Vì sao nói làm phim còn “đáng sợ” hơn cả làm start-up? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Vì sao nói làm phim còn “đáng sợ” hơn cả làm start-up?

Là khán giả, chúng ta chỉ có nhiệm vụ thưởng thức phim. Nhưng với những người trong ngành, có thể nói làm phim là một “canh bạc” đầu tư liều lĩnh.
Vì sao nói làm phim còn “đáng sợ” hơn cả làm start-up?

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Lắng nghe và theo dõi các tập podcast “BizFF” tại: Podcast Vietcetera | Spotify | Apple Podcast | YouTube

Tiệc trăng máu, Bố già, Mai Lật mặt đều là các tác phẩm gây tiếng vang lớn của điện ảnh Việt những năm gần đây. Các phim này còn có điểm chung, là đều có doanh thu trên 100 tỷ đồng.

Vậy bạn có từng thắc mắc, liệu có “công thức” nào đứng sau thành công về doanh thu của những bộ phim này? Và với doanh thu lớn như vậy, thì kinh phí sản xuất là bao nhiêu, và cách chia lợi nhuận giữa nhà sản xuất, nhà đầu tư, rạp phim và diễn viên thế nào?

Tất cả câu trả lời sẽ có trong tập thứ 2 của BizFF - Hội bạn thân thương trường với chủ đề Ngành công nghiệp làm phim. Host Minh Beta và co-host Hương Trần tiếp tục đồng hành cùng khán giả, cùng với khách mời là đạo diễn, nhà sản xuất phim Phan Gia Nhật Linh (Phan Xine) - người đã có gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh với nhiều vai trò khác nhau.

Có thể thấy đây là một cuộc trò chuyện thú vị giữa một người kinh doanh rạp phim (Minh Beta), một người làm phim (Phan Gia Nhật Linh) và một người ngoài ngành phim ảnh (Hương Trần). Họ sẽ có những góc nhìn và chia sẻ khác nhau thế nào?

Làm sao để chọn một dự án phim và gắn bó với nó lâu dài?

Khi được co-host Hương Trần đặt câu hỏi này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh trả lời: Phải thấy tác phẩm đó là câu chuyện xứng đáng để mình kể, nếu không thì quá trình làm phim sẽ rất cực. Host Minh Beta nhận định điều này cũng khá giống làm start-up, thậm chí căng thẳng hơn vì vòng đời của một tác phẩm điện ảnh ngắn hơn nhiều so với một doanh nghiệp.

Đạo diễn Nhật Linh cũng hé lộ nhiều điều thú vị về chi phí làm phim, cũng như cách chia lời lãi cho rạp phim, nhà đầu tư, quảng cáo, nhà sản xuất và diễn viên sau khi phim công chiếu. Làm phim theo co-host Hương Trần nhận định là còn “nguy hiểm” hơn cả startup, vì nó đúng nghĩa là một quá trình “được ăn cả, ngã về không”.

Vị đạo diễn cũng chia sẻ, COVID-19 đã cho anh bài học về việc chủ động chi phí khi làm phim. Không thể lúc nào cũng trông chờ vào gọi vốn từ nhà đầu tư, cũng như doanh thu từ các phim trước, bởi có nhiều yếu tố ngoài kiểm soát tác động đến 2 nguồn tiền này. Bộ phim sắp tới của anh, Trước giờ yêu, chính là cách anh “thử thách” bản thân làm phim với số tiền ít ỏi.

17may2024bizffsep2khooanguyen19jpg
“Phải thấy tác phẩm là câu chuyện xứng đáng để mình kể, nếu không làm phim sẽ rất cực” - Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Các rạp chiếu phim Việt đang phát triển ra sao?

Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, hiện tại Việt Nam có khoảng 160 cụm rạp với hơn 1000 phòng chiếu. Đây là sự phát triển vượt bậc trong thời gian khá ngắn, bởi năm 2006 Việt Nam mới có cụm rạp đầu tiên là Megastar (tiền thân của CGV Cinemas), và tới 2009 mới chỉ có mười mấy cụm rạp trên khắp đất nước.

Bên cạnh những “ông lớn” như CGV hay Lotte Cinemas, thị trường đã bắt đầu xuất hiện những cụm rạp mới, đánh vào những phân khúc đa dạng hơn. Beta Cinemas của host Minh Beta là một ví dụ điển hình khi đánh vào phân khúc khán giả trung lưu, và tập trung phát triển ở các thành phố loại 2 thay vì thành phố lớn, trực thuộc trung ương. Chủ tịch Beta Group nhận định, thị trường rạp phim ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa chưa được khai thác hết.

Đồng quan điểm này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lấy ví dụ về thị trường miền Tây Nam Bộ. Khu vực này trước đây vốn rất ít rạp phim, nhưng kể từ khi các cụm rạp trung lưu được mở, người dân đã đi xem phim rất nhiều. Vậy là từ mảnh đất bị lãng quên, miền Tây đã trở thành một phân khúc thị trường chính của phim Việt, bên cạnh các thành phố lớn.

Người Việt còn muốn ra rạp xem phim khi Netflix phát triển?

Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, phần lớn khán giả Việt ra rạp xem phim thuộc độ tuổi từ 14 đến 28. Đây cũng là nhóm tuổi tiếp xúc internet và sử dụng Netflix nhiều nhất. Chính vì vậy, dù Netflix đang trên đà phát triển mạnh, thì các cụm rạp vẫn giữ được sức hấp dẫn nhất định với các khán giả trẻ.

Chẳng hạn trải nghiệm xem phim ở rạp khác hoàn toàn với Netflix, vì khán giả sẽ phải tập trung nhìn màn hình trong khoảng 2 giờ đồng hồ thay vì dừng hoặc tua lại nếu cần. Host Minh Beta cũng có chung nhận định như trên: việc xem phim ở Netflix và ở rạp giống như chúng ta ăn cơm nhà, nhưng thi thoảng vẫn ra nhà hàng.

Đứng từ góc nhìn ngoài ngành, co-host Hương Trần lại có quan điểm khá thú vị. Theo đó, Netflix phát triển nội dung theo dữ liệu và thuật toán họ thu thập được từ nền tảng sẵn có. Quả thực cách làm này thiên về tối ưu hóa doanh thu nhiều hơn là nghệ thuật, song cũng đã tạo ra không ít hiện tượng văn hóa mới, thu hút nhiều nhà làm phim từ Hollywood. Đây là yếu tố các cụm rạp cần chú ý khi phân tích xu hướng tiêu thụ phim của khán giả Việt.

17may2024bizffsep2khooanguyen58jpg
Theo co-host Hương Trần, cách Netflix phát triển nội dung phim là điều các cụm rạp nên lưu tâm. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Điện ảnh Việt những năm gần đây, cơ hội & thách thức?

Có thể nói, điện ảnh Việt những năm gần đây đã có nhiều đột phá. Ngày càng có nhiều tác phẩm đạt doanh thu trên trăm tỷ, được công chiếu ở nhiều nước và đạt các giải thưởng lớn.

Những IP phim Việt cũng đã xuất hiện như một cách kéo dài tuổi thọ phim, mà Lật mặt của Lý Hải và Gái già lắm chiêu của Namcito & Bảo Nhân là những ví dụ điển hình. Các nhà làm phim này dường như đã tìm ra “công thức” làm nên những bộ phim trăm tỷ: đề tài về gia đình luôn chạm đến trái tim khán giả Việt.

Dù vậy theo host Minh Beta, thách thức lớn nhất của điện ảnh Việt hiện tại nằm ở nguồn nhân lực. Hầu như mọi khía cạnh đang thiếu nhân lực chất lượng, cần nhiều thời gian tìm kiếm và bồi dưỡng. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng cho biết, nhân lực giỏi của điện ảnh Việt hiện nay hầu như đều phải “outsource” từ các ngành khác.

17may2024bizffsep2khooanguyen54jpg
Host Minh Beta nhận định, thách thức lớn nhất của điện ảnh Việt hiện tại nằm ở vấn đề nhân lực. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Vì vậy, giải pháp lâu dài cho nền điện ảnh Việt là đầu tư vào giáo dục ở tầm vĩ mô. Bản thân đạo diễn Nhật Linh cũng mở các khóa học chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm anh thu thập được sau nhiều năm trong nghề, và host Minh Beta có mong muốn lập quỹ hỗ trợ các nhà làm phim trẻ.

Nếu được làm một nhân vật trong bộ phim bất kỳ, bạn muốn trở thành ai?

Phan Gia Nhật Linh: “Mình rất mơ ước được trở thành Batman, tại ngầu và giàu nữa. Và mình cũng là người khá hướng nội, ngại giao tiếp đám đông, nên cũng thích sống cuộc sống kiểu “ngầm” như vậy”.

Hương Trần: “Mình rất thích những phim có yếu tố hành động, phiêu lưu. Thế nên nhân vật mình thích trở thành nhất là Lara Croft của Angelina Jolie trong Tomb Raider”.

Minh Beta: “Mình sẽ muốn trở thành Superman, vì khá là ngầu, và được bay khắp nơi, có nhiều siêu năng lực nữa”.

Đón xem tập thứ 2 của BizFF - Hội bạn thân thương trường trên kênh YouTube Vietnam Innovators by Vietcetera!