Trữ tiền trong khủng hoảng không "lành" như bạn nghĩ | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
25 Thg 05, 2020
Tài Chính Cá Nhân

Trữ tiền trong khủng hoảng không "lành" như bạn nghĩ

Nên trữ tiền trong khủng hoảng hay đầu tư? Hãy lắng nghe lời khuyên từ chuyên gia tài chính.

Trữ tiền trong khủng hoảng không "lành" như bạn nghĩ

Khủng hoảng do COVID-19 khiến kinh tế thế giới trải qua suy thoái kéo dài và nhiều người phải đối diện với khó khăn tài chính. Nếu bạn phân vân không biết sử dụng đồng tiền như thế nào cho khôn ngoan để vượt qua khủng hoảng, hãy lắng nghe chia sẻ từ một chuyên gia tài chính.

Trữ tiền trong khủng hoảng chưa chắc là cách hay

 "Đồng tiền luôn đi liền khúc ruột”, điều này lại càng thiết thực trong khó khăn. Đa số mọi người sẽ chọn cách trữ tiền mặt hoặc để trong ngân hàng như một phương án an toàn.

Tuy nhiên, cần lưu ý đây không phải là giải pháp lâu dài. Vì quỹ tiền của bạn không tăng thêm mà còn có thể bị mất giá, do nguy cơ lạm phát trong khủng hoảng là rất cao. Ví dụ của Vanguard - một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới, sẽ cho bạn góc nhìn mới về việc sử dụng tiền thông minh trong khủng hoảng.

Có hai người cùng sở hữu 1 triệu USD trong danh mục đầu tư (investment porforlio) giữa khủng hoảng tài chính 2008.

(*) danh mục đầu tư: là danh mục bao gồm nhiều loại tài sản như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, vàng,…

Người thứ nhất chọn cách đầu tư chứng khoán có chiến lược và đã lấy lại vốn vào giữa năm 2010. Đến năm 2017, người này có 1,9 triệu USD trong tài khoản với 50% cổ phiếu và 50% trái phiếu. Nhờ được sử dụng khôn ngoan, số tiền đầu tư trong tài khoản đã nhân lên gấp đôi.

Người thứ hai rút toàn bộ số tiền trong danh mục đầu tư và gửi vào ngân hàng. Khủng hoảng tài chính khiến lãi suất ngân hàng thấp chưa từng thấy, cộng thêm ảnh hưởng từ lạm phát khiến đồng tiền rớt giá. Năm 2017, người này chỉ còn lại 729.214 USD, bằng 38% giá trị tài khoản của người đầu tiên.

Ví dụ này gợi ta nhắc một nguyên tắc quan trọng rằng: nếu tỉ lệ lạm phát lớn hơn lãi suất tiết kiệm của bạn tức là bạn đang mất tiền.

Quả thật không có phương pháp nào là an toàn tuyệt đối và tích trữ tiền vẫn có nhiều rủi ro. Vì thế, một kế hoạch đầu tư thông minh có thể sẽ giúp bạn xây dựng tài chính cá nhân tốt hơn để vượt qua khủng hoảng.

Trữ tiền trong khủng hoảng không

(Credit: Reuters)Hãy tìm kiếm cơ hội đầu tư

David Rae- một chuyên gia về đầu tư cá nhân đã nhận xét: “Các nhà đầu tư tạo ra tiền nhiều nhất trong thời kì khủng hoảng.” Điều này được chứng minh qua những cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ, gây ra bởi chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh, v.v.

Khi dịch SARS tràn lan vào năm 2000, thị trường chứng khoán nhiều nước như Nhật Bản, Hồng Kong và Mỹ đã trải qua thị trường giá xuống (bear market) kéo dài từ 3-4 tháng. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường các nước này cũng chứng kiến thị trường giá lên (bull market) trở lại với chỉ số của một số ngành tăng cao.

Gần đây, điều tương tự cũng xảy ra với thị trường chứng khoán Mỹ. Sau một thời gian dài các chỉ số rớt xuống đáy thảm hại vì dịch COVID-19, giờ đây chúng đã tăng trưởng trở lại. Ngành công nghệ dẫn đầu khi cổ phiếu của Facebook và Amazon, tăng lần lượt là 6% và 2%. Một số công ty thiệt hại nặng nề vì dịch như hãng hàng không United Airlines cũng tăng hơn 5%.

Thực tế, các nền kinh tế hậu khủng hoảng thường chứng kiến chỉ số hồi phục cao hơn các chỉ số suy giảm, và thời gian hồi phục nhanh hơn thời gian suy giảm.

Không chỉ trong chứng khoán, khủng hoảng luôn tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nếu họ biết nắm bắt.

David Rea nhắc chúng ta nhớ rằng đại dịch nào rồi cũng sẽ qua. Chúng ta đã vượt qua những cuộc khủng hoảng tài chính trong quá khứ và đang tận hưởng một nền kinh tế khỏe mạnh lâu dài nhất trong lịch sử, trước khi dịch COVID-19 đến.

Học cách đầu tư đơn giản

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm đầu tư và đang có một khoản tiền nhàn rỗi, David Rae gợi ý rằng đầu tư tự động (automatic investment plan) có thể là phương pháp phù hợp với bạn.

Đầu tư tự động (automatic investment plan) là chương trình cho phép tiền trong tài khoản được tư động đầu tư theo thời gian định kì, dựa trên chiến lược hoặc danh mục đầu tư được thiết lập sẵn.

Ở Việt Nam hiện nay, một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ robot hay trí tuệ nhân tạo vào đầu tư tự động. Ví dụ như ứng dụng Finhay hay ứng dụng i-invest ở Việt Nam, sử dụng công nghệ Fintech để tư vấn đầu tư cho khách hàng dựa trên mức độ ưa thích rủi ro, mục tiêu đầu tư hay ngành đầu tư yêu thích của họ. 

Trữ tiền trong khủng hoảng không

(Credit: Finhay Vietnam)

Sau khi người dùng nạp tiền vào tải khoản Finhay, dù nhiều hay ít, số tiền ấy sẽ được chuyển qua các quỹ đầu tư.

Một quỹ đầu tư lớn đã phát hiện: những tài khoản đầu tư tạo ra lợi nhuận cao nhất thường bị bỏ bê do chủ nhân đã qua đời hoặc lãng quên. Điều đó cho thấy việc đầu tư vào một nguồn tốt và để nó tự hoạt động trong thời gian dài, đôi khi hiệu quả hơn việc “canh” thị trường và liên tục thay đổi nguồn đầu tư của mình

Việc đầu tư trong khủng hoảng thường đi kèm nhiều rủi ro, khiến các nhà đầu tư căng thẳng. Công nghệ của đầu tư tự động sẽ chọn cho bạn những mục đầu tư tốt dựa trên đánh giá chuyên môn, tránh bị ảnh hưởng bởi cảm tính.

Đầu tư cần sự kiên nhẫn và bền lâu

Tập đoàn đầu tư Franklin Templeton Investments đưa ra một ví dụ hay liên quan đến quỹ đầu tư S&P 500 để làm rõ điều này.

Trong vòng 20 năm (ngày kết thúc là ngày 31/12/2019), nếu bạn duy trì đầu tư liên tục theo quỹ S&P 500 bạn sẽ kiếm được hơn 6% lợi nhuận mỗi năm.

(*) Quỹ đầu tư S&P 500 mô phỏng lại chỉ số chứng khoán của S&P 500 (bảng chỉ số chứng khoán của hơn 500 công ty sở hữu nguồn vốn cao nhất). Các nhà đầu tư cùng bỏ tiền vào quỹ, số tiền chung này sẽ được dùng để mua cổ phiếu. Nếu bạn bỏ tiền vào quỹ trong suốt thời gian 15 năm trở lên, bạn gần như chắc chắn sẽ có lợi nhuận.

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư không đầu tư liên tục thì có khả năng lợi nhuận có được chỉ khoảng 2,5 % một năm (khi bỏ lỡ 10 ngày tốt nhất). Thậm chí, lợi nhuận có thể rớt xuống mức âm nếu bỏ lỡ 30 ngày tốt nhất.

Trữ tiền trong khủng hoảng không

David Rea nhận xét việc nhà đầu tư liên tục đổ vốn và thoái vốn khỏi thị trường chứng khoán sẽ phát sinh thêm thuế và các chi phí khác, đồng thời đánh mất cơ hội sinh lời khi thị trường hồi phục.

CEO Finhay, anh Nghiêm Xuân Huy, cũng phủ nhận quan niệm “đầu tư phải sinh lời nhanh”. Anh đã tư vấn cho khách hàng của mình rằng: “Đầu tư là phải xác định sẽ lỗ, danh mục càng rủi ro thì khi sụp sẽ sụp rất kinh! Nhưng nếu đã xác định mục tiêu đầu tư 5 năm, 10 năm thì phải bình tĩnh không được mất tinh thần!”

Đầu tư trong khủng hoảng thường có kết quả khó đoán. David Rea khuyên các nhà đầu tư hãy làm việc với các chuyên gia tài chính và lập một lộ trình đầu tư kỹ lưỡng chia nhiều mục tiêu nhỏ. Luôn giữ tinh thần lạc quan trong khủng hoảng và tin rằng quỹ đầu tư của bạn sẽ ổn thôi.