Nhắc đến “mua trọn gói”, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến các gói dịch vụ ở resort nghỉ dưỡng. Trong đó, gói all-inclusive có mức giá khá cao nhưng sẽ bao gồm toàn bộ bữa ăn, đồ uống có cồn, một số dịch vụ và hoạt động trải nghiệm. Tuy vậy, hình thức “trọn gói” còn xuất hiện ở nhiều mặt hàng và dịch vụ khác trong cuộc sống.
Chẳng hạn khi đi ăn theo nhóm, chúng ta có xu hướng lựa chọn buffet lẩu nướng hoặc các combo có cả đồ ăn - thức uống. Hay như đi ăn bún bò hay bún mọc, nhiều người thường gọi luôn suất đầy đủ thay vì đọc kỹ các lựa chọn. Vậy điều gì đã dẫn đến tâm lý thích mua trọn gói, dù những lựa chọn này có giá cao hơn trong hầu hết trường hợp?
Càng nhiều lựa chọn, càng mệt não
Theo định luật Hick-Hyman, quá nhiều lựa chọn sẽ khiến não bộ mệt mỏi. Và định luật này đúng với hầu hết tình huống chúng ta gặp trong đời sống.
Chẳng hạn khi đi ăn, không ít người ngại đọc thực đơn rồi gọi món. Họ trở nên bối rối trong ma trận các món ăn, và không biết món gì sẽ hợp với mình. Điều này đặc biệt đúng nếu đi ăn theo nhóm đông, mỗi người một khẩu vị khác nhau.
Việc so sánh các gói dịch vụ khi đi resort cũng vậy. Bạn ngán ngẩm khi phải căng não phân tích sự khác biệt giữa từng gói, rồi phải tính toán kỹ xem được gì và mất gì. Dưới tác động của hiệu ứng chim mồi, bạn nhanh chóng đi đến quyết định chọn gói bao trọn để có mọi dịch vụ mà không phải nghĩ nhiều.
Trả tiền quá nhiều lần sẽ khiến bạn đau đầu
Theo giáo sư tâm lý tài chính học George Loewenstein, việc mua đến đâu, trả đến đó sẽ khiến bạn phải suy nghĩ về các chi phí nhiều hơn. Để chứng minh, ông đã tiến hành thí nghiệm quét não người tham gia khi họ đưa ra các quyết định chi tiêu.
Hệ quả cho thấy trong quá trình này, vỏ não trước trán trung gian (medial prefrontal cortex) của họ được kích hoạt. Đây là khu vực gắn liền với cảm giác buồn nôn và các cơn đau mãn tính, do đó còn được gọi là “trung tâm đau” của não.
Khi cơ quan này càng bị kích hoạt nhiều, bạn càng bị stress nặng. Nó còn tạo ra ảo giác khiến bạn nghĩ mình đang phải trả rất nhiều tiền, dù thực tế tổng số tiền cho các dịch vụ này có thể không chênh lệch nhiều so với chi phí trọn gói.
Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng việc đi nghỉ dưỡng mà cứ chốc chốc phải rút ví ra trả tiền ăn hoặc các dịch vụ khác. Việc này vừa khiến bạn mất vui, vừa gây đau đầu do phải liên tục tính toán các khoản tiền bạn bỏ ra.
“Nhẹ đầu” hơn vì biết chính xác số tiền đã phải bỏ ra
Một số resort nắm được nỗi đau của việc mua đến đâu, trả đến đó. Vì vậy họ không tính tiền dịch vụ ngay khi bạn sử dụng, mà đợi đến khi bạn check out mới xuất hóa đơn tổng. Nhưng cách làm này lại dẫn tới một nỗi đau khác, chính là cảm giác nơm nớp khi bạn không thực sự nắm được mình đã chi bao nhiêu tiền.
Ngược lại khi mua trọn gói, bạn đã trả một cục tiền cho tất cả dịch vụ trong resort nên sẽ thấy vô cùng thoải mái. Hiện tượng này được gọi là “kế toán tương lai” (prospective accounting), xảy ra khi người tiêu dùng tập trung vào các khoản “nợ” trong tương lai hơn là những hạng mục đã thanh toán trong quá khứ.
Kế toán tương lai thường phổ biến với các loại sản phẩm hoặc dịch vụ ngắn hạn như kỳ nghỉ dưỡng. Còn với các sản phẩm dài hạn hơn (như ô tô), nhiều người không ngại trả thêm tiền để nâng cấp chúng. Vì một kỳ nghỉ chỉ kéo dài vài ngày rồi hết, trong khi ô tô thì có thể sử dụng được lâu dài.
Tâm lý muốn ở trong vùng an toàn
Nhiều người mua trọn gói đơn giản là vì họ… chưa có kinh nghiệm. Điều này khá phổ biến với người lần đầu đi nghỉ dưỡng ở resort, hoặc lần đầu du lịch tới một đất nước mới.
Vì chưa có kinh nghiệm “thực chiến”, họ thường muốn ở trong vùng an toàn, ít yếu tố thử thách để có được trải nghiệm tốt nhất có thể. Các gói dịch vụ bao trọn và các tour du lịch mang lại cho họ điều này mà không phải suy nghĩ quá nhiều.
Mặt trái của việc mua trọn gói
Dù mang lại cảm giác yên tâm và giúp bạn “nhẹ đầu” về nhiều mặt, các gói combo cũng có những hạn chế nhất định. Trong đó, một nhược điểm thường gặp là chất lượng của từng loại sản phẩm/dịch vụ đi kèm không được đảm bảo.
Điển hình là khi ăn buffet lẩu nướng, có thể bạn sẽ gặp đồ ăn không tươi trong số topping được mang ra. Vì tập trung vào dồn nhiều loại đồ ăn cho khách, nhà hàng thường ít để ý kiểm tra chất lượng của từng thứ. Theo Washington Post, các khu nghỉ dưỡng trọn gói cũng thường nhận nhiều lời phàn nàn về chất lượng đồ ăn.
Bên cạnh đó, nhiều khi chúng ta không thực sự dùng hết các dịch vụ trong một gói như vậy. Chẳng hạn ở resort, các gói all-inclusive thường bao gồm đồ ăn, đồ uống có cồn, các dịch vụ và một số hoạt động trải nghiệm. Nó chính là một dạng chi phí chìm, nên bạn sẽ cảm giác lãng phí nếu không dùng hết những dịch vụ trên. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn muốn khám phá cả các thắng cảnh bên ngoài, chứ không chỉ ở yên trong resort.
Khi nào nên và không nên mua trọn gói?
Mua trọn gói thường là lựa chọn lý tưởng khi đi theo nhóm đông người. Trong một nhóm lớn với nhiều khẩu vị và sở thích khác nhau, việc mua trọn gói sẽ mang lại nhiều sản phẩm/dịch vụ đi kèm với một mức giá hợp lý hơn so với việc chọn riêng.
Chính vì vậy mà buffet lẩu nướng luôn phổ biến cho các kèo đi ăn theo nhóm. Không chỉ có nhiều đồ ăn đi kèm dễ chiều lòng mọi người, buffet lẩu nướng còn có mức giá hợp lý, mà chia theo đầu người thường rất rẻ.
Tương tự với resort, các gói all-inclusive là phương án lý tưởng cho gia đình có cả người già và trẻ nhỏ. Khi có nhiều độ tuổi và nhu cầu khác nhau như vậy, việc tự lên lịch trình sẽ khá “hại não”. Lúc này gói dịch vụ bao trọn sẽ thay bạn lo phần việc này, bạn và gia đình chỉ việc tận hưởng kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, việc mua trọn gói sẽ không phù hợp nếu bạn là người thích du lịch phiêu lưu và muốn khám phá nhiều thứ ở địa phương hơn. Trong trường hợp này, bạn nên thuê khách sạn hoặc phòng nghỉ riêng biệt. Nếu vẫn muốn trải nghiệm ở resort, bạn cần cân nhắc kỹ các gói dịch vụ và chọn ra gói phù hợp nhất với nhu cầu bản thân.