Tư duy để thăng tiến: "Làm chủ" ngay cả khi đang là nhân viên | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
2 giờ trước

Tư duy để thăng tiến: "Làm chủ" ngay cả khi đang là nhân viên

Làm chủ không chỉ đơn giản là sở hữu doanh nghiệp. Đó là một tư duy, một cách suy nghĩ.
Tư duy để thăng tiến: "Làm chủ" ngay cả khi đang là nhân viên

Nguồn: Pexels

Có nhiều bạn trẻ chia sẻ với mình về cảm giác trăn trở giữa việc ra kinh doanh riêng hay tiếp tục làm nhân viên. Mặc dù bạn biết là cần đi làm ở công ty vài năm để có kinh nghiệm, lúc đó ra kinh doanh sẽ dễ dàng hơn. Nhưng mà thấy bạn bè làm tự do thu nhập tốt, giờ giấc cũng thoải mái ai chẳng dễ đâm ra sốt ruột.

Thật ra thì hồi trước bằng tuổi các bạn mình cũng nóng ruột như vậy. Thế rồi mình thử làm chủ vài lần như kinh doanh online, cho thuê phòng trên airbnb, góp vốn và tham gia vận hành công ty công nghệ cùng bạn bè… Có cái thành công, giúp mình có thêm nguồn thu nhập, có cái thất bại phải dừng lại.

Những trải nghiệm này đã thay đổi cách mình nhìn nhận khái niệm làm chủ:

  • Làm chủ không chỉ đơn giản là sở hữu doanh nghiệp: Đó là một tư duy, một cách suy nghĩ và hành động khác biệt. Bạn có thể làm chủ khi là nhân viên, và ngược lại, không phải ai mở công ty cũng thực sự làm chủ cuộc đời mình.
  • Tư duy làm chủ quan trọng hơn vị trí: Dù bạn nhận lương từ ai hay trả lương cho ai, nếu không có tư duy làm chủ, bạn sẽ khó phát triển bền vững.

Vậy, tư duy làm chủ là gì? Người có tư duy làm chủ sẽ mang trong mình những niềm tin hay phẩm chất nào? Bài viết này sẽ giúp bạn nhìn nhận lại hướng đi cho chính mình.

Làm chủ - làm công: Sướng - khổ thế nào?

Để giải quyết triệt để mối lăn tăn làm chủ hay làm công, trước hết mình sẽ đi qua những điểm lợi và bất lợi của từng khía cạnh này. Ở đây, từ “làm chủ” được dùng theo nghĩa phổ biến là làm chủ doanh nghiệp.

Làm chủ doanh nghiệp: “Nguồn thu” cao hơn, trách nhiệm lớn hơn

Làm chủ thường gắn liền với hình ảnh nguồn thu vượt trội, không bị giới hạn bởi bảng lương cố định. Nếu kinh doanh thuận lợi, bạn sẽ hưởng phần lớn “miếng bánh”. Điều này tạo nên sức hấp dẫn rất lớn cho việc làm chủ.

Không chỉ tiền, làm chủ còn cho bạn nguồn thu về kiến thức và sự tự do. Từ bán hàng, vận hành, phát triển sản phẩm, marketing, chăm sóc khách hàng,… bạn được học tất cả không thiếu món nào.

Bạn tự do ra quyết định, không ai ra lệnh cho bạn, không phải chờ sếp duyệt kế hoạch. Thời gian cũng linh hoạt hơn, ít nhất là trên lý thuyết, bạn có quyền tự do sắp xếp lịch làm việc của mình. Không phải dậy đúng giờ để kịp check-in hay báo cáo đúng hạn.

Tuy nhiên, đi cùng với những quyền lợi đó, làm chủ cũng đồng nghĩa với việc phải gánh trách nhiệm lớn hơn. Bạn phải chịu áp lực từ vận hành, chiến lược đến giải quyết sự cố. Thất bại có thể kéo tinh thần bạn xuống đáy. Lúc đó bạn sẽ tự hỏi: “Tại sao mình lại chọn dấn thân vào cái mớ hỗn độn này?”

Hơn nữa, khác với khi làm nhân viên, bạn không thể “xin nghỉ phép vài ngày” để ngắt kết nối khỏi công việc. Nhất là trong giai đoạn đầu của việc kinh doanh, bạn sẽ không bao giờ được “nghỉ ngơi” đúng nghĩa. Ngay cả khi không làm việc, tâm trí bạn vẫn bị cuốn vào những kế hoạch và quyết định quan trọng. Và không phải ai cũng hiểu được áp lực bạn đang đối mặt nên hành trình làm chủ thường sẽ rất cô đơn

Làm công: “Nguồn thu” ổn định, trách nhiệm ấn định

Làm công mang lại nguồn thu nhập ổn định, tới đúng ngày đúng tháng là được chuyển tới tài khoản ting ting. Ngoài ra còn có các lợi ích đi kèm như bảo hiểm, thưởng hay các ngày nghỉ phép. Lộ trình phát triển rõ ràng cùng sự hướng dẫn từ quản lý giúp bạn định hình mục tiêu và cơ hội thăng tiến. Bạn chỉ cần hoàn thành phần việc của mình, không phải chịu trách nhiệm toàn bộ hệ thống.

Tuy nhiên, cái giá của sự ổn định là nó có thể khiến bạn thấy bó buộc. Thu nhập thường khó bứt phá, phạm vi phát triển bị bó buộc trong vai trò và dự án. Bạn phải tuân thủ giờ giấc, deadline và các quy định từ cấp trên, đôi khi không phù hợp với mong muốn cá nhân. Đặc biệt trong các giai đoạn tái cấu trúc hoặc khủng hoảng kinh tế, một khi công ty đã ấn định cắt giảm nhân sự, lương thưởng thì bạn rất dễ rơi vào thế bị động.

Bước ra khỏi khuôn mẫu

alt
Nguồn: Pexels

Ngày xưa, mình đã từng được truyền cảm hứng bởi câu nói này của Farrah Gray:

Hãy tự xây dựng giấc mơ của bạn, nếu không người khác sẽ thuê bạn xây giấc mơ của họ.

Lúc đó, mình vẫn còn suy nghĩ kiểu giấc mơ của người khác là công ty, là sự nghiệp của họ, nếu mình không được làm chủ thì đó không phải là giấc mơ của mình.

Nhưng bây giờ thì mình không nghĩ vậy nữa. Làm chủ không đồng nghĩa với việc bạn đã hoàn toàn tự do, bởi áp lực từ khách hàng, thị trường, và hệ thống vẫn luôn tồn tại. Thử nghĩ xem, ngay cả khi bạn làm chủ, doanh nghiệp của bạn cũng đang tạo ra sản phẩm, hay dịch vụ đáp ứng cho giấc mơ của khách hàng mà.

Còn một khi có tư duy làm chủ thì làm công không có nghĩa là bạn đang bỏ lỡ giấc mơ của mình. Nếu bạn tận dụng cơ hội để học hỏi, xây dựng kỹ năng, và hiểu rõ bản thân, việc làm công cũng là một phần trong hành trình dẫn đến giấc mơ lớn hơn.

Vậy tư duy làm chủ là như thế nào?

Tư duy làm chủ không phải là việc bạn nhất thiết phải sở hữu một doanh nghiệp hay giữ một vị trí lãnh đạo. Đó là cách bạn chịu trách nhiệm với cuộc sống, công việc, và những giấc mơ của mình. Tư duy này được thể hiện qua cách bạn hành động, đưa ra quyết định, và kiên trì theo đuổi mục tiêu dài hạn.

Cụ thể hơn, có 6 đặc điểm mà mình đã đúc rút được từ chính trải nghiệm cá nhân để giúp bạn dễ hình dung hơn về tư duy làm chủ:

1. Chủ động và độc lập trong công việc

alt
Nguồn: Pexels

Người có tư duy làm chủ luôn tìm cách hoàn thành nhiệm vụ một cách chủ động. Điều này không chỉ dừng lại ở việc làm tốt công việc được giao, mà còn là khả năng tự định hướng và tìm giải pháp khi gặp khó khăn. Thay vì chờ ai đó xử lý một vấn đề, bạn sẽ chủ động suy nghĩ, đặt câu hỏi và đề xuất phương án giải quyết.

2. Tự tạo động lực và kỷ luật cá nhân

Người làm chủ không phụ thuộc vào sự thúc giục hay động viên từ người khác. Họ tự biết cách duy trì động lực để đạt mục tiêu của mình. Mình còn nhớ, hồi mới đi làm, dù đã được sếp duyệt thiết kế vào thứ Sáu, nhưng cuối tuần mình vẫn cảm thấy chưa hài lòng. Thế là mình dành cả thứ Bảy, Chủ nhật để chỉnh sửa lại, và sáng thứ Hai mang lên trình bày với sếp. Chính nhờ những nỗ lực tự giác như vậy mà mình đã có thêm cơ hội thăng tiến.

3. Biết lập kế hoạch và đặt mục tiêu

Người làm chủ không chỉ thực hiện mục tiêu của người khác, mà còn tự đặt ra các mục tiêu cá nhân để phát triển. Nếu bạn làm công việc bán hàng, thay vì chỉ cố đạt KPI tháng, hãy nghĩ xa hơn: làm sao xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng? Khi những khách hàng cũ giới thiệu thêm khách mới, bạn sẽ vượt xa KPI một cách bền vững thay vì lao vào cày cuốc mà vẫn thấp thỏm mỗi tháng.

4. Quản lý tốt các nguồn tài nguyên

alt
Nguồn: Pexels

Người làm chủ biết cách sử dụng thời gian, năng lượng, và các mối quan hệ một cách hiệu quả. Họ hiểu rõ thời điểm nào trong ngày mình làm việc hiệu quả nhất, hoặc biết cách sử dụng sự trợ giúp từ đồng nghiệp và các công cụ để đạt được kết quả tốt nhất.

5. Nhìn xa và lường trước sự đánh đổi trong mỗi lựa chọn

Mọi quyết định đều có sự đánh đổi, và người làm chủ luôn cân nhắc điều này. Họ không chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt, mà còn nghĩ đến chi phí dài hạn. Điều này giúp họ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong cả công việc lẫn cuộc sống.

6. Thấy được giá trị trong công việc

Cuối cùng, người làm chủ là người nhận ra giá trị cốt lõi trong việc mình làm. Họ không chỉ làm để hoàn thành trách nhiệm, mà còn làm vì ý nghĩa mà công việc đó mang lại. Đây chính là động lực giúp bạn vượt qua những khó khăn và thử thách trên hành trình của mình.

Kết

Đừng áp lực khi trở thành ông chủ, bà chủ, cũng đừng cảm thấy thua kém khi chọn làm công. Vì có người chọn làm công cả đời và vẫn hạnh phúc, bởi họ tìm thấy niềm vui trong chuyên môn của mình. Cũng có người làm chủ và cảm thấy tự do, dù vất vả hơn.

Còn nếu bạn đang làm công và muốn làm chủ trong tương lai nhưng hiện tại bạn chưa có một giấc mơ đủ lớn, cũng không sao. Vì mình tin rằng, càng sống, trải nghiệm và hiểu bản thân hơn, những giấc mơ lớn rồi sẽ đến vào một ngày nào đó. Quan trọng nhất, dù làm công hay làm chủ, hãy luôn giữ cho bản thân tư duy của một người làm chủ - làm chủ cuộc đời và giấc mơ của chính bạn.