Bẫy "chi phí chìm", làm sao để tránh? | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 11, 2021

Bẫy "chi phí chìm", làm sao để tránh?

Thực chất ai cũng có "chi phí chìm" nhưng không phải ai cũng nhận ra khi nào chúng đánh lừa tâm trí, khiến ta đưa ra những quyết định tài chính thiếu sáng suốt.
Bẫy "chi phí chìm", làm sao để tránh?

Nguồn: Emil Kalibradov/Unsplash

Bạn có từng ra cửa hàng tạp hoá để mua kem nhưng cửa hàng đã hết loại bạn thích; rồi vì đã lỡ mất công đi, nên bạn cũng đành mua một loại khác mà bạn biết ít ngon hơn?

Hay nghe "vĩ mô" hơn, có khi nào bạn cảm giác rằng mình không thực sự thích việc mình đang làm, nhưng bạn vẫn tiếp tục vì đã đầu tư quá nhiều công sức?

Nếu chúng nghe có vẻ quen thuộc, thì bạn đang mắc vào vòng xoáy tâm lý có tên "nguỵ biện chi phí chìm", tên tiếng Anh còn gọi là "sunk cost fallacy". Đây là loại chi phí luôn rõ ràng trên mặt giấy, nhưng rất dễ "chìm" trong lý trí và có thể âm thầm ảnh hưởng đến ví tiền của chúng ta. 

Chi phí chìm là gì?

Chi phí chìm (sunk cost) là thời gian, hoặc tiền bạc bạn đã sử dụng và không thể thu hồi.

Ngụy biện chi phí chìm là trạng thái ta cảm thấy tiếc nuối khi muốn vứt bỏ một thứ mà ta đã dành nhiều thời gian và công sức nhưng không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại. Khái niệm được hình thành dựa trên tâm lý rằng mọi người có mối liên hệ cảm xúc mạnh mẽ hơn với những thứ họ đã mất/đã đầu tư so với những thứ họ đã/sẽ đạt được. 

Để tránh bẫy chi phí chìm, đầu tiên hãy cùng tìm hiểu một số ví dụ để hình dung "hình dạng" của chiếc bẫy.

Ngụy biện chi phí chìm trong đời sống

Ví dụ 1: “Học được 3 năm rồi chẳng lẽ bây giờ lại bỏ?” Vì đã dành một số tiền đáng kể để theo đuổi tấm bằng đại học, sinh viên A quyết định tiếp tục học cho xong, dù đã đi làm và tìm được hướng đi hoàn toàn khác, mà mình quan tâm và có năng lực hơn. 

Ví dụ 2: “Mình không muốn chia tay đâu vì tụi mình đã yêu nhau được 3 năm rồi. Bây giờ chia tay uổng lắm.” Đây có thể xem là một trong những lí do phổ biến cho việc mọi người quyết định tiếp tục một mối quan hệ yêu đương nhiều tổn thương, hay một cuộc hôn nhân không có sự giao thoa về giá trị cá nhân. 

Ví dụ 3: Một nhà đầu tư từ chối bán lại cổ phiếu ở một mức giá tốt so với giá thị trường hiện tại, vì trước đó đã mua với giá cao hơn.

Ví dụ 4: Một doanh nghiệp đầu tư 200 triệu vào dòng sản phẩm mới, nhưng sản phẩm này không bán chạy. Vì đã đầu tư rất nhiều tiền và công sức, họ quyết định đầu tư thêm vào tiếp thị, quảng cáo và bán thêm một thời gian nữa xem sao. 

Trường hợp tương tự đã xảy ra với Kodak. Công ty này vẫn cố chấp theo đuổi dòng ảnh phim truyền thống trong khi thời đại đã chuyển sang dòng máy ảnh kỹ thuật số. Và đây là một trong những nguyên nhân chính đã khiến họ phá sản.

Một số cách để tránh ngụy biện chi phí chìm

Nhìn dài hạn khi phải đưa ra quyết định

Nghĩa là hãy tính toán chi phí cơ hội để đánh giá tiềm năng của các lựa chọn, từ đó dần tạo cảm giác dễ buông bỏ hơn những quyết định đã có vẻ không còn đúng đắn. Nếu bạn chưa biết chi phí cơ hội là gì thì có thể hiểu đây là lợi ích mà bạn bỏ lỡ nếu lựa chọn phương án thay thế khác.

Giả sử bạn đăng ký một khóa học thiết kế tại trung tâm trong vòng 6 tháng. Đầu mỗi tháng bạn phải trả 10 triệu. Nhưng học chưa hết tháng thứ 3, bạn cảm thấy khoá học không đạt được kỳ vọng của mình. Lúc này, bạn bè giới thiệu cho bạn một giáo viên dạy tư có thâm niên nghề, kỳ vọng là truyền tải kiến thức tốt hơn. 

Trong trường hợp này, 30 triệu học phí đã phát sinh được gọi là chi phí chìm. Còn chi phí cơ hội sẽ phải được xem xét ở hai trường hợp: một là bạn học tiếp ở trung tâm, hai là bạn nghỉ trung tâm, chuyển sang học tư.

Chẳng hạn, chi phí cơ hội cho phương án 1 có thể kể đến là: cơ hội được điều chỉnh chương trình học cho phù hợp với nhu cầu cá nhân, hay thời gian học ngắn hơn với nhiều kiến thức cô đọng hơn, thực tiễn hơn.

Theo kinh tế học hành vi, chi phí chìm là thứ đã thuộc về quá khứ. Nó có giá trị trong bảng quản lý ngân sách, chi tiêu của bạn, chứ không còn mang giá trị nhiều đối với các quyết định tương lai. Vì vậy, nếu sau khi đã đong đo chi phí cơ hội và thấy rằng phương án 2 tốt hơn, bạn nên quên đi 30 triệu đã mất.

"Thiền" trong suy nghĩ

Ví dụ, bạn có thể tự hỏi mình, "Tôi đang ở trạng thái cảm xúc nào khi quyết định?" hoặc "Tôi làm điều này có phải vì sợ hãi rằng mình sẽ đánh mất thứ mình đang có (dù nó đã quá méo mó)?". Dừng lại ít nhất 5 phút để tâm trí lắng đọng xuống có thể "cứu" ví tiền và cả quãng đời còn lại của bạn. 

Trao đổi ý kiến với người khác cũng có thể giúp tâm trí của bạn trở nên sáng sủa hơn.
Trao đổi ý kiến với người khác cũng có thể giúp tâm trí của bạn trở nên sáng suốt hơn. | Nguồn: Samson Katt/Unsplash

Quan sát tín hiệu

Chúng ta thường được dạy phải gan dạ và kiên trì, nhưng thực tế chúng có giới hạn. Kiên trì mà không để ý những tín hiệu về việc phải đánh đổi quá lớn phía trước sẽ trở thành bướng bỉnh, mù quáng.

Năm 1996, David Breashears, một nhà làm phim nổi tiếng từng đoạt giải Emmy và đồng thời là một nhà leo núi, đã phải quyết định quay đầu lại khi leo lên đỉnh Everest vì họ nhận ra có một trận bão tuyết đang hình thành.

Khi xuống núi và quay trở lại trại căn cứ, họ đã gặp một số nhà leo núi khác vẫn tiếp tục leo lên. Trận bão tuyết đó cuối cùng đã biến thành thảm họa trên đỉnh Everest, nơi 8 người bị cuốn vào cơn bão và thiệt mạng. Nếu Breashears cũng nhất quyết leo lên, đội của anh cũng có thể đã mất mạng.

Kết

Thật không may là con người không thể loại bỏ hoàn toàn sự thôi thúc của ngụy biện chi phí chìm vì sự hoạt động phức tạp của não bộ. Tuy nhiên, chúng ta luôn có thể theo đuổi và duy trì khoản cách gần với lý tưởng "không đặt nặng cảm xúc về chi phí chìm, và luôn xem xét đến các chi phí biến đổi linh hoạt theo tình trạng ở hiện tại và tương lai khi đưa ra quyết định".