hình học tập không giới hạn của mình:

Mình đã mở khoá não bộ để học tập hiệu quả hơn như thế nào0
  • Mindset (Nhìn nhận): hình thành niềm tin và thái độ đúng đắn về khả năng bản thân.
  • Motivation (Động lực): lựa chọn mục đích học tập thông minh (S.M.A.R.T) và phù hợp với ước muốn của bản thân (H.E.A.R.T).
  • Method (Phương thức): áp dụng phương pháp học hiệu quả để tiếp thu nhanh hơn (F.A.S.T.E.R).  

Nhờ các bí kíp của ông, trong vòng 1 tháng mình đã hoàn thành dàn ý cho toàn bộ tiểu thuyết đầu tay, phác thảo xong một số nhân vật và viết được 3 chương đầu. 

Mình vô cùng tự hào với những thành tựu đạt được trong thời gian ngắn. Đồng thời, cũng cảm thấy minh mẫn, lạc quan và sống có ích hơn. 

Vì thế, mình muốn chia sẻ cùng các bạn trải nghiệm học tập này để bạn cũng có thể đạt đến các mục tiêu hiệu quả. 

1. Hình thành niềm tin đúng đắn

Mỗi chúng ta đều thông minh theo một hoặc nhiều kiểu và tài năng có thể rèn luyện được chứ không quyết định bởi thiên phú. Tuy nhiên, không nhiều người biết điều này. Vì thế Jim Kwik chỉ ra 3 bước để bạn thay đổi niềm tin về năng lực cá nhân. 

Mình xin chia sẻ cách đã áp dụng vào thực tế bản thân:

Mình đã mở khoá não bộ để học tập hiệu quả hơn như thế nào1

2. Phát triển động lực

Những người thành công có điểm chung là đều đam mê điều họ đang làm và lấy đó làm động lực phấn đấu. Để xác định liệu mục tiêu bạn đang nghĩ đến có thật sự là điều bạn khao khát và quan trọng hơn, có thể thực hiện hay không, Jim Kwik khuyên mọi người vận dụng 2 mô hình S.M.A.R.T. và H.E.A.R.T.

Mình đã mở khoá não bộ để học tập hiệu quả hơn như thế nào2
Mình đã mở khoá não bộ để học tập hiệu quả hơn như thế nào3

3. Vận dụng phương pháp học tối ưu

Bước cuối cùng để mở khóa tiềm năng đó là áp dụng mô hình F.A.S.T.E.R:

F - FORGET: Quên đi những điều đã biết

Khi bạn mặc định mình đã biết hết mọi thứ, khả năng phát triển của bạn sẽ bị thu hẹp. Do đó hãy bước ra khỏi những giới hạn sẵn có về kiến thức để tiếp thu góc nhìn mới tốt hơn. 

Mình từng cho rằng mình giỏi về viết văn nhờ trí tưởng tượng tốt và được đào tạo về kỹ thuật. Thế nhưng sau khi đặt mục tiêu xuất bản sách, mình quyết định “học lại từ đầu”. 

Mình tìm mua và đọc sách hướng dẫn do các nhà phê bình và các nhà văn đã xuất bản thành công ở thị trường mình hướng tới chắp bút. Đồng thời mình cũng xem các khóa Masterclass để trau dồi kỹ năng. Nhờ đó, mình phát hiện còn rất nhiều thứ phải học hỏi nếu muốn theo đuổi nghiệp viết sách. 

Ngoài ra, Jim Kwik khuyên rằng một trong những giới hạn cần quên đó là khả năng đọc và tiếp thu của bản thân. Mình đã thử kiểm chứng điều này và bắt đầu dùng ngón tay hay bút để dò theo từng chữ. Nhờ đó, tốc độ đọc hiểu sách đã tăng lên 20-30%! 

A - ACTIVE: Học tập chủ động

Qua cuốn Limitless, mình nhận ra một điều: Học tập nên là quá trình chủ động. Việc thụ động tiếp thu kiến thức không biến những gì bạn học được thành kiến thức của mình. 

Vì thế mình đã nghiên cứu để làm cách nào cho việc học tập chủ động hơn. Câu trả lời của mình là: ghi chép. 

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, việc ghi chú bằng tay giúp bạn rèn khả năng nghĩ và chọn lọc nội dung nhanh. Đồng thời, mình cũng có thể biến những suy ngẫm hay câu hỏi trong đầu trở nên hữu hình chỉ với hành động viết xuống mặt giấy.

Vì thế, mình tập thói quen luôn để sẵn sổ và bút trong túi để có thể ghi ngay lại những ý tưởng hay thông tin mới. 

S - STATE: Điều chỉnh tâm trạng

Trạng thái cảm xúc của bạn sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp thu của trí óc. Do đó, mình cố gắng tạo ra môi trường tối ưu nhất để bản thân cảm thấy thoải mái và hứng khởi.

Mình bắt đầu với việc xếp đặt bàn và kệ sách gọn gàng. Tiếp đó là ngồi thẳng lưng để giúp oxy lưu thông dễ dàng đến não, nhằm tăng khả năng tập trung và ghi nhớ. Thỉnh thoảng mình cũng dùng máy phun tinh dầu hay mở nhạc Baroque để cải thiện tâm trạng. 

Ngoài ra, một cách khác mình nghĩ cũng khá hiệu quả là vận động thể chất. Tiến sĩ Michael C. Miller nhận định rằng 10 phút đi bộ mỗi ngày cũng đã đủ để giúp ta cải thiện tinh thần. Bên cạnh đó, tập thở theo phương pháp của Andrew Weil: 4 giây hít thở sâu, 7 giây giữ hơi, và 8 giây thở ra cũng sẽ giúp giảm căng thẳng và suy nghĩ tiêu cực. 

Ngoài ra, việc bổ sung vitamin B, phospholipid DHA, tinh chất curcumin hay ăn những món có lợi cho ruột, não và trí nhớ cũng nên được cân nhắc. 

T - TEACH: Học để dạy lại người khác

Jim Kwik khuyên mọi người hãy tiếp thu kiến thức với suy nghĩ rằng sẽ truyền đạt lại thông tin cho người khác, vì điều này sẽ thay đổi cách chúng ta tiếp cận nội dung và giúp ta tiếp thu tốt hơn. 

Thông thường, mình chỉ đọc một hoặc hai chương sách mà không ghi chú gì. Nhưng khi học với mục đích truyền đạt lại, mình sẽ viết vào sổ những ý chính. Đồng thời, vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống hóa những điều vừa học. 

Mình và người yêu còn có hiệp ước: Mỗi khi đọc và biết được một thông tin mới, ngay trong ngày sẽ phải trao đổi cho nhau nghe. Cách này đã giúp chúng mình ghi nhớ thông tin lâu dài và chính xác hơn. 

Bạn có thể tham khảo mô hình “6 Chiếc nón tư duy” của tiến sĩ Edward de Bono để phát triển tư duy phản biện tốt khi tiếp cận một thông tin mới.

E - ENTER: Viết xuống mọi thứ

Việc viết xuống và đặt một thứ vào thời khóa biểu sẽ làm bộ não tập trung vào việc đó hơn. Từ đó, việc này cũng tự động được bộ não ưu tiên hơn trong danh sách thực hiện. 

Bạn có thể sử dụng phương pháp Bullet journal (ghi chép công việc), kết hợp với Get things done (hoàn thành công việc) để xác định mục tiêu và lên kế hoạch học tập hiệu quả. 

Đồng thời, thử phương pháp Eat that frog hay cụ thể là ưu tiên việc học tập này vào khoảng thời gian dồi dào năng lượng nhất trong ngày, cũng sẽ tạo điều kiện để tiếp thu hiệu quả hơn. Chỉnh sửa bản thảo của ngày hôm trước chính là công việc mình luôn ưu tiên vào buổi sáng để đảm bảo luôn tiến tới trong công cuộc học tập.

R - REVIEW: Thường xuyên xem xét lại 

Jim Kwik khuyên mọi người hãy thường xuyên xem lại những gì đã học để kiến thức được chuyển hóa từ trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn. Ngoài ra, không nên học dồn mà hãy dành ra thời gian nghỉ ngơi để kiến thức thực sự ngấm vào não bộ. 

Mình nhận thấy việc tập trung học tập rồi dành ra thời gian nghỉ ngơi khá giống với phương pháp Pomodoro, nên đã áp dụng cách thức này để điều tiết lịch học của bản thân. 

Mình cảm thấy tình trạng xao nhãng và căng thẳng kéo dài đã giảm đáng kể. Song song đó, khả năng ghi nhớ thông tin và hiệu suất làm việc thì tăng cao. 

Kết luận lại thì...

Những chia sẻ của Jim Kwik khiến mình tin rằng ai cũng có thể vượt qua giới hạn của bản thân để thành công. Và chìa khóa không nằm ở đâu xa xôi mà ở ngay chính bộ não của bạn.